‘Quả đấm thép’ PVN, người đốt lò và chủ nghĩa xã hội
24/03/2019 Tài Trịnh - Dự án Junin 2 ở Venezuela của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) không đơn thuần là một khoản đầu tư kinh tế. Nó còn là một nhiệm vụ chính trị. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cần những “quả đấm thép” để chứng minh tính ưu việt của mình. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể bức tử PVN bằng chiến dịch chống tham nhũng, chứ không bao giờ bức tử chủ nghĩa xã hội.“Nền tảng”, “chủ đạo”, “then chốt”, “quả đấm thép”. Khi báo cáo lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và cảm thấy có sự rắc rối, PVN đã đẩy tỉ lệ góp vốn nhà nước từ 956 xuống 547 triệu USD trên tổng mức 1,82 tỉ USD (29,9%). Phần vốn còn lại được vay tín dụng, nhưng thực ra vẫn do nhà nước bảo lãnh. Từ đó Quốc hội đã không có lý do để ràng buộc chính phủ và PVN đầu tư vào dự án. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khi đó đã phải cấp giấy chứng nhận đầu tư dựa trên căn cứ Hiến pháp.Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ đánh PVN hay sẽ thay đổi cả chính sách phát triển kinh tế? Ảnh gốc: PVN, AFP. Đồ hoạ: Luật Khoa.
Hà Nội, ngày 19/4/2001.
Hơn một nghìn đảng viên tề tựu tại Hội trường Ba Đình, chuẩn bị khai mạc Đại hội lần thứ IX của đảng Cộng sản Việt Nam và đưa ra những quyết định lớn cả về nhân sự lẫn đường lối.
Đó là thời điểm chủ nghĩa xã hội đã sụp đổ hoàn toàn ở Liên Xô và Đông Âu được 10 năm. Và đảng vẫn đang loay hoay giải quyết những bài toán lý luận của mình.
Ống kính truyền hình của VTV khi đó không bỏ sót một người đàn ông tóc đã hoa râm, ngôi sao đang lên của đảng, người am hiểu sâu sắc lý thuyết tổ chức cộng sản: Uỷ viên thường trực Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Phú Trọng.
Đây là nhân vật trực tiếp chỉ đạo việc soạn thảo văn kiện đại hội.
Kể từ khi bắt đầu công cuộc Đổi Mới vào năm 1986, Việt Nam chuyển dần từ nền kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của nhà nước toàn trị, chính quyền thay vì chỉ đóng vai trò điều tiết nền kinh tế thì họ vẫn cố gắng trực tiếp kinh doanh. Đây là một công cụ tối quan trọng, đem lại những lợi ích to lớn cho chế độ, vượt ra khỏi mục tiêu kinh doanh lời lỗ thông thường.
Ông Trọng đã không những làm hài lòng những thành phần Mác-xít thủ cựu trong bộ máy vốn phần nhiều chỉ biết đánh nhau, cả đánh nhau với địch lẫn đánh nhau với các đồng chí của mình, mà ông còn nâng mức độ lý luận lên một tầm cao mới về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ông chấm dứt khái niệm kinh tế quốc doanh để làm tròn trịa khái niệm kinh tế nhà nước vốn lờ mờ trước đó: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc”.
Kinh tế nhà nước gồm hai trụ cột chính: thứ nhất là chính sách nhà nước đối với nền kinh tế, thứ nhì là doanh nghiệp nhà nước.
Song do thiếu rất nhiều tiền đề về lý luận cũng như đầu óc kinh tế, ban soạn thảo không cụ thể hóa các chính sách đối với kinh tế nhà nước, nghị quyết của đảng rốt cục chỉ quy định “doanh nghiệp nhà nước giữ những vị trí then chốt; đi đầu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; nêu gương về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế – xã hội và chấp hành pháp luật.”
Nếu như Hội nghị Trung ương 3 Khóa VI năm 1987 chỉ nói“xí nghiệp quốc doanh đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế” thì nay đảng đã mở rộng phạm vi lên rất nhiều. Chúng ta có thể hiểu, đảng một mặt thừa nhận và mở cửa các thành phần kinh tế khác như kinh tế tư nhân, kinh tế cá thể, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài,… nhưng đảng không hề từ bỏ tham vọng, thậm chí còn muốn chi phối nền kinh tế ở mức độ cao hơn.
Năm 2006, khi Nguyễn Phú Trọng đã là Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, trực tiếp chỉ đạo việc soạn thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X, cùng với thế lực lên cao của Nguyễn Tấn Dũng thời đó, kinh tế nhà nước chẳng những là chủ đạo mà còn thành nền tảng: “Phát triển nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”.
Cùng với đó doanh nghiệp nhà nước có quyền lực lớn hơn: “Doanh nghiệp nhà nước có quyền tài sản, thực sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm trên thị trường và trước pháp luật”.
Tuy nhiên, cơ chế chính sách cho kinh tế nhà nước vẫn không thể nào cụ thể hoá được trong nghị quyết, điều đó có nghĩa là một nhiệm vụ quá nặng nề mà đảng đã trao cho ông Dũng. Ông đã phải tự mình lựa mô hình Chaebol, hoàn toàn không tương thích với thực tiễn và thể chế chính trị Việt Nam.
Trước nhiệm vụ lớn lao mà đảng giao phó, các tập đoàn như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashine), Tập đoàn Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem)… gồng mình lớn nhanh để thành “quả đấm thép”. Những quả đấm thép được rót rất nhiều tiền và loay hoay với việc tiêu tiền: mở rộng nhiều hoạt động sản xuất ngoài ngành, chỉ định thầu trong nội bộ, xây dựng khai thác tùm lum. Tất nhiên, một khi đã là lớn thì không thể không đầu tư ra nước ngoài. Dự án Junin 2 ở Venezuala chỉ là một trong số dự án phải thực hiện, đó là nhiệm vụ chính trị.
Cơ hội
Trong suốt chiều dài lịch sử, nền kinh tế nước ta chủ yếu tự cung tự cấp và giao thương quy mô nhỏ, việc đầu tư ra nước ngoài hoàn toàn xa lạ.
Hiểu được sự non kém về kinh nghiệm, khó lòng có thể đòi hỏi PVN đầu tư có lãi khi chân ướt chân ráo “vươn ra biển lớn”, các lãnh đạo Việt Nam đã đầu tư vào các nước anh em xã hội chủ nghĩa, với mục đích kinh doanh thì ít mà chính trị thì nhiều.
Venezuela của Hugo Chavez là nước vừa chuyển đổi sang phe xã hội chủ nghĩa, có rất nhiều tình cảm dành cho người anh em bên kia bán cầu là một thực thể không thể tốt hơn để làm ăn.
Kể từ khi lên nắm quyền, Chavez đã quốc hữu hoá hết các doanh nghiệp dầu mỏ, ngành công nghiệp chiếm đến 90% thu nhập quốc gia. Không những thế, ông còn đuổi các tập đoàn tư bản nước ngoài, hợp tác với các nước cùng phe như Cuba, Nga, Trung Quốc và Việt Nam.
Chavez thăm Việt Nam năm 2006, gợi mở cho PVN cơ hội đầu tư vào nước này. Cùng với giá dầu đang ở mức cao nhất trong lịch sử, lãnh đạo Việt Nam không thể nào không đồng ý chủ trương hợp tác đầu tư. Chavez đã dành cho Việt Nam sự ưu đãi khi Participant Bonus (một dạng bảo lãnh dự thầu theo thông lệ quốc tế) chỉ bằng một nửa so với Nga và Trung Quốc khi đầu tư tại đây, 584 triệu đô-la.
Nhưng ngoài lợi thế Chavez, hợp tác giữa PVN và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Venezuela (PDVSA) không có bất cứ tính khả thi nào:
– Thiếu hành lang chính sách cho PVN: Đến ngay cả thời điểm năm 2019 nước ta vẫn chưa hề có Luật đầu tư ra nước ngoài quy định cho doanh nghiệp nhà nước nói riêng và doanh nghiệp nói chung. Cơ sở pháp lý cao nhất trong giai đoạn PVN đầu tư mỏ Jujin-2 là Nghị định 78/2006/NĐ-CP. Luật đầu tư 2005 có một chương về đầu tư ra nước ngoài nhưng hết sức ngắn gọn và sơ sài.
– PVN thiếu năng lực và kinh nghiệm: Trước thời điểm 2008, Tập đoàn PVN gần như chưa có một dự án đầu tư nào đáng kể về thăm dò và khai thác dầu khí ở nước ngoài. PVN chỉ cộng tác với các tập đoàn từ Nga và phương Tây có công nghệ tiên tiến hơn, có công nghệ khai thác tốt hơn. Mặc khác Junin 2 là mỏ trên cạn trong khi kinh nghiệm PVN có được là khai thác các mỏ ngoài khơi.
– PDVSA thiếu năng lực sản xuất: PVN thiếu năng lực và kinh nghiệm đã đành, đối tác của họ không những không có nguồn tài chính dồi dào mà còn thiếu cả năng lực, công nghệ sản xuất. Từ khi Chavez lên nắm quyền, PDVSA đã không còn vốn và công nghệ của các nước tư bản, nhân viên lành nghề và lãnh đạo kinh nghiệm chủ chốt đều đã bị nghỉ việc để thay vào đó là lực lượng thân chính trị với đảng cầm quyền. Đây là lý do then chốt khiến cho cả Trung Quốc lẫn Nga hoàn toàn thua lỗ khi đầu tư tại Venezuela chứ không riêng gì PVN.
Bất chấp những rủi ro tiềm tàng, tình nghĩa anh em xã hội chủ nghĩa và nhiệm vụ lớn nhanh thành quả đấm thép đầu tàu đã thúc giục giới chóp bu Hà Nội đầu tư vào Junin 2. Hợp tác giữa PDVSA và PVN trở thành biểu tượng chính trị.
Thẩm quyền quyết định đầu tư: có Dũng, có cả Trọng?
Ở môi trường chính trị Việt Nam, cơ quan quyền lực tối cao là Bộ Chính trị trực thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng. Tất cả các vấn đề lớn đều do nhóm người này quyết, trong đó nhóm tứ trụ Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng có tiếng nói đặc biệt quan trọng. Sẽ không dễ để một dự án hàng chục nghìn tỉ đồng được thông qua nếu có một trong bốn vị trên phản đối. Thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng sẽ không thể nào lấy tay che bầu trời một khi Nguyễn Minh Triết, Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng không đồng ý.
Thế nhưng đó là về đảng, còn về pháp luật nhà nước, vốn để kiểm soát quyền lực lẫn nhau giữa các tứ trụ, Việt Nam vẫn có những quy định riêng. Bình thường các quy định này không có giá trị to lớn, đôi lúc nó còn trở nên quan liêu, nhiêu khê, rối rắm. Thực trạng này cộng với tính cách của Thủ tướng và Chủ tịch PVN thời đó, họ đã láu cá vượt mặt Quốc hội đầu tư mỏ dầu Jujin-2.
Nghị quyết số 66/2006/QH11 quy định dự án hơn 20.000 tỷ đồng và vượt quá 30% vốn nhà nước phải được Quốc hội phê duyệt. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều dự án thời bấy giờ lách luật bằng nhiều phương thức khác nhau.
Lấy ví dụ hàng loạt dự án điện đều dựa trên quy hoạch điện, hoặc quy hoạch điện bổ sung của thủ tướng để phê duyệt dự án đầu tư mà không qua Quốc hội như: nhà máy điện Long Phú được phê duyệt qua quyết định 5843/QĐ-DKVN năm 2010 của PVN có tổng mức đầu tư 29.500 tỉ đồng, nhà máy điện Sông Hậu được phê duyệt bằng quyết định 2824/QĐ-DKVN đầu năm 2011 có tổng mức trên 32.500 tỉ đồng… Cũng có nhiều dự án được chia nhỏ để tránh phải thông qua Quốc hội như dự án Bauxite Tây Nguyên được tách ra thành các dự án Nhân Cơ và Tân Rai và xin trực tiếp thẳng lên Bộ Chính trị, bỏ qua luật lá mà Quốc hội ban hành.
Junin 2 cũng vậy. Khi báo cáo lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và cảm thấy có sự rắc rối, PVN đã đẩy tỉ lệ góp vốn nhà nước từ 956 xuống 547 triệu USD trên tổng mức 1,82 tỉ USD (29,9%). Phần vốn còn lại được vay tín dụng, nhưng thực ra vẫn do nhà nước bảo lãnh. Từ đó Quốc hội đã không có lý do để ràng buộc chính phủ và PVN đầu tư vào dự án. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khi đó đã phải cấp giấy chứng nhận đầu tư dựa trên căn cứ Hiến pháp.
Thua lỗ, trách nhiệm, và trừng phạt
Chưa cần khai thác một giọt dầu nào, dựa trên những gì đã diễn ra, dự án Jujin-2 không thua lỗ mới là chuyện lạ kỳ. Những con cưng nhà nước như Vinacomin, Vinachem, Vinalines, Vinashine, PVN… là minh chứng rõ ràng nhất cho sự thất bại, nó thể hiện sự sụp đổ của lý thuyết cộng sản đi làm kinh tế.
Nhưng đảng chắc chắn không đi tìm trách nhiệm từ những người viết chủ trương, viết chính sách mà đảng sẽ thí những con tốt thực hiện các chủ trương đó. Hàng loạt vụ bắt bớ từ những con sâu như Phạm Thanh Bình, Dương Chí Dũng, Đinh La Thăng… chỉ là hệ quả của tiến trình lớn nhanh tiến mạnh thành “quả đấm thép”, “nền tảng”, “chủ đạo”, “then chốt”. Đấy mới là các doanh nghiệp, thử hình dung ra một bộ máy chính quyền với hơn một triệu tỉ đồng ngân sách hàng năm, việc loay hoay với đồng tiền và nhiệm vụ đảng giao phó lại càng phức tạp.
Thương vụ Junin 2 kéo theo 532 triệu USD đổ xuống sông xuống biển. Đó là tiền máu, mồ hôi, và nước mắt. Sẽ có những người bị kết án để chạy tội cho đảng, nhưng trách nhiệm cuối cùng vẫn sẽ chỉ có nhân dân. Sự kỳ diệu của nhân dân ở chỗ, họ được hóa thân vào nhà nước một cách hiển nhiên, nó hiển nhiên hịch toẹt không cần dấu diếm qua câu nói để đời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “Đừng có nói quyết định chủ trương sai phải đi tù […], Quốc Hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai”.
Nắm được “tinh thần trách nhiệm” cao của Quốc hội và dân, dự án đóng tàu Dung Quất thua lỗ 5.000 tỷ đồng được trình phương án lên Quốc hội xin phá sản dù Quốc hội không quyết định đầu tư dự án này.
Nói vậy, nhưng đảng không phải đã không nhận ra sai lầm lớn từ chủ trương của mình. Đảng đã lặng lẽ sửa nó. Nghị quyết Đại hội Đảng năm 2011, 2016 đã không còn nhắc đến kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước. Thay vào đó, đảng bảo lưu quan điểm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Cùng với đó là quá trình thoái vốn ồ ạt từ những đơn vị ăn nên làm ra cho đến các đơn vị thua lỗ như Sabeco, Vinamilk, PVN,… Tuy vậy, không có gì đảm bảo tương lai “định hướng xã hội chủ nghĩa” khác kinh tế nhà nước.
Tiến trình trừng phạt các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ là ngón đòn quan trọng nhất trong “cuộc chiến chống tham nhũng” do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động. PVN chịu sự đau đớn giằng xéo nhất, kể từ năm 2016 đến nay. Cả tập đoàn sống trong nơm nớp lo sợ. Có những doanh nghiệp mà số người bắt bớ, chạy trốn đến cả hàng loạt. Đinh La Thăng bị bắt, người kế nhiệm Phùng Đình Thực bị bắt, chưa lâu sau những người kế nhiệm Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Xuân Sơn và giờ là Nguyễn Vũ Trường Sơn cũng thành “củi”.
Trong khi đó, các dự án thua lỗ, những sai phạm do những người này phụ trách đã được cảnh báo từ lâu nhưng đảng vẫn bổ nhiệm rồi bất thình lình giam giữ, xét xử khiến cho dư luận đặt câu hỏi “đây có phải cuộc chiến chống tham nhũng hay không?”.
Nhưng dù dưới bất cứ hình thức “đốt lò” nào, đảng có thể bức tử PVN chứ không phải chủ nghĩa xã hội. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hiểu điều này hơn ai hết.
https://www.luatkhoa.org/2019/03/qua-dam-thep-pvn-nguoi-dot-lo-va-chu-nghia-xa-hoi/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét