'GS Harvard cũng khó đủ tiêu chuẩn làm hiệu trưởng đại học Việt Nam'
Nghiên cứu sinh Phạm Hiệp cho rằng Luật Giáo dục Đại học hiện tại có nhiều điều khoản bất hợp lý, đã "trói chân, trói tay" các trường đại học, khước từ nhân tài. Thành danh ở Mỹ với hàng trăm bài báo khoa học cùng nhiều công trình nghiên cứu, GS Trương Nguyện Thành vẫn không thể đáp ứng tiêu chí trở thành hiệu trưởng Đại học Hoa Sen, TP.HCM. Ông đành gác lại giấc mơ làm giáo dục ở Việt Nam, quay về Mỹ. Năm 2002, ông được phong giáo sư cao cấp (cấp cao nhất trong ba cấp giáo sư ở Mỹ) khi mới 41 tuổi.GS Trương Nguyện Thành cùng sinh viên Trường ĐH Hoa Sen. Ảnh: NVCC
Trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ sự thất vọng với với cơ chế săn đón nhân tài thông qua trường hợp của GS Trương Nguyện Thành. Một tiêu chuẩn nhỏ trong quy trình công nhận chức danh hiệu trưởng cản bước tập thể một trường đại học chọn vị hiệu trưởng mà mình mong muốn. Đáng nói hơn, việc GS Trương Nguyện Thành không đủ tiêu chuẩn đảm nhận vị trí hiệu trưởng ĐH Hoa Sen được kết luận đúng luật.
Cứng nhắc và mất người tài
TS Phạm Hiệp, nhà nghiên cứu giáo dục, cho rằng Luật Giáo dục Đại học từ năm 2012 của Việt Nam đã lỗi thời và không bắt kịp thực tế. Trường hợp của ĐH Hoa Sen và GS Trương Nguyện Thành là minh chứng rõ nhất cho việc này.
"Rõ ràng trong trường hợp này, những quy định của luật rất cứng nhắc. Không có một nghiên cứu, chứng cứ nào chỉ ra rằng người có đủ 5 năm kinh nghiệm quản lý thì có thể làm tốt nhiệm vụ của hiệu trưởng. Trong khi ai cũng hiểu tố chất quan trọng của một hiệu trưởng chính là năng lực quản lý và uy tín học thuật đối với giới chuyên môn", ông Hiệp nói.
Năng lực quản lý, trình độ học thuật của GS Thành như thế nào thì HĐQT, giảng viên, sinh viên ĐH Hoa Sen rõ nhất. Chính ĐH Hoa Sen mới là nơi trả lương cho chức hiệu trưởng thì không lý gì luật phải can thiệp vào việc này.
Nếu nhìn nhận vấn đề từ góc độ quản lý, ông Hiệp cho rằng đây là việc vi phạm tự chủ hoạt động của nhà trường. ĐH Hoa Sen là trường đại học tư, hoàn toàn hoạt động bằng học phí và tiền vốn của cổ đông.
"Một khía cạnh tự chủ tưởng như quá đơn giản, quá nhỏ thế này mà không xử lý được thì thôi, đừng mong làm việc gì phức tạp hơn như quốc tế hóa, trách nhiệm giải trình hay 4.0", ông Hiệp nêu quan điểm.
Nghiên cứu sinh Phạm Hiệp cho rằng trường hợp của ĐH Hoa Sen và GS Trương Nguyện Thành cũng là cơ hội để chúng ta nhìn lại, rà soát tất cả điều khoản bất hợp lý của Luật Giáo dục Đại học hiện tại.
"Với luật hiện tại, dù là giáo sư của ĐH Harvard cũng không đủ tiêu chuẩn làm hiệu trưởng một trường đại học của Việt Nam", ông Hiệp nhận định.
Trên trang cá nhân của mình, PGS.TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng chủ trương của thành phố là trải thảm đỏ, săn đón, đề ra nhiều chính sách thu hút chuyên gia, trí thức Việt kiều về nước đóng góp cho sự phát triển của thành phố.
Thực tế, trường hợp của GS Trương Nguyện Thành không được giải quyết một cách linh hoạt, dẫn đến sự ra đi của một trí thức thực sự tài năng. Rõ ràng, từ chủ trương đến hành động thực tế vẫn còn một khoảng cách xa.
Buộc phải chấp nhận
Trong thư chia tay tập thể ĐH Hoa Sen, GS Trương Nguyện Thành bày tỏ rằng việc ông không được công nhận vị trí hiệu trưởng là điều đáng tiếc, ngoài mong đợi của cả ông và nhà trường.
Như lời PGS.TS Lưu Tiến Hiệp, hiệu trưởng ĐH Hoa Sen, đây là kết quả ngoài dự kiến nhưng "chúng tôi cũng hiểu đó là điều tự nhiên phải chấp nhận".
Ông Hiệp chia sẻ thêm rằng tập thể nhà trường đã rất bất ngờ: "Khi HĐQT đề xuất một người lên vị trí hiệu trưởng, chúng tôi đều cân nhắc rất kỹ. Chúng tôi đều tự tin rằng với bề dày kinh nghiệm và uy tín về học thuật, GS Thành chắc chắn xứng đáng với vị trí được đề xuất".
Năm 1985, GS Trương Nguyện Thành tốt nghiệp ĐH North Dakota loại giỏi, ngoài bằng hóa học, ông còn lấy luôn bốn bằng phụ về Lý, Toán, Kế toán và Công nghệ Thông tin.
Năm 1990, ông lấy bằng tiến sĩ và giành giải thưởng của Hội đồng Khoa học Quốc gia Mỹ. Sau đó, ông nghiên cứu sau tiến sĩ ngành Mô phỏng Cơ cấu Sinh lý.
Ông về làm giáo sư chính thức giảng dạy môn Hóa lượng tử ở ĐH Utah theo lời mời của trường từ năm 1992. Ngay sau đó, GS Thành đoạt giải một trong những nhà khoa học trẻ tuổi có nhiều triển vọng của Mỹ
Năm 2002, ông được phong giáo sư cao cấp (cấp cao nhất trong ba cấp giáo sư ở Mỹ) khi mới 41 tuổi.
Năm 2005, GS Thành được phó chủ tịch UBND TP.HCM khi đó là ông Nguyễn Thiện Nhân mời về nước diễn thuyết tầm quan trọng của khoa học và công nghệ tính toán, chuẩn bị cho việc phát triển ngành khoa học mới mẻ này tại Việt Nam. Sau đó, ông Thành được mời lập đề án thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán TP.HCM.
Chia sẻ với phóng viên, GS Trương Nguyện Thành cho biết ông tạm gác giấc mơ đóng góp cho sự phát triển của giáo dục đại học Việt Nam sau sự việc này. Tuy nhiên, ông vẫn để ngỏ khả năng quay về và có những hoạt động đóng góp sức mình cho quê hương với vai trò và vị trí khác.
Trên trang cá nhân của mình, GS Trương Nguyện Thành tâm sự với những người đã đồng hành và quan tâm đến ông.
Ông viết: "Theo quy trình công nhận vị trí hiệu trưởng của Luật Giáo dục Đại học, tôi chưa đạt đủ tiêu chuẩn 5 năm kinh nghiệm quản lý khoa/phòng của một cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Do đó, Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT TP.HCM không đủ cơ sở để đề xuất UBND thành phố công nhận vị trí hiệu trưởng của tôi".
Theo GS Thành, hơn một năm qua, khả năng lãnh đạo, quản lý một trường đại học của ông trong cương vị phó hiệu trưởng điều hành như thế nào thì toàn thể giảng viên, nhân viên, kể cả sinh viên ở ĐH Hoa Sen đã biết. HĐQT của ĐH Hoa Sen đề cử ông vào vị trí hiệu trưởng với số phiếu 16/18 (2 phiếu trắng), một phần nói lên sự tín nhiệm vào khả năng của GS. Còn việc công nhận vị trí hiệu trưởng của một trường đại học tư thục là theo Luật Giáo dục Đại học của Việt Nam, ông không có ý kiến.
"Có đề xuất tôi tiếp tục giữ vị trí phó hiệu trưởng đến khi hội đủ tiêu chuẩn. Trong năm qua, tôi đã xây dựng được khá nhiều nền tảng cho các chiến lược dài hạn tại ĐH Hoa Sen. Tuy nhiên, hiệu trưởng nào cũng có chiến lược phát triển riêng của mình và cần những phó hiệu trưởng có khả năng chia sẻ, triển khai những chiến lược này.
Do đó, tốt hơn là để hiệu trưởng mới của ĐH Hoa Sen có cơ hội phát triển trường theo hướng riêng của mình dựa trên những nền tảng ấy. Tôi quyết định tạm gác giấc mơ đóng góp cho phát triển giáo dục đại học Việt Nam tại đây và quay trở lại giảng dạy và nghiên cứu ở Đại học Utah", ông viết.
Theo Zing
https://www.tienphong.vn/giao-duc/gs-harvard-cung-kho-du-tieu-chuan-lam-hieu-truong-dai-hoc-viet-nam-1269602.tpo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét