Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2016

Người Việt - Chúng ta là ai?

Người Việt - Chúng ta là ai?
Trải qua 1000 năm Bắc thuộc, dù có bị Hán hóa đến đâu, dân Việt vẫn cứ là dân Việt, không thay đổi. Hơn 80 năm Pháp thuộc, tốc độ Tây hóa ở Việt Nam nhanh chóng mặt, nhưng dân Việt vẫn cứ là dân Việt, không thay đổi. Vậy thì tại sao ở trong bối cảnh ngày nay chúng ta lại phải đối mặt với việc mất bản sắc đến thế và thực ra chúng ta đang thật sự dần mất đi bản sắc. 
Nhìn lại 60 năm gần đây, ta có thể thấy rằng, liên tiếp những lý tưởng về sự đại đồng tràn vào Việt Nam, trước là Chủ nghĩa Cộng Sản kiểu Liên Xô, sau là chủ nghĩa Toàn cầu với xu hướng Toàn cầu Hóa kiểu Hoa Kỳ, quá hấp dẫn, đến mức dân tộc Việt Nam dần dần quên mất mình là ai.

So với vấn đề Hán hóa hay Tây hóa, vốn đi kèm với việc các cường quốc áp bức dân ta, vậy nên, chính trong sự áp bức này, những tinh hoa của dân tộc Việt lại đâm chồi và nở rộ. Nhưng với những lý tưởng đại đồng và toàn cầu, chúng ta lại không hề có một chút đề phòng, sẵn sàng chấp nhận và nghĩ rằng đó là cơ hội để thúc đẩy tiến bộ nhân loại. Nhưng chúng ta đã nhầm lẫn, đại đồng và toàn cầu, không có nghĩa rằng chúng ta sẽ vứt bỏ hoàn toàn bản chất của mình để tự biến mình theo khuôn mẫu nào đó. Đây là một nhầm lẫn đáng nực cười, bởi mọi lý tưởng tốt đẹp thật sự không yêu cầu chúng ta phải vứt bỏ bản thân mình mà tạo ra một cơ hội cho mỗi người có thể đóng góp cho tiến bộ nhân loại bằng chính khả năng và lợi thế thật sự của mình. Nhưng nếu chúng ta đánh mất đi bản thân mình, thì làm sao chúng ta biết được đâu là lợi thế?

Người Việt ta không có thói quen đặt câu hỏi “Ta là ai?”. Khi đối mặt với Hán hóa và Pháp hóa, người Việt lại đang sống trong chính bản chất của mình một cách cách tự nhiên. Nhưng sau một thời gian chối bỏ bản chất của mình không thành, chúng ta lại chuyển sang sự hoang mang, và một trạng thái tâm lý mới xuất hiện: Phủ nhận những đặc tính của người Việt và coi rằng những đặc tính đó khiến đất nước ta lỗi thời, lạc hậu và kém cỏi, khiến đất nước ta trở thành một đất nước man di cần được giáo hóa. Và những chiến lược cải tạo dân Việt bắt chước kiểu mẫu con người của phương Tây (được coi là văn minh hơn nhờ vào tiến bộ về khoa học kỹ thuật) được thực hiện bởi chính những người Việt tự vỗ ngực xưng mình là cấp tiến. Chỉ đến khi nhiều mô hình thất bại, chúng ta mới thấy có gì đó không ổn, mới bắt đầu đi tìm bản tính người Việt, nhưng chúng ta đã quên mất nó, chỉ còn lưu lại những ấn tượng về “người Việt xấu xí”. Hậu quả của việc này khiến cho chúng ta lựa chọn sai các mô hình, tính toán sai các chính sách, dự đoán sai về xu hướng xã hội và hoàn toàn mất tự chủ trong đường lối xây dựng đất nước và phát triển dân tộc, hôm nay theo hướng này, mai theo hướng khác mà vẫn không có hướng nào là đúng đắn.

Đã đến lúc chúng ta xác định xem bản tính của chúng ta là gì, dân tộc chúng ta có sứ mệnh như thế nào với nhân loại. Bởi nếu không có sứ mệnh ấy, có thể chúng ta đã trở thành một bộ phận của Trung Quốc từ cách đây 2000 năm rồi, chứ không phải còn có cơ hội ngồi đây và chê bai dân Việt.

Đi tìm bản tính người Việt

Bản tính của một dân tộc không phải văn hóa của một dân tộc, nó ở một tầng sâu hơn thế. Levi Strauss cho rằng “văn hóa là tất cả những gì chúng ta có được từ truyền thống bên ngoài… là toàn bộ những tập tục, tín ngưỡng, những thiết chế như nghệ thuật, pháp luật, tôn giáo, các kỹ thuật trong đời sống vật chất, tóm lại, đó là tất cả những thói quen hoặc kỹ năng mà con người học được với tư cách là một thành viên trong xã hội.”. Còn N. Berdyaev khẳng định “Chúng ta nói “văn hóa tinh thần” chứ không nói “văn minh tinh thần”. Văn minh có nghĩa là một thang bậc lớn hơn nữa của khách thể hóa và xã hội hóa, còn văn hóa thì gắn nhiều hơn với bản diện cá nhân và tinh thần”. Hai quan điểm trên hoàn toàn hợp lý, nhưng quan điểm định nghĩa của Levi Strauss chỉ ta thấy cái bề mặt của văn hóa, còn quan điểm của N.Berdyaev dẫn ta đi vào một tầng sâu hơn, tìm về “bản diện cá nhân và tinh thần”, mà bài viết này gọi tắt là “bản tính dân tộc”.

Văn hóa của một dân tộc được quyết định bởi bản tính của dân tộc ấy. Vậy bản tính dân tộc gồm những khía cạnh nào và do những nhân tố nào quyết định? Hãy thử soi chiếu vào cá nhân của một người, bản tính của chúng ta thể hiện ở những khía cạnh: tư duy, cảm xúc và tham vọng. Một dân tộc cũng vậy, bởi dân tộc là tập hợp của rất nhiều cá nhân có chung một nền văn hóa, nên hẳn rằng có những bản tính chung, những cách thức tư duy chung, trạng thái cảm xúc chung và những tham vọng chung. Nhưng điều gì hình thành nên bản tính ấy? Đó chính là điều kiện sống và khả năng sinh tồn của một dân tộc trước mọi biến thiên của tự nhiên cũng như thời đại.

Nguồn gốc xuất xứ của dân Việt khá phức tạp do quá trình di dân liên tục trong lịch sử, bao gồm nhiều tộc Việt khác nhau. Nhưng cho dù di dân từ đâu đến, dù là người Chăm bị cúng nạp hay người Hán xuống đây sinh sống, ở lẫn với người Việt, thì họ cũng phải chịu chung những biến cố với người Việt và dần dần, cảm xúc, tư duy thay đổi theo hướng Việt hóa. Thế nên, một dòng họ dù xuất phát từ đâu, khi ở lâu đời với người Việt cũng trở thành một bộ phận của dân tộc Việt. Màu sắc bên ngoài có thể khác nhau, nhưng các trạng thái tâm lý có nhiều điểm tương đồng.

Người Việt định cư ở vùng đồng bằng sông Hồng, vốn là dải đồng bằng nhỏ hẹp, nhiều vùng chiêm trũng, không bằng phẳng và bị chia cắt.Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tâm lý tiểu nông, tức là lối tư duy ngắn hạn và thực dụng. Người nông dân xưa chỉ quen cày cuốc trên mảnh đất nhỏ của mình, vừa đủ ăn, ít tham vọng mở rộng và phát triển. Không giống như ở châu Âu và Mỹ vốn là những đồng cỏ rộng, yêu cầu phát triển thiết bị kỹ thuật trở thành cấp thiết để có thể canh tác rộng hơn. Mặc dù ruộng nhỏ hẹp, nhưng đất đai phù sa sông Hồng lại màu mỡ khiến cho người nông dân có thể thực hiện thâm canh và xen canh. Lâu dần, hình thành cho người nông dân Việt khả năng tư duy tích hợp, có nghĩa là kết hợp thực hiện nhiều nhân tố khác nhau vào làm một để đạt được mục đích mình mong muốn. Chỉ đến khi di dân vào miền Nam với đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn, cách tư duy này trở nên không cần thiết nữa. Đó là lý do tại sao người miền Nam dễ dàng tiếp thu các yếu tố phương Tây hơn người miền Bắc.

Giao thương buôn bán thời cổ ở Việt Nam chủ yếu bằng thuyền, do các vùng của đồng bằng Sông Hồng bị chia cắt bởi hệ thống sông ngòi chằng chịt. Việc đi lại bằng thuyền dậy cho người Việt bài học: nên biết xuôi chiều. Các cụ xưa có câu chúc “xuôi chèo mát mái” có lẽ là ẩn chứa kinh nghiệm dân gian này. Bởi thế người Việt luôn hướng tới sự đồng thuận, khi mọi thứ đều thuận thì qua đó mượn lực mà đẩy lên. Trong lịch sử không có nhiều người có xu hướng đột phá hay đi ngược dòng, bởi tận sâu bên trong, ai cũng hiểu rằng “bơi ngược dòng thì khả năng sẽ bị nước nhấn chìm”.

Khu vực địa lý chúng ta đang sinh sống là một khu vực đầy biến động, giông bão triền miên, lại liên tục bị phương Bắc xâm lược, một nỗi lo thường trực luôn ám ảnh dân tộc ta: nỗi lo sinh tồn. Đối mặt với quá nhiều biến thiên, người Việt không tội gì giữ gìn những thứ cồng kềnh và không cần thiết, khi thời đại thay đổi, những gì không còn có lợi cho sự sinh tồn nữa thì chúng ta sẵn sàng vứt bỏ. Bởi thế người ta nói người Việt hay thay đổi, hôm nay thế này ngày mai thế khác, nhưng nhìn một cách tích cực, đây là khả năng buông bỏ, không bám chấp nằm trong tận bản chất mà các nước phương Tây hay Trung Quốc còn phải học mà khó thực hiện được.

Hơn nữa, việc đối mặt với nhiều nguy cơ đe dọa, cộng thêm tâm lý xuôi chiều, người Việt luôn đề cao sự đồng thuận chung. Thay vì cố gắng thuyết phục hoặc tìm mọi mưu kế để đạt được mục đích, người Việt với nhau luôn có cách giải quyết mỗi bên nhường nhau một tí và cuối cùng đi đến kết cả là “hòa cả làng”. Ở thời Lý Trần, hiện tượng Tam giáo đồng nguyên là một biểu hiện của tâm lý “hòa cả làng” này. Thay vì xung đột giữa các tôn giáo giống như Châu Âu hay Ấn Độ, những người tu hành và tín đồ thuộc Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo ở Đại Việt thời đó chọn lựa phương án tìm ra điểmchung của các tôn giáo này và cùng nhau tạo ảnh hưởng lên tâm thức người Việt, và kể cả người nào chịu ảnh hưởng cùng lúc cả 3 tôn giáo cũng không thấy vấn đề gì.

Trạng thái cảm xúc ưa thích nhất của người Việt là cười vui. Không phải những cơn hưng phấn đầy kích thích của kẻ chinh phục, mà là trạng thái cười vui an lạc. Cho dù trong bất cứ trạng thái nào, người Việt cũng tìm cách để cười, dù cười để châm biếm hay để nghịch ngợm thì tựu chung lại vẫn là nụ cười. Đó là lý do tại sao người Việt thích truyện cười đến thế, thích tấu hài đến thế và tại sao hay lê la tán chuyện phiếm ở quán trà, quán rượu. Vui cười giúp người Việt yên tâm chờ đợi, ẩn mình, kiên trì đối mặt với khó khăn.

Với tình trạng sống như vậy, ta có thể thấy rằng người Việt không có tham vọng gì lớn lao, chỉ cần một cuộc sống an nhàn, no đủ. Mọi mong muốn khám phá, mở rộng lãnh thổ cũng chỉ vì dân số tăng và cần giải quyết vấn đề đất ở cũng như lương thực, thực phẩm. Hiểu biết về vũ trụ và thế giới cũng chỉ để ứng dụng thiết thực vào cuộc sống, như anh nông dân xưa “trông trời, trông đất, trông mây” cũng chỉ để có một vụ mùa bội thu. Những khám phá thỏa mãn sự hiểu biết của bản thân thuần túy có vẻ như là một điều xa lạ với người Việt.

Tất cả các cách thức tư duy và cảm xúc đó vẫn còn tồn tại đến ngày nay dù cho chiến lược “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” không thích hợp chút nào với các đặc tính của người Việt. “Công nghiệp hóa” có thể dễ dàng thực hiện ở miền Nam, vì “Công nghiệp hóa” là sử dụng máy móc tạo ra các sản phẩm hàng loạt và đạt cùng tiêu chuẩn, rất phù hợp với người dân đồng bằng Nam Bộ đã quen với việc thu hoạch những sản lượng lớn và nhanh chóng. Người dân Bắc không có nhu cầu sản lượng lớn (và thực ra cũng không quá cần), cái họ cần là chất lượng. Thay vì chất lượng đồng đều, sản phẩm miền Bắc đưa ra thường hoặc cực tốt hoặc cực kém. Và nếu áp dụng công nghiệp hóa vào miền Bắc thì từ trước đến nay thường dẫn đến kém đồng đều nhiều hơn là tốt đồng đều. Có lẽ không nên lan man về chi tiết này, tôi chỉ muốn nói rằng các đặc tính của người Việt bị dè bỉu nặng nề nhất chính bởi nó rất khó thích nghi với “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Nhưng, vấn đề đặt ra là, “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” có phải con đường duy nhất để phát triển đất nước?

Thời đại mới và những lợi thế

Từ khi có Internet, thế giới đã thay đổi rất nhiều. Lưu lượng và số lượng thông tin khổng lồ đã tạo nên kỷ nguyên thông tin, khi thông tin là quyền lực, mà một luồng thông tin đưa ra có thể sẽ tạo ra hiệu ứng domino. Hệ thống quyền lực trên thế giới trở nên lung lay, biến động xảy ra liên tục, các mô hình cũ không còn hiệu quả. Nhân loại đang phải đối mặt với một thế giới hoàn toàn bất định và không thể dự đoán. Điều này hoàn toàn trái ngược với thế kỷ 19-20, khi sản xuất công nghiệp là tối quan trọng. Việc sản xuất công nghiệp tầm cỡ lớn đòi hỏi một mô hình và quy trình chặt chẽ, tức là cần các thiết chế vững chắc và lâu dài. Việc thay đổi thiết chế sẽ tạo ra sự thay đổi hàng loạt trong kinh tế và xã hội. Dù cho có chiến tranh, thì con người ở thế giới hiện đại vẫn ở trong một thế giới ổn định, bởi những biến cố diễn ra khá chậm và cơ cấu xã hội cũng như nhận thức đều được cấu trúc gọn gàng. Thật không dễ dàng gì cho những quốc gia hiện đại đối mặt với thế giới bất định của thời đại mới, nhưng đó lại là cơ hội cho chúng ta – một dân tộc đã quen với sự bất định.

Bản tính hay thay đổi giúp chúng ta không bị bám víu quá nhiều những thứ không cần thiết. Khả năng tích hợp giúp chúng ta luôn cởi mở học tập cái mới mà không bị bất cứ định kiến nào. Với một thế giới bất định, việc con người phải luôn tiếp thu và thích ứng với cái mới lại trở thành một nhu cầu cấp thiết. Hơn thế nữa, do lưu lượng thông tin trao đổi liên tục, dần dần, các lĩnh vực không còn giữ nguyên vị trí của mình nữa mà bắt đầu tạo ra thế liên ngành. Tức là không còn dạng “một nghề cho chín” nữa, bởi một nghề có thể sẽ không giúp chúng ta giải quyết một vấn đề nào đó, mà cần sự liên kết của “chín nghề” (nói một cách hình ảnh). Cụ thể hơn, khi một người có kiến thức của nhiều mảng khác nhau lại có thể đưa ra giải pháp hiệu quả và thiết thực hơn là chỉ bằng một chuyên ngành.

Thế giới đã qua giai đoạn khám phá: khám phá vũ trụ, khám phá lòng đại dương, khám phá rừng già… những khám phá ấy vô cùng quan trọng, thế nhưng giờ đây loài người phải đối mặt với những nguy cơ sát sườn hơn như biến đổi khí hậu, thiếu năng lượng và thiếu lương thực… Những thời điểm như thế này, lối tư duy thực dụng của người Việt ta lại trở thành lợi thế. Không thể nhập nhằng giữa mong muốn khám phá của bản thân để thể hiện cái tôi và việc hi sinh cái tôi để giải quyết khó khăn của cộng đồng chung được. Rất hiếm khi hai cái đó đi đôi với nhau. Chúng ta không phát minh ra bom nguyên tử hay máy tính, nhưng nếu bạn tìm hiểu kỹ lịch sử khoa học, bạn sẽ biết rằng Việt Nam có 1 phát minh vô cùng quan trọng đã giải quyết được cốt lõi của nạn thiếu lương thực thế kỷ 20, đó là giống lúa lùn của giáo sư Lương Đình Của, đã tạo ra cuộc Cách mạng Xanh nổi tiếng.

Khi thế giới cổ vũ đa nguyên, mà có muốn không đa nguyên cũng không được, do tốc độ giao thương buôn bán và truyền tải thông tin nhanh chóng, khả năng đồng thuận và tích hợp của người Việt trở thành yếu tố cần thiết để tạo ra không khí hòa bình trong đất nước cũng như với các nước khác trên thế giới.

Ở trên mới chỉ là những nét phác thảo qua về bản tính người Việt, để tìm hiểu sâu hơn cần các chuyên gia và các học giả có bề dầy kinh nghiệm cũng như vốn sống nhiều hơn tôi. Tuy nhiên, tôi tin rằng từ tất cả những điều đó, nếu suy tưởng về một nước Việt Nam được xây dựng dựa trên các đặc tính của dân tộc, ta có thể thấy rằng không phải là không thể. Đó là dĩ nhiên, người Việt phải được giải phóng hoàn toàn bản tính của mình, không để bị nỗi sợ trước sức mạnh quân sự, kinh tế và khoa học kỹ thuật của các cường quốc làm cho mờ mắt. Khi nhìn nhận đúng bản tính của mình, nhìn nhận đúng xu hướng phát triển của thời đại, chúng ta sẽ biết chủ động lựa chọn cho mình những gì cần thiết để dân tộc trường tồn, đất nước phát triển.

Hà Thủy Nguyên
(Bookhunterclub)
http://www.tienbo.org/2016/11/nguoi-viet-chung-ta-la-ai.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét