Thứ Tư, 16 tháng 11, 2016

Loay hoay cách chức cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

Loay hoay cách chức ông Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng
Lê Công Định - Loay hoay làm thế nào cách chức một ông bộ trưởng đã không còn đương chức cho thấy nền tảng pháp lý của hệ thống chính quyền đầy thiếu sót, nguyên nhân là vì không biết du nạp những nguyên tắc cơ bản của một nền hành chính thông thường.
Thật ra việc này không đáng đặt thành vấn đề, huống chi để bàn thảo tới lui, bởi lẽ câu trả lời hiển nhiên đến mức khỏi động não suy nghĩ. Tôi mạn phép góp ý với Chính phủ và Quốc hội như sau:

Thứ nhất, có một nguyên tắc quan trọng trong ngành luật hành chính, đó là các định chế, chức vụ hay bản văn hành chính sẽ bị huỷ bỏ nếu được thiết lập sai thẩm quyền hoặc sai trình tự pháp lý từ ban đầu.

Huỷ bỏ có hiệu lực hồi tố ngược về thời điểm thiết lập. Hệ quả là các định chế, chức vụ hay bản văn hành chính bị huỷ bỏ xem như chưa từng hiện hữu.

Thứ hai, một nguyên tắc kế tiếp cũng trong ngành luật hành chính, đó là khi các định chế, chức vụ hay bản văn hành chính vi phạm luật pháp trong quá trình hoạt động, thực thi công vụ hoặc lúc áp dụng, thì sẽ bị đình chỉ, cách chức hoặc chấm dứt hiệu lực một cách tương ứng.

Đình chỉ, cách chức hoặc chấm dứt hiệu lực sẽ có hiệu lực về tương lai, tức là trước đó vẫn có giá trị pháp lý nhưng chỉ chấm dứt vào thời điểm bị tuyên vô hiệu.

Thứ ba, chỉ có thể sử dụng biện pháp cách chức đối với nhân viên công quyền còn đương chức. Xét trường hợp cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, ông đã thôi chức vụ thì không thể cách chức, mà ngay cả cách chức lúc đương nhiệm cũng không thể áp dụng hồi tố.

Thứ tư, nói rằng "theo nguyên tắc, ai bổ nhiệm thì người đó có quyền cách chức" là hoàn toàn sai. Việc bổ nhiệm công chức tuân theo thẩm quyền và trình tự pháp lý được ấn định trong hệ thống hành chính, chứ không dựa vào tương quan cá nhân. Người bổ nhiệm không còn tại chức thì người kế nhiệm vẫn có thể hành xử thẩm quyền tương đương.

Thứ năm, nếu lúc đương chức, ông Vũ Huy Hoàng vi phạm luật, các biện pháp trừng phạt vẫn có thể áp dụng bây giờ, tức sau khi ông đã thôi chức. Ở các nước khác, người ta vẫn xử tù các cựu thủ tướng, cựu bộ trưởng như thường.

Điều quan trọng là, tuy ông vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý cá nhân đối với hành vi cũ kể cả lúc đã nghỉ hưu, các tài liệu pháp lý ông ký ban hành hợp pháp lúc đương nhiệm vẫn có thể tiếp tục hiệu lực pháp lý, bởi ông đã hành xử thẩm quyền đó trong tư cách bộ trưởng, chứ không phải tư cách cá nhân.

Nếu chấp nhận những nguyên tắc cơ bản của một nền hành chính thông thường, tôi tin Chính phủ và Quốc hội không nhất thiết mất thời gian bàn thảo vấn đề làm sao cách chức cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng như hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét