Lần thứ nhì Mỹ bỏ rơi Việt Nam?
Việt Nam được xem là nước hưởng lợi ích nhiếu nhất với TPP. Bây giờ, hơn bất kỳ nước nào khác, Việt Nam được coi như lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan. Sự hiện diện của Mỹ ở Á Châu là một bảo đảm vững chắc cho nền độc lập trước mọi âm mưu xâm lược từ Trung Quốc. Ngày nay, gần như chỉ còn một mình Việt Nam đứng ở tuyến đầu sau khi Philippines quay ngang và nhiều nước không còn trung thành trong khối ASEAN, Việt Nam sẽ phải tìm cách thích ứng có chừng mực trong đường lối đối phó với Trung Quốc.Biếm họa Trump (phải) và Putin hút cần sa trên một bức tường nhà hàng tại Vilnius, Lithuania. Hình minh họa. (Hình: Sean Gallup/Getty Images)
Năm 1975, Mỹ bỏ rơi miền Nam Việt Nam sau hơn 10 năm trực tiếp trợ giúp không thành công trong việc ngăn chặn làn sóng Cộng Sản. Đã có rất nhiều bàn luận về sự kiện này, chẳng hạn tác giả Nguyễn Tiến Hưng đã viết ra cuốn “Khi Đồng Minh Tháo Chạy.”
Bây giờ sau gần 10 năm chính quyền Tổng Thống Barack Obama tìm cách đưa Việt Nam vào làm một đồng minh quan trọng của Mỹ nhằm kềm chế Trung Quốc bành trướng tại Đông Nam Á, tổng thống tân cử Donald Trump dường như sẽ đảo ngược hoàn toàn đường hướng này. Một lần nữa, với hình thức khác, đồng minh lại tháo chạy khỏi Việt Nam?
Chưa thể dự đoán hết mọi biến chuyển sau ngày 20 Tháng Giêng, 2017, ngày ông Trump tuyên thệ nhiệm chức. Tuy nhiên, trong những sự kiện đã được xác định, thì TPP sẽ là “nạn nhân” đầu tiên của một loạt những hủy bỏ mà ông Trump đã hứa hẹn từ thời kỳ tranh cử.
Khi nói đến sự can dự của Mỹ ở Châu Á, người ta thường nghĩ đến sự hiện diện quân sự, và nguy cơ xảy ra xung đột. Nhưng nếu chiến tranh là một hình thức khác của chính trị, như định nghĩa của Von Clausewitz, thì sự triển khai quân lực mới chỉ là giai đoạn đầu hay sự sẵn sàng ứng phó, răn đe, mà thôi. Trong thời đại này, chưa có nhiều nguy cơ chiến tranh giữa các nước lớn, và sự đối đầu chính là kinh tế.
TPP, hay Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, là thỏa thuận mậu dịch tự do được ký kết tại Auckland, New Zealand ngày 4 Tháng Hai, 2016, giữa 12 nước: Brunei, Chile, New Zealand, Singapore, Australia, Canada, Nhật, Malaysia, Mexico, Peru, Mỹ và Việt Nam, sau năm năm thương thuyết. Tuy nhiên nhiều nước, trong đó quan trọng nhất là Mỹ, chưa phê chuẩn hiệp ước. Trị giá mậu dịch giữa các nước này được ước lượng là $27,000 tỷ mỗi năm, 40% kinh tế toàn cầu.
Không ai ngạc nhiên về việc ông Trump loan báo Mỹ sẽ rút khỏi TPP. Nhưng bằng nỗ lực tối hậu, Thủ Tướng Nhật Bản, Shinzo Abe, là nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới đã đến New York gặp ông Trump tuần trước và thảo luận trong 90 phút. Rồi ông Abe vừa xác định rằng TPP sẽ không còn ý nghĩa gì nếu không có Mỹ, thì chỉ ít giờ sau đó ông Trump loan báo qua một đoạn video dài 2.5 phút trên Youtube, vạch rõ 5 quyết định sẽ thi hành trong 100 ngày đầu ở Tòa Bạch Ốc, trong đó có việc rút khỏi TPP, nhưng không đề cập gì đến Obamacare và xây bức tường biên giới, những điều cũng đã hứa hẹn khi tranh cử.
Quyết định ấy sẽ ảnh hưởng đến hàng trăm triệu dân ở 11 quốc gia vùng Thái Bình Dương, và chưa thể rõ lợi hại đối với giới công nhân Mỹ cùng tương lai của California, tiểu bang mà sự phát triển kinh tế chịu tác động mạnh nhất của mậu dịch toàn cầu.
Vui mừng đón nhận tin này là Trung Quốc, nước chưa bao giờ được tham gia thương lượng TPP và chỉ được mô tả mơ hồ sẽ làm một đối tác tương lai. Cho đến nay Bắc Kinh vẫn đang cổ vũ RCEP, Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực, bao gồm Trung Quốc, Nhật, Nam Hàn, Australia, New Zealand và 10 nước Đông Nam Á và Ấn Độ, nhưng… không có Mỹ!
Như thế chính sách bảo hộ mậu dịch mà ông Trump chủ trương và (có lẽ) thực hiện sẽ mở đường cho Tung Quốc thay thế vai trò của Mỹ tại thị trường đang tiếp tục phát triển mạnh ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Trong hoàn cảnh đó, về phần nước Mỹ, dù cho hùng mạnh bao nhiêu hay bằng cách nào thì cũng không thể là vĩ đại, và tương lai chỉ là cường quốc hạng nhì trên thế giới.
Zhang Yansheng, trưởng ban nghiên cứu thuộc viện kinh tế Trung Quốc, nói là “chủ trương cô lập của ông Trmp là một thách thức và cơ hội hiếm có cho Trung Quốc cùng các công ty Trung Quốc.” Theo ông: “Có thể là với chính sách kinh tế của ông Trump sẽ có thêm nhiều công ty Trung Quốc vào thị trường Mỹ.”
Chưa có cơ sở để đánh giá dự phóng ấy, bởi lẽ ông Trump và đảng Cộng Hòa từng đe dọa áp thuế quan 45% trên hàng hóa Trung Quốc nhập cảng Mỹ, và chiến tranh mậu dịch có tiềm năng xảy ra giữa hai cường quốc.
Tuyên bố tại hội nghị APEC ở Peru tuần trước, chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh đến tầm quan trọng “tiếp tục gia nhập vào kinh tế toàn cầu và đưa các nền kinh tế Á Châu – Thái Bình Dương đến khai phóng hơn.”
Nhiều chuyên gia kinh tế trên thế giới không cho là việc Mỹ rút khỏi TPP là một hành động khôn ngoan. Simon Rabinovitch, chủ biên kinh tế Á Châu của tờ Economist, nói với BBC rằng “mặc dầu ông Trump gọi là một thỏa hiệp ‘kinh khiếp,’ thật ra TPP có lợi nhiều cho nước Mỹ.”
Cùng với việc xóa bỏ TPP sẽ là thay đổi chiến lược “chuyển trục về Châu Á” của chính quyền Obama. Thành tố chính của chiến lược này không phải là quân sự mà chính là kinh tế. Cùng lúc chuyển đổi cả hai chủ trương đó sẽ là bãi bỏ sự kiềm chế Trung Quốc bành trướng, phát triển quân lực và mở đường cho nước này phát triển hợp tác chính trị, kinh tế với các nước khu vực.
Việt Nam được xem là nước hưởng lợi ích nhiếu nhất với TPP. Bây giờ, hơn bất kỳ nước nào khác, Việt Nam được coi như lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan. Sự hiện diện của Mỹ ở Á Châu là một bảo đảm vững chắc cho nền độc lập trước mọi âm mưu xâm lược từ Trung Quốc.
Ngày nay, gần như chỉ còn một mình đứng ở tuyến đầu sau khi Philippines quay ngang và nhiều nước không còn trung thành trong khối ASEAN, Việt Nam sẽ phải tìm cách thích ứng có chừng mực trong đường lối đối phó với Trung Quốc. Tuy vậy, dù tình hình khó khăn phức tạp hơn, Việt Nam vẫn có đủ khả năng uyển chuyển để không dễ dàng phải lệ thuộc đại quốc này như người ta lo ngại. Thái độ dè dặt trong mối quan hệ với Mỹ mấy năm vừa qua là một minh chứng về sự tính toán khôn ngoan của Việt Nam, dự phòng không bị bất ngờ đi vào tình trạng nan giải quá đáng trong trường hợp đồng minh Mỹ tháo chạy.
Singapore và Malaysia cũng là hai nước sẽ chịu nhiều thiệt thòi vì không còn TPP. Kinh tế Malaysia hy vọng đạt mức tăng trưởng 5.5% năm 2025 với TPP. Singapore là một trong những thành viên sáng lập đầu tiên và Thủ Tướng Lý Hiển Long đã từng bày tỏ sự thất vọng: “Cuối cùng nếu chờ đợi trước bàn thờ mà cô dâu không đến, thì theo tôi mọi người sẽ cảm thấy rất tổn thương, nhưng không chỉ về mặt tình cảm, mà thực tế là những tổn hại trong một thời gian dài tương lai.”
Sự lo ngại của các thành viên TPP về chủ trương cô lập mới của Mỹ được trình bày thẳng thắn nhất qua phát biểu của tân thủ tướng New Zealand, ông John Key. Ông nói: “Tôi sẽ cố gắng thuyết phục ông Trump về giá trị của TPP và tầm quan trọng về sự can dự của Mỹ ở Châu Á.” Và ông nói thêm: “New Zealand và các nước khác sẽ không chờ đợi mãi mãi. Nếu Mỹ không có mặt ở đây thì Trung Quốc sẽ lấp vào khoảng trống ấy và sự hợp tác của chúng tôi không có lựa chọn nào khác.”
Hà Tường Cát
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét