Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ: Tiền thu được vào túi ai?

Lưu lượng xe gấp 3 lần khai báo: Tiền thu được vào túi ai?
TP - Trước dư luận về việc cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ thu phí được nhiều tỷ đồng nhưng chỉ khai báo một tỷ, PV Tiền Phong đã dành nhiều ngày ghi nhận, khảo sát và làm việc với nhiều cơ quan có liên quan đến lượng xe lưu thông trên tuyến đường này để có được các con số xác thực nhất.
PV Tiền Phong tham gia khảo sát, đo đếm lưu lượng cùng một số cơ quan độc lập trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ thời gian qua. Ảnh: Anh Trọng.

Với vai trò quản lý, duy tu và đảm bảo giao thông đi lại, cho đến trước ngày tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ thành đường BOT, Hạt Quản lý đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cục Quản lý đường bộ 1, Bộ GTVT vẫn thường xuyên theo dõi, khảo sát lượng phương tiện trên tuyến để báo cáo cơ quan chức năng.

Theo đó, giai đoạn từ 2014 đến giữa năm 2015, lượng phương tiện lưu thông trên tuyến đường được Hạt Quản lý đường Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết có từ 27.000 đến 32.000 lượt/ngày (cao gấp 3 lần lượng phương tiện nhà đầu tư khai báo). Khảo sát lưu lượng từ các camera giám sát phương tiện của một đơn vị đếm xe độc lập đặt trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, trong các ngày từ 1 đến 15/5, chúng tôi có các kết quả khá bất ngờ.

Ngày 2/5, chúng tôi ghi nhận có 41.658 lượt xe đi từ đường Pháp Vân - Cầu Giẽ qua nút giao Đại Xuyên (khu vực đặt các camera đếm xe độc lập), sau đó đi vào trạm Đại Xuyên. Cũng với hành trình trên, ngày 3/5 chúng tôi ghi nhận có 31.528 lượt xe qua; ngày 14/5 có 26.295 lượt xe qua; ngày 15/5 có 26.402 lượt xe qua….

Đem so sánh số liệu này với số liệu được trạm thu phí Đại Xuyên (trạm đầu vào của tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được nối trực tiếp với đường Pháp Vân - Cầu Giẽ) lưu trữ, đơn vị vận hành trạm thu phí tại đây đã xác nhận số liệu này là thực tế và cho biết thêm, lượng phương tiện theo hướng đường Pháp Vân - Cầu Giẽ đi qua trạm Đại Xuyên tính trung bình mỗi ngày có khoảng 25.000 lượt, ngày cao điểm lễ, tết trên 40.000 lượt.

Từ số liệu phương tiện đã tìm hiểu được, chúng tôi thực hiện một phép tạm tính. Với bình quân 25.000 lượt xe/ngày, nếu quy về dạng xe tiêu chuẩn như công thức tính của nhiều đơn vị đo đếm lưu lượng xe đang áp dụng thì 70% số trên là xe con (tương ứng 17.500 xe con); 30% còn lại là xe tải, xe khách (tương ứng 7.500 xe tải, xe khách). Số xe trên nhân với mức phí của xe con (dưới 12 chỗ ngồi) là 45.000 đồng/lượt qua trạm thu phí và nhân với mức phí trung bình của xe tải, xe khách là 110.000 đồng/lượt, chúng tôi có tổng số tiền thu được 1,612 tỷ đồng/ngày. Với cách tính và với mức thu và lưu lượng này, chỉ cần 11 năm 7 tháng là đủ số tiền 6.731 tỷ đồng nhà đầu tư huy động để cải tạo dự án chứ không cần phải kéo dài đến 17 năm 3 tháng như nhà đầu tư đang thực hiện.

Cùng với đó, phương án trên cũng chẳng cần áp dụng việc cứ 3 năm nhà đầu tư được tăng phí thêm 18% như hợp đồng BOT đã ký với Bộ GTVT. Đặc biệt từ cách tính toán trên, so sánh với con số khoảng 1 tỷ đồng số thu trung bình mỗi ngày mà Cty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã khai báo, thì mỗi ngày Nhà nước đang bị thất thoát khoảng 500 triệu đồng, mỗi tháng là 15 tỷ đồng. Vậy số tiền này đang chảy vào túi ai?

Nhà đầu tư bị loại vẫn trúng thầu
Với nhà đầu tư dự án nâng cấp đường Pháp Vân - Cầu Giẽ cần phải nói thêm là, trong khi hầu hết dự án BOT thực hiện theo hình thức chỉ định thầu, thì năm 2014 đường Pháp Vân - Cầu Giẽ là một trong số ít dự án được đấu thầu để chọn nhà đầu tư. Tại thời điểm giữa năm 2014, đã có nhiều nhà đầu tư hồ hởi “bỏ thầu” với mong được tham gia dự án một cách minh bạch. Sau nhiều vòng xét hồ sơ, cuối cùng chỉ còn hai nhà đầu tư trong đó có liên danh 3 công ty, gồm: Cty Cổ phần Đầu tư phát triển Minh Phát; Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 1 - Cienco1; Cty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (về sau liên danh này lập ra Cty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ) được lọt vào vòng cuối cùng. Tuy nhiên, trong các phần “sát hạch” trực tiếp với cơ quan quản lý Nhà nước, do tiềm lực kinh tế và như năng lực thực hiện dự án không đủ yêu cầu nên cả hai nhà đầu tư này đều bị loại.

Trong lúc một số nhà đầu tư mới đang chuẩn bị các thủ tục để tham gia đấu thầu tiếp, thì đến tháng 10/2014 nhiều nhà đầu tư bất ngờ nhận được thông tin: Liên danh nhà đầu tư Cty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ sắp ký hợp đồng triển khai dự án với Bộ GTVT bằng cơ chế chỉ định thầu. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm đến dự án thời điểm đó khá bất ngờ. Còn dư luận thấy khó hiểu và đặt nhiều câu hỏi: Vì sao dự án đang lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu lại chuyển sang cơ chế chỉ định thầu? Liên danh nhà thầu - Cty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ vốn bị loại khỏi vòng đấu thầu làm thế nào để đủ điều kiện được chỉ định thực hiện dự án?

Trao đổi với PV Tiền Phong về các nội dung trên, đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long, Bộ GTVT (đại diện chủ đầu tư) đã xác nhận thông tin trên và cho rằng, ban đầu dự án được triển khai theo hình thức đấu thầu nhưng sau đó dự án xin Chính phủ được cơ chế là công trình cấp bách (nhóm A) nên chủ đầu tư được quyền chỉ định thầu.

Dự án nâng cấp đường Pháp Vân – Cầu Giẽ có tổng mức đầu tư 6.731 tỷ đồng. Dự án được Bộ GTVT ký hợp đồng BOT số 51 năm 2014 với liên danh 3 công ty thực hiện, gồm: Cty Cổ phần Đầu tư phát triển Minh Phát (góp vốn 65%); Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 1 - Cienco1 (góp vốn 18%); Cty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (góp vốn 17%), về sau liên danh này lập ra Cty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thực hiện dự án. Đến tháng 10/2015, dự án thi công xong giai đoạn 1, đây cũng là thời gian nhà đầu tư bắt đầu thu phí phương tiện để hoàn vốn trong vòng 17 năm 3 tháng.

http://www.tienphong.vn/Kinh-Te/luu-luong-xe-gap-3-lan-khai-bao-tien-thu-duoc-vao-tui-ai-1010867.tpo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét