Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2016

MỤ “MÓI”

MỤ “MÓI”
Huy Phương
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ? Vũ Ðình Liên
Không biết mụ Mói còn sống hay không, xiêu lạc nơi nào. Có lẽ điều tôi biết chắc nhất, là chú Thôn không bao giờ trở về nữa. Trong chiến dịch biển người, chú chỉ là một con số, trong bàn cờ có xe pháo mã, chú chỉ là con chốt thí, xác thân vùi dập đâu đó ở rừng núi Việt Bắc hay Mường Luông, Mường Tèo… Hình như chú Thôn chưa bao giờ có một người mẹ, một mái gia đình của riêng mình, và hình như đời mụ Mói cũng chưa bao giờ có một đứa con. Ðất nước của chúng ta có nhiều người như chú Thôn và cũng không biết bao nhiêu người mẹ như mụ Mói. Trên trái đất này, có một đất nước nào khốn khổ hơn đất nước Việt Nam?
Thật ra tên mụ là Muối, một cái tên tầm thường quê mùa ở nơi này, nhưng dân làng ở đây thường nói trại “muối” thành “ mói,” hay “lúa” thành “ló,” hoặc cái “trách” thành cái “tréc,” nên dân trong làng gọi tên mụ là Mói.

Khi Nhật đảo chánh, rồi Việt Minh cướp chính quyền, cha tôi mất việc, phải đem cả gia đình về nương náu tại quê hương, đó là thời gian tôi biết đến mụ Mói. Tôi chỉ biết mụ không còn trẻ, nhưng cũng không già lọm khọm để đến nỗi không còn sức đi kiếm miếng ăn nuôi thân.

Nhà mụ Mói cách nhà ông Nội tôi chỉ vài trăm thước, cùng nhìn ra một cánh đồng và xa hơn chút nữa là Quốc Lộ 1 từ Huế chạy ra phía Bắc. Ngôi nhà của mụ không có vườn mà chẳng có sân, người ta chỉ cho mụ một xẻo đất nhỏ sát đường đi, kế một cái ruộng bắp để mụ dựng nhà. Gọi là một cái nhà, nhưng thật ra nơi mụ ở là một cái chòi lá, trong nhà chỉ có một cái chõng tre, bộ áo quần vá treo trên vách, một cái bếp nhỏ với ba viên gạch và một cái lu nước, tuềnh toàng không có cửa ngõ gì. Mụ cũng chẳng có tài sản gì để cho kẻ gian nhòm ngó.

Mụ sống bằng nghề làm thuê, khi thì đi cấy lúa, khi thì nhổ đậu phụng, khi thì đào khoai cho những gia đình trong xóm. Mùa gặt, không ai thuê mụ làm những việc nặng như gặt lúa, gánh lúa về nhà, thì mụ suốt ngày đi mót lúa trên những cánh đồng vừa gặt xong.

Tôi thường đi qua nhà mụ, biết mụ, quan sát ngôi nhà mụ, chào hỏi mụ nhưng ở tuổi ấu thơ, tôi chẳng hề thắc mắc hỏi ai, vì sao mụ ở một mình, mụ có chồng hay có con không?

Rồi một ngày kia, tôi mới biết mụ có một người con, đó là chú Thôn, kiều bào bên Tây trở về. Chú được tuyển mộ đi lính cho Tây, có lẽ vào lúc tôi chỉ mới một hai tuổi. Sau khi Việt Minh lên, Tây rút về, hàng nghìn người như chú được hồi hương. Tính tới bây giờ, thời gian suýt soát 70 năm, tôi vẫn còn nhớ rõ hình ảnh của chú. Người chú cao to, da ngăm ngăm đen. Chú đội nón lưỡi trai vải nỉ, mặc áo quần dạ màu xám và đi đôi giày da cứng mang theo một cái xắc lớn, xuống xe từ ngoài quốc lộ, theo con đường nhỏ vào làng.

Hai tiếng đầu tiên chú Thôn nói khi xuống xe là “Mụ Mói!” Một người luống tuổi gặp chú trên đường vào làng đã la lên: “Chú Thôn!” Thế rồi tin chú Thôn, kiều bào Pháp hồi hương loan truyền khắp xóm. Bọn trẻ vô công rỗi nghề chúng tôi nhìn chú như một vật thể lạ, bám chú từ đầu xóm về đến nhà mụ Mói, mẹ chú. Có đứa dạn dĩ, bám theo chú vừa chạy vừa kêu: “Mụ Mói! Mụ Mói! Con mụ về tề!”

Mụ Mói đứng đó, như “Trời trồng” theo cách nói nhà quê của chúng tôi. Rồi hai mẹ con ôm nhau, cả hai cùng khóc. Nhà mụ Mói bây giờ đầy cả người, hàng xóm, láng giềng nghe tin chú Thôn về, ai cũng đến thăm hỏi, mừng chú thì ít, mà để coi mặt chú, một người bên Tây mới về, bây chừ “ra răng” thì nhiều!

Làng xóm cũng không ai quan tâm, tôn trọng giờ phút riêng tư quý báu của hai mẹ con mụ Mói nhiều, có người ngồi lại cho đến chiều. Bọn trẻ con chúng tôi thì bám lấy chú Thôn, đứa thì rờ cái dây nịt có nhiều lỗ nhỏ của chú, đứa thì mân mê cái “bi đông” đựng nước sáng chói. Riêng tôi, tôi ngửi thấy nơi chú một cái mùi rất lạ, không biết từ bộ áo quần lính của chú, hay cái mùi từ bên nước Tây chú đem về.

Ngày hôm sau, tôi lại lân la qua chơi nhà mụ Mói. Dầu gì tôi cũng là hàng xóm gần nhà mụ, và dưới mắt chú Thôn, tôi là đứa con nít khôi ngô, trắng trẻo, vì mới từ thành phố về làng chưa lâu. Tôi được ăn những món ăn chơi đầu tiên trong đời, miếng chocolat màu nâu, ngọt đến cứng cổ, miếng bánh bích-quy giòn tan thơm mùi bơ và món tôi nhớ nhất là lon trà sữa, chế nước sôi thơm lựng mà chú Thôn rót trọn cho tôi trong một cái ca sắt nhà binh chú đem về!

Những ngày chú Thôn về, mụ Mói không ra ruộng hay đi làm thuê, lúc nào chạy ngang qua, tôi cũng thấy mụ và chú Thôn thường ngồi trên bậc cửa tre trò chuyện. Từ ngày chú Thôn về, mụ cũng không thay đổi gì cách ăn mặc, vẫn nâu sồng, lam lũ, khác với nét thầm lặng mỗi ngày, bây giờ tôi thấy mụ hay cười, ngay cả với chúng tôi.

Sau khi chồng chết, mụ ở vậy nuôi con khôn lớn, nhưng rồi con mụ lại bỏ mụ ra đi biền biệt bên trời Tây. Sau bao nhiêu năm chờ đợi mòn mỏi, đứa con trai duy nhất của mụ đã trở về. Nghe lối xóm nói mụ Mói sẽ đi hỏi vợ cho chú Thôn, dù giàu nghèo, làm thuê, ở mướn, ai cũng có một mái ấm gia đình. Ðời mụ chưa bao giờ nghĩ đến chuyện sum họp, nói chi đến ước mơ có một đứa cháu nội quanh quẩn bên mình.

Nhưng những ngày vui ấy của mụ Mói, không kéo dài được bao lâu. Tôi nghe cha tôi nói Tây sắp trở lại. Làng xóm đầy tiếng loa, và ở đầu làng, trên những gốc cây sát quốc lộ, tôi bắt đầu thấy những tấm bích chương lạ, vẽ hình những người lính đội mũ ca-lô có ngôi sao năm cánh, cầm súng có gắn lưỡi lê, đang đâm vào một chiếc tàu thủy có gắn cờ Pháp.

Rồi một ngày kia, qua nhà mụ Mói, tôi không thấy chú Thôn nữa. Tôi chỉ còn thấy cái áo khoác dạ màu phân ngựa của chú treo trên vách nứa, đây là món quà của chú để lại cho mụ Mói, chống lạnh qua những mùa Ðông.

Tôi lại trông thấy hình ảnh mụ Mói lầm lũi trên cánh đồng mót lúa, hay ngồi đập lúa trên sân. Và ít khi thấy mụ cười. Hình như mụ chưa bao giờ có một mái gia đình, mụ cũng chẳng bao giờ có một đứa con. Tôi có cảm tưởng hình ảnh chú Thôn hiện ra trong một thời gian ngắn, dưới mái tranh của mụ Mói, người đã cho tôi miếng bánh và dòng trà sữa rót ra từ cái hộp sắt tây màu xám, là không có thật. Nó như là một giấc mơ ngắn ngủi.

Rồi tôi theo gia đình lên Huế, nơi cha tôi kiếm được việc làm, và tôi may mắn trở lại trường học. Những năm sau, tôi có dịp trở về làng, ngang qua nhà mụ Mói, nơi ấy bây giờ chỉ còn trơ một cái nền đất cứng xám xịt, còn lại những cái lỗ sâu, dấu vết của những cái cột nhà cũ.

Không biết mụ Mói còn sống hay không, xiêu lạc nơi nào. Có lẽ điều tôi biết chắc nhất, là chú Thôn không bao giờ trở về nữa. Trong chiến dịch biển người, chú chỉ là một con số, trong bàn cờ có xe pháo mã, chú chỉ là con chốt thí, xác thân vùi dập đâu đó ở rừng núi Việt Bắc hay Mường Luông, Mường Tèo…

Hình như chú Thôn chưa bao giờ có một người mẹ, một mái gia đình của riêng mình, và hình như đời mụ Mói cũng chưa bao giờ có một đứa con. Ðất nước của chúng ta có nhiều người như chú Thôn và cũng không biết bao nhiêu người mẹ như mụ Mói.

Trên trái đất này, có một đất nước nào khốn khổ hơn đất nước Việt Nam?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét