Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

Chống tham nhũng lấy tiền về túi người chống tham nhũng!


CHỐNG THAM NHŨNG ĐỂ LÀM GÌ?
Chu Mộng Long Nhiều người, kể cả đại biểu quốc hội, nói tham nhũng đã làm suy kiệt nguồn lực của đất nước. Nói sai hoàn toàn! Hãy nghe Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình chia sẻ kinh nghiệm và quan điểm đây:
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình. Ảnh: Phạm Hải 

- "Về khoản tiền thu được từ tham ô hay tham nhũng, tôi cho rằng đất nước ta không giàu nghèo gì từ khoản tiền ấy. Chúng ta không dùng tiền ấy để nuôi bộ máy hay đầu tư, cũng không trông cậy vào nó."
- "Tất cả những loại tiền có được từ tội phạm nên để phục vụ cho cuộc đấu tranh chống tội phạm và để trang trải cho những rủi ro của cuộc đấu tranh này, đó là nguyên lý mà chúng ta đặt ra". (Trích nguyên văn từ Vietnamnet).


Nguyên lí này có thể hiểu như sau. Ví dụ, số tiền thu được từ tay kẻ tham nhũng là 1000 tỉ USD sẽ chi lại hết 1000 tỉ USD cho cơ quan chống tham nhũng. Thu được tiền tham nhũng nhiều thì chi nhiều, thu được ít thì phải bù như bù rủi ro, thiệt hại mà ông bày tỏ trong bài phỏng vấn. Có nghĩa là, chống tham nhũng cũng có thu nhập ngoài lương và tùy thuộc vào số tiền thu được của bọn tham nhũng???

Tôi hiểu, ông nói tiền thu được từ chống tham nhũng cũng chẳng là bao, vì đội quân chống tham nhũng rất đông. Có khi chỉ phát hiện một thằng tham nhũng nhưng lại huy động một đội quân hùng hậu, rất tốn kém, vì lấy tiền một thằng tham nuôi cả một đội quân. 

Nhiều người cho rằng, nói như vậy thì là huề vốn hoặc lỗ, chống tham nhũng cũng như không chống hoặc tệ hại hơn chống à? Lại nói sai!

Theo tôi hiểu, kinh nghiệm và quan điểm của ông Nguyễn Hòa Bình, không mang nghĩa là không chống mà cần tích cực chống. Đúng tinh thần đánh răng rửa mặt hàng ngày. Bởi nhờ chống tham nhũng mà đồng tiền được lưu thông. Quy luật cung - cầu kinh tế cũng như quy luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng: đồng tiền không mất đi mà chỉ chuyển từ tay người này sang người khác. Có “cầu” chống tham nhũng thì phải có “cung” tham nhũng!

Vì thế, có thể trả lời cho câu hỏi "động cơ chống tham nhũng là gì?", theo cách của Tạ Bích Loan, rằng chống tham nhũng là để thu tiền tham nhũng về túi người chống tham nhũng!

Vậy là chống tham nhũng không ích nước lợi dân gì, vì chỉ là chuyện nội bộ với nhau, đúng nguyên lí "ta đánh ta". Dân lắm mồm nói về tham nhũng khác nào bọn thù địch chống phá?

Bây giờ thì tôi hiểu được vì sao cái móng tay của ông Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền "rủi ro" bị thối một cách đáng tự hào!

Và tôi cũng hiểu vì sao người ta kiên định lập trường không trao cho nhân dân quyền chống tham nhũng, mặc dù nhân dân chống tham nhũng rất hiệu quả và hoàn toàn miễn phí.

Tôi dân đen thấy đâu hiểu đó. Và tôi cũng tin ông nói đúng như thật. Nếu hiểu sai là do phát ngôn của ông Chánh án tối cao không rõ ràng chứ không có ý xuyên tạc.
Tốt nhất, làm nhân dân thì cứ vỗ tay hoan hô chống tham nhũng! Ai đồng ý thì hô theo, không được cãi

Đất nước không giàu nghèo từ thu tiền tham nhũng'



"Về khoản tiền thu được từ tham ô hay tham nhũng, tôi cho rằng đất nước ta không giàu nghèo gì từ khoản tiền ấy. Chúng ta không dùng tiền ấy để nuôi bộ máy hay đầu tư, cũng không trông cậy vào nó", Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói.
XEM CLIP:

Sáng nay, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình trao đổi thêm với báo chí bên hành lang QH về việc một số nước lập quỹ gồm các khoản tiền thu được từ buôn lậu, tham ô, ma túy... để bồi thường oan sai mà không sử dụng tiền thuế của dân.
Tiền thuế của dân hay tiền thu được từ tham ô, tham nhũng cũng đều là nguồn tiền thuộc ngân sách nhà nước. Vậy theo ông, có sự khác nhau gì giữa hai khoản tiền này?
Theo quy định của chúng ta, bất cứ khoản nào xung công quỹ thì đưa vào ngân sách, còn nhiều nước khác lại không như thế.
Về khoản tiền thu được từ tham ô hay tham nhũng, tôi cho rằng đất nước ta không giàu nghèo gì từ khoản tiền ấy.
Chúng ta không dùng tiền ấy để nuôi bộ máy hay đầu tư, cũng không trông cậy vào nó. Chúng ta phấn đấu cho một xã hội không tội phạm chứ không phấn đấu để thu được nhiều tiền từ tham ô, tham nhũng.
Tất cả những loại tiền có được từ tội phạm nên để phục vụ cho cuộc đấu tranh chống tội phạm và để trang trải cho những rủi ro của cuộc đấu tranh này, đó là nguyên lý mà chúng ta đặt ra.
Nguồn tiền như ông nói có thể rất nhiều, trong khi đó, số lượng vụ án oan rất ít, hàng chục năm mới có một vụ. Vậy quỹ đó quá nhiều?
Không phải chỉ để cho bồi thường, mà để cho tổ chức và đấu tranh. Nhu cầu của đấu tranh là rất nhiều, thậm chí NSNN còn phải bỏ ra nữa chứ không phải nhiều đâu, như mua phương tiện và rất nhiều việc khác, nhu cầu trang bị cho Bộ Công an, cho cơ quan điều tra là rất lớn.
Còn chuyện bồi thường hoặc để khắc phục rủi ro thì không bao nhiêu. Ví dụ cơ quan điều tra, cảnh sát trưng dụng xe của dân đi truy bắt tội phạm gây móp méo, hỏng… phải đền cho người ta thì dùng tiền này.
Có ý kiến cho rằng nếu sinh ra quỹ như vậy thì các cán bộ sẽ ỷ lại vì đã có nguồn tiền bồi thường?
Không phải chỉ có tiền, những cán bộ đã được phong các chức danh tư pháp người ta có tự trọng, sĩ diện của người ta. Không phải chỉ có chuyện bồi hoàn tiền là quan trọng nhất, mà còn có công danh, sự nghiệp, rồi còn có kỷ luật, nhất là những kỷ luật chuyên môn. Chúng tôi đang xây dựng quy chế về kỷ luật nội bộ theo tinh thần rất chặt chẽ.
Như vi phạm đến mức nào đó thì sẽ không được phân án để làm tiếp, sẽ không được tái bổ nhiệm, đến mức nào đó thì sẽ tước lại chức danh tư pháp, thậm chí bị kỷ luật.
Toà không dựa vào vụ nọ để xử vụ kia
Trong phiên thảo luận tổ ngày 27/10, có đại biểu đề nghị Toà án chỉ đạo xem xét việc bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén, ý kiến ông thế nào?
Chúng ta không nên so sánh giữa vụ nọ với vụ kia, cái chúng ta cần làm là so sánh xem có đúng luật không, toà chỉ có tuân thủ pháp luật và dựa vào pháp luật, còn luật bất cập thì sửa đổi, bổ sung.
Vụ việc của ông Nguyễn Thanh Chấn hiện đã bồi thường xong, đó cũng là tiền lệ để các vụ việc mà người ta nhìn vào. Vậy vụ ông Nén xử lý thế nào?
Quan trọng nhất là luật có đúng hay không, có tuân thủ pháp luật hay không, còn khi không thương lượng được và phải ra toà thì không có cách làm khác là toà phải dựa vào luật. Toà không dựa vào vụ nọ để xử vụ kia, như thế là tạo tiền lệ không bao giờ có điểm dừng.
H.Nhì - T.Hằng - P.Hải
http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/dat-nuoc-khong-giau-ngheo-tu-thu-tien-tham-nhung-336547.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét