Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

Khủng hoảng niềm tin từ ngay những việc thiện

Khủng hoảng niềm tin từ ngay những việc thiện
Anh Hoàng Báu: Người dân đang bỏ rơi sự quản lý của chính quyền. Họ không quan tâm đến chính quyền làm gì. Tôi nghĩ, mọi chuyện đang thay đổi đấy. Mọi người cứ làm việc theo tiếng lương tâm. Hiểu thì mọi người hiểu hết, kể cả trong nội bộ những người điều hành đất nước này, nhưng cái chính là trong xã hội này không ai dám lên tiếng vì đã hình thành sự sợ hãi trong từng con người, từng tiềm thức. Người dân họ thấp cổ bé họng mà cứ tuyên truyền vào sự sợ hãi của họ, họ không dám lên tiếng. Tôi là doanh nghiệp cũng thế. Tôi nói đây, có thể ngày mai, họ lấy một lý do nào khác không liên quan đến công việc của tôi để đánh tôi như thường. Luật pháp Việt Nam luôn có khe hở để bắt bớ bất cứ ai.

Sau khi đoàn cứu trợ của anh vừa rời khỏi nhà dân, cán bộ địa phương đã tới tịch thu 4/5 khoản tiền hỗ trợ từ tay các hộ nghèo. (Ảnh: Facebook Thảo Teresa)
 Một nhà hảo tâm lên tiếng bày tỏ bất bình, thất vọng vì ngay sau khi đoàn cứu trợ của anh vừa rời khỏi nhà dân, cán bộ địa phương đã tới tịch thu 4/5 khoản tiền hỗ trợ từ tay các hộ nghèo ở những vùng bị ảnh hưởng nặng nề vì lũ lụt miền Trung.

Doanh nhân trẻ Hoàng Báu từ Sài Gòn cùng bằng hữu tự đứng ra quyên góp và đích thân tiếp cận bà con từng địa phương để trao tận tay từng chiếc phong bì. Nhóm của anh chia thành nhiều tốp, trong suốt năm ngày từ 19 đến 24/10 đã lặn lội tới rất nhiều địa điểm ở Hà Tĩnh và Quảng Bình, hai tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau trận lũ lịch sử, với nhiều nơi nước ngập qua mái nhà.

Trong số những tố cáo bị chính quyền địa phương thu bớt tiền cứu trợ, có nhiều trường hợp ở thôn Trung Thôn (xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), khi cán bộ thôn tới thu lại hầu hết khoản tiền hỗ trợ mà dân vừa được các nhà hảo tâm trao tặng, viện lý do để phân phát lại đồng đều cho mọi người trong thôn xóm.

Anh Lê Vũ Thành ở thôn Trung Thôn có mẹ già 75 tuổi bị tâm thần, câm điếc bẩm sinh. Trong trận lũ vừa qua, nhà anh bị ngập qua đầu, tài sản tan nát.

Anh Thành cho VOA Việt ngữ biết:

“Chiều ngày 22 có các anh chị vào thăm và tặng mỗi hộ gia đình nghèo gặp khó khăn mỗi người được phong bì 500 ngàn. Chiều lại, phó thôn tới từng nhà thu lại, nói là để chia đều, cân bằng danh sách. 500 ngàn chỉ để lại cho mình 100 ngàn, còn 400 ngàn kia nói là để cân bằng danh sách theo chủ trương của thôn. Khi họ tới gia đình em lấy, em không cho vì em thấy quá vô lý, nhưng các gia đình kia đều đưa hết cả. Nếu họ muốn chia đều, sao từ đầu họ không nói luôn với các đoàn cứu trợ, sao để họ đưa rồi sau đó đi thu lại. Quá vô lý. Trong hoàn cảnh mất mát, có người ủng hộ, người dân rất vui mừng vì có được cái để lo cho gia đình, có thêm miếng nước hay tô mì để ăn. Có nhiều người đang vui, bỗng nhiên bị tịch thu lại thì bức bối chứ, họ không hiểu lý do.”

Nỗi bức bối đó còn cao hơn gấp bội đối với những người vốn đã quan ngại trước thực trạng ‘thao túng’, ‘bớt xén’ nên phải tạm gác mọi công việc, không quản đường xa, tìm đến những hang cùng ngõ hẹp để trao tay sự san sẻ. Thế mà, với thực tế xã hội Việt Nam hiện nay, những sự cảnh giác như thế vẫn chưa bao giờ là đủ, doanh nhân Hoàng Báu chua xót chia sẻ.

Anh Báu đã dành cho Trà Mi VOA Việt ngữ cuộc trao đổi ngay sau khi từ vùng lũ trở về.

Anh Hoàng Báu: Mình tự đứng lên mình kêu gọi anh em doanh nghiệp, bạn bè, tạo thành nhóm đi cứu trợ cho bà con, quyên góp được bốn trăm ba mươi mấy triệu. Đoàn mình chia thành 4 nhóm. Vùng nào bị nặng nhất thì mình đến. Vùng nào có Công giáo, tụi mình nhờ cha xứ. Các linh mục họ cho người dẫn đi rất tận tình.

Trà Mi: Không qua chính quyền địa phương, đoàn tự tìm hiểu và tiếp cận bà con?

Anh Hoàng Báu: Không qua chính quyền địa phương. Tụi mình tự tìm hiểu, chỗ nào dân cần thì mình tới. Gói quà của mình thấp nhất là 500 ngàn/một phong bì. Có những trường hợp phải cho 5, 7, 10 phong bì cũng nên.

Trà Mi: Tổng cộng đoàn cứu trợ của anh có bao nhiêu người?

Anh Hoàng Báu: Khi đông nhất, đoàn em gồm 20 người, từ Daklak, Sài Gòn, Đà Nẵng, Hà Nội, Vinh, Huế…v..v. Sáng nay mình đọc một bài báo nêu lên rõ ràng họ bắt mỗi người dân cứ 500 ngàn thì nộp lại 400 ngàn. Tại xã Quảng Trung này, tụi mình cho nhiều lắm. Trước đây, mình từng nghe các đoàn cứu trợ đi trước cảnh báo có trường hợp này, nhưng hôm nay, vì vụ việc lên báo trực tiếp liên quan đến đoàn của mình, mình mới quay lại, chạy thẳng vào phỏng vấn từng người dân một để xem có chính xác như thế không. Vào phỏng vấn bà con thì thấy chính xác là như vậy. 9 giờ báo lên bài, 10 giờ tôi điện lại cho người dẫn dắt mình tới nơi cứu trợ, tôi hỏi có phải như thế không, mấy ông vẫn chối. Tôi nói: ‘Các ông đã thế thì tôi làm tới luôn’, sau đó tôi nhờ mấy anh bên các tổ chức xã hội dân sự đưa lên Facebook. Thế là tự nhiên mấy ông kia điện lại cho mình nói: ‘Anh không cần vào, trong này ổn hết rồi.’ Nhưng tôi vẫn vào. Khi vào tới nơi thì thấy mấy ông đã đưa tiền trả lại cho dân. Tôi phỏng vấn dân, quay trực tiếp [lên Facebook] luôn. Tất cả mọi người đều nói bị tịch thu tiền. Đùng một phát họ không nuốt nổi họ mới trả lại cho từng nhà một. Dân nói ông phó thôn bảo thu lại để chia bớt cho những nhà khác có hoàn cảnh giống nhau.

Trà Mi: Với lý do thu lại để chia đều, là người đi cứu trợ tận nơi có điều kiện quan sát, anh phản hồi thế nào?

Anh Hoàng Báu: Không được, bởi vì có rất nhiều người khá giả, thậm chí còn khá giả hơn cả tụi tôi nữa. Sao lại bảo chia đồng đều được? Tụi tôi chỉ giúp những người có hoàn cảnh đặc biệt thôi, còn những người có tay chân mạnh khỏe làm việc kiếm tiền được, mình giúp họ, nhiều khi họ lại chửi lại mình thì sao? Ở đây, chúng tôi không phải giàu có gì cả, chỉ là góp vô để tìm đến những mãnh đời ‘lũ cả cuộc đời’, không có điểm tựa.

Trà Mi: Xưa nay vẫn có tâm lý e ngại rằng chuyện tiếp trợ qua các cơ quan, đoàn thể chính quyền thì không tới tay dân trọn vẹn. Đích thân tiếp trợ tận nơi, vừa quay lưng đã xảy ra những chuyện khuất tất như vậy, anh nghĩ thế nào?

Anh Hoàng Báu: Mình rất thất vọng vì suốt mấy ngày nay, anh em tụi tôi phờ phạt, chèo thuyền chèo đò đến tận những nơi khốn khổ nhất để giúp họ. Vừa bước chân đi, lại xảy ra chuyện đó. Chỉ trừ khi tới vùng nào không có chức sắc tôn giáo, tụi tôi mới nhờ tới địa phương hay trưởng thôn, trưởng xã dẫn dắt đi. Những nơi có giáo dân hay Phật tử, tụi tôi nhờ các cha xứ hoặc các vị sư hướng dẫn, chứ không qua chính quyền. Ở Việt Nam, hơn 90% là làm cách này rồi vì niềm tin không còn nữa. Mình phỏng vấn rất nhiều người, họ cũng nói: ‘Muốn cho nên đến trực tiếp nhà dân mà cho, đừng qua chính quyền vì dân ít nhận được lắm.’ Người cần nhận nhiều khi không nhận được, còn người khá giả nhiều khi nhận một lúc mấy phần.

Trà Mi: Anh nhắc tới ‘khủng hoảng niềm tin’, đây cũng là một hiện tượng đang ngày càng phổ biến và lan rộng ở Việt Nam. Khủng hoảng niềm tin ở mọi khía cạnh trong cuộc sống, từ kinh tế-chính trị-xã hội đến đạo đức con người. Hôm nay, chính anh nếm trải một sự ‘khủng hoảng niềm tin’ ngay trong việc thiện vừa làm, anh có suy nghĩ đến nguyên nhân?

Anh Hoàng Báu: Vì khi người dân xem chuyện chính trị như một câu chuyện hài, hy vọng điều gì đó để thay đổi cuộc sống thì không có. Mình đi nhiều những nơi ‘siêu nghèo’ , những nơi đáng lẽ phải được chính quyền chăm chút nhất thì thực tế là không có. Xã hội này bị lỗi hệ thống từ cái gốc. Khi anh đã không tử tế, anh làm gì, trong mắt tôi, anh vẫn là một người không đàng hoàng. Hơn nữa, phải nói thẳng là anh không có năng lực để làm chuyện đó. Tôi không thể nào đặt niềm tin vào anh. Hiện tượng Phan Anh phải nói là một người biết xây dựng niềm tin cho người khác. Anh chẳng cần điện thoại xin ai cả, mà người ta tự gửi gắm niềm tin vào thôi. Vì sao người dân tự đứng lên làm, và làm mạnh như thế, vì họ tin là chính phủ không thể làm được. Những con số đã nói lên tất cả rồi.

Trà Mi: ‘Khủng hoảng niềm tin’ mà anh mô tả là ‘hệ thống’, làm thế nào để khôi phục được?

Anh Hoàng Báu: Người dân đang bỏ rơi sự quản lý của chính quyền. Họ không quan tâm đến chính quyền làm gì. Tôi nghĩ, mọi chuyện đang thay đổi đấy. Mọi người cứ làm việc theo tiếng lương tâm. Hiểu thì mọi người hiểu hết, kể cả trong nội bộ những người điều hành đất nước này, nhưng cái chính là trong xã hội này không ai dám lên tiếng vì đã hình thành sự sợ hãi trong từng con người, từng tiềm thức. Người dân họ thấp cổ bé họng mà cứ tuyên truyền vào sự sợ hãi của họ, họ không dám lên tiếng. Tôi là doanh nghiệp cũng thế. Tôi nói đây, có thể ngày mai, họ lấy một lý do nào khác không liên quan đến công việc của tôi để đánh tôi như thường. Luật pháp Việt Nam luôn có khe hở để bắt bớ bất cứ ai.

(VOA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét