Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2018

Trương Minh Tuấn, bạn tôi

Đọc bài này thấy thất vọng vì nhà báo Hoàng Hải Vân. UBKTTƯ đã thông báo vi phạm của Son, Tuấn, Hà rất nghiêm trọng với nhiều khuyết điểm cụ thể. Vụ tham nhũng này cũng quá lớn; giá trị AVG chỉ 700-800 tỷ đồng, nhưng quan chức thông đồng với doanh nghiệp dùng tiền nhà nước mua với giá 8900 tỷ. Rõ ràng các quan đều biết làm sai; nhưng cố tình làm. Chênh lệch hơn 8000 tỷ phải được chia chác cho các quan, chẳng lẽ các quan cố tình làm sai lại không được chia chác ? Luật vi thiềng (đút lót) ở xứ ta có từ lâu đời, chả nhẽ đem cho nhau cả chục nghìn tỉ đồng dễ như thế, bộ trưởng lại không được đàn em dâng đồng nào, có mà chuyện lạ. Trương Minh Tuấn chính là người “có công” đầu trong vụ mua bán. Cứ theo cơ quan kiểm tra, chính ông ta quyết định, ông ta ký phê duyệt những văn bản MobiFone mua AVG. Đảng độc quyền nắm thông tin và công bố thông tin, công an độc quyền điều tra. Dân không được phép điều tra, vậy làm sao dân chứng minh được ? Nhưng dân không ngu; dân biết hết. Chỉ ngạc nhiên là nhà báo lại giả vờ không biết, đòi hỏi dân khi dùng gậy gộc cuốc thuổng phải có bằng chứng. Thật khó lắm thay.
Trương Minh Tuấn, bạn tôi
Hoàng Hải Vân - Nếu như không có cảnh đám đông gậy gộc cuốc thuổng cả lề phải lẫn lề trái lên tay xuống ngón xông vào định ăn tươi nuốt sống Bộ trưởng TTTT Trương Minh Tuấn, tôi đã không nói anh là bạn tôi.

Hình : 5 đồng đội tôi, trong đó có Trương Minh Tuấn
Trương Minh Tuấn là bạn học của tôi tại Tiểu đoàn 10 Trường Sĩ quan Chính trị, Bắc Ninh, từ năm 1980. Anh vào học trường này sau thời gian làm lính bảo vệ chốt tại biên giới Lạng Sơn trong cuộc chiến đấu chống Trung Quốc xâm lược, khi ấy anh 20 tuổi, là người lính trẻ nhất lớp tôi. Tuấn hồn nhiên, khiêm tốn, sống có tình có nghĩa với đồng đội và biết kéo đàn đệm hát.


Sau khi rời khỏi quân đội, bẵng đi một thời gian dài tôi không biết Tuấn ở đâu làm gì. Cho đến khi tôi bị kỷ luật cách chức và bị thu thẻ nhà báo trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng vụ PMU18, nhiều người ở báo Thanh Niên thậm chí đi ăn trưa với tôi ở quán Đo Đo cũng không dám, họ sợ bị liên lụy, Trương Minh Tuấn gọi hỏi thăm tôi. Mấy chục năm mới nghe lại tiếng nói đồng đội, lúc này hình như anh làm Giám đốc trung tâm thông tin công tác tư tưởng thuộc Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương. Sau đó anh làm Phó ban Tuyên giáo trung ương, rồi Thứ trưởng Bộ TTTT, rồi Bộ trưởng, tôi vẫn chưa gặp lại. Nghe mấy anh chị báo Thanh Niên nói lại, một số lần đến báo Thanh Niên, Trương Minh Tuấn có nói tôi là bạn của anh. Điều đó diễn ra khi một số nhà báo ở Thanh Niên được tôi giúp đỡ về nghề nghiệp quyết tìm cách chứng minh tôi không liên quan với họ, thậm chí gặp tôi ở tòa soạn họ còn ngó lơ không chào. Tất nhiên đó chỉ là một số người muốn ngoi lên làm quan báo, còn số đông phóng viên, nhân viên Báo Thanh Niên đã giữ mối quan hệ tình nghĩa thủy chung với tôi cho đến ngày hôm nay.

Vào năm ngoái, sau hơn 35 năm, tôi mới gặp lại Trương Minh Tuấn cùng nhiều đồng đội cũ của tôi ở Hà Nội. Mới thấy tình cảm của người lính đối với nhau bền lâu hơn nhiều so với cái gọi là tình đồng nghiệp truyền thông báo chí.

Tôi hoàn toàn không biết gì về hoạt động công vụ của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, ngoài những gì được công bố. Tôi ủng hộ việc phanh phui, phê phán mọi hành vi tiêu cực, tham nhũng của quan chức, không trừ một người nào, cả việc phanh phui phê phán đó dựa trên những tài liệu trung thực từ cơ quan bảo vệ pháp luật cũng như từ các cuộc điều tra riêng của các nhà báo. Đối với vụ AVG cũng vậy.

Nhưng các đồng bào dùng cuốc thuổng gậy gộc đang hồ hởi giậu đổ bìm leo xông vào định ăn tươi nuốt sống người khác nên động não. Vụ AVG đã có kết luận thanh tra, Ủy ban Kiểm tra trung ương dựa vào đó để kết luận sai phạm. Nhưng chưa có kết luận ai tham nhũng. Vụ này là một mớ bòng bong vô cùng phức tạp. Các nhà báo phải lần ra kẻ chủ mưu là ai, nhóm lợi ích nào chi phối, mục đích của họ là gì, thương vụ diễn ra từ sơ hở nào của luật pháp, sự tổn thất từ vụ này đến đâu và sẽ để lại hậu quả gì … Làm rõ những vấn đề đó mới có thể thấy vai trò thực sự của từng người, của từng chữ ký.

Về một số chuyện khác. Tôi có đọc phần lớn những bài viết và trả lời phỏng vấn của Bộ trưởng Tuấn. Tôi không những không thấy những bài viết đó kéo lùi tự do báo chí so với hành lang pháp lý hiện có, mà còn thấy chúng hàm chứa nhiều nỗ lực cởi mở. Còn cuốn sách và những bài viết chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì bất kỳ một Bộ trưởng TTTT nào cũng phải làm như vậy, chủ trương của Trung ương Đảng mà lãnh đạo ngành tư tưởng, truyền thông có thể làm khác nói khác được sao !

Riêng câu chuyện “đàn áp báo chí”, đỉnh cao là việc xử phạt một lúc 50 cơ quan báo chí trong vụ “nước mắm nhiễm thạch tín” mà Trương Minh Tuấn gọi là “truyền thông bất lương”, tôi chỉ thấy Bộ TTTT quyết tâm làm trong sạch hệ thống báo chí do Nhà nước quản lý, điều này không những không mâu thuẫn với tự do báo chí mà còn bảo vệ tự do báo chí. Vấn đề là kẻ chủ mưu thực sự của vụ này đã bị chìm xuồng. Lẽ ra báo chí nên truy tìm (mà nó đang sờ sờ ra chứ chẳng phải tốn công truy tìm), phanh phui đến nơi đến chốn để tự làm cho sạch chính mình, thì lại ấm ức chờ cơ hội trả đũa bằng cuốc thuổng gậy gộc.

Những người làm báo và những người muốn làm báo thông qua mạng xã hội phải tự mình trở thành những “thiện tri thức”, chứ hùa theo đám đông ném đá cho sướng tay thì ra cái giống gì !.

Hoàng Hải Vân
(FB Hoàng Hải Vân)

1 nhận xét:

  1. Hoang hai Van cung bi VND ban guc----chuyen thuong ngay o VN.

    Trả lờiXóa