Bài học từ thiên nhiên và đừng đổ thừa tại nước nhỏ
Song Chi - Hiện tượng cá chết hàng loạt trôi dạt vào bờ biển các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh cho đến Thừa Thiên-Huế những ngày qua khiến người dân vô cùng hoang mang, lo lắng. Báo chí liên tục đưa tin, hình ảnh cá chết nằm phơi bụng trên bờ, người dân tại chỗ đi lượm xác cá, dù tiếc cũng không dám ăn vì ăn vào là bị nhiễm độc, ngư dân phải treo lưới vì cá bắt về chẳng ai dám mua, và không chỉ cá biển mà cả cá nuôi của người dân cũng bị chết trắng...
Hình minh họ
Nhiều giả thuyết được đưa ra nhưng nhìn chung đều cho rằng do nguồn nước/môi trường bị nhiễm độc. Hoặc có liên quan đển việc các nhà máy ở ven biển, cụ thể là nhà máy gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (do tập đoàn Formosa Đài Loan đầu tư) với ống xả thải khủng có chiều dài 1,5km, đường kính hơn 1,1m xả thẳng ra biển; hoặc cũng có thể do các hoạt động xây dựng các công trình trên vùng biển, ví dụ như việc cải tạo đảo nhân tạo, xây dựng ồ ạt trên các đảo những năm gần đây của Trung Quốc đã làm xáo trộn môi trường tự nhiên ở khu vực này.
a
Điều làm người dân địa phương cũng như cả nước bức xúc là hiện tượng cá chết đã xảy ra hơn 20 ngày nay nhưng các ông lãnh đạo địa phương chả thấy mặt đâu, các ban ngành cao hơn như Bộ Tài Nguyên &Môi trường cùng các đơn vị chức năng phối hợp với các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên cũng đã tổ chức họp, thành lập đoàn công tác đến các tỉnh trên để lấy mẫu nước, khảo sát hiện trường đồng thời cử các chuyên gia giỏi nhất đến tìm hiểu. Nhưng người dân vẫn có cảm giác phản ứng của các cơ quan ban ngành là chậm, đã thế, đôi khi những câu phát biểu của các quan càng làm mọi người tức giận hơn.
Chẳng hạn, ông Phan Lam Sơn-Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh nói: “…Nói chung, các thông số, chỉ tiêu của nguồn nước biển đều nằm trong giới hạn cho phép, chưa vượt ngưỡng đến mức ô nhiễm. Chính vì thế, chưa đủ căn cứ để có thể đưa ra kết luận cá chết hàng loạt là do nguồn nước.” (“Cá chết ở Vũng Áng không do ô nhiễm: Lại tại ông trời?”, Đất Việt). Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh thì cho rằng nhiều loại thủy, hải sản tại các lồng bè ở Vũng Áng vẫn sinh trưởng bình thường, những loại hải sản như: mực, tôm, cua cá vẫn đang sống thì người dân có thể ăn được. Ngoài ra, người dân cũng có thể yên tâm tắm biển ở các vùng biển này. (“Phó Chủ tịch Hà Tĩnh: Yên tâm ăn cá, tắm biển ở Vũng Áng”, Giao Thông)…
Đáng nói hơn, ngay trong thời điểm này, ông quan to nhất nước Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến Hà Tĩnh làm việc, đi thăm nhà máy Formosa đang bị dư luận nghi ngờ là thủ phạm dẫn đến chuyện cá chết nhưng lại không hề nhắc nhở, đề cập gì vấn đề này với ban lãnh đạo Formosa, cũng không hề bước chân ra biển xem tình hình cá chết hoặc tiếp xúc với ngư dân. (“Tổng bí thư kiểm tra tiến độ dự án Formosa”, VietnamNet). Ngược lại, việc đến thăm một số công trình, hạng mục…của Formosa thời điểm này có khi lại có tác dụng “ủy lạo tinh thần” cho công ty.
Thật ra, từ lâu rồi người dân chẳng còn ngạc nhiên gì trước việc các quan chức lãnh đạo của nhà nước cộng sản VN có thái độ đáng chê trách như vậy khi có một sự cố nghiêm trọng ảnh hưởng đến tình hình kinh tế, an ninh quốc phòng hoặc sự an toàn, sống chết của người dân. Những câu nói kiểu như “cá chết không phải tại nguồn nước ô nhiễm, các chỉ số trong nước vẫn ở ngưỡng cho phép” nghe quen quen, cũng giống như không thể kết luận hàng chục, hàng trăm trẻ chết sau khi tiêm vaccine “5 trong 1” Quinvaxem là do vaccine, hay thực phẩm ở ta nhìn chung vẫn an toàn, nợ công vẫn trong ngưỡng an toàn v.v…Nói tóm lại mọi thứ vẫn đúng quy trình!
Tinh thần, thái độ xử lý khi xảy ra một sự cố lớn hay thiên tai, nhân tai của một nhà nước sẽ cho thấy rõ hơn bao giờ hết, nhà nước đó có năng lực hay không, có thật là nhà nước của dân, do dân và vì dân hay không. Cứ nhìn chính phủ Mỹ, Anh, Đức, Nhật, Hàn… đối phó và giải quyết những vụ thiên tai, nhân tai của nước họ thì thấy. Và tùy theo mức độ nghiêm trọng của vụ việc, sẽ có những cá nhân phải chịu trách nhiệm, tự giác từ chức hay bị mất chức, bị xử lý về mặt pháp luật.
Còn ở VN, các quan chức từ trên xuống dưới chả mấy khi phải bị gì, lại quen kiểu “trách nhiệm tập thể” nên cuối cùng chả ai chịu trách nhiệm. Một phần do họ vô cảm, một phần do dốt nát, thiếu năng lực, xử lý kém.
Đất nước là ngôi nhà chung trong đó 95-96 triệu con người đang cùng tồn tại, hít thở, sinh sống. Một khi từ nhà cầm quyền đến người dân không ai quan tâm đến cái ngôi nhà chung, đến môi trường sống chung ấy và cứ “vô tư” xử tệ với thiên nhiên, với môi trường sống, thì hậu quả chẳng cần phải chờ lâu.
Từ việc các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng… có bao nhiêu cây xanh đẹp thì chặt trụi hoặc không chịu trồng cây nên nóng càng thêm nóng, bụi bặm càng thêm bụi. Rừng thì chặt vô tội vạ nên lũ lụt ngày càng nghiêm trọng, rồi đua nhau xây thủy điện bừa bãi khiến sông ngòi khi thì cạn khô khi thì lũ ngập. Đồng bằng sông Cửu Long năm nay bị hạn hán và ngập mặn nặng nề, một phần cũng do việc xây đập thủy điện khủng, tích trữ nước mùa khô ở thượng nguồn sông Mêkong của Trung Quốc, dẫn đến dòng chảy từ thượng nguồn xuống đồng bằng sông Cửu Long bị suy giảm nghiêm trọng, nhưng nhà cầm quyền VN thì lại không chịu tính trước và có những biện pháp đối phó từ lâu nên rơi vào thế bị động. Rồi bây giờ cá chết hàng loạt dọc bờ biển miền Trung là hậu quả của tình trạng ô nhiễm môi trường hoặc nguồn nước bị nhiễm độc v.v…
Trong khi các quốc gia văn minh, tiến bộ đều chú ý bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống, ngay cả một quốc gia nghèo, nhỏ bé như Bhutan cũng rất ý thức về điều này qua bài nói chuyện đầy ấn tượng của ông Thủ tướng Tshering Tobgay về biến đổi khi hậu được lan truyền trên mạng mấy hôm nay.
Các vị vua và những nhà lãnh đạo anh minh, sáng suốt của quốc gia nhỏ bé chỉ có 700,000 dân, nằm kẹt giữa hai quốc gia khổng lồ là Ấn Độ và Trung Quốc này đã có tầm nhìn xa, như phải cân bằng giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội, bền vững môi trường và bảo tồn văn hóa; rằng đối với Bhutan, tổng hạnh phúc quốc gia quan trọng hơn tổng sản lượng quốc gia (Gross National Happiness is more important than gross national product), tuyên bố của Vị vua thứ tư của Bhutan trong những năm 1970. Và kể từ đó, sự phát triển của Bhutan luôn luôn dựa trên sự định hướng này.
Dù nghèo, chính phủ Bhutan đã cố gắng cung cấp giáo dục, y tế miễn phí cho người dân, có những biện pháp, chương trình để bảo vệ thiên nhiên, đảm bảo 60% diện tích quốc gia được che phủ bởi rừng, tạo thành lá phổi khổng lồ cho đất nước, bảo vệ các công viên, muôn thú…Không chỉ cam kết không phát thải khí nhà kính, những nhà lãnh đạo Bhutan còn suy nghĩ cho cả thế giới qua việc xuất khẩu năng lượng sạch cho các quốc gia láng giềng, để giúp giảm thải khí CO2 trên toàn cầu.
Ngay cả công nghiệp du lịch họ cũng chọn lọc, không vì tiền mà cho du khách vào ồ ạt làm ảnh hưởng đến môi trường, xã hội, đời sống văn hóa của người dân. Đối với nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc, họ luôn có thái độ cảnh giác. Dù có chung đường biên giới khá dài với Trung Quốc nhưng Bhutan là quốc gia duy nhất không thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh “Bhutan-Quốc gia duy nhất không quan hệ với Trung Quốc” (Ngày Nay).
Tôi không rõ nhà cầm quyền VN có cảm giác xấu hổ khi nghe bài phát biểu này không, nhưng là một người VN, tôi cảm thấy xấu hố và đau đớn, bởi vì đất nước Bhutan nhỏ bé như vậy nhưng những người lãnh đạo của họ đã biết nhìn xa, và đưa đất nước đi đúng hướng. Kể cả trong quan hệ ngoại giao, họ biết cảnh giác đối với những láng giềng không tử tế, luôn có tham vọng bành trướng.
Ngược lại ở VN, nhà cầm quyền do tham lam, ngu dốt, thiếu một tầm nhìn xa trông rộng, không cân nhắc thiệt hơn, không có những kế hoạch bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường mà chỉ “ăn” vào thiên nhiên, tài nguyên có sẵn, chỉ ham đầu tư những dự án có lợi trước mắt mà có hại về lâu về dài, chưa kể vừa làm vừa “ăn” vừa phá…nên hậu quả ngày càng rõ. Thiên nhiên đã bắt đầu đáp trả lại.
Trong lĩnh vực đối ngoại, suốt hơn 7 thập kỷ qua, (............................) tạo cơ hội cho các công ty của Trung Quốc trúng thầu phần lớn dự án trong mọi lĩnh vực; thương lái Trung Quốc đi từ Nam ra Bắc thu mua đủ thứ nông hải sản, làm cho nông dân, ngư dân Việt khốn đốn nhiều lần vì những kiểu làm ăn tráo trở; hàng hóa dỏm, chất lượng kém, độc hại của Trung Quốc tràn ngập khắp nơi góp phần giết chết nền kinh tế VN vốn đã bị phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc; rồi bây giờ đến vấn đề hạn hán hay cá chết vừa qua đều có “yếu tố Trung Quốc” như chính nhà cầm quyền thừa nhận.
Vậy thì đừng đổ thừa định mệnh của VN do nằm bên cạnh Trung Quốc nên phải lao đao. Nếu nằm bên cạnh mà không chơi, không thiết lập quan hệ ngoại giao như Bhutan, hay từng bị phụ thuộc nặng nề như Myanmar nhưng bây giờ tỉnh ngộ và biết tìm cách thoát ra, hay có những biện pháp đề phòng và biết xây dựng quan hệ đồng minh với các nước lớn khác thì đâu đến nỗi…
Chỉ biết rằng trong những ngày này, với những ai còn có lương tri, hiểu biết, khi nhìn những cánh đồng nứt toác như “đất chết”, lúa chết, nông sản cháy khô, người nông dân khóc ròng, hoặc những vùng “biển chết”, cá chết dày đặc dạt vào bờ phơi trắng bụng, ngư dân thơ thẩn đi lượm xác cá…mà chợt nhói lòng vì viễn cảnh về một tương lai ảm đạm, đói kém đang đến gần… Quả báo chưa bao giờ rõ đến thế.
Song Chi
(Blog RFA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét