Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

Một cái tặc lưỡi, một tiến sĩ dỏm ra đời

Một cái tặc lưỡi, một tiến sĩ dỏm ra đời
TTO - "Những nhà khoa học chân chính sẽ góp phần đào tạo ra những tiến sĩ chân chính. Những nhà khoa học “vui vẻ” sẽ chỉ tạo ra những “tiến sĩ vui vẻ”. Diễn đàn tuần này xin giới thiệu ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý về hiện trạng đào tạo tiến sĩ ở nước ta sau câu chuyện đào tạo tiến sĩ tại Học viện khoa học xã hội đang được dư luận quan tâm.
Bắt đầu từ ý kiến của PGS.TS Phan Quang Thế, hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ (ĐH Thái Nguyên): Đào tạo tiến sĩ ở VN hiện nay không thể đánh giá được vì chất lượng không đồng đều, có những luận án tiến sĩ rất tốt, có giá trị nhưng phần nhiều luận án rất dở, yếu kém, không có đóng góp gì về mặt giá trị khoa học.

Theo tôi, trong điều kiện đào tạo tiến sĩ ở ta như hiện nay, chất lượng của các luận án tiến sĩ đang phụ thuộc vào hai yếu tố: một là thầy hướng dẫn. Hai là hội đồng đánh giá.

Nếu người thầy hướng dẫn luận án theo số lượng, chỉ để đủ tiêu chuẩn phong GS, PGS... hay vì những quyền lợi khác thì luận án sẽ khó có chất lượng cao.

Thầy không chỉ giỏi mà phải có tâm huyết mới đào tạo ra tiến sĩ tử tế. Việc chọn hội đồng đánh giá hiện nay chủ yếu theo quan hệ, theo cảm hứng. Về nguyên tắc, chẳng có ai sai quy định. Nhưng cái tâm, trách nhiệm của mỗi người thầy trong hội đồng mang tính quyết định mà chẳng có quy định nào để đo đếm được.

Nguy hiểm nhất trong đào tạo tiến sĩ hiện nay là những hội đồng đánh giá “vui vẻ”, “thoải mái” vì đấy là khâu “kiểm duyệt”, đánh giá quan trọng nhất, quyết định có trao học vị tiến sĩ cho nghiên cứu sinh với đề tài nghiên cứu đó hay không.

Trước mắt, có thể áp dụng một giải pháp. Đó là yêu cầu bắt buộc phải công bố rộng rãi trên mạng, trên các tạp chí khoa học những điểm mới của từng luận án tiến sĩ, thay vì công bố thông tin chung chung như hiện nay.

Khi công khai những điểm mới như vậy, dư luận, giới khoa học có thể bình luận, đánh giá. Đề tài, nội dung vớ vẩn là lộ ra ngay. Yêu cầu công bố cả luận án cũng tốt, nhưng sẽ ít người có điều kiện tìm đọc hết kỹ lưỡng.

Chỉ cần yêu cầu công bố điểm mới của luận án, sẽ đánh giá được chất lượng luận án, chất lượng hướng dẫn và cả chất lượng hội đồng, tạo ra sức ép nhất định để có chất lượng tốt hơn. Chứ hướng dẫn, hội đồng đánh giá toàn GS, PGS cả, không chê được bằng cấp, trình độ, chỉ không đo đếm được cái tâm và trách nhiệm. Kẽ hở là ở đó: một cái tặc lưỡi của thầy là có thể một tiến sĩ dỏm ra đời.


Chất lượng đào tạo tiến sĩ thấp còn vì hiện nay có xu hướng làm tiến sĩ không phải để làm khoa học, giảng dạy mà để có chức vụ. Làm tiến sĩ là muốn có thêm điều kiện để có vị trí, tiếng nói tốt hơn, chứ không phải để làm khoa học, để cống hiến.

Điều này diễn ra không chỉ ở các cơ quan quản lý mà ngay cả trong các trường ĐH, không chỉ các trường công mà cả trường tư. Tôi đã chứng kiến nhiều tiến sĩ ngay sau khi nhận bằng là nghĩ ngay đến việc phải có một vị trí mới, phải có chỗ nào đó tốt hơn...

Học tiến sĩ đang là một con đường để có cơ hội làm sếp, để có thêm đồng ra đồng vào, để tranh đấu cho những quyền lợi cá nhân...

Phần lớn tiến sĩ đào tạo trong nước kém ngoại ngữ. Như thế làm sao có thể đọc sách, tìm tòi tài liệu, nghiên cứu...

Đừng có đổ lỗi cho đất nước nghèo hay còn thiếu trang thiết bị, máy móc, tài liệu. Trường tôi đang có một số thiết bị hiện đại cũng không thua kém các trường ĐH ở Mỹ nhưng hầu như đắp chiếu vì không có người có đủ khả năng, ngoại ngữ để sử dụng, các tiến sĩ đào tạo trong nước vừa không đủ trình độ ngoại ngữ, vừa không đủ say mê, nhiệt tình để tìm tòi nghiên cứu, khai thác hết giá trị của máy móc, phương tiện.

Trường tôi là một trường có thể tự hào về trình độ tiếng Anh của đội ngũ giảng viên so với mặt bằng chung trong nước hiện nay. Trường sẵn sàng đầu tư kinh phí cho giảng viên đi Mỹ thực tập, nghiên cứu nhưng số đăng ký đi được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trường có liên kết với đối tác Hàn Quốc để cử giảng viên sang trao đổi, cử đi được một đợt, đến đợt sau họ “lờ” đi, không nói gì.

Đó là các tiến sĩ cả. Nhưng sự thật hiển hiện là tiến sĩ đào tạo trong nước của ta không ra được biển khơi, chỉ loanh quanh trong ao làng được thôi.

Một trong những lý do khiến nhiều tiến sĩ đi đào tạo ở nước ngoài không muốn về nước làm việc, theo tôi, là do không chỉ chế độ dành cho họ không khác gì tiến sĩ đào tạo trong nước, mà còn phải làm cấp dưới của mấy ông tiến sĩ trong nước, tiếng Anh còn không thạo, kém hơn họ đủ thứ... thì họ chịu sao nổi? Trong khi họ khó mon men được đến các chức vụ vì kém đứt khoản “quan hệ”, còn bị khó chịu, ghen ghét vì giỏi hơn.

Không cần đào tạo nhiều
Tỉ lệ tiến sĩ đào tạo trong nước những năm gần đây tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học làm “thật” rất ít, ra được những bài báo quốc tế rất ít.
Quan điểm của tôi là không cần phải đào tạo tiến sĩ trong nước nhiều như hiện nay. Tôi không ủng hộ đào tạo tiến sĩ một cách ồ ạt đáp ứng những quy định về tuyển dụng, sử dụng đòi hỏi phải có bằng tiến sĩ.
Có được người nào “ngon” người ấy còn có giá trị hơn. Chứ cứ ra lò hàng loạt, tốt dở lẫn lộn, mà dở nhiều hơn tốt, không sử dụng được thì thậm chí còn làm ảnh hưởng đến sự phát triển vì những người có học vị tiến sĩ dở mà lên lãnh đạo người giỏi, làm cho họ không phát huy được năng lực.
Tôi ngồi dự giờ giảng của một số tiến sĩ mà lo ngại. Phải siết chặt lại, không cần đào tạo nhiều, đào tạo những gì cần một cách có chất lượng, khắt khe, chặt chẽ.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng (vụ trưởng Vụ GD đại học, Bộ GD-ĐT):
Một cái tặc lưỡi, một tiến sĩ dỏm ra đời
Ảnh: N.H.
Bất an ở cả hệ thống
Cảm giác bất an đối với chất lượng đào tạo tiến sĩ là ở cả hệ thống chứ không phải riêng việc đào tạo của Học viện khoa học xã hội. Nhưng khi đưa ra một chính sách đảm bảo chất lượng mà nhiều cơ sở đào tạo chưa đáp ứng được ngay, nếu dừng tuyển sinh thì chính sách đó không khả thi.
Bởi vậy, phải nghiên cứu để đưa ra các quy định theo hướng nâng dần yêu cầu đảm bảo chất lượng để hệ thống chấp nhận được và điều chỉnh. Việc nâng cao “chuẩn” đào tạo luôn là mong muốn của Bộ GD-ĐT nhưng vẫn phải quản lý ở mức tối thiểu đảm bảo chất lượng để các trường phấn đấu, cạnh tranh phát triển.
Nói về quy trình quản lý của Bộ GD-ĐT đối với một đề tài tiến sĩ sẽ gồm các bước: cơ sở đào tạo trình bày về hướng cần thiết nghiên cứu, xác định đề tài này có cần thiết hay không. Bước tiếp theo, phải có đề cương nghiên cứu được thẩm định ở mặt chuyên môn.
Sau đó là nghiên cứu từng phần nhỏ (chuyên đề tiến sĩ) cũng phải được chấm và thẩm định. Ngoài ra, các bài báo khoa học cũng là một điều kiện cần thiết. Tiếp theo, luận án phải được bảo vệ ở cấp bộ môn, khi nào thấy đạt thì luận án ra cấp trường. Ở cấp trường phải có hai người thẩm định kín. Nếu được chấp thuận thì mới thành lập hội đồng cấp trường.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết:
Một cái tặc lưỡi, một tiến sĩ dỏm ra đời
Ảnh: N.Khánh
Cần siết lại kỷ cương đào tạo nghiên cứu sinh
Theo tôi, xem xét số lượng không quan trọng bằng chất lượng đào tạo, chất lượng các luận án tiến sĩ. Nhưng có tình trạng một GS, PGS không chỉ hướng dẫn ở một cơ sở đào tạo, có thể một chỗ thì không vượt quá quy định nhưng ở nhiều nơi khác nhau thì sao?
Những thông tin, số liệu này có được tổng hợp, công bố công khai, minh bạch chưa? Với vai trò cơ quan quản lý, Bộ GD-ĐT có nắm được thông tin số liệu này không để làm căn cứ đối chiếu, đánh giá việc thực hiện đào tạo của học viện có vượt quá năng lực hay không?
Bên cạnh việc kiểm tra các điều kiện của cơ sở đào tạo, bộ nên kiểm tra nội dung các luận án. Để đánh giá được chất lượng đào tạo, phải xem chất lượng luận án.
Theo tôi, đối với các luận án tiến sĩ, nên quy định bắt buộc phải đưa toàn văn nội dung luận án để những người quan tâm có thể tham khảo, đánh giá. Việc đưa công khai nội dung các luận án tiến sĩ lên mạng sẽ tạo điều kiện để các nhà chuyên môn trong từng lĩnh vực giúp cơ quan quản lý nhà nước đánh giá chất lượng luận án, đánh giá xem có xứng đáng, đủ tầm là một luận án tiến sĩ không. Đồng thời cũng sẽ giúp hạn chế tình trạng “đạo văn”.
Hiện nay cái dở nhất trong đào tạo tiến sĩ của chúng ta là đào tạo theo hình thức “tại chức”. Nghiên cứu sinh vẫn làm việc ở cơ quan, vẫn công tác ở các địa phương, chỉ định kỳ gặp gỡ thầy hướng dẫn. Việc nghiên cứu sinh không làm việc trong môi trường học thuật, cả quá trình đào tạo chỉ là viết xong một luận án thì giá trị khoa học của những luận án tiến sĩ khó có thể cao được.
Người làm tiến sĩ cần phải thường xuyên làm việc tại cơ sở đào tạo, tham gia nghiên cứu khoa học, làm trợ giảng, thường xuyên tham gia các thảo luận liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu của mình, sống trong không gian học thuật...
Ngoài ra, còn có thực tế là các buổi bảo vệ luận án phần lớn nặng nề, thủ tục dài dòng, ít tranh luận khoa học. Cách bảo vệ, hướng dẫn luận án tiến sĩ ở một số ngành lạc hậu, có tình trạng nể nang, khó đánh giá chính xác chất lượng luận án.
Ở một số lĩnh vực, nhiều người làm luận án tiến sĩ chưa đủ tầm làm nghiên cứu khoa học. Không phải cứ người làm chuyên môn tốt là có thể làm tiến sĩ nếu thiếu khả năng nghiên cứu. Chính vì thế có không ít luận án tiến sĩ nhàn nhạt, thậm chí là yếu kém, không phù hợp để coi là một nghiên cứu khoa học.
Theo tôi, đã đến lúc cần siết lại kỷ cương đào tạo nghiên cứu sinh, không được chạy theo xu hướng mở rộng chỉ tiêu, trong đó nhiều cơ sở đào tạo muốn có nhiều chỉ tiêu tiến sĩ chỉ để được cấp nhiều kinh phí đào tạo.
V.HÀ - T.Hà ghi
http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20160424/mot-cai-tac-luoi-mot-tien-si-dom-ra-doi/1089712.html

  • Tran Hai 11:14 24/04/2016
    Tiến sĩ gì mà không dịch được tiếng Anh trong kỷ nguyên hội nhập quốc tế hiện nay? Tôi đề nghị Bộ GDĐT cần thẩm định lại tất cả những người có bằng Tiến sĩ về trình độ tiếng Anh, nếu chưa đạt chuẩn tiếng Anh đủ để đọc tài liệu nghiên cứu của nước ngoài (Vì ở VN thiếu tài liệu) thì cơ quan có thẩm quyền cần ra quyết định tạm dừng văn bằng Tiến sĩ cho đến khi thi đạt chuẩn tiếng Anh (Bộ GDĐT cần đặt ra chuẩn tiếng Anh đối với người có bằng TS và phải kiểm tra định kỳ hàng năm). Nhục lắm nếu được giới thiệu là Tiến sĩ khi dự hội thảo quốc tế hoặc họp với đối tác nước ngoài mà cứ như vịt nghe sấm. Những người có bằng TS như vậy, nên cất trong tủ để làm kỷ niệm thì hãnh diện hơn!?
    • Nong Lam 11:43 24/04/2016
      Bạn cứ chọn một hội đồng chấm tiến sỹ nào đó gồm toàn GS, PGS rồi kiểm tra trình độ tiếng Anh thì cũng thế thôi. Mà làm cán bộ quản lý thì cần gì ngoại ngữ, chỉ cần có bằng tiến sỹ cho oai thội.
  • Bảo Long 10:03 24/04/2016
    Tiến sĩ "giấy" bỡi : Chạy đua thành tích và tím cách rút tiền ngân sách GDuc...Trách nhiệm thuộc về ai ?...
  • Nguyễn văn trung 11:06 24/04/2016
    Còn thạc sỹ thì hiện nay đào tạo một cách vô tội vạ nhưng không biết một chút gì với cái đã học, bởi hậu quả của việc đào tạo theo dạng ghi danh đóng tiền thật nhiều rồi có bằng tốt nghiệp. Chất lượng chẳng ra CHI. Hỏi sao VN không tụt hậu, còn tiến sĩ thì tệ hại hơn, ngân sách chi đào tạo cho loại hình này chỉ làm nghèo đất nước.
    • TAT 11:30 24/04/2016
      @Nguyễn Văn Trung nói cũng gần đúng thôi. Tôi đang công tác ở một trường Cao đẳng, trong khoa tôi hiện đã có hai Thạc sĩ vừa tốt nghiệp, nhưng nói thật, trình độ Thạc sĩ mà soạn thảo một cái văn bản cũng không xong, còn trình độ tiếng Anh thì khỏi bàn... Lúc thi đầu vào (cách đây hơn 2 năm) tôi có hỏi sao không đi ôn thi thì được trả lời: "Đầu vào 10 chai, có người lo hết". Vậy mà bây giờ cũng xong, cũng có bằng Thạc sĩ như ai, oai ra phết...
    • TAT 11:31 24/04/2016
      @Nguyễn Văn Trung nói cũng gần đúng thôi. Tôi đang công tác ở một trường Cao đẳng, trong khoa tôi hiện đã có hai Thạc sĩ vừa tốt nghiệp, nhưng nói thật, trình độ Thạc sĩ mà soạn thảo một cái văn bản cũng không xong, còn trình độ tiếng Anh thì khỏi bàn... Lúc thi đầu vào (cách đây hơn 2 năm) tôi có hỏi sao không đi ôn thi thì được trả lời: "Đầu vào 10 chai, có người lo hết". Vậy mà bây giờ cũng xong, cũng có bằng Thạc sĩ như ai, oai ra phết...
  • Ngọc Tú 11:05 24/04/2016
    Tiến sĩ mà không biết tiếng Anh không rành vi tính thì đem câu sấu cho rồi.
  • HÙNG LÊ 10:47 24/04/2016
    TS mà nói chuyện với khách nước ngoài " MÕI CẢ TAY"
  • Phạm hát 11:42 24/04/2016
    Tiến sỹ đi dạy mà SV hỏi bài không trả lời được. Chỉ sv sang tìm hiểu ở "Giáo Sư Google".
  • Nguyễn Cao Sơn 11:42 24/04/2016
    Không cần biết là 1 năm ra lò mấy trăm, mấy ngàn "tiến sỹ" chúng tôi chỉ muốn biết những tiến sỹ đó đã có nghiên cứu, công trình nào giúp ích cho đất nước, sáng chế nào hữu ích giúp cho người dân?
    Tôi đề xuất "đối với giáo sư, tiến sỹ phải có ít nhất 1 công trình nghiên cứu tầm quốc gia, hoặc đang nghiên cứu có khả thi trong vòng 5-10 năm, hoặc có những phát minh, sáng chế hữu dụng áp dụng vào đời sống, sản xuất trong vòng 3-5 năm, nếu trong thời gian đó mà không có thì bị tước danh hiệu", phải quy định chặt về thời gian cho ra 1 nghiên cứu, cho ra những phát minh, sáng chế hữu dụng áp dụng vào đời sống, sản xuất...như vậy để tránh tình trạng mua danh hiệu rồi ngồi chơi xơi nước. Ngoài ra ở các bộ, ngành (ví dụ bộ tài nguyên môi trường, giáo dục, y tế...) nếu ít có những đóng góp sáng kiến hữu ích, khả thi...mà còn có những sự việc liên quan đến ngành của mình ảnh hưởng tới đất nước, nhân dân mà không có hướng xử lý, khắc phục, chậm trễ trong việc điều tra nguyên nhân... (ví dụ vụ cá biển chết hàng loạt) thì xem xét giảm hoặc cắt bớt danh hiệu giáo sư, tiến sỹ ở các bộ ngành đó hay cắt luôn danh hiệu của Bộ trưởng, phó bộ trưởng, cục trưởng và các phó... Không thể để một bộ trưởng mang danh giáo sư, tiến sỹ mà mỗi vụ tìm hiểu nguyên nhân tại sao cá biển chết hàng loạt mà bộ ngành liên quan lại chậm trễ nắm bắt tình hình, chậm trễ điều tra và chậm trễ cho biết nguyên nhân để dân hoang mang như vậy.
  • Tam Hoang 11:20 24/04/2016
    Tiến sĩ ở Việt Nam chủ yếu đi làm quản lý, làm lãnh đạo nên đọc sách, tìm tòi tài liệu, nghiên cứu để làm gì. Chỉ cần biết trưởng phòng A, trưởng khoa B có bằng Tiến sĩ là OK
  • Phương 13:25 24/04/2016
    Xin nói thẳng kể cả hội đồng chấm toàn GS, PGS thì trình độ tiếng Anh của họ cũng rất kém, nhiều ông thầy bà cô ở các trường đại học có tiếng , ngoại ngữ còn ú ớ thế mà họ toàn ra sách bằng tiếng Anh mới tài chứ. Có sao đâu dùng sức lực của những sinh viên học khá giỏi và giỏi tiêng Anh hướng chúng nó làm luận án vào đề tài mà mình đang nghiên cứu sau đó cắt gọt và dùng làm của mình. Thậm chí còn mang bán: Tôi có quen một vài vị như vậy thậm chí họ còn làm trưởng, phó khoa một vài trường lớn kia
  • Dũng Nguyễn 09:58 24/04/2016
    Bằng cấp và trình độ đều có thể quy ra giá được. Giá này được định giá và hình thành mặt bằng giá chung rồi. Chỉ có điều là nó nhiều hơn so với khả năng bình thường của nhiều người, chứ thấp thấp xuống thấp thấp chút thì nhà nhà đều có bằng tiến sĩ cả.
  • Chán 15:02 24/04/2016
    Một tiến sĩ dỏm ra đời thì một quan tham sẽ ra đời vì quan tốt không bao giờ dùng bằng giả .
  • Phạm Quang Hưng 13:30 24/04/2016
    Nếu chú trọng về viết luận án "Tiến sỹ" thì có lẽ rất rất nhiều Tiến sỹ ở VN thua xa mấy chú em học đại học ra trường và chuyên đi viết luận văn thuê cho các thể loại từ Cao học đến ... [xem thêm]
  • Việt 11:32 24/04/2016
    Không cần phân tích khoa học cao xa, khó hiểu. "Dân ngu khu đen" chỉ hiểu đơn giản rằng VN mình là một trong những nước có tiến sĩ, thạc sĩ đầy đường, nhưng đất nước càng ngày lại càng tụt ... [xem thêm]
  • Cai Vung 10:39 24/04/2016
    Tôi rất trán trọng những tiến sĩ thực chất, nhưng cũng rất xem thường và khinh bỉ những tiến sĩ kém chất lượng. Không gì xấu hổ hơn khi tự mình lừa dối mình.
  • kim thanh 14:59 24/04/2016
    Giả sử tôi là loại tiến sĩ mà báo chí và sư luận đang bình luận kiểu đó, tôi sẽ nhục mặt lắm, tìm chỗ chiu xuống đất vui vẻ gì mà dương dương tực đắc mấy cha ?
  • trang 14:17 24/04/2016
    Vậy thì ở Việt Nam bây giờ có bao nhiêu tiến sĩ dỏm đang làm việc trong cơ quan nhà nước, có bao nhiêu tiến sĩ dỏm đang ngồi ghế lãnh đạo các cấp? Bây giờ cứ ra ngoài đường là gặp rác, vào công sở là gặp "tiến sĩ', khiếp quá. Đưa "tiến sĩ" dỏm vào cơ quan nhà nước chẳng khác nào đưa chất độc vào cơ thể, sẽ gây bệnh hoạn và chết thôi.
  • thao nguyễn văn 11:42 24/04/2016
    đào tạo tiến sĩ đáp ứng nhu cầu xã hội, cần số lượng, miễn bàn chất lượng?! rồi nếu ngồi thảo luận về chuyên đề với các đồng nghiệp nước ngoài, có biết phát biểu hoặc trao đổi?! chỉ làm xấu hổ cho những trí thức chuyên chính.
  • Dan 13:35 24/04/2016
    Những kẻ vô liêm sỉ không biết là mình không xứng đáng vớii tấm bằng tiến sĩ đó.
    Những vị lên cấp tướng mà không hề có công trạng gì chỉ về khoe vợ con lương cao.
  • Phan Hai 11:23 24/04/2016
    Cũng cờ cũng biển, cũng cân đai.
    ... Cha ông ta hồi xưa giỏi quá. Dự đoán cho cả trăm năm sau.
  • chien 15:06 24/04/2016
    Sắp sửa Tiến sỹ với Chiến sỹ gần bằng nhau
  • Minh Nhật 13:26 24/04/2016
    Tiến Sĩ thời nay ư . Chỉ cố lấy cho bằng được sự hãnh tiến và sĩ diện . Trình độ còn thua bác nông dân trong sáng chế và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống .
  • tiensygiay 14:51 24/04/2016
    nhiệm kỳ này trình độ cấp ủy từ cấp tỉnh thành trở lên đại đa số đã là thạc sỹ, rất nhiều vị là tiến sỹ. Nhiệm kỳ sau thì chắc đại đa số là tiến sỹ và rất nhiều vị có thêm ... [xem thêm]
  • Tiến sĩ giấy 16:09 24/04/2016
    Những người đang có bằng TS nghĩ rằng dư luận đang nói về người khác!
  • On Minh 14:57 24/04/2016
    Xã hội "bằng cấp" mới sinh chuyện như thế. Xã hội mà hấu hết là "mù" nên phải đánh giá năng lực con người thông qua bằng cấp, bất biết bằng cấp đó có nguồn gốc từ đâu.
  • Trần Ngũ 14:48 24/04/2016
    Bằng thật - học giả, Tỉnh tôi có dạo 4 vị đầu tỉnh đều chạy bằng TS. Liên hoan chúc mừng tràn cung mây, ngân sách mất cho mỗi vị mấy chục triệu. Nhưng trước và sau khi có bằng TS họ vẫn như vậy
  • Sóc nâu 14:43 24/04/2016
    Ở Sở VHTT TP. HCM có 1 em học thạc sĩ từ học viện này ra bằng tiền củaThành uỷ (cán bộ nguồn), bây giờ thành uỷ cho đi học ở nước ngoài nhưng ngặt nỗi ngoại ngữ không biết, không có bằng cấp. Hỏi ra mới biết, học ở học viện quá dễ, có tiền là đóng vô học thôi.
  • Ganoilai 17:08 24/04/2016
    Tiến sĩ dỏm làm xếp còn tiến sĩ khoa học làm lính , chỉ có ở VN .
  • Nguyễn Tú 16:36 24/04/2016
    Nguy hiểm nhất là các vị tiến sĩ này lại tiếp tục đào tạo ra những tiến sĩ khác.
  • Nong Van Den 15:56 24/04/2016
    Đề án 911 của tổng công trình sư Phạm Vũ Luận có mục tiêu là đến năm 2020 đào tạo 23.000 TS (gồm 10 ngàn đào tạo ngoài nước, 10 ngàn trong nước và 3 ngàn là phối hợp). Mục tiêu đã có rồi, cứ thế mà "chiến" thôi. Chất lượng tính sau. Thắc mắc gì???
  • Trường Sơn 17:07 24/04/2016
    Cách đây 2 năm, khi đọc được một bài báo của một giáo sư ở trường Đại học M. Hà Nội, tôi đã viết thư gửi cho giáo sư đó. Nhưng giáo sư không tiếp thu, nên tôi đã tìm các email gửi để các thày cô trong trường.Giáo sư mà còn như thế, thử hỏi tiến sỹ, Thạc sỹ sẽ ra sao?Sau này tìm hiểu, thấy nhiều người nói rằng, vị GS này chỉ chuyên dịch sách từ tiếng Nga, dịch cũng sai, viết tiếng Anh lại càng sai, nhưng bài nào cùng có cái cụm từ "Nghiên cứu' để đầu tiên.Tôi góp ý, vậy mà chả thấy các thầy cô phản ứng. Tôi tiếp xúc một số thầy cũ mà tôi kính mến. Các thày nói với tôi rằng, dẹp đi em ạ, sau này người ta đọc, người ta cũng sẽ hiểu như em. Các thày cũng ngán lắm, nhưng tặc lưỡi cho qua.Xã hội mình nó thế. Ai cân đong cho đúng bây giờ. Lãnh vực này mà suy thoái thì hỏi còn phát triển đất nước sao được. Nhân đây cũng xin gửi câu hỏi này đến Bà Kim Phung.Hy vọng sau cái sự việc này, mọi chuyển sẽ dần dần tốt hơn, nhất là khi Đảng đang lập lại kỷ cương. Đấy là theo tôi cảm nhận qua cái vụ quán cà phê ở TP HCM.
Xem tiếp bình luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét