Thực hư việc 'khuyến khích du học sinh Việt lấy nông dân Hàn Quốc lớn tuổi'
13 tháng 9 2022 - Thành phố Mungyeong ở Hàn Quốc vấp phải những ý kiến trái chiều vì cáo buộc khuyến khích nữ du học sinh Việt Nam kết hôn với nông dân Hàn Quốc để thúc đẩy gia tăng dân số. Năm 2019, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc cũng công bố kết quả khảo sát trên 920 cô dâu ngoại quốc tại Hàn Quốc. Theo đó, có tới 42% người nói rằng họ bị bạo hành gia đình và 68% từng trải qua những bước không mong muốn về tình dục.Bài báo của The Korea Times ngày 8/9 tường thuật: "Theo Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc (NHRCK), thành phố Mungyeong được khuyến cáo xem xét lại các chính sách nhằm tăng dân số vì một số trong đó vi phạm rõ ràng quyền con người của phụ nữ nhập cư."
"NHRCK xác định rằng cách tiếp cận của chính quyền thành phố để giải quyết dân số nông thôn đang giảm dần là có vấn đề và phân biệt đối xử vì coi phụ nữ nhập cư chỉ đơn giản là một phương tiện để tăng dân số địa phương."
Bình luận về câu chuyện, một nữ du học sinh Việt Nam học tại Busan, Hàn Quốc nói với BBC hôm 13/9:
"Khi tài liệu của thành phố Mungyeong được đăng trên mạng, các diễn đàn hội du học sinh Hàn Quốc bùng lên tranh cãi dữ dội. Nhiều người cho rằng đây là chính sách xúc phạm, xem thường, coi phụ nữ Việt Nam là công cụ sinh con, nhằm giải quyết bài toán về sự suy giảm dân số hay chuyện ế vợ của nhiều đàn ông làm nông."
Tranh cãi giữa cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc
Trước cáo buộc chính quyền thành phố Mungyeong khuyến khích nữ du học sinh Việt Nam lấy chồng nông dân Hàn Quốc, nhiều bạn sinh viên cho rằng đây là mang tính phân biệt, xem thường con gái Việt Nam.
"Tôi nghĩ chiến dịch này là coi gái Việt Nam mình như công cụ duy trì nòi giống cho đất nước họ, chưa kể là coi phụ nữ Việt Nam chỉ xứng lấy nông dân già, ế của Hàn Quốc. Hơn nữa, chiến dịch của bộc lộ thành kiến cho rằng gái Việt Nam qua Hàn Quốc chỉ để kiếm chồng là chính, du học là cớ phụ thôi," Anh Duy nói với BBC.
Trên nhóm 'Hội du học sinh Hàn Quốc' ở chế độ công khai với khoảng 228 nghìn thành viên, một số ý kiến cũng đồng tình chiến dịch trên là một dạng phân biệt.
"Kết hôn nên dựa vào nền tảng tình yêu chứ không phải danh tính là "nông dân già Hàn Quốc" với "nữ du học sinh Việt Nam". Chuyện gán ghép như vậy đầy tính phân biệt sắc tộc, chưa kể là giai cấp nữa. Điều này cho thấy định kiến đối với phụ nữ Việt Nam của người Hàn Quốc rất nặng nề. Vì vậy, những bạn trẻ có ý định du học cũng nên chuẩn bị trước tinh thần," một ý kiến viết.
Tuy nhiên, cũng có người cho rằng, chính sách đang bị chỉ trích chỉ mang tính "khuyến khích", ai có nhu cầu thì tham gia, không thì thôi.
"Thực tế, nhiều du học sinh từ Việt Nam qua Hàn Quốc học tập rất khó khăn và không phải ai cũng có đủ điều kiện trang trải, nên có nhiều bạn chọn kết hôn với đàn ông Hàn Quốc để lấy quốc tịch hay có được sự chu cấp để tiếp tục học và đỡ vất vả," sinh viên giấu tên hiện đang học ở Busan nói, thông tin thêm những "chiến dịch" như vậy đã có từ lâu.
"Chính quyền hay các tổ chức thực hiện chiến dịch như vậy, nhưng không nói thẳng ra là mai mối gì đâu, họ nói là giao lưu văn hóa, luyện tiếng Hàn, luyện giao tiếp này nọ. Cuối cùng thì lại giống như buổi xem mắt," nữ du học sinh nói.
Ngọc Linh, du học sinh Việt Nam tại Seoul thì thông tin với BBC rằng, ở trường cô không có những chiến dịch như vậy nhưng các tỉnh thành khác thì đúng là có.
"Bạn tôi kể việc mai mối các nông dân lớn tuổi ế vợ cho sinh viên Việt Nam ở Hàn Quốc đã diễn ra từ lâu, từ những trang môi giới hôn nhân nước ngoài cho tới những hội nhóm chính thống cũng có. Theo tôi, chính sách này thực tế cũng mang tính phân biệt đối với đàn ông Hàn Quốc ở nông thôn và thành phố chứ không chỉ là đối với người Việt Nam,"
"Chưa kể, ở Hàn Quốc có nhiều vụ phốt nàng dâu Việt Nam ôm tiền, của hồi môn bỏ chạy. Những vụ này thường xảy ra qua những đường dây mai mối phụ nữ từ Việt Nam qua Hàn Quốc hoặc phụ nữ lao động nhập cư. Vì vậy, có thể các bạn nữ sinh viên, có học hành ở trường đàng hoàng thì uy tín và dễ tin tưởng hơn nên chúng tôi trở thành đối tượng được khuyến khích lấy chồng, nếu có nhu cầu," Linh giải thích.
Định kiến với phụ nữ Việt Nam ở Hàn?
Diễn tiến mới nhất liên quan trả lời của Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc (NHRCK) về đơn kiến nghị của các nhóm nhân quyền xoay quanh câu chuyện ở Mungyeong.
Thành phố Mungyeong - Văn Khánh là một thành phố thuộc tỉnh Gyeongsang Bắc tại Hàn Quốc.
Tháng 4/2021, một văn bản chính thức được gửi từ Chính quyền thành phố Mungyeong tới một cơ quan hành chính không xác định đã bị rò rỉ trên mạng.
Tài liệu này, về cơ bản, phác thảo cách thức chính quyền thành phố Mungyeong lên kế hoạch mở một chiến dịch giúp đỡ những nông dân nông thôn lớn tuổi kết hôn thông qua những cuộc xem mắt với nữ du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc.
Chính quyền Mungyeong cho biết chiến dịch khuyến khích kết hôn này nhằm đối phó với tình trạng suy giảm và già hóa dân số. Giới chức này cũng yêu cầu các công ty môi giới hôn nhân quốc tế hợp tác để thúc đẩy chiến dịch kết hôn cho nông dân lớn tuổi.
Tài liệu nêu các chi tiết khác như hỗ trợ tài chính cho các cặp vợ chồng kết hôn thông qua sáng kiến này, nó được đăng công khai trên mạng. Ngay sau đó, nội dung của chính sách gây ra làn sóng tranh cãi, dấy lên những lo ngại về việc phân biệt chủng tộc nhắm vào phụ nữ Việt Nam.
Hồi tháng 4/2021, 63 tổ chức dân sự, bao gồm Đường dây nóng cho Phụ nữ Hàn Quốc, cùng 144 cá nhân cũng đã tham gia đệ đơn kiện kiện chính quyền thành phố Mungyeong khi vụ việc bị rộ lên trên mạng.
"Chúng tôi tin rằng chiến dịch khuyến khích kết hôn của thành phố Mungyeong đã vi phạm quyền bình đẳng của phụ nữ nhập cư cũng như quyền mưu cầu hạnh phúc của họ ở Hàn Quốc", tờ Korean Times dẫn lời đại diện Trung tâm Nhân quyền cho Phụ nữ Di trú tại Hàn Quốc.
Trung tâm Nhân quyền cho Phụ nữ Di trú tại Hàn Quốc cáo buộc chính quyền Mungyeong - nơi đáng ra có trách nhiệm ngăn chặn thương mại hóa việc kết hôn với người nước ngoài - giờ đây lại cổ súy cho những cuộc nhân như vậy. Trung tâm này còn chỉ trích chính sách là phân biệt đối xử nhắm vào nữ du học sinh Việt Nam và họ lập tức đệ đơn kiện chính quyền thành phố Mungyeong lên Uỷ ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc (NHRCK).
Bài báo của The Korea Times ngày 8/9 cho hay: "NHRCK cho rằng nỗ lực khai thác phụ nữ nhập cư để tăng dân số dựa trên định kiến phân biệt chủng tộc rằng phụ nữ Việt Nam "thích hợp" để thực hiện một số vai trò giới nhất định. Cơ quan này cũng chỉ ra rằng chính sách này xuất phát từ những định kiến giới hạn chế vai trò của phụ nữ chỉ là sinh và nuôi con."
Cũng theo tờ báo, NHRCK nói dù chính quyền thành phố không có ý định phân biệt đối xử với sinh viên Việt Nam, thì việc coi họ chỉ là vợ của những nông dân độc thân ở nông thôn - bất kể họ là sinh viên - nghĩa là có thành kiến phân biệt chủng tộc đối với họ.
NHRCK khuyến cáo chính quyền thành phố chuẩn bị các biện pháp để không tái diễn việc phân biệt đối xử này.
Tuy nhiên, NHRCK đã từ chối kiến nghị của nhóm bảo vệ quyền phụ nữ và người nhập cư vì họ tin rằng chính sách này không gây ra thiệt hại cụ thể, vì thực tế là tài liệu được tải lên đã bị xóa ngay sau đó.
BBC News Tiếng Việt đã liên hệ với NHRCK về vấn đề này nhưng chưa nhận được phản hồi.
Theo The Korea Times, thành phố Mungyeong bày tỏ hối lỗi vì đã không xem xét kỹ chính sách và nói rằng ý định của họ chỉ nhằm ngăn chặn những trường hợp xấu kết hôn nước ngoài và giúp phụ nữ nhập cư ổn định cuộc sống, đồng thời thúc đẩy gia tăng dân số.
Bộ phim Hàn Quốc mang tên Nông dân hiện đại được phát hành vào tháng 10/2014 gây phẫn nộ một thời về giá trị của phụ nữ Việt Nam
Năm 2014, một phim Hàn Quốc mang tên Nông dân hiện đại (tên tiếng Anh: Modern farmer) được SBS phát sóng có câu thoại gây nên làn sóng chỉ trích vì định kiến xem thường phụ nữ Việt Nam.
Cụ thể, trong tập hai của bộ phim có cảnh bà mẹ Hàn Quốc bắt gặp đứa con trai, tên là Sang Deok, nằm say bí tỉ trên cánh đồng. Trong khi người con lẩm bẩm câu "con rất muốn lấy vợ" thì bà mẹ giận dữ lay con dậy: "... con muốn lấy vợ lắm hả? Con suốt ngày say xỉn thế này thì có sang Việt Nam cũng không cưới được đứa con gái nào về đâu...?".
Ngay lập tức, nhiều người Việt Nam khi xem tập phim này đã bức xúc với lời thoại trên của bà mẹ. Nhiều người phẫn nộ, cho rằng đây là kết quả của những định kiến về phụ nữ Việt Nam đã ăn sâu trong suy nghĩ của người Hàn Quốc.
Đáp trả, tối 11/12/2014, thông qua Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, đài SBS gửi lá thư xin lỗi đến người dân Việt Nam.
Trong thư giải thích: "... Ở tập hai của phim Nông dân hiện đại (phát sóng ngày 19/10) có cảnh người mẹ của một anh chàng nông dân ế vợ, nghiện rượu tâm sự nỗi lo trong lòng... Phân cảnh trong phim được tạo ra chỉ để làm rõ tính cách của anh chàng nông dân ế vợ, hoàn toàn không có ý miệt thị phụ nữ Việt Nam."
Tuy nhiên, lời biện giải này vẫn không làm yên lòng dư luận vào thời điểm đó.
Trang KOSIS công bố con số thống kê hôn nhân quốc tế đã chỉ ra rằng, Việt Nam chiếm tỷ lệ cao nhất trong số phụ nữ nhập cư kết hôn ở Hàn Quốc trong năm 2019. Theo đó, tỷ lệ kết hôn giữa nam giới Hàn Quốc và phụ nữ Việt Nam đã tăng từ 77 hồi năm 2000 lên con số 6712 vào năm 2019, chiếm 37,9% trong tổng số các cuộc hôn nhân giữa đàn ông Hàn Quốc và phụ nữ nước ngoài vào năm 2019.
Năm 2019, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc cũng công bố kết quả khảo sát trên 920 cô dâu ngoại quốc tại Hàn Quốc. Theo đó, có tới 42% người nói rằng họ bị bạo hành gia đình và 68% từng trải qua những bước không mong muốn về tình dục.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét