Thứ Hai, 25 tháng 3, 2019

PHẬT GIÁO NHƯ MỘT TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC

TÌM HIỂU PHẬT GIÁO NHƯ MỘT TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC 
Nếu hiểu tôn giáo hay đạo (religion) là niềm tin tuyệt đối vào Thượng đế (God), là đấng sáng tạo (creator) ra vũ trụ, và có nhiều quyền lực toàn năng để người theo đạo đó tôn thờ thì ở Tây phương có các đạo như Đạo Thiên Chúa (Catholicism), Đạo Cơ Đốc (Christianity), Đạo Do Thái (Judaism), Đạo Hồi (Islam). Các đạo này là đạo thờ có một Thần hay gọi là các tôn giáo độc thần (monotheistic religions). Còn ở Ấn Độ thì có Ấn Độ giáo (Hinduism) thờ nhiều thần hay đạo đa thần (polytheistic religion). 
Như vậy Phật giáo không được coi là một tôn giáo, bởi vì: Phật giáo không tin có Thượng đế (God), không tin có Đấng Sáng Tạo(creator) ra vũ trụ và kiểm soát số phận định mệnh của nhân loại. Đức Phật là một con người lịch sử (historical person). Ngài không bao giờ tự xưng mình là Thượng đế, không bao giờ tự xưng mình là Đấng Sáng Tạo ra vũ trụ. Phật giáo không chấp nhận ở đức tin mù quáng và tuyệt đối. Phật giáo khuyên mọi người đừng thụ động chấp nhận những điều gì bạn đã đọc hay nghe, và cũng đừng tự động phản đối các điều đó ngay. Người nghiên cứu đạo Phật cũng như người Phật tử cần phải dùng trí tuệ của mình để phán đoán các điều ấy.

Hệ thống giáo lý của Phật giáo không hướng đến sự sùng bái thần linh mà hướng đến nhận thức chân lý hay còn gọi là giác ngộ. Chính sự nhận thức đúng đắn bản ngã và thế giới xung quanh sẽ giúp con người được giải thoát. Các trường phái Phật giáo khác nhau ở quan điểm về bản chất của con đường đưa đến giác ngộ để được giải thoát, tính chính thống của các bài giảng đạo và kinh điển, đặc biệt là ở phương thức tu tập.

Vì hướng đến việc nhận thức đúng đắn bản ngã và thế giới khách quan nên hệ thống triết lý Phật giáo chứa đựng nhiều quan điểm bản thể luận và nhận thức luận. Siêu hình học trong triết học Phật giáo đã phát triển đến một trình độ cao. Với Phật giáo, triết học Ấn Độ đã đi trước triết học phương Tây trên 1000 năm. 

Tại phương Tây, đến thời kỳ Khai sáng triết học mới đạt đến trình độ nhận thức của triết học Ấn Độ. Cũng như Nho giáo và triết học phương Tây hiện đại, Phật giáo là một hệ thống triết học mang tính khai sáng nhằm hướng con người đến Chân - Thiện - Mỹ.

Trong đạo Phật có hai khái niệm quan trọng là nhân quả và luân hồi.

Nhân Quả:Đạo Phật giải thích mọi sự việc đều là sự biểu hiện của luật nhân quả. Nghĩa là mọi sự việc đều là kết quả từ nguyên nhân trước đó. Sự việc đó chính nó lại là một nguyên nhân của kết quả sau này.

Con người dù không thể thấy được toàn bộ, không thể lý giải được hoàn toàn nhân quả này thì mối quan hệ nhân quả vẫn là một quy luật tự nhiên khách quan. Có những người dù không nhận thức được, thậm chí có thể họ không tin vào nhân quả, nhưng quy luật này vẫn vận hành và chi phối vạn vật, bao gồm chính bản thân họ.

Luân hồi : chỉ cho việc tâm thức trải qua nhiều kiếp sống. Chết là hết một kiếp, tâm thức mang theo nghiệp đi tái sinh kiếp mới. Hình thức của một kiếp sống là khác nhau, có thể chuyển đổi giữa các loài, các thế giới (cõi súc sinh, cõi trời, cõi người, cõi a-tu-la…). Quan hệ nhân quả quyết định cách thức luân hồi, hay nói cách khác tùy nghiệp đã tạo mà sẽ luân hồi tương ứng để nhận quả.

FB Dương Hoài Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét