Hạn chế tự do biểu đạt là kìm hãm sức phát triển của đất nước
Phiên tòa phúc thẩm hôm 30.11.2017 ở TAND cấp cao tại Đà Nẵng: blogger Mẹ Nấm bị “hàng hàng, lớp lớp” công an áp tải đến tòa án. Tại sao nhà cầm quyền lại run sợ trước một phụ nữ “chân yếu tay mềm” đến thế? Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sẽ không phải đợi đến 10 năm mới được tự do. Ngày tự do của chị sẽ đến sớm hơn. Đó là điều chắc chắn. Nếu chúng ta nhìn vào những việc Quỳnh đã làm, chúng ta sẽ chỉ thấy nổi lên một điều thôi: Tình yêu của Quỳnh dành cho đất nước và con người Việt Nam.FB Nguyễn Ngọc Chu - 1. Thế giới đang bước vào thời kỳ liên kết toàn cầu với những bước tiến khổng lồ của công nghệ – một mặt là nhân tố tích cực thúc đẩy tiến bộ nhân loại, nhưng ở mặt khác đồng thời lại là nhân tố đưa thách thức toàn cầu lên nấc thang mâu thuẫn mới.
2. Bởi vì, nhờ tiến bộ công nghệ mà sức mạnh của các siêu cường trở nên siêu cường hơn kèm theo tham vọng cũng càng trở nên siêu tham vọng. Hệ quả là mâu thuẫn giữa các siêu cường mỗi ngày thêm to lớn.
3. Nhưng các siêu cường cuối cùng sẽ tìm cách thỏa hiệp để tránh thảm họa cho chính bản thân họ. Chỉ còn lại nỗi khổ cho những nước bé nhỏ yếu hèn, vì luôn bị bắt nạt và khó tránh khỏi phụ thuộc.
4. Trong hoàn cảnh như thế, để bớt bị lép vế hơn trên trường quốc tế, Việt Nam cần phải tích hợp mọi nội lực của mọi cá nhân để cả quốc gia trở nên tự mạnh mẽ hơn.
5. Nhưng tiếc thay, sự sợ hãi đánh mất quyền lực đã đẻ ra gông cùm hạn chế sự tự do biểu đạt suy nghĩ của mỗi công dân, mà trở thành xiềng xích trói buộc sức sáng tạo của cả dân tộc.
6. Phiên tòa phúc thẩm của TAND Tối cao (cơ sở Đà Nẵng) hôm nay (30/11/2017, tại Nha Trang, Khánh Hòa) đã tuyên án 10 năm tù giam với mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Đó là bằng chứng của sự sợ hãi.
10 năm tù giam với người phụ nữ Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là sự thất bại của công lý.
10 năm tù giam với người phụ nữ Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là ê chề của lương tâm các vị quan tòa trong HĐXX.
10 năm tù giam với người phụ nữ Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là sự xấu hổ của một tập hợp đông đảo nam giới đầy phương tiện và sức lực mà phải sợ hãi trước một người phụ nữ tay không mảnh mai.
7. Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sẽ không phải đợi đến 10 năm mới được tự do. Ngày tự do của chị sẽ đến sớm hơn. Đó là điều chắc chắn.
Blogger Mẹ Nấm tại phiên xử phúc thẩm hôm 30/11/2017. Ảnh: báo NLĐ
Vài ý kiến sau phiên tòa:
* Nhà toán học Huỳnh Mùi:
NGUYỄN NGỌC NHƯ QUỲNH là một người có lý tưởng, là một người yêu nước chống lại bọn Formosa đã làm cho biển chết, chống lại những kẻ tiếp tay với Formosa, …
Hôm nay chị phải ra trước vành móng ngựa. Chị đã bị tuyên án tù 10 năm. Tù đày là tiếng nói của đấu tranh vì lẽ phải
* Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu liên tưởng tới một hoa hậu mà vụ án chiếm trang nhất của báo chí nhà nước:
Với tôi, mẹ Nấm Như Quỳnh đẹp hơn hoa hậu Trương Hồ Phương Nga. 10 năm tù trước mặt. Chưa được gặp thân nhân. Thậm chí không có băng vệ sinh, quần áo lót để mặc trong tù. Các anh đâu, các chị đâu? Những cái miệng luôn nói về lòng nhân đạo, về lẽ phải đâu rồi? Sự im lặng lên ngôi. Lồng ngực đen sì sợ hãi.
* Nhà sử học, nhà văn Nguyễn Thị Hậu cũng so sánh cô hoa hậu được tại ngoại hầu tra với blogger Mẹ Nấm và bà mẹ của chị:
Cũng sau phiên toà nhưng có một người mẹ được ôm con gái về trong vòng tay còn hai người mẹ khác thậm chí không biết bao giờ mới được nhìn thấy con mình!
* Nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền Phạm Đoan Trang:
Người ta không cần dân chúng phải yêu nhà cầm quyền, chỉ cần dân chúng đừng yêu nước và đừng yêu thương nhau, và tốt nhất là hãy nhìn vào mức án 10 năm đó mà sợ hãi hoặc tuyệt vọng, chán nản. Nhưng, có ai sợ hãi, tuyệt vọng, chán nản không? Có gì phải sợ, tuyệt vọng, buồn hay chán. Nếu chúng ta nhìn vào những việc Quỳnh đã làm, chúng ta sẽ chỉ thấy nổi lên một điều thôi: Tình yêu của Quỳnh dành cho đất nước và con người Việt Nam.
* Nhà báo Huy Đức:
Dẫu biết rằng, một khi chúng ta vẫn còn sống trong một không gian chính trị chưa có tự do ngôn luận, tự do biểu đạt… (những gì Mẹ Nấm muốn thực thi), thì con đường tìm kiếm công lý không thể chờ đợi từ một vài phiên tòa. Nhưng, tôi vẫn phải nói rằng, sử dụng án tù với một người phụ nữ đấu tranh ôn hòa chỉ là cách ứng xử của những chính quyền sợ hãi.
Nguyễn Ngọc Chu
FB Nguyễn Ngọc Chu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét