Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

Tranh chợ trời, chợ trời tranh


Đến hôm nay câu chuyện về một bức tranh phấn tiên của Renoir đã được bán ở chợ trời bang Virginia với giá chỉ 7 USD vẫn còn nóng hổi. Nhưng đó là sự may mắn hiếm hoi mà người mua nó có được, còn thì bạn vẫn có thể tìm thấy ở chợ trời khắp nơi trên thế giới những bức tranh đẹp để bày trong ngôi nhà mình.
Đây là một bức tranh được bán ở khu chợ trời ở Brussels (Bỉ); người mua đã rảo qua, ngắm nghía nhiều lần rồi không thể đi nổi nếu cô không mang nó theo! Cảnh được vẽ trong tranh có thể là một góc nào đó của Brussels với con đường lát đá xưa cũ đã lồi lõm, mảng tường đã in dấu thời gian và cỗ xe ngựa của thời quá khứ còn lưu giữ được. Dù tác giả vô danh nhưng bức tranh thật đẹp, xứng đáng được treo ở phòng khách những ngôi nhà sang trọng
Picasso từng nói: “Bất kỳ bức tranh nào cũng hàm chứa điều gì đó khi ta ngắm nhìn nó”; điều đó cũng có nghĩa đừng vội xem thường những bức tranh không được bày trong các gallery hay bảo tàng. Ở nhiều nước trên thế giới, nhất là ở phương Tây, vào những ngày nghỉ cuối tuần có rất nhiều người tìm đến các khu chợ trời (flea market) để vừa thư giãn, ngắm nhìn đủ loại sản phẩm thượng vàng hạ cám được bày bán, vừa tìm cho mình những món đồ ưa thích, có khi là của hiếm, với giá thật mềm.

Trong ngôi nhà ở khu Westminter (Quận Cam, bang California), nơi định cư của một nhà báo cũng là nhạc sĩ nổi tiếng ở Sài Gòn năm xưa, có treo một bức tranh của họa sĩ Lê Bá Đảng mà theo ông cho biết đã mua được tại chợ trời cuối tuần với giá chỉ vài USD!
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm rảo chợ trời của nhiều người, chẳng hạn như cây bút Roberta Smith trong bài viết Khám phá điều giá trị trong mỗi thứ tìm thấy (Finding something worthy in every find) trên tờ New York Times số ra ngày 28/8/2012, thì chính sự khám phá những góc nhỏ trong một bức tranh của tác giả vô danh mới thật tuyệt diệu và thường đem lại những bài học hết sức thú vị cho người mua được nó.
Tranh các loại được bày bán ở khu chợ trời Plainpalais của TP. Geneva (Thụy Sĩ) – cứ vào mỗi thứ Tư và thứ Bảy, chợ trời lại họp ở đây với rất đông khách hàng và người bán; có khá nhiều họa sĩ vô danh mang tranh từ Pháp sang bán ở đây
Hãy ngắm bức tranh và thử tưởng tượng vào một lúc nào đó, tác giả vô danh ấy đang đưa một vệt màu thật mảnh vào một góc nhỏ và rồi sẽ có ít nhất một người nào đó phát hiện điểm tiếp xúc ấy giữa cọ vẽ và mặt toan – điều làm nên sự lạc quan về một bức tranh bất kỳ như Picasso nói. Cũng tương tự như vậy là sự khám phá những câu thơ hay những ẩn dụ đáng nhớ trong một bài thơ của một nhà thơ nghiệp dư nào đó.
Bà Roberta Smith viết: “Vào mùa hè, tôi thích dạo qua các khu bán hàng sale, các shop bán hàng giá rẻ và gần đây là các chợ trời để tìm các bức tranh mà chúng có điều gì đó muốn nói với tôi. Nếu giá cả thích hợp (thường là như thế), tôi sẽ mua chúng, mang về nhà mình”. Dù có chồng là một nhà phê bình mỹ thuật – như Roberta Smith thừa nhận ông chồng đã giúp cho bà có được niềm vui tìm kiếm tranh – thì bà vẫn được dẫn dắt bởi sự ham thích của một “kẻ ngoại đạo”.
Vợ chồng bà đã sống với nhau 26 năm và số tranh tìm kiếm ở chợ trời ngày càng nhiều. Họ thường đến các khu chợ trời ở phía đông Long Island của TP. New York và phía tây bắc bang Connecticut.
Chợ trời tranh tại khu Monmartre (Paris) – ảnh: Lý Hoàng Long
Có những bức rất đẹp do chồng bà mua được, như bức vẽ một lò rèn đang đông khách bằng chì và phấn tiên mà ông mua của một người bán hàng rong ở Roma (Ý) hay bức vẽ một con tàu cùng một núi băng trôi trên biển mà ông mua ở TP. Kansas (bang Missouri) với giá 80 USD. Mùa hè này, họ lại là khách thường xuyên của các chợ trời phía tây nam Connecticut, nơi họ mua được những món đồ tuyệt hảo cũng như vài thứ kém giá trị hơn với giá từ 5-35 USD.
Khá nhiều các thành phố lớn nhỏ ở Mỹ và châu Âu có các khu chợ trời bày bán tranh, với những nơi rất nổi tiếng như Marché aux Puces ở Paris (Pháp), phố Arbat ở Moskva (Nga), Plainpalais ở Geneva (Thụy Sĩ), Camden Lock ở London (Anh), Dr. Flea ở Toronto (Canada)… Du khách nước ngoài thường không thể bỏ qua những điểm đến thú vị này. Ngay ở các nước Đông Nam Á gần gũi với chúng ta cũng không thiếu những khu mua sắm như vậy.
Một nữ du khách người Mỹ chụp ảnh chung với tác giả bức tranh Con chim hót tại chợ đêm Chiang Mai
Thật ra, bản thân việc săn lùng các món hàng “độc” cũng như tranh pháo ở các chợ trời đã mang lại niềm vui, bất kể những thứ mua được có giá trị ra sao. Hãy đến các khu chợ đêm Chiang Mai (Thái Lan), ở đó bạn có thể tìm thấy nhiều bức tranh phong cảnh hay các chủ đề khác nhau được sinh viên Trường Mỹ thuật Chiang Mai vẽ với kỹ thuật khá vững vàng; hoặc một buổi rảo chợ trời Luang Prabang (Lào) bạn có thể mang về những bức tranh thêu tay độc đáo do các nghệ nhân người Mông thực hiện, khác hẳn những kiểu tranh thêu tay thường thấy ở Việt Nam, hay những tranh đề tài Phật giáo do sinh viên trường mỹ thuật địa phương thực hiện.
Giá cả của các loại tranh này dao động từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng tiền Việt. Các họa sĩ sinh viên còn vẽ chân dung cho du khách nước ngoài cũng với giá rất dễ chịu.
Thật tiếc là tại Việt Nam chưa có những chợ trời bán tranh như vậy!

NGUYÊN ĐÁN/DNSGCT

1 nhận xét:

  1. Nếu các bạn không kiếm được chợ trời thì hãy đến với trung tâm tranh pastels nổi tiếng của Danh Hoạc Tạo Đức để mua hoặc học cách vẽ tranh

    Trả lờiXóa