Thứ Tư, 13 tháng 11, 2019

Khi người có tý tiền đã thích của lạ...

Khi người có tý tiền đã thích của lạ...
Câu chuyện thứ nhất: Bạn dễ dàng nhận ra rằng các khu chợ như thế này mọc lên chủ yếu bán động vật hoang dã cho khách từ các thành phố lớn, khi người có tiền nghĩ rằng ăn mấy con cò vạc này là bổ này bổ nọ và bao nhiêu họ cũng mua thì chắc chắn rằng con gì cũng hết. Nói chung con gì họ cũng ăn trừ con ốc... vít.
Câu chuyện thứ 2: Thực chất động vật hoang dã (
ĐVHD) có bổ như người ta tưởng không? Đúng là ĐVHD ít mỡ, ít dư lượng kháng sinh hơn đông vật nuôi. Tuy nhiên ngày nay khi mà các đồng ruộng đầy rẫy thuốc trừ sâu, diệt có thì chim/ thú là nhóm động vật trên cao của chuỗi thức ăn, chúng tích tụ các chất độc này qua việc ăn các loài côn trùng, giun, ốc... bị nhiễm độc rồi đến cá, ếch nhái, rắn... và cuối cùng là con người chúng ta.


Chúng tôi đã làm nghiên cứu chất ô nhiễm khó phân huỷ (persistent organic pollutants - POPs, đề tài hợp tác với USGS), kết quả cho thấy rằng chất độc DDT (Dichloro-Diphenyl-Trichloroethane) tích tụ rất nhiều trong các loài chim nước, nhất là nhóm Cồng cọc, Cò, Vạc (là những loài ăn cá) ở dạng DDE (dichlorodiphenyldichloroethylene), là chất có độc tính cao hơn cả DDT, gây rối loạn thần kinh ngoại biên, làm tê liệt bộ phận hoặc toàn bộ hệ thần kinh.

Câu chuyện thứ ba: 
Là câu chuyện của cá nhân tôi quan sát hồi còn nhỏ. Chắc hẳn những bạn thế hệ 7X như mình nếu sống ở nông thôn đều biết rằng ngày xưa cá, ếch nhái, rắn, rùa đầy đồng. Cứ mưa xuống là xách cái đèn đốt bằng lốp xe đạp ra đồng là dễ dàng kiếm vài ký mang về. 

Thế rồi đùng một cái năm 1993 (khi tôi học lớp 8, có thể sau Hội nghị Thành Đô), Trung Quốc họ sẵn sàng thu mua ếch nhái và rắn, rùa với giá rất cao, không kể nó là loài gì (nhớ có lần tôi đập chết một con rắn nước nhỏ, mà bán được 16 ngàn thời ấy). 

Thế là trẻ con, thanh niên đua nhau đi bắt gần như toàn bộ ếch nhái, rắn, rùa lớn nhỏ đem bán cho thương lái, họ đồn rằng người TQ thích ăn những thứ đó để sinh con trai... 

Nhưng đâu ngờ rằng một vài năm sau, dịch hại sâu bọ và chuột đầy đồng. Cách duy nhất là sử dụng thuốc độc để trừ sâu, diệt chuột. Bây giờ các bạn biết là mua các loại thuốc đó từ đâu rồi chứ gì?
Kết quả, chúng ta mất đi nguồn lợi tự nhiên, mất đi cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp mà hơn thế nữa chính chúng ta phải tả tiền để đầu độc chúng ta.
Nguyễn Hoài Bảo
PS. Hình ảnh do chính cá nhân đi thực tế và ghi nhận, ai thích cứ share không cần hỏi.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét