Người tiêu dùng thông thái
Hai vợ chồng trẻ mới cưới, ở riêng. Họ từng học chung một trường y khoa nọ. Anh chồng làm ở Trung tâm truyền thông sức khỏe của Sở y tế, còn chị vợ là một bác sỹ khoa ung bướu. Cả hai rất tâm đầu ý hợp trong quan niệm sống, ứng xử, sở thích và đặc biệt là ý thức giữ gìn sức khỏe. Họ hiểu sâu sắc hơn ai hết cái câu “sức khỏe là vàng” và cùng bảo nhau “hãy là người tiêu dùng thông thái”.
Hình minh họa.
Họ không ăn uống hàng quán để tránh lây bệnh. Thực phẩm đóng hộp, ăn liền, có chất bảo quản, họ chẳng bao giờ dùng. Họ cảnh báo mọi người chớ ham thực phẩm rẻ, khuyến mãi, coi chừng sẽ rước họa vào thân. Họ gay gắt phản đối những ai ham lợi mà buôn bán, kinh doanh hàng kém chất lượng, hàng bẩn đầu độc con người. Thực phẩm gia đình hằng ngày họ đều tự mua lấy rồi chế biến, ăn chín, uống sôi, vệ sinh tuyệt đối.Chị vợ mang thai, hai vợ chồng càng cẩn trọng hơn trong ăn uống. Gần đây nổi cộm lên những vụ bê bối về vệ sinh an toàn thực phẩm, khiến họ càng lo lắng. Họ ăn uống theo một chế độ hết sức nghiêm ngặt, khẩu phần hằng ngày đều được hai vợ chồng “duyệt” kỹ trước khi mua.
Ban đầu họ bỏ món thịt, vì thịt heo thì có chất tạo nạc, chất tăng trọng hoặc thịt ôi thiu bị “hô biến” thành thịt tươi, rất khó phân biệt. Còn thịt bò? Bò ăn cỏ, thịt sạch chăng? Họ “Oh, no!” vì đã biết thông tin nông dân bây giờ vỗ béo bò bằng bột công nghiệp, chưa nói thịt heo ngâm hóa chất để biến thành thịt bò, thật giả không biết thế nào mà lần. Thịt gà, vịt cũng cũng bị đôi vợ chồng loại khỏi thực đơn vì gia cầm bây giờ nuôi bằng bột công nghiệp, có hóa chất, dư lượng chất tăng trọng, chất kháng sinh là không tránh khỏi.
Món cá mấy ngày sau cũng bị họ bỏ luôn. Cá nước ngọt người dân nuôi cũng dùng bột công nghiệp, môi trường nước ô nhiễm. Cá biển thì người ta ướp u rê, hàn the, độc cũng không kém.
Tôm thì chủ yếu là tôm nuôi, tôm biển dễ gì mua được. Tôm nuôi càng mất an toàn hơn cá nuôi, dư lượng thuốc kháng sinh rất nhiều, lại có chuyện đâu đó người ta rắc xi măng xuống ao tôm trước khi thu hoạch để tôm tăng thêm trọng lượng. Vậy là món tôm vốn được cho là món nhiều đạm, giàu can-xi, tốt cho phụ nữ mang thai cũng bị vợ chồng họ loại khỏi bàn ăn.
Có lần đi chợ thấy ruốc tươi rất ngon, chị vợ định mua về xào cải bẹ, anh chồng chị rất khoái món này, nhưng sực nhớ chương trình thời sự hôm trước phản ánh chuyện ruốc nhuộm phẩm màu đỏ, thứ thuốc dùng nhuộm vải. Chút nữa ăn phải thứ cực độc này, hú hồn!
Thôi thì ăn trứng vậy. Bà bán trứng chào hàng: “Trứng gà ta đó chị, mua nhiều tôi bớt tiền cho”. Nghe từ “bớt tiền”, chị vợ lại nghi ngờ: Có khi nào trứng gà Trung Quốc người ta mua về tẩy trắng bằng hóa chất thì sao? Thế là gác lại cái ý muốn ăn trứng.
Phụ nữ có bầu, nhìn vào hàng cải chua, dưa muối, măng luộc, chị rất thích. Chợt sực nhớ cái vụ măng dầm vàng ô (loại màu quét tường) ở Đà Nẵng tuần vừa rồi, chị bước qua thật nhanh.
Hay là ăn chay quách cho lành. Khuôn đậu (tàu hủ) thì không được rồi: hàn the! Mua mè về rang muối cho chắc. Nhưng mua đem về rồi thì anh chồng bảo chị vứt ngay đi. Anh chưa quên vụ mè ngâm than pin ở Tuy Hòa (Phú Yên) mà đài, báo phản ánh cuối tháng vừa rồi.
Thôi thì ăn rau luộc cho nó gọn, “đói ăn rau, đau uống thuốc” mà. Đi chưa tới hàng rau, trong đầu chị hiện lên một mớ hình ảnh làm chị kinh sợ: rau rửa bằng nước cống, nước kênh đen kịt; “rau muống nghĩa địa”; rau muống tưới bằng … dầu nhớt thải. Đó là chưa kể những là thuốc trừ sâu, phân bón lá, dung dịch bảo quản rau tươi lâu.
Ăn rau cũng chả xong. Đã trưa quá rồi, thôi ăn bún xì dầu cho khỏe. Bún thì cũng có chút hàn the, nhưng chẳng lẽ nhịn đói? Món này được dọn ra, hai vợ chồng ăn được vài đũa thì anh chồng như linh tính điều gì. Anh lấy chai xì dầu lên xem, thấy nhãn hiệu có mấy chữ Tàu. “Dừng gấp!” - anh bảo - “Coi chừng xì dầu Trung Quốc!”. Chẳng rõ loại xì dầu gì nhưng anh nhớ năm ngoái có báo đăng xì dầu Trung Quốc làm từ dầu ăn, tóc và nước cống!
Anh bảo vợ uống “sữa bà bầu” cho đỡ đói, kẻo tội đứa con ở trong bụng, nó cũng đói rồi. Anh pha cho vợ một ly, động viên vợ uống thứ sữa có vị hơi tanh, hơi khó nuốt này. Chị vợ vừa nuốt khỏi cổ, anh lại bất giác nhớ lại vụ sữa có chất Melamine, vụ sữa ngoại giả bị phát hiện ở quận 10, TP Hồ Chí Minh. Anh lặng thinh, sợ nói ra làm vợ lo.
Đói quá rồi, mì gói sẵn đó mà không dám ăn. Mở tủ lạnh lấy mấy trái cây ăn đỡ. Vợ toan bốc một trái, anh ngăn lại - “Em mang thai, không được ăn thứ này, nhỡ có hóa chất thì sao?”.
Cô vợ cười xòa :
- Thôi thì ăn cơm trắng là an toàn nhất.
- Chắc không nào ? - Anh chồng hỏi vặn lại - Em tưởng gạo không có thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, nhiễm thạch tín hay sao? Có loại gạo giả làm bằng nhựa, loại thì cơm để một buổi thành cơm sống, loại để qua đêm cơm đổi màu đỏ quạch.
- Chỉ có một cách này anh ơi - Chị vợ chua chát nói - Nhịn đói uống nước cầm hơi thôi!
Anh xoa đầu vợ :
- Chưa chắc em yêu ! Nước uống đóng chai chắc gì đã sạch, nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, trang thiết bị mang tính công, nhà xưởng chật chội, nguồn nước không đảm bảo, cơ quan chức năng thì không kiểm tra thường xuyên. Báo chí từng cảnh báo không ít nước đóng chai “siêu bẩn”, nước “tinh khiết” nhiễm phèn em không thấy sao ?
Chị vợ thở dài, nói gượng :
- Thôi thì cũng phải ăn để sống chứ làm sao bây giờ. Người ta sống được, mình sống được. Ăn phải thực phẩm bẩn thì nhiễm bệnh, chết từ từ chứ có chết ngay đâu mà sợ?
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
http://www.voatiengviet.com/content/nguoi-tieu-dung-thong-thai/3295605.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét