Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

Đinh Thế Huynh sẽ ra sao sau chuyến công du Hoa Kỳ

Đinh Thế Huynh sẽ ra sao sau chuyến công du Hoa Kỳ
Đây là chuyến thăm Mỹ đầu tiên trên cương vị Thường trực Ban Bí thư và Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSVN của ông Đinh Thế Huynh. "Tôi cho rằng lựa chọn của Việt Nam là khôn ngoan và chuyến đi thăm Trung Quốc (của ông Đinh Thế Huynh) ngắn ngày hơn chuyến thăm Mỹ. Và tất cả những gì có thể truyền tải được đã thông qua bản thân thời hạn của chuyến đi thăm này", Tiến sỹ Vũ Cao Phan.
VN: Chọn cả Trung Quốc lẫn Mỹ là 'khôn ngoan'?
Đảng cộng sản Việt Nam lựa chọn Trung Quốc là đối tác chính trị, trong khi Hoa Kỳ là đối tác an ninh và sự lựa chọn này là 'khôn ngoan', theo bình luận của nhà phân tích chính trị Việt Nam về các chuyến thăm Mỹ và Trung Quốc cùng trong tháng 10/2016 của Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Đinh Thế Huynh.

Trao đổi với bàn tròn của BBC tuần này về chuyến thăm của chính khách cao cấp của Đảng CSVN tới Mỹ, nhà nghiên cứu Vũ Cao Phan, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội hữu nghị Việt - Trung, nói:

"Nếu Trung Quốc là lựa chọn chính trị của Việt Nam như lời tuyên bố của ông Huynh, thì Hoa Kỳ là lựa chọn an ninh của Việt Nam, đó là cái mà tôi có thể nhận xét, đánh giá qua chuyến đi của ông Đinh Thế Huynh thăm Mỹ."

Khi được hỏi liệu các 'lựa chọn' chiến lược trên là mâu thuẫn hay thống nhất, biện chứng với nhau, nhà nghiên cứu chính trị và bang giao quốc tế từ Đại học Bình Dương nói:

"Tôi nghĩ là hoàn toàn thống nhất... Tôi cho rằng lựa chọn của Việt Nam là khôn ngoan và chuyến đi thăm Trung Quốc (của ông Đinh Thế Huynh) ngắn ngày hơn chuyến thăm Mỹ. Và tất cả những gì có thể truyền tải được đã thông qua bản thân thời hạn của chuyến đi thăm này.

"Nó không có gì mâu thuẫn cả và nhất là đối với phía Việt Nam xưa nay ta vẫn nói là Việt Nam thực hiện khá tốt chuyện cân bằng giữa các nước lớn, thì chuyến đi này cũng thể hiện điều đó. Tôi nghĩ rằng cả hai phía Mỹ và Trung Quốc nếu có bình luận gì, thì (chỉ) có thể bình luận tích cực mà thôi."


Về ý nghĩa và mục đích chuyến thăm Mỹ của ông Đinh Thế Huynh, Tiến sỹ Vũ Cao Phan nhân dịp này đưa ra nhận xét:

"Đối với ông Đinh Thế Huynh, chuyến đi này có nhiều ý nghĩa, tôi có cảm giác nó khá giống với trường hợp của ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội trước đây, cũng như với ông Phạm Quang Nghị, ông Đinh Thế Huynh là người được dư luận cho là được Tổng bí thư bảo trợ, nâng đỡ và lựa chọn.

"Cho nên chuyến đi này của ông ấy chắc chắn có hai mục đích, một là giới thiệu với các giới chức Mỹ và mục đích thứ hai là cơ hội ông tìm hiểu xã hội Mỹ và tôi nghĩ tất cả những điều này là rất quan trọng, ngoài mang tính chất nghi thức, nhất là thời gian kéo dài cả một tuần.

"Chuyến đi có thể nói là một công việc tích cực từ phía Việt Nam, nó cũng có thể trấn an với Mỹ sau những rắc rối do Tổng thống Philippines, những lời tuyên bố của Tổng thống Philippines làm Mỹ lúng túng, liên quan đến (chiến lược) châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.

"Nhất là có thể kết nối với lời tuyên bố của Tướng Nguyễn Chí Vịnh, Tướng Nguyễn Chí Vịnh là một người có vai trò quan trọng trong nền ngoại giao của Việt Nam, là 'Việt Nam cam kết hỗ trợ Mỹ và đồng minh can thiệp vào tình hình khu vực, miễn sao điều đó mang lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

"Tiếp nối với tuyên bố của Tướng Nguyễn Chí Vịnh, tôi cho với phía Việt Nam, chuyến đi của ông Đinh Thế Huynh có những ý nghĩa như thế. Thứ hai với phía Mỹ, Mỹ cũng mong mỏi chuyến đi này, chỉ cần suy luận thôi, chứ không cần nhìn vào tính chất đón tiếp có thể nói là chính thức và trọng thị của Mỹ," Tiến sỹ Vũ Cao Phan nói với Bàn tròn Thứ Năm của BBC hôm 27/10.

Quá nhiều lựa chọn?


Từ Sài Gòn, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN) đưa ra bình luận về lựa chọn đối tác chiến lược của Việt Nam, ông nói:

"Trở lại vấn đề lựa chọn như thế nào mà chúng ta (Bàn tròn Thứ Năm) vừa nêu, ông Đinh Thế Huynh nói rằng 'Trung Quốc là 'lựa chọn chính trị' của Việt Nam, còn Tiến sỹ Vũ Cao Phan... có nêu như vậy Hoa Kỳ có thể là 'lựa chọn an ninh' của Việt Nam, tôi cảm thấy là có nhiều quá, có vô số lựa chọn.

"Lựa chọn nhiều đến nỗi mà năm 2014, chúng ta (Việt Nam) nhớ lại, đau đớn vô cùng là khi nổ ra vụ Giàn khoan HD-981 của Trung Quốc..., khi đó Việt Nam thủ trong túi một chục đối tác chiến lược, trừ Hoa Kỳ, một chục đối tác chiến lược trong đó có Nga, trong đó có Trung Quốc và không một ai chìa tay ra cho Việt Nam.

"Đó là lựa chọn của Việt Nam ư? Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước như vậy à? Nhiều quá và cuối cùng là không có gì cả. Đó là một triết lý sống còn đối với giới lãnh đạo Việt Nam và với dân tộc Việt Nam, tôi xin nhắc lại điều đó...

"Liên quan chuyến đi của ông Đinh Thế Huynh..., tôi cho rằng có một điều gì đó liên quan tới chuyến đi của ông Phạm Quang Nghị vào năm 2014, năm 2014, ông Nghị được ông (Nguyễn Phú) Trọng cử đi một cách thầm kín và sau đó khi về, ông Nghị phải chịu một đợt tấn công trong nội bộ và sau đó ông Nghị 'biến mất'.

  Ông Đinh Thế Huynh nói rằng 'Trung Quốc là 'lựa chọn chính trị' của Việt Nam, còn Tiến sỹ Vũ Cao Phan... có nêu như vậy Hoa Kỳ có thể là 'lựa chọn an ninh' của Việt Nam, tôi cảm thấy là có nhiều quá, có vô số lựa chọn

Tiến sỹ Phạm Chí Dũng
"Không biết là lịch sử có lặp lại đối với ông Đinh Thế Huynh hay không? Và nếu như lặp lại với ông Đinh Thế Huynh thì coi chừng kỳ này, sau khi đi Mỹ về ông Huynh cũng phải chịu những 'chỉ trích' là nhẹ nhàng nhất ở trong nội bộ hay là một cuộc tấn công nào đó và sau đó cũng có một khả năng là ông Huynh "biến mất" trong ngoặc kép, đó là một.

"Vấn đề thứ hai nữa là nếu như lịch sử lặp lại, chúng ta nhớ là cuối tháng 7/2015, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đi Mỹ và sau khi đi Mỹ về xảy ra một 'cuộc chiến quyền lực' đặc biệt giữa ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Tấn Dũng. Như vậy tôi tự hỏi là liệu sau chuyến đi của ông Đinh Thế Huynh đi Hoa Kỳ, lần này có xảy ra một cuộc chiến quyền lực nào không.

"Và nếu có xảy ra thì giữa ông Huynh với ai? Đó là một vấn đề mà chúng ta cũng cần nêu lại và có thể chờ xem nếu độ trễ trong cuộc chiến quyền lực của ông Nguyễn Phú Trọng là khoảng sáu tháng sắp tới Đại hội 12, thì cuộc chiến quyền lực của ông Huynh, nếu có, sắp tới, nó phải nằm ở khoảng giữa năm 2017.

"Và giữa năm 2017, tôi nghe thông tin cũng là thời điểm, khoảng thời gian quan trọng để gút những vấn đề nhân sự then chốt để chuẩn bị cho Đại hội giữa nhiệm kỳ và nếu như đúng cam kết, ông Trọng sẽ nghỉ sau hai năm tại vị," Tiến sỹ Phạm Chí Dũng nói với BBC.

Đúng nhưng không đủ


Từ Hà Nội, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore (ISEAS), người đồng thời là Chủ tịch của Think Tank 'Viet Know' đưa ra bình luận về các chuyến đi của ông Đinh Thế Huynh tới các cường quốc quan trọng trong bang giao quốc tế của Việt Nam trong tháng Mười, trong đó có chuyến thăm tới Trung Quốc, ông nói:

"Bình luận mà nói Việt Nam lựa chọn quan hệ... mà nói là Trung Quốc là lựa chọn chính trị trong quan hệ, nó cũng đúng thôi nhưng mà không đủ. Nó còn nhiều thứ quan hệ khác: quan hệ láng giềng, quan hệ địa chính trị, quan hệ địa chiến lược, quan hệ ý thức hệ v.v...

"Thế nhưng có một câu nói rất nôm na mà ông (Đinh Thế) Huynh nhắc lại ở bên Trung Quốc, sau tất cả những gì đã được ghi ra, có một câu tôi rất thích là nói với Trung Quốc là 'lời nói là đi đôi với việc làm'... Câu này bản thân ông Trần Đại Quang (Chủ tịch Việt Nam) trong bài phát biểu của ông ở Viện Iseas ở Singapore, gọi là bài số 38, ông Trần Đại Quang cũng nhắc đến câu ấy, bằng cách nhắc lại lời của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu 'đã hứa là phải làm'...

  Bình luận mà nói Việt Nam lựa chọn quan hệ... mà nói là Trung Quốc là lựa chọn chính trị trong quan hệ, nó cũng đúng thôi, nhưng mà nó không đủ

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp
"Đây là một tồn tại trong quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc, có một số lần mà Trung Quốc nói nhưng lại làm khác đi, như thế ông Đinh Thế Huynh ở Trung Quốc cũng rất đàng hoàng, cũng nói rất rõ, chứ không có gì là cấn cái cả.

"Và theo sự hiểu biết thông thường, Việt Nam không có cái gì phải để lệ thuộc vào Trung Quốc hết, Việt Nam là một nước độc lập, có một nền ngoại giao, đối ngoại độc lập, có một nền kinh tế độc lập và rõ ràng quan hệ Việt Nam với các nước thể hiện rất rõ bằng hai chữ rất quan trọng là 'vừa là đối tác, vừa là đối tượng'.

"Có nghĩa là cụ thể hóa hơn với Trung Quốc là 'vừa hợp tác, vừa đấu tranh', cho nên những bình luận khác tôi thấy cũng có lý do của nó, nhưng về mặt hiểu biết chính thống và theo lẽ phải thì hiểu như vậy thôi,"Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp đưa ra bình luận với BBC, đặc biệt liên quan tới việc có ý kiến đặt dấu hỏi về ý nghĩa và nguyên do của việc ông Đinh Thế Huynh thăm Trung Quốc trước khi đi Mỹ trong cùng tháng này.

Nước xa, lửa gần

Việt Nam lâu nay vẫn kiên trì quan điểm và chiến lược đối ngoại 'muốn làm bạn' với tất cả các nước trên thế giới

Từ Đại học Maine, Hoa Kỳ, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, sử gia và nhà phân tích chính trị, bang giao quốc tế và Việt Nam bình luận về các chuyến thăm Trung Quốc và Hoa Kỳ trong tháng Mười của ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban bí thư Đảng CSVN và chính sách, chiến lược quan hệ của Việt Nam.

Giáo sư Long nói:

"Đối ngoại (Việt Nam) đối với Trung Quốc, Trung Quốc là nước 'núi liền núi, sông liền sông, biển liền biển' với Việt Nam, thì phải đối đãi với Trung Quốc như thế nào để cho nó (nước này) khỏi gây những khó khăn cho Việt Nam liền liền.

"Việt Nam có câu là 'nước xa, lửa gần', thì không thể lựa chọn một nước nào đó để đối trọng với Trung Quốc được. 

  Tôi thấy chuyến đi của ông Huynh hay là chuyến đi của các vị khác ở Việt Nam đối với nước khác thì cũng phải nhìn vào vấn đề tổng thể.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long
"Tất nhiên là mình (Việt Nam) cần có một chính sách đối ngoại như thế nào để đảm bảo an ninh cho Việt Nam...

"Vấn đề lâu dài là vấn đề rất quan trọng, lâu dài không chỉ là đối với Mỹ, đối với Nhật và với nhiều nước khác trong khu vực.

"Thành ra nếu chúng ta phân tích, đánh giá như vậy, tôi thấy chuyến đi của ông Huynh hay là chuyến đi của các vị khác ở Việt Nam đối với nước khác thì cũng phải nhìn vào vấn đề tổng thể.

"Thế còn mình nhìn vào vấn về nhân sự, nhiều khi tôi thấy là sai," Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói với BBC.

BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét