Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

Câu hỏi ngược


(Dân Việt) - “Tại sao chế độ lương của cán bộ, công chức hiện nay rất thấp nhưng họ lại rất muốn trở thành cán bộ, công chức?”.

Ảnh minh họa

Câu hỏi ngược này đã được cố vấn chính sách của UNDP tại Việt Nam Jairo Acuna-Alfaro đặt ra khi ông trả lời VietNamNet về vấn đề chống tham nhũng.

Và sau đó ông cũng tự trả lời: “Việc người dân giàu lên là điều có lợi cho đất nước. Nhưng không phải giàu từ tham nhũng”. Ông nói thêm: “Tôi cho rằng trách nhiệm của các nhà chức trách ở Việt Nam là phải chứng minh rằng tất cả tài sản mình sở hữu đều là hợp pháp”. Duy chỉ có điều ông không hiểu, rằng ở Việt Nam, việc này hoặc là dễ ợt, hoặc không thể thực hiện được, nói thế nào cũng đúng, do tình trạng “nền kinh tế tiền mặt”.
Dễ ở chỗ một bản kê khai tài sản và chứng minh số tiền trong kê khai đó thật ra một học sinh lớp 1, trình độ biết đọc, biết viết cũng có thể làm được. Còn sự khó nằm ở những chi tiết “chỉ có ở Việt Nam”, đại loại như vác bao tải tiền đi mua nhà; vàng chôn kênh cột giường... Rửa tiền trong một nền kinh tế tiền mặt là việc dễ nhất trên đời, bởi người bán chỉ quan tâm bạn trả bao nhiêu, chứ không bao giờ chịu sự kiểm soát để phải hỏi tiền ở đâu ra.

Cho nên, không phải là không có lý khi Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng được đưa ra Quốc hội hôm qua đã nhận không ít nghi ngờ. Chẳng hạn quy định về việc kê khai tài sản mở toang: Ngoài những người có chức vụ, quyền hạn theo quy định hiện hành còn được bổ sung thêm những cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên.

Thậm chí, “tất cả những người có chức vụ, quyền hạn”. Nhưng mở rộng mà làm gì khi báo cáo đánh giá của cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tư pháp khẳng định: Việc kê khai, minh bạch tài sản trên thực tế nhìn chung là hình thức, hiệu quả của việc phòng ngừa, ngăn chặn và phát hiện tham nhũng là rất thấp.

Vì sao lại hình thức? Ngày 29.12.2006, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 291 phê duyệt Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006-2010. Chỉ sau vài năm, những mục tiêu cơ bản nhất đã rất nhanh chóng hoàn thành: Hơn 15 triệu thẻ đã được phát hành, tỷ lệ tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán đã vượt cả chỉ tiêu đến năm 2020 là không quá 15%. Nhưng đó chỉ là lý thuyết. Bởi một thực tế được đại diện Ngân hàng Nhà nước thừa nhận: 80% giao dịch qua ATM là để… rút tiền mặt.

Mặc nhiên bọn tham nhũng vẫn có thể cười khẩy khi cái việc tối thiểu nhất là một khung pháp lý để ngăn chặn rửa tiền, cũng còn bị nền kinh tế tiền mặt vô hiệu hóa.

Phong Dao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét