Thuế máu
Máu của rừng đã loang lổ trên tờ sớ thuế của lịch sử dân tộc. Máu của đồng bằng đã chảy dài theo dòng nước mắt của người mẹ mất con, người cha lặn ngụp trong cơn lũ tìm xác con và người vợ nức nở khóc chồng trong cái lạnh cắt da cắt thịt của con nước bạt ngày lũ. Máu của biển đã khô trên trang sử lịch kể từ khi những ngư dân trở nên câm lặng ngồi trên bờ nhìn thủy triều độc, nhìn thủy tộc phơi mình trong cái chết oan khiên. Máu của dân tộc đã đóng thuế cho một quãng thời gian dài nội chiến, nồi da xáo thịt và những kì thị kẻ thắng người thua…Dường như dân tộc Việt Nam vẫn chưa nguôi trả thuế bằng máu.Và dòng máu vẫn chưa bao giờ ngừng chảy để đóng thuế cho những thứ luật lệ man rợ nhất nhân loại. Nhưng dù gì, đó cũng là một loại thuế bất thành văn tự. Bây giờ, thêm một lần nữa, thuế máu được nhắc đến như một thứ trách nhiệm và lập thành văn tự hẳn hoi!
Trích từ báo Dân Trí: “Trong dự án Luật về máu và tế bào gốc vừa gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Y tế đề xuất quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 năm/lần nhưng có loại trừ một số trường hợp không thể hiến máu hoặc quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu.
Báo cáo đánh giá tác động dự án Luật về máu và tế bào gốc phục vụ cuộc họp do Bộ Tư pháp tổ chức sắp tới, cho rằng máu và các chế phẩm từ máu là loại thuốc đặc biệt, chỉ được lấy từ người và đến nay mặc dù các nhà khoa học đã có nhiều công trình nghiên cứu để tìm các chất thay thế máu nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả. Do vậy, máu người vẫn là nguồn nguyên liệu chính để cấp cứu và điều trị bệnh nhân trong giai đoạn trước mắt.
Theo tính toán lý thuyết của Tổ chức Y tế Thế giới (WHaO), ở các nước đang phát triển, dựa trên số dân của mỗi nước, cần khoảng 2% dân số hiến máu mỗi năm. Để giải quyết tình trạng thiếu máu và bảo đảm an toàn truyền máu, Chính phủ các nước đã đề xuất việc ban hành Luật Hiến máu (Blood Donation Law) hoặc các luật khác có liên quan đến vấn đề hiến máu tình nguyện không lấy tiền như: Luật truyền máu, Luật cấm buôn bán máu…. Sau khi Luật hiến máu được Quốc hội các nước ban hành, tình trạng khan hiếm máu cho cấp cứu và điều trị đã cơ bản được giải quyết.
Chính vì thế, trong dự án Luật về máu và tế bào gốc, Bộ Y tế đề xuất 2 giải pháp về nghĩa vụ của công dân liên quan đến hiến máu.
Giải pháp 1, quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 năm/lần nhưng có loại trừ một số trường hợp không thể hiến máu;
Giải pháp 2, quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu.
Bộ Y tế khẳng định cả hai giải pháp đều không có tác động đến tăng chi cho Nhà nước mà chỉ tăng chi cho Quỹ bảo hiểm y tế với mức tăng chi bình quân khoảng 500 tỷ/năm.
Với dân số khoảng khoảng 90 triệu người, nếu áp dụng chính sách thứ nhất thì một năm sẽ có khoảng 46 triệu người phải tham gia hiến máu (trừ 30,3 triệu công dân dưới 18 tuổi và khoảng 14,2 triệu người mắc các bệnh không thể hiến máu).
Việc quy định hiến máu là nghĩa vụ của công dân có mặt tích cực là giúp cho có nguồn máu đầy đủ và ổn định. Nếu thực hiện chính sách này thì hằng năm sẽ tiêu tốn khoảng 4.180 tỷ đồng, trong đó: Quỹ bảo hiểm y tế sẽ phải tăng chi khoảng 400 tỷ/năm, chủ sử dụng lao động sẽ phải bỏ ra khoảng 3.200 tỷ để chi trả tiền lương cho khoảng thời gian mà người lao động sự dụng để đi hiến máu và bản thân người lao động sẽ phải bỏ ra trên 580 tỷ cho việc đi lại phục vụ cho việc hiến máu” (…).
Việc hiến máu nhân đạo, không phải là việc mới mẽ nhưng cách qui định hiến máu trở thành chuyện bắt buộc. Chỉ xét trên câu chữ không thôi đã thấy vô lý bởi bản chất của hiến tặng mang tính tự nguyện và tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh, tình cảm cũng như sự phù hợp giữa người cho và người nhận. Bắt buộc ai đó phải hiến một thứ gì đó thì không còn là hiến nữa. Đây là kiểu ăn gian chữ nghĩa, đánh tráo khái niệm mà người ta vẫn thường nhìn thấy, bắt gặp trong hầu hết các văn bản có liên quan đến quyền lợi của người dân cũng như tính áp đặt của nhà nước. Cụ thể ở đây là tính áp đặt của đảng Cộng sản Việt Nam.
Người dân Việt Nam đã nhiều lần sống dở chết dở vì bị bắt buộc phải hiến tặng tài sản, hiến tặng con cái cho “công cuộc cách mạng thần thánh”, thẳng tiến vào chiếm đóng miền Nam đó là gì?! Và rồi, còn biết bao nhiêu thứ mà người ta phải gạt nước mắt để “hiến tặng” trong sự bắt buộc, bởi nếu không im lặng, cam chịu mà hiến tặng thì tính mạng không đảm bảo, an ninh bản than và gia đình bị xáo trộn? Hiếm có đất nước nào mà người dân hiến tặng triền miên từđời này qua đời khác, thế hệ này sang thế hệ khác, từ thành phần này đến thành phần khác.
Ngay trong việc đi bộ đội, thực ra, thời không có chiến tranh thì thấy đơn giản, nhưng thời chiến, việc hiến tặng tuổi trẻ để bồng súng vào chiến trường và chẳng có chế độ lương bổng nào để giúp gia đình, nuôi người thân ngoài một lời hứa của Đảng, đó cũng là một loại thuế máu. Rồi đến thời bây giờ, bộ đội vẫn không hề có lương, bước vào đời lính cũng đồng nghĩa với việc hiến tặng tuổi xanh và mạng sống của mình cho quân đội, cho Đảng, một hình thức đóng thuế bằng máu và sinh mệnh cho chế độ cầm quyền.
Nhưng dẫu sao thì tất cả những kiểu đóng thuế như vậy vẫn chưa rõ ràng, chưa lập thành văn tự như lần này. Còn bây giờ, vấn đề đặt ra là bao giờ cái văn bản qui định, bắt buộc hiến máu kia được thực thi? Và liệu cái dân tộc này còn đóng thuế máu đến bao giờ?Liệu có còn đủ máu để đóng? Bởi máu của rừng cũng đã khô, máu của đồng bằng đã cạn, máu của biển đã đổi màu và máu người cũng đã bạc phết.
Thử hỏi, có dân tộc nào, quốc gia nào trên thế giới này mà mức độ đóng thuế của người dân cao như tại Việt Nam? Và ngay trong ngành y tế, mọi thứ chi phí cho dịch vụ y tế đều cao hơn nhiều lần so với các nước khu vực.Ở một cường quốc như Mỹ, giá xăng chỉ cao tương đương 20% giá xăng Việt Nam.Mọi thứ ở Việt Nam đều đắt đỏ, trừ một thứ duy nhất, đó là con người.
Tại Việt Nam, chi phí cho một ngày nằm giường bệnh (chất bai, chất bốn người trên một giường) cũng đủ làm cho người ta suy nghĩ và mệt mỏi bởi mức phí chẳng hề thấp mà chất lượng thì ọp ẹp, cũ kĩ, chật chội đến mức khó thở… Chẳng may đang ngủ bị sập giữa đêm thì lòm ngòm bò dậy để năn nỉ y tá, hộ lý đổi giường. Chuyện này không phải là chưa từng xảy ra!
Đó là chưa muốn nói đến giá thuốc men, giá các dịch vụ liên đới.Như vậy, thử hỏi khoản tiền này đã đi về đâu? Và các khoản thu đầy tính bóc lột ở các bệnh viện đã đi về đâu? Và những khoản thu đó vẫn chưa đủ, vẫn chưa thỏa mãn các ông các bà hay sao mà bây giờ lại bày thêm trò bắt dân phải đóng thuế bằng máu? Thực ra, đây là một kiểu đánh thuế trá hình chứ chẳng có gì để gọi là tự nguyện hay hiến tặng cả!
Ở một đất nước mà đời sống luôn bị vắt kiệt, bước ra đường thì bị các trạm thu phí, bị nạn mãi lộ tấn công, mua một lít xăng thì các khoản thuế ăn mòn, mua một bó rau cũng bị thuế dòm ngó, mua một viên thuốc hay vào bệnh viện khám chửa bệnh thì bị vắt đến khô máu, bước qua cổng trường đã thấy bóc lột... Bây giờ lại thêm một thứ vắt máu bằng thuế máu trá hình.Thử hỏi, đời sống của người dân Việt Nam rồi sẽ ra sao? Đất nước này sẽ về đâu?!
Nộ Thủy
(Vấn Đề.org)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét