Ngoại giao Việt Nam ‘khôn khéo trước mọi đại cường’?
15 tháng 9 2021, Ban lãnh đạo nhà nước và ĐCS Việt Nam luôn khẳng định tôn trọng quan hệ láng giềng và liên đảng với đảng CS và nhà nước Trung Quốc. Liệu Việt Nam có 'bên trọng, bên khinh' hay không khi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản của nước này tiếp Ngoại trưởng của một cường quốc là láng giềng, nhưng lại 'không thấy tiếp' Phó Tổng thống của một cường quốc từ xa đến thăm, đây là câu hỏi được hai nhà quan sát thời sự từ Việt Nam cùng đặt ra với BBC News Tiếng Việt mới đây.Nêu nhận xét của mình với BBC hôm 13/9/2021 từ Nha Trang ngay sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kết thúc chuyến thăm kéo dài 3 ngày tại Việt Nam, nhà báo Võ Văn Tạo nói:
"Việc ông Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng không tiếp bà Harris - Phó Tổng thống Mỹ, nhưng lại tiếp ông Vương Nghị - Ngoại trưởng Trung Quốc cho thấy về đối ngoại, ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam vẫn coi trọng Trung Quốc hơn Mỹ. Tức là có vấn đề theo tôi là bên trọng, bên khinh ở đây.
"Điều này càng được minh chứng rõ hơn khi Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đàm đạo cùng bà Harris thì bà có gợi ý khi hỏi ông Phúc rằng bà và ông có thể làm gì để nâng cấp hợp tác hai nước lên thành đối tác chiến lược? Ông Phúc tránh né ý đó, mà nói rằng thực chất nội dung hợp tác mới là điều quan trọng, danh nghĩa, hình thức không quan trọng.
"Tuy vậy, Việt Nam đã xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, Nga và Ấn Độ. Ngoài ra còn 14 nước là đối tác chiến lược; 13 nước là đối tác toàn diện (trong 13 nước này có Mỹ).
"Bản thân ông Nguyễn Phú Trọng, hồi 2015, trên cương vị Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, chứ chưa kiêm Chủ tịch nước, sang thăm Mỹ, đã được Tổng thống Obama tiếp kiến, phó Tổng thống Biden chiêu đãi. Vậy sao ông không thể dành thời gian tiếp bà Phó Tổng thống Mỹ vốn ở xa hơn khi bà đến thăm Việt Nam? Bản thân tôi cũng thấy đó là điều rất đáng tiếc."
Dư luận băn khoăn vì sao?
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris gặp gỡ Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại Văn phòng Chính phủ Việt Nam ở Hà Nội hôm 25/8/2021
Còn từ Hà Nội, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) bình luận:
"Tôi cũng nghe thấy trong dư luận đặt vấn đề và băn khoăn về việc này, họ hỏi là có bên trọng, bên khinh không?
"Còn tôi thấy rằng có thể Tổng Bí thư của ĐCSVN tiếp ông Vương Nghị vì ông Nghị còn là quan chức cấp cao trong ban lãnh đạo của ĐCS Trung Quốc, là Ngoại trưởng kiêm Ủy viên Quốc vụ và có thể đó là muốn nói lên quan hệ giữa hai đảng Cộng sản láng giềng, trong khi bà Kamala Harris là Phó Tổng thống thuộc nội các chính phủ và cánh hành pháp của Mỹ.
"Tuy nhiên, cũng có người đặt câu hỏi tại sao Tổng thống Barack Obama trước đây lại tiếp ông Nguyễn Phú Trọng. Và tôi cũng còn nhớ là tại dịp đó Tổng thống Obama đã tuyên bố là Hoa Kỳ tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam, và khẳng định này của chính quyền Mỹ cũng được báo chí chính thống Việt Nam nhắc lại trong chuyến thăm của bà Phó Tổng thống tới Hà Nội vừa rồi. Vậy thì còn có lo lắng gì đây về điều đó?
"Về phía Hoa Kỳ, người ta cũng hiểu rằng người đứng đầu của Việt Nam là ông Tổng Bí thư, và để thúc đẩy quan hệ giữa hai nước cho tin cậy hơn, người ta đã làm việc chưa có tiền lệ là Tổng thống Mỹ đã tiếp Tổng Bí thư của ĐCSVN. Tôi nghĩ ông Trọng tiếp được ông Vương Nghị, thì trừ những lý do gì đó như tôi nói ở trên như sức khỏe, cá nhân hay đột xuất đặc biệt khác, lẽ ra ông nên tiếp đón bà Phó Tổng thống Mỹ."
'Coi trọng quan hệ hai đảng'
Hôm 11/9, trang mạng của Đài Tiếng Nói Việt Nam đưa tin về việc Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng tiếp ông Vương Nghị, cho hay tại buổi tiếp:
"Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chào mừng đồng chí Vương Nghị và đoàn thăm Việt Nam; chúc mừng, đánh giá cao kết quả Phiên họp lần thứ 13 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc và chuyến thăm chính thức Việt Nam của đồng chí Vương Nghị, tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần tích cực cho thúc đẩy các mặt hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.
"Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc và 72 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; Tổng Bí thư khẳng định sự coi trọng của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc; đánh giá cao những tiến triển tích cực trong quan hệ hai Đảng, hai nước trong thời gian qua.
"Tổng Bí thư đề nghị hai bên trong thời gian tới tiếp tục tăng cường tiếp xúc cấp cao, củng cố quan hệ hữu nghị, tin cậy chính trị giữa hai bên; nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác giữa hai Đảng, tăng cường trao đổi kinh nghiệm về xây dựng Đảng và quản lý đất nước..."
Từ Nha Trang, bình luận tiếp với BBC về mục đích chuyến thăm Việt Nam của ông Vương Nghị, nhà báo tự do Võ Văn Tạo nói:
"Không mấy khó khăn để nhận ra thực chất chuyến công cán Việt Nam lần này của ông Vương Nghị nhằm lôi kéo Việt Nam khỏi xu hướng xích lại gần hơn với Mỹ và vì lợi ích chiến lược của Trung Quốc trong tham vọng bành trướng toàn cầu, với cái gọi là "một vành đai, một con đường.
"Dĩ nhiên, trong bối cảnh đại dịch khắp hành tinh, các nước chưa tự sản xuất được vaccine vô cùng khó khăn thì "ngoại giao vaccine" là chiến thuật gia tăng sức mạnh mềm của Trung Quốc, nhằm phục vụ chiến lược bành trướng lâu dài.
"Không chỉ vaccine trước mắt, ông Vương Nghị còn mang đến sự hứa hẹn sẽ hỗ trợ Việt Nam nhiều mặt. Tuy vậy, ở Biển Đông, Trung Quốc vẫn hung hăng lấn hiếp các nước nhỏ, yếu, đặc biệt là Việt Nam. Đó là chính sách "cây gậy và củ cà rốt" rất nham hiểm mà theo tôi Việt Nam, chính quyền và nhân dân cần cảnh giác."
'Khôn ngoan, không cứng nhắc'
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nâng cốc với Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington D.C. hôm 07/7/2015 nhân chuyến thăm của ông Trọng tới Mỹ
Từ Hà Nội, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, người cũng từng là Phó Vụ truởng Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, bình luận thêm:
"Tôi cũng nghe được nhiều ý kiến từ công luận về mục đích chuyến thăm Việt Nam của ông Vương Nghị, trong đó tôi đọc được ý kiến có người cho rằng chuyến thăm của ông Nghị nhằm ít nhất 3 mục tiêu mà Việt Nam cần hết sức cảnh giác đó là tiếp tục thực hiện ngoại giao vaccine vốn chỉ có lợi và khoa trương thanh thế cho Trung Quốc; thúc đẩy thực hiện tiếp sách lược Vành đai Con đường (BRI) đầy tham vọng của họ ở Việt Nam và khu vực; rồi xoa dịu Việt Nam trước sự bức xúc của người dân và lo ngại của chính quyền trước các hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông gần đây, trong khi vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ dừng bước xâm lấn từng bước, lấn tới từng bước, uy hiếp chủ quyền biển, đảo Việt Nam ở khu vực.
"Thực sự tôi cũng có một phần ý nghĩ như vậy, tôi cho rằng chuyến thăm này không thuộc chủ động của phía Việt Nam, mà có khả năng lớn do Trung Quốc chủ động đặt ra và có thể áp đặt, trong trường hợp ấy, phía chủ động bao giờ cũng chuẩn bị nội dung của họ để đưa sang nói chuyện.
"Tôi nhân đây xin nhắc lại là trong suốt chiều dài bang giao quan hệ Trung - Việt nhất là thời gian một hai chục năm trở lại đây, Trung Quốc luôn ép ban lãnh đạo Việt Nam thực hiện mười mấy thỏa thuận mà Việt Nam đã ký kết với Trung Quốc, kể cả những thỏa thuận mà ông Nguyễn Phú Trọng khi tham gia các ban lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam đã ký kết, cam kết, thỏa thuận với Trung Quốc mấy năm gần đây, thì chắc chắn rằng Vương Nghị hiện nay cũng như Dương Khiết Trì mấy năm trước khi tiếp xúc hay thăm Việt Nam thế nào cũng vin vào đó để nhắc nhở và ép Việt Nam thêm.
"Tôi cũng cho rằng Vương Nghị cũng nhắc nhở Việt Nam phải cảnh giác với Mỹ, đừng để Mỹ lợi dụng và tất nhiên cũng không ngoại trừ họ răn đe Việt Nam cả về kinh tế, thương mại, tài chính, viện trợ, nếu anh chịu làm thế này, thì sẽ được thế kia, vì ngay lần này các quan chức Việt Nam cũng đề nghị Trung Quốc hỗ trợ vaccine chống Covid -19, rồi tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, nhất là qua các cửa khẩu mậu dịch ở biên giới phía Bắc mà Trung Quốc tỏ ra khá tùy tiện 'đóng, mở, chế tài' lâu nay với phía Việt Nam, vì Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào kinh tế, mậu dịch, thương mại với Trung Quốc.
Ngoại trưởng TQ Vương Nghị có chuyến thăm tới bốn nước châu Á trong tháng 9/2021, bắt đầu bằng chuyến thăm tới Việt Nam từ hôm 10-12/9 và tiếp theo là Campuchia, Singapore và Hàn Quốc
"Nói nôm na, như trong dân gian và công luận nói, Trung Quốc luôn giữ thái độ mềm nắn, rắn buông, khi cần thì vỗ về, lôi kéo, khi có chuyện khó chịu, không vừa ý, thì họ sang uốn nắn, nhắc nhở, thậm chí áp lực, đe dọa bằng nhiều cách đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam.
"Nhân đây tôi cho rằng việc Việt Nam vừa tiếp xong Phó Tổng thống Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong chính quyền Tổng thống Biden, tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo sang thăm chính thức, bên cạnh nhiều bang giao, trao đổi ngoại giao với các đối tác, cường quốc, quốc gia và các khối quan trọng khác trong khu vực và trên thế giới, là những động thái, việc làm không chỉ chiến thuật, khôn ngoan, mà còn có tính cân bằng chiến lược trước Trung Quốc và các tham vọng của Trung Quốc đối với khu vực, trong đó có khu vực Biển Đông và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
"Chính sách đa dạng hoá, đa phương hóa theo hướng đó là khôn khéo và cần được tiếp tục, trong khi chính sách bốn không của Việt Nam cũng nên được Trung Quốc hiểu rằng nếu gây áp lực quá thì Việt Nam hoàn toàn có thể kêu gọi bạn bè, đối tác khác hỗ trợ để Việt Nam có thể tự giúp mình bảo vệ chủ quyền quốc gia và các quyền chủ quyền hợp pháp của mình, chứ không phải là bị động, cứng nhắc," ông Hoàng Ngọc Giao nói với BBC trên quan điểm riêng.
Được biết, trong chuyến thăm tới các quốc gia ở châu Á lần này, Ngoại trưởng, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Vương Nghị thăm chính thức các nước là Việt Nam, Campuchia, Singapore và Hàn Quốc, trong đó ông thăm Việt Nam ba ngày từ 10-12/9/2021.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-58559819
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét