Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

Sài Gòn Tết Tây và chuyện Minh Béo

Sài Gòn Tết Tây
Du Uyên - Chính những người lớn nên là tấm gương sáng cái đã. Bọn trẻ bây chừ thông minh và sáng suốt lắm, không dễ bị “lừa” đâu. Bằng chứng là hôm Minh Béo bị trục xuất về Việt Nam, báo chí chào mừng ở sân bay. Một thành viên của Group VOZ, một group cho giới trẻ Việt (độ tuổi thế hệ 9x trở xuống) đã hỏi trên diễn đàn: "Từ khi nào 1 thằng đi tù ở nước ngoài về được chào mừng vậy?" Có ngay một thanh niên vô trả lời: – Từ năm 1943!
Diễn đàn Group VOZ
Sài Gòn hào hứng đón Tết Tây, trong thời gian này thời tiết ui ui. Thế là tối tối, phố lên đèn, người lên đồ, kẹt xe lên… lịch! Dân tình dung dăng dung dẻ, nhao nháo chụp hình mình lẫn những người chụp hình nhau, ôi ta nói đủ kiểu trước những tụ điểm, trung tâm thương mại và những nơi mang không khí “Sài Gòn by night” nồng nặc nhất. Và bên cạnh cái đẹp cái vui là bao nhiêu tệ nạn tai nạn ẩn mình, túi có thể trống không sau một cú va chạm nhẹ như gió thoảng! Sài Gòn mà. 

Trẻ em hôm nay

Nhạc Xuân rộn rã khắp hang cùng ngõ nhỏ. Tôi cũng bày đặt xếp lại niềm đam mê “giường chiếu” mà lòng vòng con đường phủ đầy đèn hoa, xưa là đường làng mình đi bộ đi học nay là phố xa hoa kiêu sa với những cái nhà cao ơi là cao tưởng như chỉ cần một cơn gió nhẹ sẽ ngã xuống đầu. Mặt vốn đã ngơ ngáo nay thêm cái miệng luôn trầm trồ đầy thảo mai:

“Chòi ơi đẹp quá ha!”

“Chòi cây thông kìa!”

“Chòi bông hồng bằng mủ kìa!”

Người bạn đi chung cứ phải che mặt và lôi tôi đi xềnh xệch trốn ánh nhìn của cả thế giới, ai cũng như muốn hỏi:

“Ai cướp đĩa bay của hai đứa vậy!”

“Có phải người ngoài hành tinh nào cũng đẹp như con bé tóc xoăn kia không!” (dĩ nhiên tôi là cô bé tóc xoăn).

Việt Nam ngày mai?!

Nói chung hòa lẫn vào dòng người cũng vui hết biết nếu bỏ qua chuyện kẹt xe cứng ngắc ngày càng nặng theo con số nằm “checkin” trên tờ lịch mỗi ngày. Khi mọi nơi tràn ngập thiên tai nhân tai thì dân càng đổ về Sài Gòn này đông hơn, tỷ dâu đổ đầu tằm. Sao mà không kẹt được. Sài Gòn trong cuộc chiến hay trong thời bình đều là chốn chạy về của những con người sợ hãi. Khi không bỏ đi khỏi đất nước này được, đa số đều muốn sống ở Sài Gòn.

Nghe đâu ở Hà Nội đang “triển khai” tuyến bus nhanh, nhanh hơn tuyến thường đến 5 phút. Không hiểu chừng nào Sài Gòn mới “khai triển” tuyến xe “vi diệu” như vậy, 5 phút quý báu lắm chứ. Có thể làm được bao nhiêu là việc, đừng xem thường một giây nào trong cuộc đời mình cả! Nếu đọc báo chí Việt Nam và theo dõi thời cuộc qua các dòng thông tin và mối quan tâm của nhân loài trên mạng xã hội bạn sẽ tin tôi nói đúng. Mấy giây trước người ta vừa xum xoe khoe thương yêu con cái, khóc thương những đứa trẻ tội nghiệp không may mắn sanh ra giữa vùng lũ. Rồi cũng chính họ vài giây sau nhảy vô đón chào một tên tội phạm ấu dâm vừa mãn hạn tù ở Mỹ bị trục xuất về nước rất… vẻ vang. Và phút trước một vài tờ báo cách mạng còn trang trọng đặt tít chào mừng vị nghệ sĩ tên Minh kia trở về nước sau chuyến “công du” thám hiểm nhà tù Mỹ. Thì ngay sau đó cũng chính những trang tin đó rút bài đăng lại hàng loạt những ý kiến trái chiều buộc chàng diễn viên hài kia xin lỗi cộng đồng. 

Và cũng nhờ chàng trai này mà bao nhiêu háo hức đón Tết lẫn tất cả các mối quan tâm cho nạn nhân vùng lũ trở nên nhạt nhẽo và phai mờ trên bản đồ thời cuộc. Rất ít người nhìn thấy, chưa có năm nào lũ “bội thu” như năm nay. Những lung linh dưới ánh sáng sân khấu mờ ảo luôn thu hút người khác dẫu họ có đang đứng dưới ánh sáng thực của mặt trời. Và nghề “showbiz” ở Việt Nam luôn là nghề dễ giàu nhất. Chuyện một anh chàng/cô nàng nào đó vụt sáng chói nổi tiếng hay tắt ngủm ra rìa sau một đêm là chuyện thường ở huyện. Ðó là lý do tại sao những câu chuyện ồn ào náo nhiệt hoặc bi kịch diễn biến của những kẻ được báo chí cách mạng gắn mác hoặc tự thậm xưng là nghệ sĩ luôn được cả thế giới quan tâm.

Cục người có công?

Báo cách mạng đăng, đã hơn 300 người chết trong đợt lũ kéo dài và lan rộng vừa qua (là con số công khai thôi chớ dưới tảng băng chìm thế nào thì khó nói). Mà không có nổi một lời chia buồn một câu phúng điếu từ nhà cầm quyền vậy mà có một ông bên Cuba chết thì toàn dân bị ép để quốc tang! Nói cho cùng thì đó là những con số mờ ảo. Vì nó tượng trưng cho những cái chết rất âm thầm lặng lẽ, như những con số đang âm thầm lặng lẽ tăng lên về số người chết tai nạn giao thông hay tai nạn lao động, ung thư ở xứ này. Không hề có ai thống kê hay nguyện cầu thì mộng mơ chi hai chữ “quốc tang” lớn lao kia. Vì hầu như chính mỗi người cũng đang phập phồng lo sợ, cầu nguyện cho chính mình, người thân và bạn bè thân thuộc. Giờ chỉ có nước coi trong bộ máy nhà nước, có ai chức cao cao chết bớt một người để dân được quốc tang một bữa cho danh chánh ngôn thuận mới được. Bởi vì từ lâu quốc tang đã trở thành độc quyền cho một vài cá nhân lãnh đạo, còn quốc dân thì không. Mà lãnh đạo cao cấp dạo này cũng thi nhau mất tích nhiều quá, tìm không ra cũng cực cho lực lượng an ninh nước nhà.

“Từ miền Tây nước nổi. Cho em gửi lời ganh tị với miền Trung. Miền Tây năm nay ko có nước, bà con chài lưới sống nhờ con nước có một mùa làm ăn khó khăn!”– Hai Lúa

“Mấy năm nay Nha Trang ko lụt thê thảm như vầy. Chắc chắn từ nay sẽ ngập lụt tràn lan những nơi ko thể ngờ cũng lụt. Quy hoạch đô thị yếu kém, quản lý nhắm mắt ăn tiền. Khu đô thị mọc vô tội vạ, lấp đồng lấp ruộng, sông bị lấn chiếm ngày càng nhỏ…”-Trương Hoàng Anh

“Dân ta vốn đã quen với tình trạng “sống chung với lũ”. Nhiều kẻ mong lũ về để hưởng lợi… Nhiều kẻ cố tình gây ra lũ… Mà một cơn LŨ lớn cuốn phăng đi tất cả vẫn chưa tới… Cả nước vẫn đang chìm ngập trong cơn LŨ miên trường!”-Hành Nhân

“Ông già noel năm nay chơi lớn, tặng nước khắp mọi nơi… ”-T.L.D

Hình ảnh người mẹ và bốn người lính

Ðó là lời dân khắp cả nước bàn luận trên trang cá nhân trong hành trình “sống chung với lũ”. Sài Gòn cũng vừa ngưng khổ sở sau những đợt nước ngập kinh hoàng do… mưa lớn (lời của Bộ Tài nguyên Môi trường). Dĩ nhiên so với “Miền Tây nước nổi, miền Trung lũ lụt” thì sự “đứng ngồi không yên” của người Sài Gòn chỉ là con muỗi so với con voi! Nhưng con voi cũng có thể ngất xỉu khi con muỗi tỏ tình mà. Còn nhớ cách đây ba năm (2013), Sài Gòn cũng từng được/bị thông báo là sẽ có một cơn bão đi ngang qua, cả thành phố 11 triệu dân đã cuống cuồng và hào hứng chào đón. Nhưng cuối cùng buồn hiu vì bão không tới như… đã hứa.

Dân Sài Gòn là vậy đó, dễ dụ và tò mò. Thấy người ta có tuyết cũng thèm, thấy người ta có bão cũng… muốn. Nói vậy chứ không phải hào hứng hay bỏ bê những nơi đang chìm sâu trong đau khổ kia đâu. Ai cũng biết Sài Gòn đóng ngân sách cho cả nước, che chở người tỵ nạn cho cả nước, máu người Sài Gòn hiến cũng bị trung chuyển ra Bắc và khắp các tỉnh thành. Và những đóng góp trong các chương trình từ thiện, hầu hết là dân sống ở Sài Gòn và Hải Ngoại đang hướng về… Sài Gòn. Hở chút nói ra là bị cho là phân biệt, phỉ báng vùng miền. Nhưng sao tôi cứ bị tự kỷ, tự hào, tự tin với sự sanh ra và lớn lên ở Sài Gòn của mình. Tôi tin nếu tôi là một người xấu, tôi cũng sẽ xấu ít hơn khi tôi phải sanh ra và lớn lên ở gần… cái lăng tẩm kia!

Rồi các cơn lũ sẽ đi qua nhưng cơn bão không thèm đến Sài Gòn dạo nọ. Những người xả lũ dửng dưng thì bên cạnh đó luôn có những cánh tay nối dài của Thượng đế đưa ra cứu vớt những đứa con của mình. Những cái chết lặng lẽ sẽ chìm vào phù sa, khói bụi. Nhiều kẻ khuyên người khác phải im lặng sống qua ngày chờ qua đời có lẽ vì họ không biết nhục cái nào trước khi đứng trước quá nhiều cái nhục, thấy cũng tội mà thôi cũng kệ vì chính tôi thấy mình cũng… vậy! Tôi không thể làm gì để chính quyền xử tội những tên xả lũ, xử luôn những kẻ đang mon men phá hủy cuộc đời những đứa bé non nớt ngoài kia! Giáo dục về tính dục, quyền con người luôn còn là vấn đề “nghiêm trọng” trong mắt các bậc cha mẹ và xa với các thế hệ trẻ nhỏ ở đất nước được cho là “rất phát triển” này! Trẻ em được cho là “mầm xanh của xã hội” nhưng chúng quá yếu ớt, bé bỏng để lên tiếng chống lại tội ác ấu dâm khi chưa có đủ kiến thức trong đầu.

Sau tất cả thì sao? Lũ vẫn xả, đoàn người đi Cuba dự tang lễ vẫn im lặng trước thân phận dân mình. Còn Minh (hết) Béo về Việt Nam vẫn sẽ có lý lịch trong sáng như gương. Báo Người Lao động hôm nay đã viết: “Minh Béo khi về Việt Nam sẽ trở thành công dân bình thường, trong tờ khai lý lịch sẽ không có “tì vết” của những tội từng vi phạm ở Mỹ. Ðiều này được khẳng định qua trao đổi của PV bổn báo với Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp, Bộ Công an.” Vậy thì việc tẩy chay của cộng đồng với Minh Béo có nghĩa lý gì nữa không? Và bao nhiêu đứa trẻ bị bạo hành ở đất nước này nhìn vào đâu để thấy ánh sáng cuộc đời?

Trong lúc những người mẹ hoang mang vì sự việc trên thì bạn tôi, một người con, người cháu cũng đăng lên một tấm hình và chú thích… không liên quan nhưng theo tôi thấy rất liên quan quanh vấn đề này:

“Trong bức ảnh này có bốn người lính. Hai người là lính Quân đội Nhân Dân Việt Nam, hai người là lính Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Người PHỤ NỮ duy nhất là người nuôi nấng và đợi chờ cả bốn người kia.”

Chỉ có những người đã sanh thành giáo dưỡng mới đủ sức lo lắng cho những đứa con không cùng chiến tuyến. Cũng như trên các trang mạng xã hội, phương tiện thông tin đại chúng hiện nay. Tất cả chúng ta đều thấy sự đấu đá lẫn nhau giữa các phe cánh tuy là dân trong cùng một nước, xài chung ngôn ngữ. Lâu rồi không thấy hai phe “cánh tả và cánh hữu” (nói Tiếng Việt) cùng nhìn về một hướng như hôm nay! Ðồng lòng tẩy chay Minh (hết) Béo và tẩy chay những người đã ủng hộ việc làm của anh ta.

Tự nhiên tôi nghĩ nên kết nạp Ðảng cho Minh (hết) Béo, phong làm chủ tịch một phân cục/cục phân gì đó, đi mần nhiệm vụ hòa giải dân tộc! Chắc chắn các phe phái đều sẽ thấy được hướng đi chung mà quay về với người mẹ tên Quê Hương như người mẹ trong bức hình bạn tôi vừa chia sẻ.

À nhưng trước khi tính chuyện giáo dục những đứa trẻ nên người thì chính những người lớn nên là tấm gương sáng cái đã. Bọn trẻ bây chừ thông minh và sáng suốt lắm, không dễ bị “lừa” đâu. Bằng chứng là hôm Minh Béo bị trục xuất về Việt Nam, báo chí chào mừng ở sân bay. Một thành viên của Group VOZ, một group cho giới trẻ Việt (độ tuổi thế hệ 9x trở xuống) đã hỏi trên diễn đàn:

– Từ khi nào 1 thằng đi tù ở nước ngoài về được chào mừng vậy?

Có ngay một thanh niên vô trả lời:

– Từ năm 1943!

http://baotreonline.com/sai-gon-tet-tay/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét