‘Bảy mươi bốn’ hay ‘bảy mươi tư’ ?
Vừa qua, một diễn đàn trên mạng xã hội đã cho đăng tải hình ảnh về bài toán có yêu cầu: Hãy khoanh tròn lựa chọn đúng, số 74 đọc là gì? (A. Bảy mươi bốn/ B. Bảy mươi tư/ C. Bảy bốn/ D. Bảy tư). Người làm bài chọn đáp án là “A. Bảy mươi bốn”, song người chấm bài đã gạt đi và cho rằng “B. Bảy mươi tư” mới là cách đọc đúng.
Đáp án câu hỏi gây tranh cãi trên mạng
Quản trị diễn đàn cho biết đây là hình chụp từ đề cương ôn tập môn toán học kỳ 2, được gửi đến từ một thầy giáo với mong muốn: tham khảo ý kiến các giáo viên về cách đọc chính xác nhất.Tư được dùng để chỉ số thứ tự, còn bốn là cách gọi số đếm, tùy vào từng ngữ cảnh khác nhau chúng ta có những cách đọc riêng - Tiến sĩ Ngôn ngữ Huỳnh Văn Thông
Một cuộc tranh luận đã xảy ra không chỉ tại diễn đàn nói trên mà còn trên các trang xã hội khác, để tìm kết quả đúng cho đề toán trên và thu hút sự quan tâm của đông đảo giáo viên cũng như cư dân mạng.
Có nhiều ý kiến cho rằng “bốn” hay “tư” trong trường hợp trên đều có thể chấp nhận và hiểu được, không nên quá chi li về việc này khi đánh sai lựa chọn của học sinh.
“Cách phát âm, cách đọc ảnh hưởng khá nhiều vào yếu tố vùng miền. Giáo viên miền Bắc sẽ có cách phát âm khác giáo viên miền Nam. Vậy nên, cùng chỉ một ý nghĩa về số lượng thì không nên làm khó học sinh bằng cách ra đề đánh đố như vậy!”, người có nickname Trung Hiếu bình luận.
Thành viên Kim Quy cũng có góp ý tương tự: “Tôi là một giáo viên và tôi dạy học sinh đọc theo cả hai cách: bảy mươi bốn hay là bảy mươi tư đều đúng. Bài tập trên nếu là tôi, sẽ thêm đáp án cả hai ý A và B đều đúng”.
Tuy nhiên, cũng có nhận xét cho rằng giáo viên trên đã nhầm khi chọn đáp án B vì “chẳng có số nào là số ‘tư’, vậy nên khi đọc bảy mươi tư là không sai nhưng cũng không đúng, phải là bảy mươi bốn mới đúng”.
Nhìn nhận sự việc ở góc độ khác, bạn T.L cho rằng cách đọc “bốn” hay “tư” là cuộc tranh luận không hồi kết giữa giáo viên dạy văn và giáo viên dạy toán, vì cả hai có những logic ngôn ngữ khác nhau.
Nhiều bình luận trái chiều cho cách đọc 'bốn' hay 'tư' - Ảnh: chụp màn hình
“Thực ra tôi nghĩ lỗi ở đây thuộc về người ra đề, điều quan trọng là học sinh nhận biết được số và tính toán một cách hoàn chỉnh, ‘tư’ hay ‘bốn’ viết lên mặt giấy đều là số 4 cả. Chúng ta không thể dùng một lối suy nghĩ cứng nhắc để phán xét được”.
Về vấn đề này, tiến sĩ Ngôn ngữ - Trưởng khoa Báo chí và Truyền thông trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM Huỳnh Văn Thông - chia sẻ vớiThanh Niên: “Tư là cách đọc của số thứ tự, còn bốn mới là cách dùng để đọc số đếm. Chúng ta phải phân biệt rõ hai khái niệm này và cần lưu ý khi sử dụng chúng, trong những ngữ cảnh khác nhau”.
“Ví dụ, người ta sẽ nói bốn cái bánh chứ không ai dùng tư cái bánh, anh Tư (nghĩa là người anh thứ tư - chỉ thứ tự). Cho nên, trong ngữ cảnh số đếm như đề bài, tôi không đồng quan điểm với giáo viên khi chọn đáp án bảy mươi tư, phải là bảy mươi bốn mới đúng” - tiến sĩ giải thích thêm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét