Tôi kêu gọi Chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc
Vu Hai Tran Lo ngại bạo lực đẫm máu ở nông thôn, nếu Chính phủ không có hành động thiết thực. (Mong các bạn chia sẻ, hy vọng có vị thành viên Chính phủ biết)Sau khi rời khỏi ngành kiểm sát, tôi bước vào nghề luật sư, mong muốn làm luật sư tư vấn cho doanh nghiệp, kiếm bộn tiền. Không ngờ, tôi lại nhận nhiều vụ liên quan đến đất đai, gồm cả các vụ án hành chính, hình sự, dân sự lẫn kinh tế. Tôi tiếp xúc một tầng lớp công dân : dân oan, cả ở thành thị lẫn nông thôn, nhưng phức tạp, bức xúc nhất là ở nông thôn.
Cách đây khoảng 10 năm, tôi nhận một vụ nhiều dân oan bị truy tố về "chống người thi hành công vụ" ở tỉnh H. Không lệnh cưỡng chế, quyết định thu hồi đất cũng trái luật (không được giao cho dân), nhưng doanh nghiệp được "lực lượng chức năng hỗ trợ" để thi công. Dân chúng tổ chức chống lại, đàn bà, người già được huy động, dùng cả bom xăng. Mặc dù vậy, người dân vẫn thất bại, bị đàn áp, nhiều người bị bắt. Ra toà, một bị cáo nữ, nhiều tuổi chỉ thẳng vào mặt một thượng tá phó công an huyện đang có mặt ở toà, ông là đã hành hung tôi, vết thương vẫn còn đây. Tôi đề nghị toà triệu tập ngay viên thượng tá này, nhưng ông ta lủi mất. Khi giải lao, tôi hỏi sao ông không dám ra Toà, ông ta hằm hằm nhìn tôi, rồi bỏ đi. Đến chiều, xe ô tô của tôi ra phố huyện, bị cảnh sát giao thông chặn, hỏi đủ thứ. Chúng tôi quyết định "lánh nạn" sang phố huyện khác.
Sau đó, tôi về vùng xảy ra vụ án đó, người dân trình bày nhiều việc rất bức xúc, quanh chuyện đất đai, về cán bộ địa phương. Một thanh niên buộc miệng, nếu có loạn, việc đầu tiên em làm là xách mã tấu tìm mấy thằng cha cán bộ. Tôi rùng mình!
Cách đây mấy năm, khi tranh chấp đất đai ở Văn Giang lên đỉnh điểm căng thẳng, người dân tuyên bố dùng mọi biện pháp để bảo vệ đất của mình, tôi không đồng ý việc họ dùng bạo lực đáp trả. Tôi gửi thư ngỏ đến ông Vũ Đức Đam, lúc đó là Chủ nhiêm Văn phòng Chính phủ và đang chuẩn bị lên Phó Thủ tướng. Tôi cảnh báo ông, hãy tham mưu cho Thủ tướng và các bộ, ngành, địa phương, tìm mọi cách tháo ngòi nổ. Nếu có vụ bạo lực nào xảy ra, tôi và ông đều phải nhận trách nhiệm, vì biết trước mà không ngăn cản được, dù đủ khả năng.
Sau đó, một vụ đụng độ xảy ra. Doanh nghiệp huy động từ sáng sớm, hàng trăm người (trong đó có nhiều trẻ em) và hàng chục xe ủi và xe cơ giới, vào khu vực đất của người dân, không có quyết định thu hồi lẫn lệnh cưỡng chế, không có lực lượng "hỗ trợ thi công" của các cơ quan chức năng. Một cuộc chiến đẫm máu xảy ra, ngay sát Hà nội, nhưng không một báo nào đăng tin. Ít nhất hai người bị chết (có 1 thiếu niên) và nhiều người bị thương, nhiều xe bị phá. Vài tháng sau, nhiều người bị bắt, và cơ quan "chức năng" tìm mọi cách khuyên nhủ họ từ chối luật sư, toà án hoãn nhiều phiên, nhằm "thuyết phục" bị cáo cho mục đích này.
Tuần vừa rồi, vụ án nhiều người bị bắn chết và bị thương tại một tỉnh Tây nguyên xảy ra, khi một doanh nghiệp tự thay lực lượng chức năng đuổi những người dân ra khỏi mảnh đất mà theo họ đã khai hoá từ trước khi doanh nghiệp này được chính quyền giao đất. Trong số người bị bắn chết, có cả thiếu niên đi làm thuê. Khác vụ Văn giang, báo chí đưa tin ngay, lúc đầu nói "lực lượng bảo vệ rừng" bị tấn công, sau đó nhiều báo đã đưa tin "doanh nghiệp" đã tự ý vào khu vực được coi tranh chấp, không có lực lượng chức năng đi cùng. Những người dùng súng bắn, đã ra đầu thú, sau khi có nhà báo với sự hỗ trợ của luật sư thuyết phục gia đình và nghi can.
Không chỉ ở miền Bắc, ở Tây nguyên, mà tôi cảm nhận ở nhiều vùng đất nước, đặc biệt nông thôn, rất nhiều điểm nóng có thể bùng phát bạo lực đẫm máu. Tôi rất lo ngại cho tình trạng này.
Tôi kêu gọi Chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc, đang phấn đấu là chính phủ minh bạch, kiến tạo, vì lợi ích của dân, không vì lợi ích những nhóm người nào đó, hãy nhận thức đầy đủ nguy cơ bùng phát những vụ bạo động đẫm máu có nguồn gốc từ tranh chấp đất đai. Và Chính phủ hãy hành động thiết thực, các vị có đầy đủ công cụ để giải hoá những vụ việc đó. Các luật sư sẵn sàng hỗ trợ chính quyền, người dân và doanh nghiệp tìm ra giải pháp hợp lý, hợp tình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét