Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2022

Thế giới đang được dẫn dắt bởi những nhà lãnh đạo thiếu tỉnh táo

Thế giới đang được dẫn dắt bởi những nhà lãnh đạo thiếu tỉnh táo
Nhà sử học Niall Ferguson từng viết rằng “bạo lực cực đoan trong thế kỷ XX” đã được thúc đẩy bởi 3 điều kiện tiên quyết: “xung đột sắc tộc, biến động kinh tế và sự suy tàn của các đế chế”. Thật khó để không nhận thấy rằng những điều kiện tiên quyết ấy đang lặp lại trong thế kỷ này.
Chúng ta đang sống trong một thời kỳ vô cùng hệ trọng nhưng lại được dẫn dắt bởi những nhà lãnh đạo không hề tỉnh táo.

Phương Tây hiện bị chia rẽ vì những lo ngại về tỷ lệ sinh, vấn đề nhập cư và chủ nghĩa đa văn hóa. Bất ổn kinh tế cũng đang hoành hành: sau nhiều thập kỷ di dời sản xuất khỏi phương Tây, tái định hướng lĩnh vực tài chính và dịch vụ, và vứt bỏ lĩnh vực năng lượng để theo đuổi chủ nghĩa môi trường không tưởng thì tất cả đều đã bị gián đoạn bởi cuộc Đại suy thoái, cuộc khủng hoảng nhỏ do COVID-19 tạo ra và tỷ lệ lạm phát hiện cao ngất trời. Nền kinh tế toàn cầu đang đứng trên bờ vực nguy hiểm.

Và sau đó là sự suy tàn của các đế chế.

Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng thế giới của chúng ta không còn các đế chế, mà là một thế giới của các quốc gia độc lập. Nhưng điều đó không thực sự chính xác. Hoa Kỳ trên thực tế là một đế chế, ngay cả khi không nằm trong khuôn khổ thuộc địa của Đế quốc Anh; Liên minh châu Âu, trong bất kỳ bối cảnh nào, được coi là một đế chế; Nga luôn tự gọi họ là một đế quốc, và cuộc xâm lược Ukraine của ông Vladimir Putin chỉ đơn giản là lời tái khẳng định mới nhất của tuyên bố này; Trung Quốc có đế chế của riêng họ chứ không chỉ đơn thuần là một quốc gia độc lập - như cây bút Ai Weiwei đã viết gần đây: “những người sống ở Trung Quốc hoặc đến từ nơi ấy mang một sự pha trộn của hơn 50 nhóm dân tộc và ngôn ngữ”.

Đế quốc Nga đã suy tàn trong quá khứ; nơi đây trở thành vùng đất tù túng về kinh tế [kinh tế kém phát triển, không đạt được tiến bộ nào đáng kể], có hệ thống quân sự lỗi thời và gặp khó khăn nghiêm trọng về nhân khẩu học.

Nhưng Trung Quốc mới là nơi phải đối mặt với nhiều rủi ro nhất hiện nay. Nền kinh tế Trung Quốc đã trải qua tăng trưởng kinh tế ‘kỳ diệu’ trong suốt hai thập kỷ qua, nhưng sự tăng trưởng đó hiện đã chững lại: chủ nghĩa trọng thương do nhà nước điều hành không thể tự duy trì được, và như học giả về Trung Quốc Michael Pettis đã viết gần đây: “Sự phụ thuộc quá mức của Trung Quốc vào nợ (với mức nợ ngày càng tăng cao) trong những năm gần đây đã làm cho mô hình tăng trưởng của đất nước trở nên không bền vững… (nhiều khả năng) đất nước này sẽ phải đối mặt với một thời kỳ rất dài có mức tăng trưởng thấp giống với Nhật Bản trước đây”. Nhân khẩu học của Trung Quốc hoàn toàn đảo ngược; dân số dự kiến ​​sẽ giảm gần 50% vào năm 2100. Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình sắp tuyên bố mình là nhà độc tài trị vì suốt đời.

Với tất cả những điều kể trên, Trung Quốc rất giống với Đức Quốc xã trong thời kỳ hung hăng đe dọa chiếm đánh lãnh thổ của các nước láng giềng. Đức Quốc xã từng có mức tăng trưởng GDP đáng kinh ngạc, chủ yếu bắt nguồn từ nợ, chủ nghĩa trọng thương do nhà nước bảo trợ và chi tiêu quân sự. Tỷ lệ sinh của Đức giảm từ trên 4 con/phụ nữ vào năm 1910 xuống dưới 2 con/phụ nữ vào năm 1935. Nền móng của chế độ trở nên rất mỏng manh; Hitler nhận ra rằng các cơ hội đều đang đóng lại. Do đó, việc Đức thực thi các hoạt động quân sự hiếu chiến là có thể dự đoán trước được.

Vì vậy, bước đi tiếp theo của Trung Quốc mà chúng ta có thể suy đoán sẽ là gì? Họ đang dán chặt mắt vào Đài Loan. Trung Quốc đã luôn ‘thèm muốn’ Đài Loan trong thời gian dài, hơn nữa, Đài Loan lại là quốc gia thống trị ngành sản xuất chất bán dẫn có ý nghĩa quan trọng [đối với kinh tế thế giới]; do vậy, một cuộc xâm lược của Trung Quốc vào hòn đảo này hoàn toàn là điều dễ hiểu.

Điều này đưa chúng ta trở lại với các nhà lãnh đạo không tỉnh táo của phương Tây.

Đối mặt với viễn cảnh căng thẳng sắc tộc, biến động kinh tế và bất ổn nội bộ của Trung Quốc, phương Tây lại lựa chọn trở nên yếu đuối. Tăng trưởng kinh tế là điều kiện tiên quyết để có được sức mạnh quân sự; nền tảng đạo đức là điều kiện tiên quyết để gắn kết nội bộ. Trong suốt nhiều năm, phương Tây đã quyết định từ bỏ cam kết của họ trong việc nâng cao sức mạnh kinh tế; thay vào đó, họ chọn tham gia vào một cuộc chiến với khí hậu (và họ đang thua), đồng thời hứa hẹn [với người dân] về những chính sách tưởng như vô tận từ một nhà nước phúc lợi đang nghèo hơn mỗi ngày. 

Cùng với đó, phương Tây đang khiến các nền văn minh chết dần chết mòn, các công dân chống lại nhau, nhiều người bị dán nhãn là “những kẻ nửa phát xít” và là “những mối đe dọa đối với nền dân chủ”. 

Phương Tây đang nằm ở đâu đó giữa sự sụp đổ đạo đức được nhắc đến trong “Recessional” (1897) của Rudyard Kipling và “Homage to a Government” của Philip Larkin (1969). Điều này không có nghĩa là phương Tây đang trên đà sụp đổ; Trung Quốc dễ bị tổn thương hơn rất nhiều. Nhưng nó nói lên một tương lai hỗn loạn và khó khăn - loại hỗn loạn và khó khăn mà chỉ sức mạnh về kinh tế, quân sự và đạo đức mới có thể ngăn chặn thành công.

1 nhận xét:

  1. THẾ GIÓI TAM KHÔNG&ĐẠI ĐỒNG BỐN BIỂN ĐỀU LÀ ANH EM, GIẤC MƠ VỀ CHÍNH PHỦ TOÀN CẦU CỦA ÉNSTEIN QUẢ LÀ TẦM NHÌN BỒ TÁT

    Trả lờiXóa