Thứ Ba, 10 tháng 9, 2019

TỪ THIỆN VÀ TRỢ CẤP - TƯ NHÂN VÀ CƠ CHẾ

Từ cuối thập kỷ 1990, mình bắt đầu tham gia một số tổ chức từ thiện, nhưng sau đó thấy bất ổn nên đã rút ra. Trong hai thập niên vừa qua, mình chỉ ủng hộ tiền theo vụ việc chứ không tham gia trực tiếp. Qua tham gia các hoạt động này, mình mới thấy một điều là chính phủ VN gần như hoàn toàn vô trách nhiệm với người nghèo. Mỗi khi có việc xảy ra, cả bộ máy chính phủ dường như chỉ có một việc là kêu gọi người dân chung tay giúp đỡ nhau. Điều này hoàn toàn ngược với cách làm ở các nước văn minh. Người dân ở các nước này đều có ý thức rất rõ là làm từ thiện để hỗ trợ nhà nước chứ không phải thay nhà nước; nhà nước phải là người có trách nhiệm chính; nếu nhà nước không làm thì dân hạ bệ nhà nước. Bài viết dưới đây rất đúng. Chúng ta có chính phủ không phải để làm tất cả, mà là để thay mặt chúng ta làm những gì chúng ta không thể. Đó là những vấn đề liên quan đến lợi ích tập thể, an sinh của toàn dân, an toàn của xã hội và những vấn đề công ích. Nhiệm vụ hàng đầu của bộ máy chính quyền là thiết lập nên tảng an sinh để bảo đảm cho tất cả công dân, giàu và nghèo. Khác với từ thiện, chính quyền thu thuế của dân thì phải có trách nhiệm với dân mỗi khi dân gặp khó khăn. Cơ chế an sinh xã hội cam kết rằng tất cả người dân phải được chính phủ bảo vệ, giúp đỡ. Đây là một hợp đông, một cam kết vô hình giữa dân và chính quyền khi chính quyền thu tiền thuế của dân. Đáng tiếc người VN có thói quen kêu gọi nhau giúp đỡ người gặp khó khăn chứ không yêu cầu, đòi hỏi chính quyền phải làm, nên chính quyền càng không cần quan tâm đến người dân. Đã đến lúc người dân cần lên tiếng đòi hỏi quyền lợi của mình.
TỪ THIỆN VÀ TRỢ CẤP - TƯ NHÂN VÀ CƠ CHẾ
Khi nói đến An Sinh Xã Hội và những phương pháp để xoá đói giảm nghèo thì nhiều người lầm tưởng rằng có thể hoàn toàn làm thông qua từ thiện của tư nhân. Họ nói không sai, ai cũng có lòng tốt cho nên không ai quay lưng với những người khó khăn hơn mình cả. Những người thiên về trường phái Tự Do Cá Nhân thì lại muốn chính phủ hạn chế để người dân có thể tự giải quyết. Ý tốt họ không thể chối cãi được.
Nhưng sẽ là ngộ nhận và sai lầm chết người nếu nghĩ rằng tư nhân có thể làm tất cả. Về lý thuyết thì hoàn toàn đúng. Xã hội có hàng triệu người nhân hậu, chúng ta có hàng vạn tổ chức thiện nguyện và luôn có những bạn trẻ lý tưởng sẵn lòng hy sinh thời gian và tiền bạc của mình để giúp đỡ người khác. Nhưng về thực tế thực hành thì lại có vô số rào cản và giới hạn. Sau đây là những vấn đề với từ thiện.

1) Từ thiện là tự nguyện - Lòng tốt của con người lúc nào cũng tồn tại nhưng không có nghĩa là nó có mãi. Vì bản chất con người là ích kỷ dù có tấm lòng nhân ái. Vì nó không có tính chất ràng buộc cho nên chỉ có thể thực hiện nhất thời. Bạn lấy gì để cam kết rằng khi có vấn đề thì người ta sẽ góp tiền cho bạn, đó là nếu họ tin tưởng bạn? Gần như không có gì, ngoài niềm tin. Rất tiếc, điều đó không đủ. Chúng ta có thể tin tưởng bạn bè hoặc những người thân quen, nhưng khi lên quy mô thì e rằng không. Đất nước vận hành dựa trên sự cam kết, nếu chỉ là lời hứa thì chẳng có ý nghĩa gì lâu dài cả.

2) Nguyên góp từ thiện tốn thời gian và công sức - Để có được tiền để làm việc thiện thì trước tiên bạn phải đi nguyên góp, tốn vô số công sức và thời gian. Tổ chức đó phải thuê người quảng bá, nhân viên quản lý. Ước tính thì mỗi một đồng thu được thì họ phải tốn một đồng để chi trả cho bộ máy hành chính của mình. Bạn không thể nào phát triển dựa trên giới hạn này được. Có thể là quy mô nhỏ nhất định nào đó, chứ không thể nào làm lâu dài. Vấn đề không nằm ở bạn mà ở mô hình.

3) Từ thiện dễ bị lợi dụng - Khi góp tiền cho các tổ chức thiện nguyện, sự lo âu hàng đầu của nhiều người chính là mồ hôi nước mắt của họ liệu có được sử dụng đúng mục đích không, hay sẽ chạy vô túi của những cá nhân. Bởi vì từ thiện là tư nhân cho nên nó dễ phát sinh ra những lợi ích nhóm nhằm lợi dụng. Đây là vấn nạn ở bất cứ nơi đâu. Có thể làm nghĩ rằng bạn sẽ làm tốt nhưng tôi e rằng những người khác thì không. Bởi vì nó dễ bị lợi dụng cho nên từ thiện đôi lúc trở thành rào cản để xoá đói giảm nghèo.

4) Vấn đề với thanh khoản và tiếp cận - Từ thiện chỉ có thể hoạt động ở một khu vực nhất định hoặc cho một lĩnh vực nào đó, nó khó và gần như không thể nào bao gồm toàn dân. Giả sử bạn nguyên góp tiền cho một hội từ thiện ở thành thị. Vậy còn những người tật nguyện ở vùng khác thì khác. Không lẽ chúng ta phải tạo ra cả vạn tổ chức thiện nguyện cho mỗi khu vực và đẻ ra cỗ máy hành chính. Hãy suy ngẫm xem, cái lý tưởng của bạn nghe có hợp lý ngoài đời không?

Chúng ta có chính phủ không phải để làm tất cả, mà là để thay mặt chúng ta làm những gì chúng ta không thể. Đó là những vấn đề liên quan đến lợi ích tập thể, an sinh của toàn dân, an toàn của xã hội và những vấn đề công ích. Nhiệm vụ hàng đầu của bộ máy chính quyền là thiết lập nên tảng an sinh để bảo đảm cho tất cả công dân, giàu và nghèo.

Khác với Từ Thiện, chính quyền có tính chất cam kết. Nếu bạn bị tai nạn, một tổ chức từ thiện có thể giúp đỡ hoặc không, đó là nếu họ biết bạn là ai và thực hiện kịp thời. Còn cơ chế an sinh xã hội cam kết rằng tất cả sẽ được bảo vệ. Nó hơn cả một lời hứa, mà là một hợp đông vô hình giữa dân và chính quyền.

Thay vì dựa vào lòng thương của người lạ. Cơ chế an sinh xã hội xoá đói giảm nghèo bằng những cách như sau.

1) Miễn học phí cho tất cả học sinh để bảo đảm rằng một đứa trẻ giàu hay nghèo đều được đến trường. Bạn hãy chỉ ra một tổ chức từ thiện nào có thể làm được điều này, tôi e rằng không có vì họ không thể.

2) Thiết lập mô hình y tế, dùng tiền thuế trong ngân sách để cung cấp dịch vụ tối thiểu - Cho dù bạn sinh ra có bệnh tật, là một người nghèo không tiền, một người khá giả có bảo hiểm tư nhân thì nếu bạn là công dân thì cơ chế này sẽ bảo vệ bạn. Công ty bảo hiểm tư nhân thì có thể từ chối bạn nhưng dịch vụ công thì không bao giờ. Một tổ chức tư nhân dù tốt và nhân hậu gấp mấy cũng không thể nào giải quyết vấn đề này cho tất cả. Chỉ có chế chính quyền mới có thể thực hiện được.

3) Thiếp lập cơ chế lương hưu tối thiểu - Bây giờ bạn là một công dân đi làm đóng thuế cả đời, nhưng khi về hưu thì không được gì. Vậy bạn có muốn dốc sức để cống hiến cho một đất nước như vậy không? Có thể là khi còn trẻ bạn nghĩ rằng mình sẽ tự lực nhưng lúc về già thì mọi chuyện sẽ khác. Hãy nhìn ông bà bạn, cha mẹ bạn và những người giàu xung quanh. Họ trắng tay vì xã hội này không có cơ chế để lo cho họ. Đó là một đất nước tồi, bạn có muốn họ sống dựa trên niềm tin và lòng thương hại không? Đừng nói với tôi là có nhé.

Chẳng có gì là miễn phí cả. Tất cả phải được chi trả bởi mồ hôi công sức của người khác. Nhưng tôi sẵn lòng đóng tiền và tham gia và cơ chế này để bảo vệ những người khác vì sau này nếu tôi gặp nạn thì chính tôi cũng muốn điều tương tự. Không chỉ tôi mà người khác cũng vậy, trong đó có những bạn nghĩ rằng mình không cần.

Các tổ chức nhân đạo tư nhân sẽ luôn tồn tại vì họ giải quyết những vấn đề mà chính phủ không thể. Nhưng nếu chính quyền không đóng vai trò chính thì nỗ lực của tư nhân cũng sẽ như muối bỏ bể. Từ thiện chỉ là tự nguyện và sẽ không ai dốc sức cống hiến dựa trên lời hứa cả. Muốn xoá đói giảm nghèo thì phải bắt đầu với cơ chế.

Ku Búa @ Cafe Ku Búa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét