Thứ Tư, 13 tháng 3, 2019

Từ hàng hóa "chợ đen" đến đất nghĩa trang "chợ đen"

Tôi vẫn nói thế giới văn minh đi đằng Đông, Việt Nam kiên định đi đằng Tây nên càng ngày đất nước càng lụn bại, càng trở thành thuộc địa của nước ngoài. Đúng như trong bài viết: "Đang có một sự phân hóa ngày càng kinh khủng giữa người giàu và người nghèo. Chúng ta đang sống trong một xã hội kim tiền đúng nghĩa, người người đều chạy theo phong trào phục vụ cho người giàu nhằm thu lợi tối đa mà quên đi người nghèo. Hết lo nhà, xe, lo bệnh viện, trường học, đời sống tâm linh... cho người giàu, người ta lại lo đến cả cái chết cho người giàu". Ở nước ngoài, người ta hỏa thiêu hoặc xây mộ rất nhỏ, thường chỉ là một ô nhỏ trên bức tường nhưng chứa được rất nhiều lọ tro. Còn ở Việt Nam, người người đua nhau xây mộ, xây chùa hoành tráng, dẫn đầu là những quan chức cao cấp nhất của Đảng và Nhà Nước. Tôi căm phẫn nhất là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi sống, cả đời bám lấy biệt thự to đẹp, rộng lớn nhất Hà Nội, kiên quyết không trả lại Nhà nước như các bác lãnh đạo khác. Khi chết, lăng mộ chiếm cả một vùng đất rộng lớn; đám tang vô cùng tốn kém cho đất nước; sau đó lại thêm một trung đoàn lính bảo vệ... Tiếp đó là Đại tướng Chủ tịch nước Trần Đại Quang và nhiều bác quan to khác. Nếu lãnh đạo cao nhất không gương mẫu thì sẽ đến ngày người sống không còn đất để ở và chỉ người giàu mới được an nghỉ trong nghĩa trang... Vì nước mình đứng thứ 13 thế giới về mật độ dân số cao, dân lại sống quá tập trung ở vùng đồng bằng (khác với thế giới) nên theo tôi, giải pháp tốt nhất là vận động toàn dân hỏa táng, đem tro cốt về thờ ba năm, sau đó làm lễ rải xuống sông. Thế là xong.
Đầu cơ đất nghĩa trang: Bán vé an nghỉ giá 'chợ đen'?
(Thị trường) - Trước nay ở Việt Nam có tình trạng mua bán vé "chợ đen" thì giờ có thêm hiện tượng mua đất nghĩa trang "chợ đen". Thời gian qua, nhiều dự án bất động sản nghĩa trang đưa ra lời kêu gọi đầu tư với những lời quảng cáo hoa mỹ, đặc biệt là cơ hội sinh lời lên tới 200%. Trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, đang có một sự phân hóa ngày càng kinh khủng giữa người giàu và người nghèo. "Chúng ta đang sống trong một xã hội kim tiền đúng nghĩa, người người đều chạy theo phong trào phục vụ cho người giàu nhằm thu lợi tối đa mà quên đi người nghèo. Hết lo nhà, xe, lo bệnh viện, trường học, đời sống tâm linh... cho người giàu, người ta lại lo đến cả cái chết cho người giàu. Trong khi đó, ít ai quan tâm đến phúc lợi cho người nghèo, từ miếng ăn, chốn ở đến cái chết của họ... gần như bị bỏ quên. Điều đó cho thấy tính nhân bản đang ngày càng bị xói mòn", ông Nguyễn Văn Đực nhận xét.

Nhiều dự án nghĩa trang kêu gọi đầu tư với mức 
lợi nhuận hứa hẹn lên tới 200%. Ảnh minh họa
Riêng chuyện chăm lo ngôi nhà cho người đã khuất, trong khi nhiều nghĩa trang thường chỉ bán mộ lẻ, dành cho những người có nhu cầu thực sự thì cũng xuất hiện không ít dự án nghĩa trang được chào bán cho những người mang mục đích đầu tư. Theo Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, đang xảy ra một cao trào kinh doanh về nghĩa trang mà về mặt pháp lý không quản được vì đó là quyền của người chủ nghĩa trang, họ bán cho những người mua để dành.

"Có người có nhu cầu thực sự và chính đáng khi mua cả khu đất lớn để làm mộ gia tộc nhưng cũng có hiện tượng mua để đầu cơ, khi người khác có nhu cầu thì bán lại và hưởng phần chênh lệch. Việc ấy rất quá đáng! Giống như người ta đặt chỗ trước ở bệnh viện, máy bay, tàu hỏa, trường học để rồi bán lại với giá "chợ đen". Trước nay ở Việt Nam có tình trạng mua bán vé "chợ đen" thì giờ có thêm hiện tượng mua đất nghĩa trang "chợ đen".

Việc mua một lô đất nền, một căn hộ rồi bán lại từng được coi là không hợp lý, thiếu tính nhân văn. Giờ người ta còn mua cả đất nghĩa trang để bán lại thì mới thấy tính nhân văn đã xuống quá thấp", ông Nguyễn Văn Đực đánh giá.

Nói rõ thêm về thực trạng này, vị chuyên gia bất động sản cho biết, nhiều khi chủ dự án nghĩa trang sau khi bỏ một số tiền lớn để đầu tư dự án, họ cần huy động vốn nên "bán lúa non". Sau khi chủ dự án bán cho nhà đầu tư thứ cấp, những người này lại mua đi bán lại, đẩy nhu cầu lên cao.

"Tôi biết một số nghĩa trang trước đây vẫn có hiện tượng này nhưng không rầm rộ như hiện nay. Phần đông người mua có nhu cầu thực, muốn mua đất nghĩa trang để dành cho cha mẹ, người thân. Thế nhưng ở đây là mua đi bán lại để kiếm lời và việc bán giá chợ đen "chuyến tàu suốt" cuối đời là điều cực kỳ quá phản cảm", ông Đực thẳng thắn bày tỏ quan điểm.

Dù không biết những người mua đi bán lại đất nghĩa trang được hưởng mức lời như thế nào nhưng theo ông Nguyễn Văn Đực, nhiều đất nghĩa trang được bán với giá rất cao. Đất nghĩa trang khi giải tỏa đền bù giá rất thấp vì thường là đất hoang hóa, đất ruộng, chủ đầu tư làm thêm đường, công viên cây xanh, một số công trình xã hội như nhà thờ, chùa..., đẩy giá bán lên ngất ngưởng.

Minh chứng cho điều này, ông Đực dẫn ngay câu chuyện của chính mình. Chín năm trước, ông mua đất nghĩa trang cho ba mẹ mình, dù diện tích chỉ dưới 20m2 nhưng giá bán còn đắt hơn cả một căn hộ chung cư.

"Một căn hộ chung cư Thái An quận 12 (TP.HCM) thời điểm đó chưa tới 13 triệu đồng/m2, nhưng giá mộ ở Gò Đen đã quá 25 triệu đồng/m2 rồi", ông cho biết.

Vị chuyên gia chỉ ra rằng, không có pháp luật nào can thiệp được vào chuyện mua đi bán lại đất nghĩa trang bởi khi chủ đầu tư được phép đầu tư dự án nghĩa trang nghĩa là họ đã được quyền bán, còn giá đắt rẻ là do thị trường. Những người đầu tư thứ cấp sau khi mua đất nghĩa trang lại bán lại cho những người đầu tư sau đó, đó là cơ chế thị trường.

"Đành rằng không có luật pháp nào ngăn cấm việc xây nghĩa trang, định giá bao nhiêu, nhưng liệu đất nước này có cần xây nhiều nghĩa trang hay không? Như chuyện xây chùa, có nhất thiết phải xây nhiều chùa không, xây như thế nào hay chỉ nhằm kinh doanh, trục lợi?", ông Nguyễn Văn Đực đặt câu hỏi.

Bởi các phần mộ trong nghĩa trang không hề rẻ, đòi hỏi người mua để sử dụng cũng phải có thu nhập trung bình khá trở lên. Nhưng câu hỏi đặt ra là: những người nghèo, người có thu nhập thấp hơn sẽ thế nào? Thị trường đất nghĩa trang giống như nhà ở, căn hộ cao cấp thì nhiều mà căn hộ cho người thu nhập thấp lại rất hạn chế.

Trả lời câu hỏi cần có chính sách nhà ở cho... người chết, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho biết, trong nền kinh tế thị trường chưa hoàn thiện hiện nay, có hiện tượng trục lợi, chạy theo lợi nhuận tối đa bất chấp mọi thứ.

"Với người đang sống, chương trình nhà ở xã hội đã thất bại khi chính sách nhà ở cho người nghèo chưa rõ ràng. Còn doanh nghiệp tư nhân hà cớ gì phải làm nhà người nghèo trong khi xây dựng nhà ở cho người giàu giúp họ kiếm tiền, thu lợi nhiều hơn?

Cũng chính vì thế, người ta không làm nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, bệnh viện... cho người nghèo mà tập trung phục vụ người giàu.

Ngay nghĩa trang cho người nghèo cũng không có ai đứng ra tổ chức. Có lẽ một ngày nào đó, người nghèo không biết chôn ở đâu, phải đem thiêu, chỉ có người giàu mới được an nghỉ trong nghĩa trang", ông Nguyễn Văn Đực lo ngại.

Nhắc lại nghịch lý trong khi nước ngoài luôn khuyến khích xây mộ nhỏ hoặc hỏa thiêu, còn ở Việt Nam, người người đua nhau xây mộ hoành tráng, ông Nguyễn Văn Đực cho rằng rất cần có chính sách để vận động, làm gương xây dựng những ngôi mộ nhỏ, bình dị, tiết kiệm đất đai, chi phí và nhất là khu mộ cho người nghèo.

Thành Luân

http://baodatviet.vn/bat-dong-san/thi-truong/dau-co-dat-nghia-trang-ban-ve-an-nghi-gia-cho-den-3376047/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét