Thứ Tư, 21 tháng 9, 2022

Tướng Vịnh nói về "dấu !" trong lịch sử tìm kiếm hòa bình

Mình đọc bài này rồi xem các bình luận cuối bài thì thấy có 22 bình luận và 100% bình luận này đều ca ngợi lãnh đạo VN quá tuyệt vời, tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng quá tuyệt vời. Cá nhân mình không có cảm tình với cả tướng Vịnh lẫn Đại tướng Lê Đức Anh, người được tướng Vịnh ca ngợi hết lời trong bài này. Trong bộ ba Lê Đức Anh - Đỗ Mười - Võ Văn Kiệt, mình chỉ kính trọng hai ông Đỗ Mười - Võ Văn Kiệt vì những cống hiến của hai ông từ năm 1989 đến cuối đời. Nhiều thông tin trong bài này vừa buồn cười vì ngộ nghĩnh, vừa không biết đúng hay sai. Bản thân tướng Vịnh cũng không phải là con người đáng tin. VN ta từ xưa đã có câu "nói vậy mà không phải vậy", còn mấy chục năm nay thì có câu "đừng tin lời cộng sản nói, hãy nhìn họ làm". Thực tâm tôi không tin những điều tướng Vịnh nói trong bài này là thật.
Tướng Vịnh nói về "dấu chấm than" trong lịch sử tìm kiếm hòa bình
Tô Lan Hương: Giai đoạn Đại tướng Lê Đức Anh làm Bộ trưởng Quốc phòng, có hai sự kiện lớn trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, là Sự kiện Trường Sa năm 1988 và Hội nghị về Bình thường hóa quan hệ Việt - Trung tại Thành Đô năm 1990. Từng là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách đối ngoại, ông hiểu gì về sự kiện này và những tin đồn bủa vây quanh đó?


Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Bao nhiêu năm qua, tôi nghe không ít những luận điệu xuyên tạc về Hội nghị Thành Đô. Kể từ sau Hội nghị đó, Việt Nam không mất đất, không mất biển hay biên giới cho quốc gia nào. Tôi cũng không hề thấy bất kỳ vị lãnh đạo nào của Việt Nam phải "nghe" theo ai, vì sẽ không thể sống yên được với Đảng, với Dân, với đất nước. Thế mà những lời đồn đó bao năm qua vẫn tồn tại, và vẫn có người tin, tôi thấy thật lạ lùng.


Tôi không tham dự Hội nghị Thành Đô, nhưng tôi biết những lợi ích mà nó đem lại. Đó là dấu chấm than rất sâu đậm trong lịch sử tìm kiếm hòa bình của Việt Nam. Không có Hội nghị tại Thành Đô, liệu chúng ta có bình thường hóa được quan hệ với Trung Quốc không? Không! Rồi sau đó liệu có bình thường hóa quan hệ với Mỹ được không? Cũng không. Có mở cửa được và đổi mới được không? Cũng không. Ngay cả Campuchia cũng phải ghi nhận Hội nghị Thành Đô vì nó đã đưa đất nước này đến kỷ nguyên hòa bình, độc lập và tự chủ.

Tô Lan Hương: Là người đóng góp vai trò quan trọng trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, quan điểm của Đại tướng Lê Đức Anh về đường lối đối ngoại mà Việt Nam nên có với Trung Quốc là gì, thưa ông?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Chúng ta sẽ phải rõ ràng với nhau rằng, chúng ta muốn Trung Quốc là bạn, chứ không mong họ thành kẻ thù. Đó là điều ông Sáu Nam luôn tâm niệm. Khi còn sống, chú Sáu Nam từng dặn tôi: "Làm gì thì làm, đấu tranh ở biển Đông thì không khoan nhượng, nhưng vẫn phải cố gắng giữ quan hệ với Trung Quốc và làm cho họ hiểu mình".

Vậy nên 12 năm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách công tác đối ngoại, tôi rất nhất quán trong cách ứng xử đối ngoại với Trung Quốc.

Chúng ta có thể mềm mỏng, nhưng không để ai tác động, can thiệp đến độc lập, tự chủ của chúng ta. Và chúng ta phải làm cho nước bạn hiểu được nguyên tắc cốt lõi đó của chúng ta.

Những lần sang Trung Quốc công tác, có những bữa cơm thân mật với lãnh đạo Bộ Quốc phòng của họ, tôi cười nói: "Thưa đồng chí, chúng ta quý nhau như anh em. Đồng chí lớn tuổi hơn là anh, tôi ít tuổi hơn là em. Tôi chỉ hy vọng đồng chí hiểu, có hai thứ là độc lập tự chủ và chủ quyền, xin phép đồng chí một tấc không đi, một li không rời. Chết cũng không thay đổi!".

Tôi còn nhớ năm 2000, Đại tướng Phạm Văn Trà là Bộ trưởng Quốc phòng tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Trì Hạo Điền trong chuyến thăm đến Việt Nam. Tại cuộc gặp này, ông Trì Hạo Điền thiết tha muốn gặp Đại tướng Lê Đức Anh và cuối cùng được ông tiếp tại Nhà khách Bộ Quốc phòng.

Dù lúc đó ông Lê Đức Anh đã nghỉ, nhưng Bộ trưởng Trì Hạo Điền vẫn trân trọng gọi ông là "Chủ tịch". Ông ấy nói: "Thưa Chủ tịch, nếu Bộ trưởng Quốc phòng của Việt Nam và Trung Quốc thường xuyên gặp nhau như tôi và đồng chí Phạm Văn Trà thì sẽ không xảy ra điều đáng tiếc như năm 1979".

Tô Lan Hương: Bên cạnh mối quan hệ với Trung Quốc, thì Campuchia cũng là mảnh đất gắn bó với sự nghiệp chính trị của Đại tướng Lê Đức Anh. Ông Lê Đức Anh đã để lại dấu ấn gì trên mảnh đất đó và mối quan hệ của ông với Thủ tướng Hunsen như thế nào?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Thời tôi còn công tác ở Campuchia, cứ mỗi khi nhắn lời chú Sáu Nam chia sẻ một suy nghĩ gì đó về tình hình Campuchia, Thủ tướng Hunsen đều hỏi lại tôi rất kỹ. Ông Hunsen nói với tôi, ông ấy muốn suy ngẫm về những gì ông Sáu Nam nói, vì luôn tìm được trong đó những lời khuyên bổ ích cho các vấn đề của Campuchia.

Còn nói về những gì chú Sáu Nam làm cho Campuchia, có lẽ công bằng nhất chính là lời Thủ tướng Hunsen đã nói khi sang dự Lễ Quốc tang ông năm 2019. Thủ tướng Hunsen đã viết những dòng tưởng niệm đầy tình cảm và sự kính trọng chú Sáu Nam như sau: "Bác Lê Đức Anh kính mến! Tôi và đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ và Quân đội Campuchia tới tiễn biệt bác lần cuối, không có ngày gặp lại!

Kể từ ngày gặp nhau lần đầu ở Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM năm 1978, cho tới sau này, cá nhân bác cùng quân đội và nhân dân Việt Nam đã giúp đỡ nhân dân Campuchia rất nhiều. Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia được thành lập với sự giúp đỡ trực tiếp của bác. Khi đó bác là Tư lệnh Quân khu 7, Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Việc giải phóng nhân dân thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, việc ngăn chặn chế độ diệt chủng quay trở lại, công cuộc xây dựng lại đất nước Campuchia, đặc biệt là sự trưởng thành của quân đội Campuchia đều có sự đóng góp của bác.

Với tư cách là một Nhà Chính trị và Tư lệnh Quân đội, tôi luôn coi bác là nhà chiến lược tài ba về quân sự và chính trị mà tôi chưa từng gặp người nào như vậy ở nước khác...

Tôi và vợ con luôn được nhận sự quan tâm của bác không khác gì người lớn trong gia đình. Bác không hút thuốc nhưng không quên gửi tặng thuốc lá cho tôi..."

Tô Lan Hương: Bao năm gắn bó với Đại tướng Lê Đức Anh, Đại tướng có ảnh hưởng đến tư duy và quan điểm của ông?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Tôi không dám tự nhận mình là học trò của ông, nhưng tất cả những tư tưởng chiến lược hình thành trong tôi đều có sự dạy bảo của ông, tất cả những gì tôi chia sẻ với bạn trong nhiều cuộc phỏng vấn đều thấp thoáng ảnh hưởng của ông.

Tôi nghĩ tôi có hai ông thầy, một ông thầy vô cùng giỏi tình báo là ông Ba Quốc, một ông giỏi về chiến lược, ở tầm cao là ông Lê Đức Anh. Làm việc với ông bao năm, tôi luôn ghi chép đầy đủ những gì ông nói. Tất nhiên trong quá trình làm việc, tôi phải tự rèn luyện và phát triển, nhưng những ý tưởng mang tính chất nguyên tắc thì không có gì khác so với những gì ông đã dạy.

Ví dụ ông nói, ông ủng hộ sự độc lập, tự chủ của Lào và Campuchia, bất kể họ quan hệ với ai, thân thiết với ai, đều là việc của họ, làm vì lợi ích của đất nước họ, miễn là nó không phương hại đến đất nước mình. Những tư duy học được từ ông cho tôi tự tin khi đối thoại với các nước, dù là nước lớn hay nước nhỏ.

Tô Lan Hương: Thời ông Lê Đức Anh là Chủ tịch nước, thì ông Đỗ Mười làm Tổng Bí thư, ông Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng. Ông nghĩ gì về mối quan hệ giữa ba nhà lãnh đạo đất nước khi đó?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Khi ông Lê Đức Anh làm Chủ tịch nước, ông có hai đồng minh rất hiểu, biết ông và cũng rất khác biệt ông là ông Đỗ Mười và ông Võ Văn Kiệt. Tuy khác biệt nhau về nhiều thứ, nhưng ba ông có một điểm chung rất quan trọng: Cái gì có lợi cho đất nước thì sẽ ủng hộ nhau đến cùng.

Trong mối quan hệ của ba nhà lãnh đạo Lê Đức Anh - Đỗ Mười - Võ Văn Kiệt, cả ba đều quyền lực, trí tuệ và có tầm ảnh hưởng riêng của mình. Nó tạo nên một thế kiềng 3 chân. Điều đó tốt cho đất nước.

Dù chúng ta đã đặt vấn đề Đổi mới từ Đại hội VI, nhưng phải từ Đại hội VII, dưới thời ông Lê Đức Anh, ông Võ Văn Kiệt và ông Đỗ Mười, thì quá trình Đổi Mới mới thực sự diễn ra mạnh mẽ. Các ông thống nhất với nhau rằng, không thể nào Đổi mới mà không hội nhập. Đó là nhận thức chung của cả ba ông ấy. Để thực hiện điều đó, sau khi bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, họ cùng nhau theo đuổi bình thường hóa quan hệ với Mỹ, gia nhập ASEAN và tích cực tạo tiếng nói trong cộng đồng quốc tế.

Trong nhận thức của tôi, đó là "bộ ba quyền lực" ăn ý và có nhiều công lao to lớn mà Việt Nam có trong nhiều năm qua. Mối quan hệ của ba ông có thể nói như này: Mỗi ông một góc nhìn, một cách nghĩ khác nhau, mỗi ông có quan điểm xử lý vấn đề khác nhau, nhưng nếu thấy đúng thì sẽ ủng hộ nhau, còn nếu thấy sai thì cũng không nể nang gì mà tranh luận với nhau một cách công khai, thẳng thắn, trách nhiệm.

Điều đó tạo ra dân chủ, tạo ra va đập để sẽ có tiếng nói chung được cân nhắc kỹ lưỡng nhất và cũng đúng đắn nhất. Đó chính là lãnh đạo tập thể.

Ba con người đó khác nhau về tính cách, nhưng lại ăn ý với nhau lạ kỳ. Thứ mà họ tranh luận cũng nhiều, nhưng thứ mà họ thống nhất với nhau còn nhiều hơn. Có thể kể đến những điều lớn lao và đem lại lợi ích to lớn cho đất nước trong nhiều năm qua như: Tư tưởng bảo vệ Tổ quốc, tư tưởng bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, với Mỹ, mặc dù thời điểm mới đưa ra, những quan điểm này có thể phải hứng chịu nhiều dị nghị.

Năm 1999, dưới thời Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Việt Nam và Trung Quốc ký Hiệp định Biên giới. Lúc này ông Lê Đức Anh, ông Võ Văn Kiệt và ông Đỗ Mười giữ vai trò Cố vấn, nhưng tiếng nói của các ông ấy vẫn rất được lắng nghe.

Chuyện ký Hiệp định Biên giới với Trung Quốc được đưa ra bàn bạc nhiều lần trong nội bộ ta, có nhiều ý kiến ủng hộ, nhưng phản đối cũng không ít, tranh cãi nhiều lắm. Nhưng 3 ông cố vấn thì ủng hộ Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu mạnh mẽ trong chuyện này.

Ông Lê Đức Anh nói, những biến động về chính trị thời điểm này là thời cơ tốt để ký Hiệp định Biên giới. Đó là lý do cả 3 ông Cố vấn đều ủng hộ Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Trong thời gian đó, có lần tôi được đi theo Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu sang Trung Quốc gặp lãnh đạo nước bạn, được nghe nhiều, biết nhiều. Đó là câu chuyện dài mà không dễ kể chỉ trong vài câu nói, nhưng tôi có thể nói rằng, dân Việt Nam ở biên giới đều biết ơn Đảng, Chính phủ, biết ơn Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về Hiệp định Biên giới ấy.

Có người dân còn nói với tôi, họ mong ông Lê Khả Phiêu được dựng tượng ở biên giới. Nếu không thể ký Hiệp định Biên giới vào năm đó, thì tôi không dám chắc đến bao giờ chúng ta mới có thể hoàn thành việc này.

Tô Lan Hương: Ông đã kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện về ông Sáu Nam với vai trò là một vị Tướng quân đội và một nhà lãnh đạo đất nước. Còn ông Sáu Nam của đời thường trong mắt ông là người như thế nào?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Trong nhiều năm thời ông Sáu Nam còn đương chức, chưa bao giờ tôi dám tặng ông một gói quà, dù chỉ là giỏ trái cây, chứ đừng nói tới cái phong bì. Lúc ông về hưu rồi, có lần vợ chồng tôi sang thăm ông, thấy bộ bàn ghế và bát đũa ông bà dùng đều cũ kỹ.

Vợ chồng tôi bảo nhau, sao để ông bà sống như này được nên sau khi về, tôi và vợ đi mua một bộ bàn ghế và bát đĩa mới tặng ông bà. Chiều hôm sau, ông sai chú cần vụ sang nhà tôi chuyển lời: "Ông bà bảo ông bà nhận bộ bát đĩa, vì nhà sắp có khách. Còn bộ bàn ghế thì thôi, cô chú mang về dùng".

Ông thường mặc một chiếc áo đại cán cũ với chiếc túi đã bị sút chỉ. Cho đến khi nó bung ra, ông không khâu lại nữa mà tháo hẳn ra, để lại một ô sậm hình chữ nhật rất buồn cười trên ngực áo, nhưng đề nghị thay áo mới thì ông không chịu. Có lần ông được bạn bè quốc tế tặng cho cái tivi mới rất to, nhưng ông không dùng. Ông nói: "Tivi nhỏ nhà tôi vẫn dùng được. Chiếc tivi to này gửi ra Trường Sa làm quà cho cán bộ chiến sĩ".

Mà chẳng riêng ông Sáu Nam, thời đó các ông đều thế. Khi ông Đỗ Mười về hưu, lần đầu tiên tôi dám biếu ông 10 triệu để ông làm quà cho các chú bảo vệ ăn Tết mà còn bị ông trả lại, còn rầy la chán chê. Dù là Bộ trưởng, nhưng nếu không có lý do chính đáng về công việc, lại không thân thiết mà đến nhà thăm là các ông khó chịu ra mặt. Thế hệ các ông ấy là như thế.

Tô Lan Hương: Nãy giờ những gì ông nói về Đại tướng Lê Đức Anh đều là ghi nhận. Nhưng nếu thẳng thắn, ông nghĩ Đại tướng có nuối tiếc nào trong sự nghiệp của mình không và nếu có thì đó là gì?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Nếu ai đã làm chính trị thì sẽ hiểu chẳng có cuộc đời chính trị nào mà không mắc sai lầm. Nhưng tôi nhìn thấy những công lao của ông Sáu Nam với Tổ quốc, tấm lòng của ông dành cho đất nước, sự cống hiến tuyệt đối mà ông dành cho nhân dân. Khi đặt bên cạnh những điều ông đã làm được, những điều đó không còn đáng để nhắc đến nữa.

Tô Lan Hương: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Nội dung: Tô Lan Hương
Ảnh: Mạnh Quân, TTXVN, AFP
Thiết kế: Khương Hiền

20/09/2022
https://dantri.com.vn/xa-hoi/tuong-vinh-noi-ve-dau-cham-than-trong-lich-su-tim-kiem-hoa-binh-20220920062633781.htm

1 nhận xét:

  1. Thang Vinh la thang an tuc noi phet ---sau hoi nghi Thanh do ---hiep dinh bien gioi va vinh bac bo VN mat bao nhieu nghin km2---tu ngay thang nan tuc chem gio ve vuon tinh hinh bien dong im lang hon ---khong hieu sao thang treo tuong ,khoet vach o dai hoc quan su Vinh yen ngay xua van len den thuong tuong -dung la cccc,toan lu pha hoai .

    Trả lờiXóa