Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2017

Tiến sĩ cái Ba vạn chín nghìn!

Tiến sĩ cái Ba vạn chín nghìn!
Dương Đình Giao - Với 9.000 tiến sĩ này, ông Nhạ cho rằng vẫn chưa đủ cho các trường đại học. Rất dễ hiểu vì chắc chắn sẽ có một nửa trong số ấy (thống kê hiện nay, một nửa tiến sĩ đi làm quan chức) không tha thiết gì với việc giảng dạy ở các trường đại học mà chỉ cần có tầm bằng để kiếm một cái ghế cao. Vậy ông còn cần bao nhiêu tiền nữa để đào tạo cho đủ? Hay ông muốn ba vạn chín nghìn!
Hình minh họa
Ở các nước văn minh, việc theo học để có bằng tiến sĩ dành cho những người ham học hỏi, say mê nghiên cứu khoa học. Khoảng chục năm trước, tôi đã được đọc một bức thư ngỏ gửi những người đang có dự định theo học để lấy tấm bằng danh giá này được lan truyền trong giới nghiên cứu sinh ở Mỹ. Đại ý, người viết thư khuyên, chỉ nên học Tiến sĩ khi có tấm lòng say mê, chứ đừng lầm tưởng nó có thể mang lại lương cao bổng hậu, và họ đã chỉ ra có nhiều công việc thu nhập cao hơn mà mọi thứ bỏ ra lại ít hơn rất nhiều so với công sức, thời gian và tiền bạc theo học Tiến sĩ. 

Trên thế giới, rất nhiều vị lãnh đạo cấp cao, Tổng thống hay Thủ tướng cũng không có (và hoàn toàn không cần) học vị này.

Ở nước ta, do “ghế thì ít, đít thì nhiều” nên Tiến sĩ được coi là một tiêu chuẩn không thể thiếu nếu như muốn leo lên hàng quan chức để vinh thân phì gia. Tiền thì “anh” nào chẳng có, chưa có thì đi vay đầu tư, chắc chắn sẽ nhanh chóng hoàn vốn và mang lại lãi ròng. Chỉ có cái bằng này là không phải ai cũng có, cho nên người người, nhà nhà quyết đi học tiến sĩ dù rất lười học hỏi cũng chẳng tha thiết gì với sách vở.

Chục năm trước, khi mới ngồi ghế Bộ trưởng Giáo dục, cùng với việc có rất nhiều dự định trong đó có cho mở các trường đại học khắp nơi, ông Nhân đã đưa ra kế hoạch đào tạo “hai vạn tiến sĩ”. Lời hứa “giáo viên sẽ sống được bằng lương” đã theo gió bay đi, nhưng do có thể mang lại rất nhiều lợi ích, các trường đại học mọc lên còn hơn nấm sau mưa, dẫn đến hậu quả cùng với không ít trường không thể tuyển được người học, điểm chuẩn ba môn ở nhiều trường đã xuống tới con số 7. 

Còn tiến sĩ, để có đủ hai vạn, người ta đã phát hiện ra rất nhiều lò ấp, trong đó có cái lò khổng lồ là Học viện Khoa học xã hội của ông Võ Khánh Vinh mà ở đó, một “học rả” có thể đồng thời hướng dẫn tới 44 người làm luận văn tiến sĩ. Thế là trong một thời gian ngắn, con số tiến sĩ đã tăng gấp bội, tiến sĩ giờ đã nhiều như lợn con, chỉ tiếc rằng về chất lượng, các vị đã được gọi là ‘tiến sĩ giấy”. 

Kế hoạch của ông Nhân không biết đã mang lại cho những người cùng nhóm với ông bao nhiêu lợi ích, nhưng chắc chắn đã làm hại đất nước, làm ngành giáo dục xuống cấp chưa biết bao nhiêu mà kể.

Thì nay, ông Nhạ lại vừa đưa ra dự án và được quốc hội thông qua chi 12.000 tỷ để đào tạo 9.000 tiến sĩ. Nhìn vào chất lượng tiến sĩ hiện nay, kể cả không ít tiến sĩ đã được đào tạo ở Liên Xô những năm trước, người ta đã quy giá trị của tiến sĩ trong kế hoạch này sang số lượng của lợn, trâu, bò, … Chỉ một sự so sánh ấy cũng đã thể hiện niềm tin của mọi người vào dự án này. Và trong ít năm tới đất nước sẽ thêm khánh kiệt vì các sản phẩm của những lò ấp, bộ mặt của giáo dục nước nhà sẽ thêm lem luốc vì các tiến sĩ giấy.

Để vừa đáp ứng được nhu cầu số lượng người có bằng tiến sĩ ở các trường đại học theo thông lệ quốc tế, vừa đảm bảo chất lượng cũng mang tính toàn cầu, vì sao không làm việc ngược lại? Sao không trả lương xứng đáng cho các tiến sĩ được đào tạo kể cả ở nước ngoài (dĩ nhiên không phải sản phẩm từ những lò ấp dù là cái lò ở Mỹ đã làm nên ông tiến sĩ ở thành phố miền Trung). Còn học sao để có tầm bằng, đó là việc của những ai có tấm lòng say mê với nghiên cứu khoa học. Bộ Giáo dục chỉ cần là người kiểm tra số lượng và chất lượng. Việc tuyển chọn, trả lương do các trường có nhu cầu tự giải quyết.

Tất nhiên, làm như thế thì … chỉ ích nước lợi dân thôi.

Với 9.000 tiến sĩ này, ông Nhạ cho rằng vẫn chưa đủ cho các trường đại học. Rất dễ hiểu vì chắc chắn sẽ có một nửa trong số ấy (thống kê hiện nay, một nửa tiến sĩ đi làm quan chức) không tha thiết gì với việc giảng dạy ở các trường đại học mà chỉ cần có tầm bằng để kiếm một cái ghế cao. Vậy ông còn cần bao nhiêu tiền nữa để đào tạo cho đủ?

Hay ông muốn ba vạn chín nghìn!

Dương Đình Giao
(Blog Ông Giáo Làng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét