Kỷ luật Đinh La Thăng: Chưa phải cao trào của bản giao hưởng
Cát Linh, phóng viên RFA - “Đinh La Thăng chưa phải cao trào. Mà có lẽ, theo dư luận nhận định, cao trào là Nguyễn Tấn Dũng chứ không phải Đinh La Thăng.” Bản giao hưởng số 5 của Beethoven, theo cách ví von của nhà báo Phạm Chí Dũng, sẽ được trình diễn trong tơng lai rất gần, sẽ “ghê gớm, khủng khiếp như sóng cuồn cuộn, cả mặt biển sôi trào, và lúc đó có thể hình dung nền chính trị Việt Nam như thế nào?”Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng (trái) đến dự lễ khai mạc kỳ họp Quốc hội tại Hà Nội ngày 20 tháng 10 năm 2016. AFP photo
Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng đề nghị Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh vì những vi phạm trong giai đoạn 2009-2015, khi làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam PVN.
Lật lại chuyện cũ
Thông báo vừa được phát đi, ngay sau đó, truyền thông chính thống trong nước gần như đồng loạt “mở chiến dịch đánh Đinh La Thăng”, theo cách nói của nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng. Ngay cả đó là những tờ báo từng ca ngợi Đinh La Thăng sau Đại hội 12 diễn ra nửa đầu năm 2016.
Với “bản luận tội’ do Uỷ ban kiểm tra Trung Ương Đảng đưa ra, ông Đinh La Thăng bị đề nghị kỷ luật vì những sai phạm trong thời gian làm Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam PVN trong giai đoạn từ 2009 – 2011.
Một câu hỏi được Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam đặt ra trong vụ kỷ luật này, không chỉ liên đới với cá nhân người bị kỷ luật là ông Đinh La Thăng. Vấn đề ông đưa ra, Tập đoàn dầu khí quốc gia chính là quả đấm thép có tính chất quyết định, giữ một vị trí rất quan trọng trong ngân sách, thuế và lợi nhuận. Thế nhưng, câu hỏi ông đặt ra là “trong ngần ấy năm, một ngành dầu khí theo như kể tội của Uỷ ban kiểm tra này đưa ra nặng nề như thế, thì các vị lãnh đạo làm gì và chịu trách nhiệm đến đâu?”
Vì lý do gì đến bây giờ lại lôi cái kỷ luật cũ, trách nhiệm cũ để yêu cầu kỷ luật và thuộc phạm vi của Bộ chính trị xử lý?
- Giáo sư Tương Lai
“Điều kỳ lạ là ông ta (Đinh La Thăng) chịu trách nhiệm về các vi phạm, với tư cách là nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tập đoàn dầu khí Việt Nam giai đoạn 2009 – 2011, thì lý do gì đến Đại hội thứ 12, người ta lại bầu ông vào trong Bộ chính trị, là cơ quan cao nhất của Đảng? Đó là logic gì? Tại sao khuyết điểm kéo dài như thế, tổn hại đến nền kinh tế quốc gia lớn thế mà lại không kỷ luật hồi ấy? mà vẫn đưa làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải?
Vì lý do gì đến bây giờ lại lôi cái kỷ luật cũ, trách nhiệm cũ để yêu cầu kỷ luật và thuộc phạm vi của Bộ chính trị xử lý?”
Vào tháng 2 năm 2016, Đinh La Thăng từ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải trở thành Bí thư thành ủy TP HCM theo quyết định điều động nhân sự của Bộ Chính trị. Điều này từng gây tranh cãi rất lớn trong dư luận thời gian đó. Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng nhận xét tính chất của sự việc liên quan đến “dàn xếp về mặt chính trị và nhân sự”.
“Nhiều người cũng cho rằng có một thoả thuận ngầm giữa ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Tấn Dũng tại Đại hội 12, để sau đó ông Nguyễn Tấn Dũng rút. Và những người của Nguyễn Tấn Dũng như Đinh La Thăng, Nguyễn Văn Bình ở lại và lọt vào Bộ Chính Trị. Giới chính trị thường có những thoả thuận ngầm như vậy.”
Lý do để cho đến tận hôm nay, thời điểm gần kề của Hội nghị Trung ương 5, Uỷ ban kiểm tra Trung Ương Đảng lật lại những sai phạm của Ban thường vụ Đảng ủy Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam trong giai đoạn từ 2009 – 2015, theo nhà báo Phạm Chí Dũng, có phần liên quan đến vụ án ngân hàng Đại Dương Ocean bank.
“Trong thời gian đó, có xảy ra vụ Tập đoàn dầu khí Việt Nam góp vốn 800 tỉ đồng vào ngân hàng Đại Dương Oceanbank của ông Hà Văn Thắm. Số tiền đó sau này đươc cho là không cánh mà bay, không thu hồi được, và đưa vào cái án của Hà Văn Thắm luôn. Đó chính là lý do mà tôi cho là nguồn cơn, đồng thời là cái cớ để đưa lại vụ ông Đinh La Thăng từ thời Tập đoàn dầu khí quốc gia.”
Thanh toán quyền lực
Cũng theo nhà báo Phạm Chí Dũng, từ năm trước, Uỷ ban Kiểm tra Trung Ương Đảng đã âm thầm có những kiểm tra đối với hoạt động của Tập đoàn dầu khí quốc gia đặc biệt đến thời của Đinh La Thăng 2006-2011 và đã có kết luận. Và thời điểm xảy ra vụ Trịnh Xuân Thanh, cũng chính là thời điểm có nhiều nguồn tin nói về áp lực rủi ro của ông Đinh La Thăng đang dần tăng lên.
Những ai theo dõi sát sao tình hình chính trị trong nước từ Đại hội Đảng 12 đều nhận thấy cuộc từ giã chính trường của Nguyễn Tấn Dũng chưa thật sự kết thúc. Điều này, như nhà báo Phạm Chí Dũng phân tích, ông Nguyễn Phú Trọng hoàn toàn nhận biết điều đó.
“Ông Trọng thừa hiểu Nguyễn Tấn Dũng về, nhưng thật ra cái bóng của Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn ở lại. Người của Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn đó, và trở thành một cản trở lớn đối với quyền lực của Tổng bí thư. Nếu còn những lực cản như vậy thì ông Trọng không thể ăn ngon ngủ yên. Bản thân sinh mạng chính trị của ông ấy sẽ không được đảm bảo. Chỉ còn cách là ông phải thanh lý, thanh toán những người, những dây của Nguyễn Tấn Dũng.”
Đinh La Thăng chưa phải cao trào. Mà có lẽ, theo dư luận nhận định, cao trào là Nguyễn Tấn Dũng chứ không phải Đinh La Thăng.
- Nhà báo Phạm Chí Dũng
Kỷ luật, là theo cách gọi của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng, nhưng Giáo sư Tương Lai, một lần nữa nói rằng vấn đề kỷ luật không liên quan gì đến trách nhiệm hay tổn hại đối với đất nước.
“Tôi cho rằng cuộc đấu này là cuộc đấu giữa các thế lực chính trị giành giựt cái ghế quyền lực, chả có liên quan gì đến các vấn đề khác. Tuỳ theo tương quan lực lượng của cuộc đấu tranh của các thế lực giằng co, lúc nào người ta đưa ra, lúc nào người ta thụt vào.”
Thêm nữa, ông có nhận xét không khác với nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng khi cho rằng việc kỷ luật Đinh La Thăng đã được định đoạt từ trước. Vấn đề chỉ là thời gian.
“Bản dạo đầu đánh Đinh La Thăng đã có từ một bài báo của một nhà báo ‘Thanh hay Thăng’ cách đây khá lâu. Như vậy, bản dạo đầu của ban Kiểm tra này đã có từ xa xưa. Người ta đã bật đèn xanh cung cấp tư liệu cho một nhà báo để viết những chuyện mà hôm nay Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng đưa ra.”
Chưa đến cao trào
Cách đây không lâu, vào ngày 24 tháng 2 vừa qua, trong bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để cứu muôn người.”
Trước và sau đó, dư luận có thể chứng kiến hàng loạt những vụ xử lý vi phạm bằng hình thức khác nhau. Từ vụ Vũ Huy Hoàng, đến Trịnh Xuân Thanh, và nay là Đinh La Thăng. Theo nhà báo Phạm Chí Dũng, rất khó để đoán biết những động thái nào khác trong tương lai, nhưng, một vấn đề đều được cả Giáo sư Tương Lai, và nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng nhìn thấy, đó là sự việc này chỉ mới là luyến láy ở phần dạo đầu của một bản giao hưởng.
“Đinh La Thăng chưa phải cao trào. Mà có lẽ, theo dư luận nhận định, cao trào là Nguyễn Tấn Dũng chứ không phải Đinh La Thăng.”
Bản giao hưởng số 5 của Beethoven, theo cách ví von của nhà báo Phạm Chí Dũng, sẽ được trình diễn trong tơng lai rất gần, sẽ “ghê gớm, khủng khiếp như sóng cuồn cuộn, cả mặt biển sôi trào, và lúc đó có thể hình dung nền chính trị Việt Nam như thế nào?”
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/thang-case-start-of-a-symphony-cl-04282017130143.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét