Thứ Năm, 28 tháng 3, 2019

"Người cởi trói chính trị" hay "Người đốt lò" ?

Lịch sử sẽ ghi nhận "người cởi trói chính trị" thay vì "người đốt lò"
Hoa Nghi - Cần phải thừa nhận rằng, nền kinh tế Việt Nam dưới sự điều hành ở ông Nguyễn Xuân Phúc ở khía cạnh nào đó khởi sắc hơn so với người tiền nhiệm. Tuy nhiên, để duy trì xu hướng đi lên này, ông Phúc cần phải năng động và xác định rõ ràng sự đổi mới then chốt trong cơ chế kinh tế lẫn chính trị. Nếu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc muốn kiến tạo một nền kinh tế phát triển bền vững, một nền hành chính công hiệu quả và minh bạch thì ông có thể đi một con đường khác ông Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Đó là tập trung cải tổ bộ máy nhà nước thông qua sự mở rộng quyền tự do chính trị của người dân. Và khi ông làm được điều này, thì lịch sử sẽ ghi nhận vai trò vị trí của ông lớn hơn cả “người đốt lò”. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP quý 1 năm 2019 là 6,58%, thấp hơn phương án thấp mà kịch bản được đưa ra từ cuối năm 2018. Điều này cho thấy, năm 2019 thực sự biến động hơn, và để vượt ra sự biến động này, cần phải có tầm nhìn để vực dậy nội lực nền kinh tế, trong đó bao gồm cải cách thể chế để thỏa mãn bốn yếu tố còn lại: hạ tầng, nguồn nhân lực, khu vực kinh tế tư nhân và cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo Invest Asian, tăng trưởng trung bình 6% của Việt Nam trong vài thập niên qua đã hỗ trợ duy trì sự ổn định và cân bằng của nền kinh tế. Và sự gia tăng nhân khẩu học (dự kiến là tăng gần 20 triệu vào năm 2020) sẽ giúp thúc đẩy các ngành công nghiệp Việt Nam và sẽ tiếp tục khuyến khích phát triển trong những năm tới. Tuy nhiên, sự gia tăng này gắn liền với thu hút vốn FDI, và lực lượng nhân sự cho nhóm này chủ yếu là nhân công giá rẻ. Bản chất của nền kinh tế Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay vẫn chưa tiếp cận được với sự tự chủ, mà chủ yếu là dựa vào FDI.

Trong một bài đăng tải trên website Chinhphu.vn đã dẫn ý kiến chuyên gia, trong đó “đánh giá cao những nỗ lực cải cách vừa qua của Chính phủ và tin rằng trong 5 tới 10 năm tới, hệ thống thể chế kinh tế của Việt Nam sẽ hoàn chỉnh, trong bối cảnh CPTPP đã chính thức có hiệu lực.”.

CPTPP hay thậm chí là EVFTA thể hiện sự hội nhập của nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, về mặt bản chất, thì nó là sự tận dụng sự cởi mở hàng rào thuế quan hơn là xem xét đó là cơ hội để đẩy mạnh cải cách thể chế, mở rộng thị trường. Sẽ chẳng thể có một sự hậu đãi đáng suy ngẫm này xoay quanh việc tự do hóa kinh tế nhưng lại tìm cách kiểm soát chặt chẽ chính trị. Ngay cả bản thân cuộc chiến đốt lò chỉ thuần là một giai đoạn nhiệm kỳ hơn là một cam kết mang tính bề sâu trong đẩy mạnh tính minh bạch và hiệu quả ở hệ thống nhà nước

Chúng ta có thể nhìn thấy tương lai của nền kinh tế Việt Nam qua Trung Quốc – quốc gia mà Việt Nam cóp nhặt không ít luận thuyết để “mở cửa, và hội nhập”, và Trung Quốc – được ví như tấm gương thành công của cải cách kinh tế nhưng siết chặt tự do chính trị. Tuy nhiên, thành quả kinh tế của Trung Quốc mà Bắc Kinh từng tự hào lại đến từ chính việc tận dụng sự bảo hộ triệt để nền sản xuất trong nước, nhân công giá rẻ, và sự sao chép công nghệ bất hợp pháp.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã khiến nền kinh tế Trung Quốc suy yếu, và làm lộ rõ tính chất thiếu bền vững của cường quốc hạng 2 này. Trong xu thế đó, Trung Quốc thay vì cam kết tiếp tục giữ chỉ số tăng trưởng, thì nước này lại có bước đi khoa học hơn – cam kết tiếp tục mở cửa nền kinh tế theo hướng tòan diện. Nhưng kể cả “cam kết” như thế, thì khi nào chính trị Trung Quốc vẫn siết chặt, thì tất cả mọi chủ nghĩa kinh tế vẫn sẽ phục vụ cho một nền kinh tế do nhà nước thống trị, nguyên tắc thị trường tự do vẫn sẽ không hiện diện.

Việt Nam cũng đang đi theo con đường đó của Trung Quốc, dựa vào FDI, nhân công giá rẻ, bảo hộ và sự sao chép công nghệ bất hợp pháp. Mới đây nhất, Bloomberg dẫn nguồn tin từ nhà cung cấp dịch vụ an ninh mạng FireEye Inc, cho biết, các hacker được hỗ trợ bởi Nhà nước đang nhắm vào các công ty ô-tô nước ngoài, mục tiêu các cuộc tấn công nhằm hỗ trợ các mục tiêu sản xuất xe. Và mặc dù, người phát ngôn ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, Chính phủ Việt Nam không cho phép bất kỳ hình thức tấn công mạng nào chống lại các cá nhân hoặc tổ chức. Tuy nhiên, những gì mà giới lãnh đạo Việt Nam kỳ vọng vào sự cất cánh của nền công nghiệp ô-tô không khiến cho dư luận thôi hoài nghi.

Cũng liên quan đến vấn đề Trung Quốc, từng có nhiều dự đoán rằng, sự thịnh vượng kinh tế sẽ thúc đẩy tự do chính trị. Và sớm hay muộn, nền kinh tế Trung Quốc sẽ chậm lại, hay sự đi lên của nền kinh tế dưới sự cai trị độc đoán sẽ không thể kéo dài. Và tại Trung Quốc, không hề có sự tách biệt giữa quyền lực chính trị và hành chính công. Thế nên, hiểu về bộ máy hành chính Trung Quốc, là phải hiểu về độ quan liêu của bộ máy, và sự có mặt của những đặc điểm dân chủ tỏng bộ máy quan liêu mà Đặng Tiểu Bình cố gắng đem vào cũng chỉ là duy trì cho một sự tăng trưởng mang tính giai đoạn. Và tại Trung Quốc, cái thời kỳ mà phấn đấu đưa con số GDP trở nên đẹp đẽ, thì các lãnh đạo cấp cao đổi mới nền kinh tế đã đưa vấn đề bảo vệ môi trường và xóa đói giảm nghèo xuống hàng hai, trong khi mục tiêu tăng trưởng kinh tế lại luôn phải đi đôi với duy trì ổn định chính trị.

Việt Nam thì sao, quan điểm gần đây nhất từ phía Chính phủ vẫn hướng đến con số GDP đẹp, trong khi đó, những cột khói tại Nhiệt điện Vĩnh Tân hay Formosa, những kế hoạch nhấn chìm khối vật chất (được hình thành từ sản xuất gang thép) xuống biển vẫn đang hiện diện, và khoảng cách giàu nghèo vẫn đang gia tăng – như một báo cáo của WB vào tháng 4.2018.

Tiếp đó, cuộc chiến chống tham nhũng (đả hổ diệt ruồi bên Trung Quốc hay đốt lò tại Việt Nam) có tác động như thế nào đối với tăng trưởng và phát triển bền vững kinh tế?. Rõ ràng, nó có tác dụng thúc đẩy niềm tin của xã hội, nhưng, cuộc chiến “đốt lò” trong bối cảnh siết chặt tự do chính trị về lâu dài chỉ là “lấy mỡ nó rán nó”. Chính “đốt lò” làm tồi tệ hơn nguyên tắc “phát triển kinh tế, siết chặt chính trị”. Lý do bởi, một lãnh đạo quyết đoán và tham nhũng là hai mặt của cùng một đồng tiền. Và Bạc Hy Lai, người bị Tập Cận Bình đưa ra tòa vì tội tham nhũng, từng là người hiện thực hóa giấc mơ hạ tầng cơ sở, nhà xã hội ở Trung Khánh, biến vùng nước phía tây của Trùng Khánh thành một trung tâm công nghiệp thịnh vượng. Và câu chuyện của Bạc Hy Lai có thể hiện diện tại Tp. Đà Nẵng, với Nguyễn Bá Thanh hay thậm chí là Nguyễn Nhân Chiến (Bắc Ninh).

“Đốt lò” không thể ngăn chặn tham nhũng gia tăng, mà làm cho tham nhũng trở nên tinh vi hơn. Nó cũng không thể nào làm sạch bộ máy quan liêu hơn nữa, nếu nó không có sự cải tổ từ bên trong.

Vậy “đốt lò” có giúp tăng trưởng kinh tế không?. Tương tự như trên, nó chỉ phục hồi tạm thời niềm tin của một bộ phận người dân về sự “trừng trị các quan chức quan liêu, tham nhũng”, và làm thỏa mãn sự tò mò lẫn hả giận của người dân. Bởi tăng trưởng bền vững trong một nền kinh tế đòi hỏi nhiều hơn là chỉ xây dựng các khu công nghiệp và xây dựng đường xá, hay thậm chí là một quan chức cấp cao ra tòa, nó đòi hỏi những ý tưởng mới, công nghệ, dịch vụ và những đổi mới tân tiến hơn. Các quan chức nhà nước có thể nghĩ ra, nhưng sẽ không nhiều, tương tự như một Kim Ngọc thời kỳ bao cấp. Cái nhà nước cần là thúc đẩy hay tạo điều kiện cho những ý tưởng như vậy được bộc lộ và phát triển. Và để làm được điều này nhà nước buộc phải giải phóng và hướng đến tiềm năng sáng tạo to lớn của xã hội dân sự, trên nền tảng tự do ngôn luận hơn, hay sự tham gia cộng đồng nhiều hơn và ít can thiệp của nhà nước hơn.

Nhưng những gì đang diễn ra tại Việt Nam lẫn Trung Quốc vẫn là “siết chặt tự do chính trị” dưới lớp màn “ổn định chính trị” trong khi ảo mộng về một nền kinh tế phát triển bền vững và thịnh vượng.

Những quan điểm trên cho thấy, nếu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc muốn kiến tạo một nền kinh tế phát triển bền vững, một nền hành chính công hiệu quả và minh bạch thì ông có thể đi một con đường khác ông Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Đó là tập trung cải tổ bộ máy nhà nước thông qua sự mở rộng quyền tự do chính trị của người dân. Và khi ông làm được điều này, thì lịch sử sẽ ghi nhận vai trò vị trí của ông lớn hơn cả “người đốt lò”.

Con đường hoạn lộ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho thấy, ông sẽ tiếp tục có vị trí chính trị cao hơn trong tương lai.

Hoa Nghi
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét