Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

Làm báo phải như con chó ấy hay lời ai điếu cho báo VN

Làm báo phải như con chó ấy hay lời ai điếu cho phận làm báo tại Việt Nam
Xét cho cùng làm báo như vậy nào có hơn được lòng vô tư, sự trung thành của con chó? Nguyễn Như Phong tự ví mình với chó, ví người làm báo với chó thì thì sao đâu? Có chăng chó nó xấu hổ chứ người làm báo thì việc gì mà phải xấu hổ?
Ông Nguyễn Như Phong. Ảnh: Không rõ nguồn
Làm báo (ở Việt Nam) phải như con chó ấy, ông Nguyễn Như Phong Cựu TBT báo Năng Lượng Mới đã nói lời này. Dân làng báo Việt Nam giận sôi lên sùng sục, thiên hạ khinh rẻ, mạt sát ông. Người làm báo nắm trong tay “quyền lực thứ 4”, vì sự trung thực thông tin mà chiến đấu té ra lại được ví với con chó là sao? Ông tự ví thì tự nhận đi, chấm dứt cuộc đời chó của ông rồi đó.

Nhưng than ôi! Đó là lời gan ruột của Nguyễn Như Phong, lời ai điếu cho phận làm báo tại Việt Nam vậy. Mà nhìn con chó xem nó có phải xấu hổ, nhục nhã vì hết lòng bảo vệ chủ nhân, hay mừng vui ve vẩy cái đuôi khi chủ về không? Không hề!

Làm công an đến chức Đại tá, làm báo đến chức Tổng biên tập, phụ trách việc ngôn luận của Tập đoàn Dầu Khí Quốc Gia, bản thân Nguyễn Như Phong đã bước vào guồng quay chức quyền nơi mà sự tử tế ngày một hiếm đi. Làm ngôn luận cho Dầu Khí nghĩa là Nguyễn Như Phong có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ quyền và lợi của kẻ đã sinh thành ra tờ báo của mình và cả quyền lợi của những người từng có vị thế lớn ở ngành này.

Nguyễn Như Phong hẳn đã từng trải, nếm đủ cay đắng ngọt bùi để rồi thốt lên: Người làm báo phải như con chó ấy.

Hẳn khi nói này, Nguyễn Như Phong đã lường tới ngày không xa ông bị tước thẻ, cách tuột chức tước, tờ báo của Dầu Khí bị đình bản? Những vụ lùm xùm quanh Trịnh Xuân Thanh một sep to trong tập đoàn can hệ giờ lên tới tận một UV Bộ CT (vốn là sếp trùm ở Tập đoàn này) và tất nhiên, Nguyễn Như Phong lao vào chiến đấu như một gã điên, chấp nhận thua trắng tay.

Tôi không tin là người làm đến Đại tá công an, từng phụ trách báo An ninh, làm TBT một tờ báo, lại không ý thức được việc mình làm, hay nghiệp vụ non kém ngờ nghệch đến nỗi dùng tư liệu của Lái Gió – kẻ đang được định nghĩa là Phản Động.

Con chó cũng vậy thôi! Nó chẳng bao giờ hối hận vì bảo vệ chủ nhân cả. Đã ăn cơm của chúa thì phải múa, không múa mới là bất nghĩa. Người làm báo mà dấn thân phục vụ nhóm lợi ích, tất yếu sẽ có ngày trả giá. Đã chấp nhận cái giá đó thì không còn buồn vui, không còn công lý trong trái tim mình nữa. Lời vay hay ho, tư liệu dày dạn chẳng qua là bút máu giết người, phá hoại tri thức của công dân.

Mà phận chó cũng chẳng tốt lành gì, trước sau nó cũng bị thịt, bị bán đi hoặc bị vứt bỏ. Trên bàn nhậu, nó trở thành mồi ngon để thiên hạ luận bàn.

“Làm báo ở Việt Nam phải như con chó ấy” – Lời ai điếu cho nền báo chí Việt Nam. Vài mươi năm sau tôi nghĩ vẫn sẽ có người nhớ đến câu này!

Mấy ngày này, dư luận sục sôi vì cuộc biểu tình thu hút đến cả vạn người tại Vũng Áng – Formosa. Báo chí đành câm lặng, cái câm lặng bởi chủ nhân của ngành báo muốn thế! Cái câm lặng không khác gì lời chiêm nghiệm của Nguyễn Như Phong.

Nhiều người biết trước tại Vũng Áng – Formosa sớm muộn sẽ bùng phát biểu tình lớn; nhiều người biết Chính phủ đã tắc trách, hành xử một cách khó hiểu trước thảm họa môi trường biển miền Trung, nhiều người làm báo càng biết thông tin sự vụ rất không minh bạch. Nhưng tờ báo chính thống nào dám lên tiếng? Dám hỏi vì sao cả chục ngàn người kia đi biểu tình chiếm cổng Formosa? Tờ báo nào, vị Tổng biên tập dám vì chủ nhân tối cao của mình là sự trung thực thông tin mà chiến đấu đến cùng?

Không minh bạch thông tin tất là có gì đó khuất tất, có hoen ố trong lòng. Không minh bạch thông tin nghĩa là xã hội chẳng còn gì để mà tin tưởng. Ông Nguyễn Xuân Phúc nói con đường dài nhất ở VN là con đường từ lời nói đến hành động, vậy thì đây MINH BẠCH THÔNG TIN chính là hành động cụ thể nhất.

Muốn thế báo chí phải được mở miệng, phải được phụng sự cái đúng, sự trung thực. Không có được điều đó con đường còn dài thêm cả trăm năm nữa, dài bằng sự tụt hậu, bạc nhược của Việt Nam thêm vài chục năm nữa. Tỉnh ra thì đã muộn màng rồi!

Người làm báo chỉ có một tiêu chí thôi thông tin trung thực bất thiên vị, chiến đấu đến cùng vì minh bạch thông tin. Đó là trách nhiệm của người làm báo, là trách nhiệm trước độc giả và trách nhiệm xã hội của mình. Không làm được điều đó, sợ, bị quá nhiều sức ép và nói thẳng người làm báo cũng là phận ăn cơm chúa. Chúa bảo múa thì múa thế thôi!

Xét cho cùng làm báo như vậy nào có hơn được lòng vô tư, sự trung thành của con chó? Nguyễn Như Phong tự ví mình với chó, ví người làm báo với chó thì thì sao đâu? Có chăng chó nó xấu hổ chứ người làm báo thì việc gì mà phải xấu hổ?

Sông Hàn
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
(Dân Luận)

1 nhận xét: