Thứ Năm, 28 tháng 3, 2019

Mục ruỗng hết rồi: KHẾ CỤ CAM

Mục ruỗng hết rồi: KHẾ CỤ CAM
Phọt Phẹt - Là cây khế của cụ Cam tôi, một đảng viên cộm cán. Nó là giống khế dở, nghĩa là không chua, không ngọt, ăn rất ưng mồm. Chẳng biết được giồng tự bâu giờ, nhưng lúc tôi nhớn lên đã thấy cao lão lắm rồi và quả thì chi chít như sung già cổ tự. Hoa lợi cụ Cam tôi đều thu hái từ cây khế đó.

Ngay dưới gốc cây khế là một cái hố xí lộ thiên hình bán nguyệt. Để mô tả thì quả là khó lắm, đại khái cụ tôi đào một cái hố nông hình bán nguyệt rồi bắc tấm ván thiên kê ngang, nom tựa như cầu Ô Thước vậy. Cụ hay cho người làng vào ị nhờ để lấy phân nhưng lại đứng ngoài canh me như tuần đinh gác trộm. Là cụ sợ bọn đi xia táy máy leo trèo trộm khế, nhất là đám nhi đồng bọn tôi. Đâm ra thay vì vin cành hái quả, bọn tôi đi nhặt những trái rụng rơi dưới vườn. Ác cái là những quả chín thơm ngon nhất lại tuyền lao đầu vầu cái xí lộ thiên kia bởi những cành sai nhất lại trĩu theo hướng đó. Nhiều bận thèm thuồng tiếc của bọn tôi cũng chả ngại nhặt những quả chín ngay hố phân gio đem rửa ráy ăn ngon lành. Thời thổ tả nó thế, giun sán sao phải băn khoăn?

Nhà tôi hồi ấy nghèo, tết nhất chả có gì ngoài hộp mứt mậu dịch phân phối theo chỉ tiêu. Mà lại có được tử tế, tuyền mốc khoáng đại vương, có các ông mọt bò lồm ngồm, nhai cót két. Cứ mỗi đận cận tết, mẹ tôi lại xin phép cụ Cam cho lũ tôi sang nhặt khế rụng về làm mứt. Chả biết mẹ tôi học đâu ra món này. Khế nhặt về tách múi đem phơi, lúc làm thì cho chảo đảo khô rồi thắng đường vàng hay mật mía đổ vào là thành mứt. Chán nỗi không mấy ngon vì tuyền quả đểu. Muốn ngon phải là những quả chín hố phân kia. Báo hại thân tôi mót quả.

Người ta cứ bảo trẻ trồng na, già trồng chuối, chứ ai lại như cụ Cam tôi đi trồng khế bao giờ. Năm ấy cụ bảy mươi xuân nhưng leo trèo giỏi lắm, khỉ trên rừng hẵng còn thua xa. Cứ sáng chiều hai bận cụ đánh đu vặt khế bán chợ làng. Những cành xa, cụ làm cái lồng bằng ống nứa vặt trơn tru từng quả một, cấm sót lấy thức gì cho chim. Mỗi lần thế, cụ hay réo tôi sang nhặt khế bỏ thúng, bởi trong đám trẻ tôi thật thà nhất, không găm túi áo, chả lận cạp quần. Xong việc cụ ban cho tôi chọn một quả ưng nhất mà ăn. Tôi không ăn mà chỉ ngửi rồi đi nhem nhem với lũ đồng ấu thối tai. Đâu tôi cũng bảo cụ Cam cho, vì cụ yêu và quan trọng là tôi muốn chứng minh mình là ngon lành nhất. Chỉ đến khi tai khế đen đi mới dám đem ăn trong niềm hân hoan e rè và tiếc rẻ.

Cũng năm ấy, như bao lần tôi lại sang giúp cụ Cam thu hái. Tôi cứ bấc mặt lên giời dõi theo hướng khế rơi mà nhặt bỏ thúng cho cụ. Cụ hái khéo lắm, cấm quả nào rơi vào cái hố xí lộ thiên. Tôi phục lăn lóc. Rồi bỗng oác oác, tôi thấy cụ phịch hố phân, mặt cắm thẳng. Tôi rú lên kêu làng kêu nước. Họ vục cụ dậy, đặt nằm ngửa bên giải khoai lang, lấy nước rửa mặt rồi hô hấp nhân tạo. Nhưng chả ăn thua. Người thì bảo ngạt phân, kẻ thì bảo động não. Tôi thì bảo tại cành sai. Mà nhất khoát phải thế, nếu cụ chả ham cành sai thì đâu nên nỗi. Chưa kể khế già, cành lá khác đếch gì xương bô lão. Cụ liệt giường nửa năm giời rồi tự dựng dậy được, như là có phép thần thông.

Sau đận ấy, con cháu cụ cưa tiệt cây khế. Nhưng vài năm sau cành lá lại xum xuê, quả mọng lại kẽo kẹt. Có điều nó lại giở chứng thành khế chua. Tài tình thế chứ lị.

Lần này thì không cưa mà lại búa rìu bấng triệt. Đánh gần tuần mới tiệt. Gốc rễ trông cũng rồng rắn ra trò. Vài anh thong manh xin về đục đẽo rồi bồi thêm tí nước sơn nom lên mây ra phết. Phần thân đẵn ra từng khúc nhỏ, xếp ngay ngắn vào nơi ẩm thấp để chiêu dụ lũ mộc nhĩ lang thang.

Cũng từ đẫn đó, tôi cũng chả mấy sang nhà cụ. Tết nọ đáo qua thăm, đảo ra vườn xả tí xuân thì bối rối. Lạ chưa, vẫn cấy khế năm xưa tươi tốt một cách diệu kỳ. Vin một quả trên cành, ngọt lịm. Tôi bàng hoàng hỏi chuyện, các con cụ bảo vẫn gốc đó mọc lên. Nghĩ điều gì linh thiêng nên họ không đào bấng nữa. Và quan trọng, ai thích ăn vào hái, y phúc lợi của chung.


Mục ruỗng hết rồi

Kể từ độ khế ra quả ngọt mà tôi đồ rằng là do công lao của cụ lấp liếm cái hố phân đi thì cụ chuyển sang đi xia xí nhà bà nội tôi, những hai ngăn cực kỳ trác tuyệt. Ngày ba bận sáng - trưa - chiều tối, đều như vắt chanh, chính xác đến mức làng nước lấy cụ ra để căn chỉnh đồng hồ quả lắc. Cụ tuy có tí biến chứng nhưng trông hồng hào khỏe khoắn lắm. Việc cụ chống ba toong tre không làm yếu đi tẹo nào mà trái lại làm cụ thêm vênh vao và trưởng lão. Đi xia hay ra đường lúc nào vai trái cũng đeo xà - cột, vai phải móc Na -ni - ô -nan bán dẫn bao da, mặt phất phới mớ râu cằm rung rinh tráng lệ.

Đi xia xí hai ngăn dưng cụ tuyền vào nhầm chuồng mặc dù trên cửa gỗ có ghi rõ ràng Xí Nam - Xí Nữ bằng vôi, nghĩa là cụ tuyền xia bên Xí Nữ. Sự lộn chuồng của cụ gây ra nhiều bất cập, làng nước ai cũng phàn nàn, than vãn nhưng thấy cụ già nên cũng chả lấy làm nhẽ trọng. Cũng có đứa to gan bảo sao cụ lại thế, cụ nhạt mà phán rằng xí của liền bà nó nhẹ mùi, bên liền ông nặng nề om óc lắm. Tì phế cụ yếu, thuận chả sao, sốc cao lại lăn đùng ngã ngửa. Chả ai phiền cụ nữa, mặc định chỗ của cụ bên Xí Nữ, không kêu.

Nhẽ cụ già nên sự đi xia lâu la lắm, một phần. Phần nhiều tuyền ăn sắn gạc nai, bo bo hôi, gạo kho mốc nên chứng táo bón tợn hơn. Cụ xia hàng tiếng đồng hồ. Đám liền bà con gái đôi khi mót cứ lấy đá ném ầm ầm vầu cửa nhưng cụ cấm có ra, cũng chả thèm đằng hắng đánh động. Bên trong, quả Na - ti - ô - nan veo véo. Sáng chào cờ, trưa quốc ca, chiều xã luận. Đã bảo rồi, lúc nào cụ chả đeo đài bên hông. Nhưng hãi nhất là quả xà - cột, trong cụ đựng tuyền giấy báo, cắt vuông vắn mười đều trăm to bằng bao Điện Biên cán cụt, riêng mục xã luận cụ cắt đúng khuôn, trọn bài, tuỳ bữa ngắn dài mà đâm ra thò thụt. Tất cả phục vụ công cuộc dọn dẹp hậu môn khi xia xong. Ngày đó, cả tổng mỗi cụ được phát báo, oách kinh hoàng. Thế nên cụ oai cả khi đi xia bởi làng nước từ đầu bạc răng long đến mũi xanh nứt mắt xia xong tuyền vò lá chuối khô hoặc đánh kịn gốc cây, bờ rào, mấy gái hĩm sắp lấy chồng ra chiều sạch sẽ mới khạng chân, khép háng bê đít ra ao.

Đận cận tết phát sinh sự lạ. Số là có một toán bộ đội đi tiền trạm để sang xuân bắt lính đến đóng dinh ở nhà bà tôi. Xí hai ngăn bỗng chốc được quán triệt phải ưu tiên cho bộ đội, lệnh từ hàng xã chứ chả chơi. Nhưng cụ Cam tôi ỉa vào sự ưu tiên đó. Cụ vưỡn đi xia bình thường như cân đường hộp sữa và tiến chiếm một ngăn dai hoi hệt cách người ta quyết tử cho tổ quốc quyết sinh vậy.

Vỏ quýt dày thì có móng tay nhọn, Trần Phóng, xú danh Phóng lợn, đương kim bí thư chi bộ thôn kiêm phó hoạn hàng tỉnh mang vôi bệt trắng hai cánh cửa gỗ của xí hai ngăn, xoá tiệt đi Xí Nam - Xí Nữ, nung dùi nóng rẫy khắc vào bốn chữ, nguyên văn: UBND. UB nằm bên cánh cửa Xí Nam cũ, ND bên Xí Nữ. Chết cười…!!!

Cụ Cam đi xia ban sáng theo thông lệ, nhướng mắt lầm bầm, mẹ tiên sư quân bố láo. Rồi khua gậy về thẳng. Xà - cột, Na – ti – ô - nan đung đưa. Từ đó tịnh không thấy đáo đi xia, ai cũng nhớ nhung vì không thấy bóng dáng. Tưởng cụ ốm, vài đứa đến thăm, cụ nhắn bảo đi xia riêng ở nhà, không thèm chung đụng. Cụ khoe, con giai cụ gò cho cái bô bằng tôn gỉ sâu đến ba gang tay đặt đúng vào cái xí lộ thiên xưa cũ, bắc gạch chỉ thành bậc tam cấp cho đi, thuận lắm. Ngày ba bận, sau mỗi bận lại rắc gio lên, tháng đổ đồng một lần, rất tiện.

Cụ Cam thọ đúng bách niên. Xí hai ngăn kết thúc sứ mệnh lịch sử khi tờ lịch cuối cùng của thế kỷ 20 nhẹ nhàng rơi rối bời trên tường mỏng. Hai cánh cửa chẻ củi đun cám lợn cháy cái phèo.

Mục ruỗng hết rồi.

Phọt Phẹt
(Blog Phọt Phẹt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét