Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

(1) "VĂN HÓA LỪA" HIỆN ĐẠI KIỂU TÀU


Du khách tham quan Cố Cung (Bắc Kinh)
* Ghi chép Minh Diện
Nhóm chúng tôi có 12 người đi du lịch Trung Quốc, khởi hành từ Sài Gòn, theo chương trình sẽ đi thăm Bắc Kinh, Tô Châu, Quế Lâm. Hầu hết thành viên trong nhóm đều là cán bộ nghỉ hưu, gom góp mấy đồng tiền còm trong sổ tiết kiệm, và con cái phụ thêm cho chuyến tham quan. Người “có máu mặt” nhất là chị Lâm, vợ một ông tướng công an đương chức. Chị bao cho mẹ đẻ và mẹ chồng trong chuyến đi dối già.
Đến Bắc Kinh nhóm chúng tôi nhập vào một nhóm du lịch khác cũng từ Việt Nam sang hơn hai chục người, được một hướng dẫn viên người Trung Quốc đưa đi tham quan các nơi theo chương trình.
Phải nói Bắc Kinh là một thành phố vĩ đại, giàu bản sắc văn hóa Trung Quốc, nhiều công trình kiến trúc đẹp, nhiều di tích lịch sử rất đáng được chiêm ngưỡng và suy nghiệm. Thành phố này trật tự, nền nếp hơn Sài Gòn, Hà Nội, không chen chúc xe máy, không có người ăn xin, chụp giựt níu kéo du khách chặt chém từ vài quả cóc, lon nước đến bịch lạc rang như ở bờ Hồ Gươm.
Nói như vậy không phải người Trung Quốc thật thà, mà họ thuộc hạng siêu lừa. Họ lừa có bài bản, lừa theo kiểu “kích dục mê tâm” – kích thích cái tham, làm cho lòng người mê mẩn thiếu sáng suốt rất dễ bị lừa. Phải thừa nhận là họ có “văn hóa lừa” hẳn hoi, ăn sâu, ăn đậm, không ăn vặt.
Khi chúng tôi lên xe đi thăm Cố Cung, tay hướng dẫn viên du lịch nói nói:
- Thưa các bạn Việt Nam, Cố cung, là nơi các triều đại nhà Minh, nhà Thanh ngự trị suốt mấy trăm năm, lịch sử Trung Quốc trải qua bao thăng trầm xuất phát từ chốn cung vàng điện ngọc này…

Viện bảo tàng Cố Cung

Tay hướng dẫn viên nói như hát. Hắn mới khoảng hai nhăm tuổi, ăn mặc lịch sự, nói tiếng Việt làu làu, nhớ không ít tục ngữ ca dao Việt Nam, biết cả chửi thề, khoe rất thích ăn món thị chó rựa mận rìa đê Yên Phụ, Hà Nội và món cà pháo canh cua quán cơm bà Cả Đọi, Sài Sòn.
Nghe hắn nói Cố cung hấp dẫn, ai cũng háo hức, nhưng hắn không cho vào thăm ngay, mà cho xe chạy qua cổng Bắc thành. Tôi hỏi sao lại đi vòng thế, hắn nói:
- Muốn vào thành phải được sự chấp thuận của các quan gác cổng, hôm nay tôi dẫn đoàn qua cổng Bắc, vượng khí đang ở hướng đó.
Nghe hắn như rót mật vào tai, ai cũng gật gù.
Vừa tới cổng thành, đã thấy bộ tứ linh Long, Ly, Quy, Phượng rực rỡ nhảy múa đón rước. Rồi cả một ban tiếp tân, ăn mặc chỉnh tề, ân cần mời đoàn thăm quan lên lầu. Một căn phòng sang trọng, những dãy ghế đánh vec-ni bóng nhoáng. Các du khách vừa an vị, tay hướng dẫn viên trịnh trọng giới thiệu vị giáo sư lịch sử ra nói chuyện với đoàn. Nhìn vị giáo sư, thấy nghi nghi, hình như đây là một diễn viên đóng thế, bởi gương mặt non choẹt. Nhưng anh ta tỏ ra một diễn viên có tài, từ điệu bộ đến lời nói rất đĩnh đạc, nghiêm trang. Hắn nói một mạch về lịch sừ Cố cung, về các triều vua, rất uyển chuyển không hề vấp váp, rồi chốt lại bằng câu chuyện con Tủy Hưu thật hấp dẫn. Hắn nói:
- Thưa quý vị, đời vua Minh Thái Tổ, giữa lúc quốc khố bị rỗng, một đêm ngài nằm mơ thấy một con vật mình rồng, đầu to, ngực to, mông to, có sừng nhọn, lông dày, đứng hút nhanh từng thỏi vàng sáng chói vào bụng. Sau giấc mơ đêm ấy, nhà Minh hưng thịnh, quốc khố đấy vàng, nhà vua cho làm con đường vào thành theo trục Bắc Nam, hướng tài lộc, cho xây cồng Bắc thành này và dùng ngọc phỉ thúy tạc tượng con vật trong mơ, gọi là Kỳ Hưu, nghĩa là kỳ diệu, sau gọi là Tỳ Hưu , đặt tại đây, gọi là tài môn, cổng tài lộc. Hôm nay may mắn đoàn du khách Việt Nam được qua cổng tài lộc vào Tử Cấm thành, may mắn hơn vì quý vị sẽ được chiêm ngưỡng con Tỳ Hưu bằng ngọc phỉ thúy, tạc từ thời Minh Thái tổ...
Mọi người vỗ tay rào rào. Vị “giáo sư” mỉn cười nhã nhặn, ra hiệu mọi người ngồi xuống, nghe nói tiếp về sự mầu nhiệm của Tỳ Hưu.
- Tỳ Hưu là một con vật cực kỳ linh thiêng, mầu nhiêm, có đầu to, ngực to, mông to, nhưng bụng nhỏ và không có hậu môn, chỉ hút vàng bạc châu báu của trời đất vào mà không nhả ra, chỉ làm giàu cho chủ mình chứ không để thất thoát đi đâu một đồng nào. Vì thế người đời xưa gọi là con Thiên Lộc. Từ đời nhà Minh đến đời nhà Thanh, vua ban sắc lệnh chỉ có vua và Hoàng hậu mới được thờ Tỳ Hưu, các hoàng tử, công chúa không được thờ. Đặc biệt nghiêm cấm các quan trong triều tuyệt đối không được thờ Tỳ Hưu, vì sợ quan sẽ giàu hơn vua . Có một người dấu vua thờ Tỳ Hưu, là Hòa Thân, thời Mãn Thanh, đời Càn Long. Hòa Thân, tạc một con Tỳ Hưu bằng ngọc phỉ thúy, to hơn con Tỳ Hưu của vua, trưng trong biệt phủ của mình. Nhờ con Tỳ Hưu ấy Hòa Thân làm quan đến tột đỉnh, chỉ dưới một người trên muôn người, vơ vét hết của cải thiên hạ. Theo thống kê thời ấy, Hòa Thân có biệt phủ 3.000 phòng, 606 gia nhân, 600 thê thiếp, 32 km2 đất, 42 ngân hàng, 75 tiệm cầm đồ 600 cân sâm Cát Lâm, 60.000 lạng vàng, 100 thỏi vàng lớn mỗi thỏi 1.000 lạng, 56.000 thoi bạc mỗi thỏi 100 lạng, 90.000.000 lạng bạc lẻ .v..v..Ưóc tính tài sản của Hòa Thân gấp 15 lần ngân quỹ quốc gia.
Có tiếng xuýt xoa của du khách. Mấy người cười khúc khích, nói với nhau: “Việt Nam mình cũng có vài Hòa Thân rồi đấy!”. Vị “giáo sư” ra hiệu mọi người im lặng rối nói:
- Không chỉ có Tỳ Hưu sinh tài, còn nhiều loại Tỳ Hưu khác mầu nhiêm không kém, như Bồ Lao, Trào Phong, Toàn Nghê, Bi Hi, Bế Ngạn, Phu Hi… Ai muốn con cháu văn hay chữ tốt thì thờ Phu Hi, muốn yên ổn bình an thì trưng Tiêu Đồ, muốn quyền cao chức trọng tiếm loát thiên hạ thì trưng Bế Ngạn…
Mấy vị du khách, mắt sáng lên, lấy sổ tay ghi tên loại Tỳ Hưu hợp với mình. Bà vợ ông tướng công an, không ghi kịp hỏi tôi:
- Cái con gì giữ quyền cao chức trọng anh nhỉ?
Tôí nói:
- Tên nó là Bế Ngạn chị ạ! Hình dáng nó như con hổ, loài chúa sơn lâm đấy.
Vị “giáo sư” đưa mắt nhìn khắp lượt, rồi bằng một thái độ hết sức trịnh trọng, anh ta mời mọi người qua phòng bên xem con Tỳ Hưu ngọc phỉ thúy, anh ta nhắc đi nhắc lại, chỉ được đi lướt qua, liếc mắt nhìn, tuyệt đối không sờ tay vào con vật linh thiêng. Tay hướng dẫn viên cúi rạp người xuống cám ơn vị “giáo sư”, rồi dẫn mọi người qua cái cửa hẹp vào phòng lớn.
Bốn người mặc quần xanh nẹp đỏ, đội mũ quan thời Minh, đứng canh cái bệ gỗ, trên bệ phủ mảnh vải đỏ. Sau khi thắp hương vái, bốn người cầm bốn góc tấm vải hất lên, phía dưới hiện ra con Tỳ Hưu lung linh dưới ánh đèn mầu nhấp nháy . Mọi người không được nhìn kỹ, nên chả biết con Tỳ Hưu bằng ngọc hay bằng đá? Tay hướng dẫn viên hối sang phòng bên.


Tỳ Hưu

Căn phòng rộng thênh thang, bày la liệt đủ các loại Tỳ Hưu to nhỏ lớn bé, trên kệ gỗ, trong tủ kính. Gần chục cô gái bán hàng sốt sắng chào mời khách. Tay hướng dẫn viên nói, chỉ ở đây mới có các loại Tỳ Hưu thứ thiệt, mỗi con vật linh thiêng này được đưa vào Cố cung bày trước anh linh vua Minh Thái Tổ xin ban phúc lộc, rồi mới mang ra đây bán cho du khách.
Mọi người như bị mộng du, bước chân đi rón rén, không giám nói cười, và cứ ngoan ngoãn móc ví đếm tiền mua Tỳ Hưu. Bà vợ tướng công an mua một lúc bốn con Bế Ngạn bằng ngọc, giá mỗi con 9.000 tệ. Bà ta nói với tôi:
- Trưng ở nhà hai con, chỗ làm việc cùa nhà em hai con bác ạ!
Một con Tỳ Hưu nhỏ nhất ở đây có giá 3.200 tệ, tương đương 500 đô la, tức 11.000.000 đồng Việt Nam. Tôi nói nhỏ với ông bạn đi cùng nhóm:
- Hình như không phải bằng ngọc ông ạ? Tôi trông giống hệt mấy con Tỳ Hưu bán ở Hà Nội, Sài Gòn, giá chưa đến một triệu một con?
Ông bạn vênh mặt lên:
- Không có tiền nên nói thế !
Ông rút một nắm tiền ném lên mặt tủ kính. Tôi vội lánh sang chỗ khác, nhìn những cô gái tíu tít đếm tiền, miệng cười tươi như hoa.
..........

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét