Thư để lại” của một kẻ bị tử hình ở Trung Quốc
Dương Danh Dy (Giới thiệu) - Văn Cường nguyên Giám đốc Sở Tư pháp, nguyên Phó Giám đốc Sở Công an thành phố Trùng Khánh do phạm tội tham ô (nhận hối lộ hơn 12 triệu NDT, không thuyết minh được số tài sản trị giá hơn 10 triệu NDT..) hủ hóa, bao che cho bọn mafia.. đã bị toà án thành phố này tuyên án tử hình ngày 7/7/2010. Trước khi chết hắn đã để lại bức thư, xin lược dịch giới thiệu.
“Ta sống không nổi mấy ngày nữa đâu. Ta không ngờ lại bị phán tử hình, nhưng đã đến bước đó thì kháng cáo lên trên cũng chẳng có kết quả gì. Ta đây, cả cuộc đời làm công an, đã xử rất nhiều vụ án lớn, đã giết rất nhiều người, trước đây đã từng lo rằng sẽ có một ngày sẽ chết trong tay người nhà một số kẻ bị mình xử tử hình, không ngờ cuối cùng lại bị chết trong tay người của mình…
Thế nhưng, ta đã nghĩ ra, những sự việc mà ta tham dự và biết được quá nhiều, nếu ta không chết sẽ có rất nhiều kẻ ăn không ngon ngủ không yên. Không giết ta, hậu hoạn lớn vô cùng, ta chết sẽ có lợi cho bọn chúng… Vì vậy có mấy câu muốn nói rõ trước khi đi xa.
Nói ta tham ô bao nhiêu tiền, chơi bao nhiêu con gái. Ta không phủ nhận điều đó. Nhưng điều ta muốn nói là, điều đó đáng trách ta nhưng cũng không đáng trách ta, tất nhiên trách nhiệm của ta là lớn hơn. Bất kể là ai nếu đặt vào vị trí của ta đều sẽ tham ô nhiều như vậy, chơi gái nhiều như vậy, thậm chí còn nhiều hơn. Có một số nữ học sinh, ta không chơi thì người khác cũng sẽ chơi.
Nói Văn Cường ta đây cưỡng hiếp, ta mà lại phải cưỡng hiếp à?...Ai chẳng biết cán bộ hiện nay nếu không tham ô, không háo sắc thì ai dám tin, dám trọng dụng anh? Dù anh làm việc có tốt đi nữa cũng chẳng có ích gì! Loại cán bộ giống như ta, trong cả nước nếu không nói là mấy triệu thì chí ít cũng phải tới mấy chục vạn người. Chỉ bêu xấu rồi giết một mình Văn Cường, thì giải quyết được cái gì?
Điều ta muốn nói nữa là, con đường ta đi từ một anh cảnh sát nhỏ bé tại huyện Ba rồi lên tới chức Phó Giám đốc Sở Công an một thành phố trực thuộc trung ương, không phải là chỉ bằng con đường tham ô… Đối với ta trước tiên là công việc sau mới đến tham ô.. Ai cho ta cái quyền muốn làm gì thì làm ở Trùng Khánh? Nhiều người biết rõ một số việc ta đã làm nhưng lại giả bộ là không biết? Đã không muốn để ta sống thì ta sẽ nói hết mọi điều ra: ta tham không chỉ có số tiền đến thế! Vậy số còn lại đi đâu? Tất nhiên là đến nhà người ta, có việc ta nhờ người làm, có một số việc tự ta làm. Nhờ người khác làm không có tiền có được không?. Những người lấy tiền của ta cũng như những người đưa tiền cho ta hiện nay đang hướng dẫn quần chúng tham quan những trưng bầy chứng tích tham ô của ta. Ta không phủ nhận tính chân thực của các chứng tích đó, nhưng nếu các người tới nhà những kẻ đó xem xét sẽ thấy chút quà bẩn thỉu mà ta nhận thật đáng thương.
Văn Cường ta cũng là người có học… Trước đây ở Trung Quốc, đã có rất nhiều người vỗ tay khen ngợi việc chặt đầu bọn tham nhũng. Thế nhưng sau những cái vỗ tay khoái chí đó mọi việc vẫn như cũ. Mấy trăm năm qua Trung Quốc có thay đổi không? Ta thấy chẳng thay đổi gì cả. Giết ta chẳng qua là bịt được mồm một mình ta, nhưng liệu có bịt được nguồn gốc hủ bại không? Hôm qua trên đường phố Trùng Khánh có rất nhiều người đốt pháo. Ta không biết ba năm sau liệu bọn họ lại có phải đốt pháo nữa hay không? Sợ rằng đến lúc đó những người đã bán đứng ta sẽ lại ca ngợi ta và dân chúng không rõ chân tướng lúc này sẽ thấy Văn Cường cũng có chỗ tốt đấy chứ. Khi ta làm Phó Giám đốc công an Trùng Khánh tỷ lệ phạm tội có cao nhưng so với mấy thành phố lớn khác, Trùng Khánh tốt hơn nhiều…
… Biến ta thành người như thế này là do chính xã hội, chính chế độ này. Ta nói như vậy không phải là muốn đẩy hết trách nhiệm cho người khác. Nếu như năm đó ta không rời huyện Ba, yên tâm làm một anh cảnh sát bình thường ở đó thì hôm nay ta không phải như thế này.
Tham công danh lợi lộc là sai lầm lớn nhất đời ta. Sau khi ta chết con cháu không lấy họ Văn nữa mà đổi thành họ khác, và con cháu các đời từ nay trở đi đừng theo nghiệp chính quyền, đừng làm quan, hãy xa lánh công danh lợi lộc.
Bình thường, bình yên mới là phúc.”
Dương Danh Dy(gt)
(Văn Hóa Nghệ An)
Chân thực !
Trả lờiXóa