Formosa góp phần làm giảm GDP của Việt Nam
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói: “Trước hết là tình hình khô hạn trên diện rộng ở Đồng bằng sông Cửu Long, ở miền Trung Nam Bộ và ở Tây Nguyên, đã gây ra tác động khắc nghiệt đối với nông nghiệp Việt Nam. Nền nông nghiệp Việt Nam đã có tăng trưởng âm, khoảng -0,18%. Thứ hai là vụ Formosa đã tác động hết sức tiêu cực đối với đời sống người dân ở 4 tỉnh miền Trung. Thứ ba là tình hình kinh tế thế giới thì giá các mặt hàng nông sản và giá dầu tiếp tục ở mức thấp, vì vậy cho nên Việt Nam xuất khẩu dầu và xuất khẩu nông sản cũng đều gặp các điều kiện bất lợi”.Formosa góp phần làm giảm GDP của Việt Nam - Vụ cá chết hàng loạt ven biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế đã làm tê liệt các hoạt động ngư nghiệp của các tỉnh. (Ảnh tư liệu)
Thiên tai, vụ ô nhiễm do Formosa gây ra, và xuất khẩu gặp khó khăn đã làm cho chính phủ Việt Nam phải hạ mục tiêu tăng trưởng GDP. Tại một cuộc họp chính phủ hồi đầu tháng 10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói mục tiêu mới của năm 2016 là GDP tăng trong khoảng từ 6,3-6,5%. Các con số này thấp hơn so với mục tiêu 6,7% do Quốc hội đặt ra hồi tháng 11 năm 2015.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, một kinh tế gia nổi tiếng ở Việt Nam, phân tích với VOA về các nguyên nhân dẫn đến GDP của Việt Nam tăng chậm hơn kỳ vọng. Ông nói:
“Trước hết là tình hình khô hạn trên diện rộng ở Đồng bằng sông Cửu Long, ở miền Trung Nam Bộ và ở Tây Nguyên, đã gây ra tác động khắc nghiệt đối với nông nghiệp Việt Nam. Nền nông nghiệp Việt Nam đã có tăng trưởng âm, khoảng -0,18%. Thứ hai là vụ Formosa đã tác động hết sức tiêu cực đối với đời sống người dân ở 4 tỉnh miền Trung. Thứ ba là tình hình kinh tế thế giới thì giá các mặt hàng nông sản và giá dầu tiếp tục ở mức thấp, vì vậy cho nên Việt Nam xuất khẩu dầu và xuất khẩu nông sản cũng đều gặp các điều kiện bất lợi”.
Vụ Formosa mà Tiến sỹ Doanh nhắc đến là việc một nhà máy thép ở Hà Tĩnh thuộc tập đoàn Formosa của Đài Loan đã xả chất thải trái phép hồi tháng 4, gây ra thảm họa môi trường ven biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế. Vụ này đã làm tê liệt các hoạt động ngư nghiệp và một phần du lịch của các tỉnh.
Đến nay dù Formosa đã nhận trách nhiệm và tuyên bố đền bù chính phủ Việt Nam 500 triệu đôla, song các hậu quả vẫn chưa được đánh giá hết trong khi công tác khắc phục vẫn chưa hoàn tất. Đã có nhiều cuộc biểu tình lớn của các ngư dân mất sinh kế hoặc bị ảnh hưởng. Họ đòi đóng cửa nhà máy của Formosa.
Theo số liệu chính thức do chính phủ Việt Nam đưa ra, tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm ước tính đạt 5,93%. Trang web của Văn phòng Chính phủ nói để đạt mục tiêu tăng trưởng của cả năm nay là từ 6,3-6,5%, Thủ tướng Phúc nêu rõ “mục tiêu quý 4 phải nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 7,1-7,3%”.
Báo chí Việt Nam cho hay một trong những biện pháp thúc đẩy mức tăng GDP là chính phủ hồi cuối tháng 9 đã “giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khai thác thêm 1 triệu tấn dầu” trong năm 2016. Nếu tập đoàn “hoàn thành nhiệm vụ này” thì ngân sách nhà nước “sẽ có thêm khoản thu khoảng 350 triệu đôla". Trong năm 2015, ngành dầu khí đứng thứ 4 trong các ngành đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng GDP.
Theo trang tin Năng lượng Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói trung bình mỗi năm họ chỉ khai thác được khoảng 16 triệu tấn dầu, do đó “nhiệm vụ phải tăng thêm 1 triệu tấn trong năm nay tương đối khó khăn”.
Nói về khả năng đạt được mức tăng GDP trên 7% hay không trong 3 tháng cuối năm, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nhìn vào các yếu tố chính trong nền kinh tế Việt Nam, kể cả vụ Formosa, và đưa ra nhận định như sau:
“Với cái tình hình là gần đây giá dầu có thể tăng lên, điều này có thể là thuận lợi cho Việt Nam đạt được chỉ tiêu đó, sẽ tăng thêm được tốc độ tăng trưởng. Tuy vậy thì các ngành khác, ví dụ gạo hay là cà phê hay những mặt hàng khác thì khó khăn. Đặc biệt là xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đang gặp khó khăn bởi vì dư lượng kháng sinh, và sự thận trọng của các nước nhập khẩu sau khi có vụ Formosa thì làm cho việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam gặp khó khăn hơn”.
Số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy xuất khẩu thủy sản trong 9 tháng đầu năm nay ước đạt 5,1 tỷ đôla. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam hồi cuối năm 2015 đã đặt mục tiêu xuất khẩu thủy sản hơn 7 tỷ đôla trong năm 2016. Hồi năm 2014, Việt Nam xuất khẩu thủy sản đạt kỷ lục gần 8 tỷ đôla.
Tiến sỹ Doanh, người từng là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng tình hình kinh tế hiện nay đang buộc các nhà lãnh đạo Việt Nam phải tìm cách tháo gỡ những khó khăn. Ông chỉ ra rằng hiện nay Ban chấp hành Trung ương Đảng đang họp hội nghị để “thảo luận tình hình kinh tế, xã hội” và “cải cách thể chế, trong đó có cả sự lãnh đạo của đảng và tổ chức của đảng”. Ông nói “tình hình đã rất cấp bách”, vì vậy ông hy vọng các lãnh đạo đảng sẽ “có các biện pháp toàn diện để tái cơ cấu nền kinh tế và cải cách thể chế”.
Báo chí Việt Nam không đưa tin chi tiết về Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 ngoài việc dẫn lại các thông cáo của đảng.
An Tôn
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét