Thứ Ba, 1 tháng 3, 2022

ladimir Putin: Từ đại đế tới hoang tưởng ?

Vladimir Putin: Từ đại đế tới hoang tưởng ?
Trái với dự đoán, ông Vladimir Putin, tổng thống đầy quyền lực nhưng gần đây có một số phát ngôn hoang tưởng, dường như đang thất bại toàn diện trong cuộc chiến tranh với Ukraine.

Ngay từ ngày thứ 2 của cuộc chiến, tôi đã nghi ngờ các lực lượng Nga không đạt được mục tiêu đặt ra và điều này đang ngày càng rõ. Lực lượng của Putin cho đến nay vẫn không chiếm được một số thành phố và điểm trọng yếu của Ukraine. Đặc biệt việc không kiểm soát được không phận và thủ đô của Ukraine là một thất bại to lớn, có tính chiến lược, thậm chí dẫn tới thua trận phải tháo chạy. Mà đã thua chạy thì bao giờ cũng nhục.

Cách đây mấy hôm khi đọc tin Putin mới tung một nửa đạo quân 190 nghìn lính vào Ukraine, còn lại vẫn để bên kia biên giới để dự trữ, thì tôi đã nghĩ tới thất bại vì Putin quá chủ quan và đánh giá sai sức mạnh và ý chí của đối phương. Khoảng 100 nghìn quân Nga làm sao áp đảo được 150-250 nghìn quân Ukraine, chưa kể số quân nhân dự bị được huy động của Ukraine. Các phương tiện chiến tranh khác của Nga cũng chỉ gấp 1,5-2 lần của Ukraine. Về nguyên tắc, bên tấn công phải có quân số và vũ khí gấp nhiều lần bên phòng thủ, ít nhất cũng 3-4 lần. Kinh nghiệm chiến tranh ở VN cho thấy rõ điều đó.

Lúc Nga bắt đầu tấn công Ukraine, hầu hết các chính trị gia trên thế giới đều bày tỏ lo ngại thủ đô Kiev sẽ sớm thất thủ trước sức tấn công mãnh liệt của các lực lượng Nga. Một số quan chức và nhà bình luận quốc tế đã dự đoán Ukraine có thể thất thủ trong 72 giờ đồng hồ do chênh lệch quá lớn về cán cân quân sự giữa hai nước Ukraine và Nga. Thực tế đang diễn ra hoàn toàn ngược lại.

Nhiều dấu hiệu cho thấy Nga đang lùi bước trên các mặt trận. Trên chiến trường, sau 2 ngày giao tranh, Nga đã định ngừng bắn nếu Ukraine chấp nhận đàm phán trên thế yếu, gần như là chấp nhận những điều kiện khắc nghiệt của Nga; nhưng đến tận bây giờ Nga vẫn phải tiếp tục trong thế giằng co chứ không thể dứt điểm được. Mặt khác, Nga đã phải huy động thêm lực lượng từ các “quốc gia độc lập” thân Nga chưa được đâu công nhận. Thậm chí Belarus đã quyết định sửa đổi hiến pháp để tham chiến cùng với Nga. Điều này cho thấy Nga đã nhận ra bản thân không đủ lực để giành chiến thắng trước Ukraine.

Trên mặt trận ngoại giao, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhiều lần đã bác bỏ đề nghị đàm phán của Ukraine. Nhưng bây giờ thì Nga đang phải đàm phán “bình đẳng”, “ngang hàng” với Ukraine. Mặc dù Nga vẫn nhấn mạnh Ukraine phải “phi quân sự hóa và giải trừ chế độ phát xít” – nghĩa là Ukraine phải “đầu hàng,” một điều kiện mà Kiev dường như không bao giờ chấp nhận trong bối cảnh đang được sự ủng hộ mạnh mẽ chưa từng có từ các nước phương Tây. Tuy nhiên, bây giờ “phi quân sự hóa và giải trừ chế độ phát xít” không còn là điều kiện tiên quyết để đàm phán.

Về kinh tế, Putin đã và đang tiếp tục gặp phải sự phản đối mạnh mẽ trên thế giới và cả trong nước Nga. Cùng với những lời phản đối ngoại giao là những biện pháp cấm vận kinh tế mạnh mẽ chưa từng thấy. Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật, Canada, Úc, Hàn Quốc đều đã lên tiếng công bố những chính sách cấm vận các ngân hàng, công ty năng lượng, công nghệ và vũ khí Nga. Bản thân Putin và các quan chức hàng đầu của Nga cũng đã bị phong tỏa các tài sản và cấm đến các nước phương Tây.

Tôi đặc biệt sốc khi đọc tin Putin chính thức quyết định đưa lực lượng hạt nhân vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu ở cấp cao nhất. Như vậy, Nga không còn đe dọa sử dụng vũ khí nguyên tử mà đã chuyển sang bước sẵn sàng sử dụng ngay lập tức. Đây có lẽ là phát ngôn hoang tưởng nhất của Putin trong mấy ngày gần đây. Nếu đây là cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc thì Nga có quyền sử dụng mọi phương tiện chiến tranh, nhưng vẫn phải hạn chế sử dụng vũ khí hủy diệt nhân loại như vũ khí nguyên tử, vũ khí sinh học hay vũ khí hóa học… Chiến tranh là quân đội hai bên xung trận chứ không phải là hủy diệt toàn thể nhân loại.

Trước đây một tháng, Nga đã nhiều lần đe dọa sử dụng vũ lực với Ukraine, nhưng như tôi đã viết trên Blog và Fb, tôi không tin là Putin sẽ làm thật vì những người có đầu óc bình thường hầu như đều cho rằng, trong thời đại hòa bình ngày nay, chiến tranh không phải là giải pháp cho các vấn đề chính trị và quốc tế. 

Đặc biệt, các cuộc tấn công vào một quốc gia độc lập và có chủ quyền, đều không thể coi là một hành động hợp pháp, chính nghĩa và có thể thể biện minh được, trừ những trường hợp rất đặc biệt, như VN đã từng mang quân và Campuchia và nay Nga mang quân vào Ukraine (Hồi VN mang quân vào Campuchia, tôi rất ủng hộ, nhưng theo tôi VN chỉ cần đánh tan các cơ sở và lực lượng quân sự của Campuchia là đủ, sau đó phải rút quân về để tránh bị dư luận phương Tây cực lực lên án và cấm vận).

Tôi cho rằng NATO luôn luôn theo đuổi chiến lược kết nạp rất nhiều nước xung quanh Nga vào NATO nhằm mục tiêu làm bàn đạp tấn công làm tan rã và tiêu diệt nước Nga. Ukraine là một trong những trường hợp như thế. Nếu Nga đánh nhanh chớp nhoáng và loại bỏ được các cơ sở và lực lượng quân sự cũng như chính quyền thân Phương Tây của Ukraine thì tôi ủng hộ. Khi đó, cuộc chiến sẽ không ảnh hưởng nhiều đến dân thường Ukraine. Tôi đã hy vọng Nga thực sự có sức mạnh và quân UKraine sẽ nhanh chóng hạ vũ khí, dân thường hoàn toàn không sao... giống như khi Nga lấy Crimea hay Donbass.

Nhưng Putin đã tính sai, tôi cũng dự báo sai. Nếu chiến tranh Nga – Ukraine kéo dài, ảnh hưởng lớn đến người dân, thì tôi phản đối vì cả dân Ukraine lẫn dân Nga đều phải chịu thảm họa. Thực tế chiến trường đang diễn ra theo khả năng này. Thậm chí, bây giờ Nga bắt đầu có khả năng sử dụng đến vũ khí hạt nhân (dù là giới hạn ở Ukraine).
Tôi tiếp tục ủng hộ Nga quyền tự vệ chính đáng, trong đó có quyền tiêu diệt những cơ sở quân sự chống Nga ở nước ngoài khi thực sự cần thiết (ngay từ đầu tôi đã viết là không rõ đã thực sự cần thiết chưa nên tôi đứng trung lập). Nhưng tôi cũng cực lực phản đối Putin định sử dụng vũ khí hạt nhân ở ngoài nước Nga và nhất là khi Nga chưa bị nước ngoài trực tiếp xâm lược. Vũ khí hạt nhân chỉ có thể dùng để răn đe và dùng để bảo vệ tổ quốc.

Hiện nay Nga đã nâng cuộc chiến đến một tầm cao mới cực kỳ nguy hiểm mà tôi chưa từng nghĩ tới, đó là sử dụng các loại vũ khí hủy diệt nhân loại. Nếu Putin đã dám sử dụng vũ khí nguyên tử thì tin chắc Putin cũng dám sử dụng vũ khí sinh học hay vũ khí hóa học.

Putin chắc chắn biết phương Tây và NATO cũng có vũ khí nguyên tử, vũ khí sinh học và vũ khí hóa học. Tôi cho rằng số lượng, mức độ tinh vi và khả năng hủy diệt nhân loại của vũ khí phương Tây không hề thua kém Nga, nếu không nói là vượt trội hơn. Xét nhiều yếu tố, nếu Putin ra tay trước bằng vũ khí nguyên tử thì không biết phương Tây sẽ tan hoang như thế nào, nhưng tôi chắc chắn nước Nga vĩ đại với những cô gái Nga xinh đẹp và dịu dàng, sẽ tan thành bình địa và biến mất trên bản đồ thế giới.

Tôi cho rằng Nga cơ bản là nền kinh tế tự túc tự cấp, sản xuất hàng hóa thay thế hàng nhập cảng, và quan trọng nhất là tài nguyên thiên nhiên quá nhiều, nên dù bị phương Tây cấm vận triệt để nhưng dân Nga vẫn không đói.

Tuy nhiên, các công ty công nghệ và vũ khí của Nga phụ thuộc 70-85% vào linh kiện điện tử của phương Tây; các ngân hàng phụ thuộc vào hệ thống thanh toán quốc tế; trong khi xuất khẩu lúa mì và dầu khí sống nhờ vào thị trường tiêu thụ rộng lớn ở nước ngoài nên chắc chắn kinh tế Nga sẽ bị suy sụp rất mạnh.

Giải pháp

Trong bối cảnh hiện nay, Nga đang đứng trước hai lự
a chọn. Một là tiếp tục cuộc chiến và Hai là rút quân để tránh xa lầy.

Tôi cho rằng Nga sẽ lựa chọn tiếp tục cuộc chiến. Điều quan trọng là Nga có nhanh chóng hạ được Kiev và xóa bỏ được chính quyền Ukraine thân phương Tây không ? Nếu làm được điều này thì những việc còn lại không khó, đó là xóa bỏ các cơ sở quân sự và lực lượng vũ trang của Ukraine. Sau khi hoàn thành tất cả những việc này trong 1-2 năm, lực lượng vũ trang của Nga sẽ rút về nước. Ukraine sẽ rất lâu mới có thể khôi phục lại được sức mạnh quân sự của mình, kể cả khi các nước phương Tây ra sức giúp đỡ.

Tuy nhiên, nếu căn cứ vào tương quan lực lượng hai bên hiện nay tại chiến trường thì có thể tin là Nga khó có khả năng nhanh chóng thực hiện được các mục tiêu trên. Chính quyền Ukraine thân phương Tây còn tồn tại ngày nào thì Ukraine còn sức mạnh ngày đó vì vẫn tiếp tục được phương Tây viện trợ. Kể cả khi Kiev thất thủ thì vẫn còn đó chính quyền Ukraine thân phương Tây ở thành phố Lviv ở miền Tây Ukraine rất xa Kiev. Khi cuộc chiến kéo dài, nước Nga sẽ rơi vào thảm họa cả về kinh tế, chính trị lẫn uy tín quốc tế.

Do đó Putin và các mưu sĩ của ông cần tính toán rất kỹ để nếu thấy bất lợi thì cần phải rút quân, dù khi đó sẽ rất nhục nhã trước dư luận thế giới, giống như trường hợp Trung Quốc đã buộc phải rút khỏi VN sau một tháng tấn công các tỉnh biên giới phía Bắc năm 1979.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét