Thứ Tư, 23 tháng 11, 2016

Đến cái l. mà còn chẳng nói đúng được thì...

CHUYỆN NÓI NGỌNG
Thầy giáo mà còn “ngọng” là điều các nhà trường trước đây hầu như không có, nó chỉ được sản sinh sau hơn 70 năm phát triển của giáo dục XHCN. Một ông Bộ trưởng, lại của Bộ Giáo dục với đủ thứ bằng cấp mà vẫn “ngọng” thì sao có thể coi là chuyện bình thường? Đó là chưa kể tới chuyện từ đó, người ta có quyền nghi ngờ những tấm bằng mà “ngài” đã trưng ra. Và không phải ngẫu nhiên khi có người đã “phán”: Đến cái l. mà còn chẳng nói đúng được thì còn làm nên trò trống gì!

Mấy hôm nay bà con thi nhau “tổng sỉ vả” tật nói ngọng. Hình như chưa bao giờ, kể cả khi cách nay mấy năm, Hà Nội mở chiến dịch thanh toán nạn nói ngọng ở mấy huyện ngoại thành mới sáp nhập, tật nói ngọng được đem ra phân tích, và công kích một cách vừa quyết liệt, vừa hài hước như thế.

Chuyện đã rõ như ban ngày rồi, tôi cũng chẳng muốn nói thêm. Nhưng hôm nay, lại thấy ông Dương Trung Quốc lên tiếng, bênh vực người nói ngọng, coi đó là “chuyện bình thường”, coi đó là “văn hóa vùng miền” thì thật… không thể không nói. Trong bài viết này, tôi không muốn lý giải vì sao ông Quốc nói như thế mà chỉ muốn nói, ông Quốc đã nói sai.

Nhưng trước hết, cần xác định khái niệm thế nào là nói ngọng?


Rất tiếc cuốn Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên in năm 1988 cũng như cuốn Đại từ điển Việt Nam (Nguyễn Như Ý chủ biên, Nhà xuất bản thành phố HCM ấn hành năm 2011) đã chưa giải thích chính xác vì chỉ coi “ngọng” là “không phát âm đúng một số âm do bộ máy phát âm có tật hoặc nói chưa sõi” (Sđd, tr. 1123). Nói chưa chính xác vì khi bàn tới chuyện này, các tác giả mới chỉ quan tâm tới những trường hợp ngọng do bộ máy phát âm có khuyết tật hoặc chưa trưởng thành. Hai trường hợp cuốn Từ điển đề cập tới hoặc là không thể sửa được vì “do bộ máy phát âm” và thời gian sẽ giúp để sửa chữa nếu do “nói chưa sõi” (trẻ đang tập nói). 

Thực tế, còn không ít trường hợp, người ta nói “ngọng” khi lầm lẫn các từ vựng được sử dụng. Và đây mới chính là những trường hợp cần bàn tới.

Theo tôi, “ngọng”, hay nói “ngọng” hiện nay được hiểu là cách phát âm không bình thường so với cách phát âm của cộng đồng chứ không phải là phát âm không đúng chuẩn. Mỗi cộng đồng ở các địa phương khác nhau, trong phát âm có những sự thống nhất riêng, nó trở thành đặc trưng của vùng miền. Cách phát âm ấy dù có lệch chuẩn nhưng không hề gây khó khăn gì trong giao tiếp. Đó là hiện tượng người các tỉnh phía bắc khi nói không phân biệt s/x, ch/tr, d/gi/r…; người các địa phương Nam Bộ không phân biệt v/d (ở đầu, về/dzề), c/t (ở cuối: bắc/bắt), n/ng (ở cuối: năn/năng).Có thể giải thích, cách phát âm đó đã có từ ngàn xưa, còn cách phân biệt s/x, ch/tr, v/d, … mới chỉ có từ khoảng vài ba trăm năm nay từ khi chữ Quốc ngữ ra đời. Cho nên, việc không phân biệt các phụ âm (đầu hoặc cuối) trong ngôn ngữ nói không phải là “ngọng”, đây mới thực sự là “văn hóa vùng miền” cần tôn trọng.

Thường ngày, tật nói ngọng được biểu hiện trong hai trường hợp chủ yếu: thứ nhất, do khuyết tật bẩm sinh ở cơ quan phát âm mà thí dụ thường thấy nhất là qua hai câu: “Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông, Nó bảo nhau rằng “ấy ái uông”.

Dễ dàng thấy, “người khuyết tật” không thể phát âm các phụ âm đầu; và thứ hai, nhầm lẫn l/n, trong đó, nhầm lẫn l/n thường được nói tới nhất. Ta không nên bàn tới trường hợp đầu tiên vì đây là do khuyết tật bẩm sinh, một thiệt thòi do Tạo hóa, không thể sửa chữa.

Nhầm lẫn hai phụ âm l/n không phải là tiếng địa phương vì trước hết, hiện tượng này chỉ thấy trong phạm vi hẹp, ở một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ (Hải Dương, Hưng Yên, …) nhưng thường chỉ thấy ở những người ít học. Ngay từ thời thuộc Pháp, giáo dục chưa được phổ cập, những người đã cắp sách tới trường ở những địa phương này đều không “ngọng” mặc dù khi sinh ra đã “ngọng” do lớn lên trong môi trường toàn người nói “ngọng”. Nghĩa là, sống trong môi trường đó, nhưng nếu có ý thức rèn luyện của “người có học”, người “có văn hóa”, người ta vẫn có thể dễ dàng nói chính xác, và sự thật, để sửa lỗi này, con người cũng không mất công mất sức lắm. Những người “ngọng” l/n bị cười chê theo tôi không phải chỉ do lầm lẫn trong phát âm, đôi khi gây hiểu nhầm. Người ta cười chê, thậm chí giễu cợt vì bản thân người đó đã thiếu ý thức rèn luyện, một cái lỗi chẳng mấy khó khăn có thể sửa được mà không chịu sửa. Vậy thì ý thức cầu tiến, ham hiểu biết, học hỏi để ở đâu? Đó không phải chỉ là chuyện nói năng, đó còn là chuyện nhân cách.

Một học sinh nhầm lẫn l/n đã đáng trách, càng học lên các lớp trên mà chưa sửa được càng đáng trách.

Thầy giáo mà còn “ngọng” là điều các nhà trường trước đây hầu như không có, nó chỉ được sản sinh sau hơn 70 năm phát triển của giáo dục XHCN.

Một ông Bộ trưởng, lại của Bộ Giáo dục với đủ thứ bằng cấp mà vẫn “ngọng” thì sao có thể coi là chuyện bình thường? Đó là chưa kể tới chuyện từ đó, người ta có quyền nghi ngờ những tấm bằng mà “ngài” đã trưng ra.

Và không phải ngẫu nhiên khi có người đã “phán”: Đến cái l. mà còn chẳng nói đúng được thì còn làm nên trò trống gì!

http://onggiaolang.com/chuyen-noi-ngong/

2 nhận xét: