Mỹ học tác động tới văn hóa ứng xử thế nào?
Mặc Lâm, biên tập viên RFA, 2016-04-02 Văn hóa đọc sách và tác động xã hội vào sinh viên hiện nay đã ảnh hưởng nhiều đến cung cách ứng xử của họ. Cạnh đó còn những góc văn hóa khác như kỹ năng giao tiếp và đặc biệt hơn cả là cảm nhận thẩm mỹ của sinh viên không theo kịp để hòa nhập vào thể giới phẳng điều đó do lỗ hổng rất lớn trong môi trường giáo dục. Mặc Lâm phỏng vấn TS Mỹ học Thế Hùng, nguyên giảng viên Đại học Nhân Văn, khoa Triết, Văn hóa và Mỹ học thuộc trường Đại học Quốc Gia Hà Nội để trả lời câu hỏi: Thẩm mỹ có tác động đến văn hóa ứng xử, giao tiếp cũng như khái niệm cái đẹp giúp ích gì cho dân trí?
TS Mỹ học Thế Hùng tại Hội thảo Định hướng nghề thẩm mỹ,
Việc đọc sách đáng báo động
Mặc Lâm: Trong vài ngày qua Sài Gòn đã có hội chợ sách rất lớn thu hút hàng trăm ngàn người dự, TS là người giảng dạy bộ môn văn hóa học cũng như mỹ học trong nhiều trường đại học lớn, xin ông cho biết văn hóa đọc sách của sinh viên như thế nào?
TS Thế Hùng: Đáng buồn nhất là việc đọc sách của sinh viên là đáng báo động. Có một số rất chăm chỉ nhưng đa số rất lười đọc sách, rất lười đến thư viện, là hoang mạc của những kẻ lười biếng. Sách là thức ăn của loài mọt mà loài mọt đó là nguyên khí quốc gia mà hiện nay chúng tôi rất thiếu những con mọt sách. Thế hệ chúng tôi tức thế hệ trước thì rất nhiều người đọc sách còn bây giờ thì sinh viên rất chểnh mảng suốt ngày chỉ lo mạng miết này kia thôi mà chểnh mảng văn hóa đọc. Thứ hai nữa là bạo lực học đường, rồi một số nữa thì ăn nói thiếu văn hóa, thô tục hay cách hành xử không tốt trong môi trường sinh viên, đó là điều yếu nhất của sinh viên Việt Nam hiện nay.
Đáng buồn nhất là việc đọc sách của sinh viên là đáng báo động. Có một số rất chăm chỉ nhưng đa số rất lười đọc sách, rất lười đến thư viện, là hoang mạc của những kẻ lười biếng.
-TS Thế Hùng
Mặc Lâm: Báo chí cho biết là sinh viên có vẻ không màng tới gì khác ngoài việc tìm cho ra đồng tiển bằng mọi cách, theo TS hiện tượng này xuất phát từ tâm lý nào thưa ông?
TS Thế Hùng: Thưa anh, bất cập giữa văn hóa và tư duy là hiện nay sinh viên thất nghiệp nhiều quá, đấy là điều có trên mạng không giấu được. Hai trăm hai mươi nghìn người đang thất nghiệp. Thất nghiệp vì phần quan trọng nhất là kỹ năng mềm và kỹ năng cứng thì thật sự cũng không tốt lắm. Các trường đại học chưa có trường nào đào tạo cho sinh viên khi ra trường nằm trong top của thế giới cả tuy nhiên chúng tôi cũng đạt một số thành công. Các em hiện nay ra trường thất nghiệp nhiều vì kỹ năng mềm quá yếu kém cho nên sự quan hệ giao tiếp xin việc làm không có. Kỹ năng cứng thì có giá trị gõ cửa và kỹ năng mềm thì để vào cửa và là chiếc ghế ngồi, các bạn sinh viên rất yếu về kỹ năng mềm cho nên giao lưu xin việc làm rất khó khăn do kỹ năng mềm yếu quá. Hơn 2 trăm 20 nghìn sinh viên thất nghiệp.
Mặc Lâm: Thất nghiệp lớn như vậy phải chăng từ chính sách giảng dạy của Bộ giáo dục quá chú tâm vào việc đào tạo chuyên môn mà không chú trọng tới kỹ năng mềm, là văn hóa ứng xử cũng như cách giao tiếp của sinh viên như ông vừa nói?
TS Thế Hùng: Tôi cho là một phần nào đúng. Thật ra Bộ giáo dục hiện nay chưa có một môn nào là môn văn hóa ứng xử, giao tiếp trong trường học. Từ cấp I tới cấp III lên tới đại học cũng chưa có. Ở trường Đại học Khoa học Nhân Văn là nơi tôi dạy trong khoa Việt Nam học mới mời tôi dạy một khóa về văn hóa ứng xử giao tiếp.
Mặc Lâm: Nhìn chung tình hình văn hóa ứng xử ở các cộng đồng khác thì sao, liệu cách ứng xử không phù hợp của họ có ảnh hưởng tới nếp nghĩ của sinh viên hay không? Chẳng hạn cách mà cán bộ nhà nước ứng xử với dân?
TS Thế Hùng: Hiện nay dân rất phàn nàn về ứng xử của công nhân viên nhà nước, của chính quyền đối xử với người dân lý do là vì họ không được đào tạo và rất yếu kém về văn hóa giao tiếp. Tôi rất hoan nghênh Thủ tướng đã ra quyết định tất cả các cơ quan phải học về văn hóa tổ chức, văn hóa ứng xử. Thủ tướng đã ra quyết định rồi và tôi cho là hoàn toàn đúng, mà điều này không thể làm ngay một sớm một chiều mà phải có thời gian anh ạ. Riêng về Bộ Giáo dục đào tạo thì tôi kiến nghị với tư cách là một Tiến sĩ, một chuyên gia hàng đầu chuyên giảng dạy văn hóa giao tiếp tôi đã kiến nghị với Bộ Giáo dục là nên đưa ngay, và nhanh và luôn môn giáo dục văn hóa ứng xử, giao tiếp cho tất cả các cấp học để chúng ta nâng cao kỹ năng mềm vì hiện nay chúng ta chỉ lo về kỹ năng cứng thôi mà lơ là kỹ năng mềm. Kỹ năng mềm còn yếu lắm.
“Từ thiện trí tuệ”
Mặc Lâm: Được biết hiện nay TS có một dự án rất ấn tượng mà ông đặt tên là “từ thiện trí tuệ”. Xin ông cho biết dự án này cụ thể như thế nào?
Tôi mang kiến thức của mình ra một là tôi tặng toàn bộ trí tuệ của mình không lấy tiền. Thứ hai sách của tôi thì tôi chỉ lấy phân nửa tiền.
-TS Thế Hùng
TS Thế Hùng: Thưa anh tóm lại là trước mắt xuất phát từ việc tôi đi rất nhiều các cơ quan, công ty để thuyết trình về kỹ năng mềm, văn hóa giao tiếp nhưng một số trường học họ không đủ kinh phí để bồi dưỡng cho tôi, vì tôi được trả rất cao từ 5 đến 10 triệu cho một buổi trong vòng 3 tiếng. Những buổi như vậy chỉ có doanh nghiệp họ đáp ứng thôi và trường học thì chỉ trả được hai triệu còn các cơ quan, đoàn thể thì phải nâng tôi lên hàng giáo sư mới có chế độ 5-7 trăm hay một nghìn để bồi dưỡng cho tôi. Họ phải làm 3-4 bản nói dối cho 3-4 buổi để có 3 triệu trả cho tôi!
Vì thế nếu như tôi lấy tiền như cũ thì rất nhiều đơn vị muốn tôi nói về kiến thức văn hóa ứng xử bị thiệt thòi vì không thể tiếp cận với tôi. Thứ hai một số tỉnh xa họ không có phương tiện đón đưa tôi, họ không có tiền để lo chi phí taxi vì thế tôi tự nguyện là vì tôi muốn mang kiến thức của mình mà bao nhiêu năm nay được nhà nước giáo dục, đào tạo.
Tôi đã có kiến thức tương đối là khá và với 1.400 cuộc thuyết trình đào tạo cho 600 đơn vị cơ quan nhà nước thì tôi nghĩ rằng giờ phút này tôi nên dừng lại vì tôi đã dành dụm một số tiền hàng tháng để có thể có số tiền lương hưu. Tôi có hai con gái làm ngân hàng thành đạt hết rồi cho nên tôi muốn mang kiến thức của tôi để cứu xã hội. Nếu như tôi lấy tiền thì rất ít cơ quan được nghe tôi giảng.
Tôi mang kiến thức của mình ra một là tôi tặng toàn bộ trí tuệ của mình không lấy tiền. Thứ hai sách của tôi thì tôi chỉ lấy phân nửa tiền còn toàn bộ 100% nói và 50% tiền sách… đồng thời tôi có ô tô riêng thì tôi có thể tự lái tới các vùng sâu vùng xa giúp đỡ thì người Việt Nam trong rất nhiều đơn vị sẽ được nghe kiến thức của tôi. Tôi hiến dâng cho đất nước tôi, tổ quốc tôi vì tôi chết đi sẽ phí vô cùng vì tôi học rất nhiều trường.
Tôi học nhạc, họa, triết học, báo chí nên rất nhiều kiến thức. Ít có người nào am hiểu nghệ thuật như tôi cho nên một người như tôi không nhiều lắm. Tôi muốn cống hiến cho đất nước, cho tổ quốc cho dân tộc tôi, tôi làm hết sức mình và không lấy tiền nữa. Tôi quyết định từ ngày 18 tháng 3 vừa rồi thông báo trên mạng và tới giờ này thì đã có 20 đơn vị đã đăng ký mời tôi thực hiện. Tôi đang ngồi ở trường Houston một trường rất nổi tiếng ở Việt Nam họ đang đặt vấn đề là tôi sẽ giúp các thầy cô giáo nâng cao ngay lập tức trong một ngày gần đây về văn hóa ứng xử cho các thầy giáo. Tôi sẽ cộng tác với trường này gúp thầy cô giáo đào tạo nhân tài cho đất nước để tuổi trẻ có văn hóa có thẩm mỹ.
Mặc Lâm: Được biết ông giảng dạy bộ môn mỹ học và văn hóa tại Đại học Quốc Gia Hà Nội cũng như nhiều đại học khác, xin ông cho biết mỹ học, trong đó có nhận thức thức thẩm mỹ có ảnh hưởng tới văn hóa ứng xử như thế nào?
TS Thế Hùng: Mỹ học nó gắn chặt với văn hóa ứng xử. Mỹ học là một môn học về cái đẹp. Hiện nay chúng ta rất cần mỹ học vì nó văn hóa ứng xử chính là một làm cho con người sống tử tế có văn hóa với nhau nhưng rất tiếc Việt Nam chúng tôi mỹ học là một món ăn xa xỉ với người Việt. Bằng cớ là chỉ có những trường Đại học Nhân văn mới học được môn của tôi. Tôi là Tiến sĩ F2 thầy tôi học TS ở Nga về. Tôi là người đào tạo Tiến sĩ bài bản nhất ở Việt Nam chỉ sau thầy tôi hiện nay đã mai một. Tôi cũng đào tạo TS mỹ học nữa. Nếu như mai này tôi chết thì thật sự tiếc cho đất nước Việt Nam vì không có một TS mỹ học nào xây dựng đủ như tôi để xứng đáng đứng trước bục giảng.
Mỹ học là gì? Mỹ học là triết học của nghệ thuật bởi vì muốn dạy mỹ học phải có triết học hai là biết nghệ thuật. Tôi vừa là nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ và là nhà phê bình nghệ thuật nên tôi am hiểu. Hiện nay tìm một TS mỹ học tầm cỡ như tôi, đủ tư cách và hiểu biết như tôi để đứng trên bục giảng điều đó không kiếm được.
Tôi trở về khoa triết học, nơi tôi giảng dạy và đào tạo TS khoa nhân văn, tôi rất buồn hiện nay giáo viên triết học dạy mỹ học thế hệ sau tôi rất yếu và kém. Họ không được trang bị nghệ thuật, họ chỉ lấy triết học dạy mà thôi. Mỹ học mà không biết nghệ thuật thì coi như liệt một phía, hỏng rồi! Cho nên tôi rất đau, rất buồn là sau thế hệ tôi không có giáo viên nào dạy mỹ học cho ra hồn mỹ học, không biết gì về nghệ thuật.
Tôi trở về khoa triết của tôi ở trường Nhân văn tôi sẽ giúp trường đào tạo thêm một số thạc sĩ và TS mỹ học đại khái như tôi, để sau này tôi có chết đi thì đất nước sẽ có người dạy cái đẹp cho đất nước. Hiện nay khoa mỹ học của trường Đại học Nhân văn teo tóp và giáo viên yếu lắm không biết gì về nghệ thuật. Đất nước dân tộc thì nghèo, qua bao cuộc chiến tranh như thế vừa mới 30 năm đổi mới thì có khởi sắc nhưng vì nghèo thì người ta lo ăn, lo mặc. Mặc chưa ấm thì làm sao nói tới đẹp được? Môn mỹ học là một món ăn xa xỉ và là một môn học xa xỉ đối với xã hội Việt Nam hiện nay. Tôi muốn cảnh tỉnh các nhà giáo dục, các nhà sư phạm của Bộ Giáo dục quan tâm đến mỹ học một tí để cho đất nước ăn đủ rồi thì phải hướng tới cái đẹp. Từ lúc bé cho tới lúc chết chỉ mong tới cái đẹp thôi, hiện nay môn này đang bị xao nhãng lắm.
Mặc Lâm: TS vừa nhắc tới vẻ đẹp, thẩm mỹ trong hội họa thì theo tôi được biết hai trường Mỹ thuật lớn tại Hà Nội và một tại Sài Gòn hình như giảng viên về mỹ học rất thiếu, ông có chia sẻ gì về điều này?
TS Thế Hùng: Rất yếu, rất thiếu rất mỏng. Tôi từng giảng một khóa thạc sĩ tại đại học tạo hình Yết Kiêu Hà Nội sau đó tôi dạy một khóa toàn giáo viên thôi, đào tạo thạc sĩ về môn mỹ học. Hiện nay hai trường mỹ thuật của cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, ở Hà Nội có hai trường, một là trường tạo hình mà trước đây nó là trường Đại học Mỹ thuật ở Yết Kiêu, thứ hai là trường Mỹ thuật công nghiệp đào tạo bộ môn trang trí cả hai trường này hiện nay chuyên môn mỹ học rất thiếu. Giảng viên đào tạo mỹ học chưa đào tạo một cách bài bản.
Muốn đào tạo mỹ học thì phải ở trường tôi là Đại học Nhân văn, phải trong khoa triết học. Ở Việt Nam có ông thầy duy nhất học TS ở Nga về Mỹ học là ông Đỗ Văn Khang, thầy tôi, khi ông về nước hướng dẫn TS đầu tiên là tôi, tôi là F2 và hiện nay tôi bài bản nhất. Tôi nghĩ một trong những người hiếm hoi là tôi!
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts/how-the-aethetics-impact-to-culture-behavior-ml-04022016083142.html
Trời ơi, nghe ông TS này nổ mà ngượng thay! Chỉ nghe ông ta nói thì đủ hiểu nền mỹ học VN phát triển cỡ nào!
Trả lờiXóa