Sinh lực phụ nữ đổ ra cho cái Tết như thế nào?
Thậm chí kể cả trước Tết chăng nữa thì dù là quà hay là mua sắm nó ám ảnh người ta không những là quán tính trong đời sống mà nó còn tồn tại khiến cho cái Tết trở thành gánh nặng cho hàng triệu phụ nữ tại Việt Nam - Nhà văn Trang Hạ
Ảnh chụp tại Hà Nội hôm 28 Tết (5/2/2016)
Tết truyền thống và sự khổ nhục của người phụ nữ ViệtTết. Khi người ta nghe tới cái tiếng quen thuộc này thì hình như cả xã hội rộn rã lên vì hình ảnh mùa xuân mới sẽ tràn lên mọi ngõ đường của quê hương. Tết có mãnh lực xóa tan mọi ưu phiền của đời sống vì người ta biết rằng trong những ngày này, mọi lo âu về cuộc sống thực sẽ tạm thời được gác sang một bên. Gia đình sum họp, bạn bè gặp nhau hàn huyên cho bõ lúc một mình hẩm hiu sau những giờ dài nơi công sở. Người ta dọn dẹp nhà cửa từng chút một và trong thời khắc quan trọng cuối năm ấy, dọn dẹp nhà của như một dịp tốt nhất để nhìn lại căn nhà của mình từng mỗi chi tiết nhó. Những chi tiết ấy có cả buồn vui, giân hờn, thành công hay thất bại của cả năm qua.
Dọn dẹp nhà cửa giống như lau lại khuôn mặt quá khứ để đón những gì sắp tới mà nhiều người tin rằng sẽ rực rỡ hay ít ra cũng sáng lạn hơn năm cũ.
Tết cũng là dịp để người phụ nữ nấu nướng, mua sắm và chứng tỏ mối quan tâm của mình đối với người thân và chung quanh. Ngày Tết người ta nhìn nhau bằng đôi mắt thân thiện hơn, ngay cả với người mà họ không thích. Người Việt tin rằng trong mùa Xuân, những chồi non hạnh phúc của đất trời sẽ làm người xấu nhất cũng trở thành người tốt, và vì vậy mọi đố kỵ, ghen ghét lẫn nhau trước đây sẽ tạm thời lắng xuống, thay vào đó là niểm hân hoan cần chia sẻ với nhau.
Thế nhưng, đánh đổi lại những hình ảnh tươi vui, đáng sống ấy là mồ hôi, là những gánh nặng đè lên đôi vai của những người chủ gia đình bất kể gia đình ấy thuộc thành phần nào trong xã hội.
Người đàn ông trong gia đình vào thời khắc này thật quan trọng vì họ là đầu máy của con tàu nhỏ. Trong nhiều trường hợp ngoài bổn phận kiếm tiền trang trải cho mọi chi phí ngày Tết, người đàn ông còn là người nhạc trưởng quan sát mọi chi tiết trong gia đình và bù đắp những khiếm khuyết bằng những hình ảnh tươi vui ngày Tết.
Ảnh chụp tại Hà Nội hôm 26 Tết (3/2/2016). AFP PHOTO.
Họ là người chu đáo sửa soạn bạn thờ, trang trí bức tường đã quá quen thuộc trong suốt năm bằng những tấm ảnh mang đậm màu sắc của ngày Tết. Có thể mỗi năm chỉ một lần, họ tự tay cắt xén giàn hoa trước ngõ hay chăm chút cho căn bếp được ngăn nắp hơn để người phụ nữ của họ thoải mái trong việc bếp núc… những đóng góp và chia sẻ ấy rõ ràng là hình ảnh quen thuộc của đàn ông trong ngày Tết mà chúng ta đều đã và đang nhìn thấy.
Nhưng cuộc đời, xã hội Việt Nam nào phải đâu đâu cũng chỉ có những hình ảnh lý tưởng như vậy?
Bên cạnh người vợ quần quật dưới bếp từ ngày 28 Tết là tiếng cụng ly chan chát của bạn bè chồng trên phòng khách. Tiếng cười nói không ngưng nghỉ hòa cùng với tiếng hò reo trong cuộc rượu bên nhà hàng xóm tạo thành một không khí mở hội quen thuộc và những người phụ nữ trong các căn nhà ấy chớ hề lên tiếng, ngay cả cằn nhằn về các cuộc nhậu của chồng. Họ còn đòn bánh chưng phải gói, rổ kiệu còn phải xem chừng, nồi măng trên bếp không được quá lửa, quần áo cho con dịp Tết năm nay mua ở siêu thị nào cho rẻ.
Nhà văn Trang Hạ có một bài viết gây tranh cãi về cái mà nhiều người đã và đang chứng kiến nhưng lại không đồng thuận với nhau về điều được gọi là Tết truyền thống và sự khổ nhục của người phụ nữ Việt trong gia đình. Trang Hạ lên án sự “cam tâm” của người đàn ông khi thấy vợ mình quần quật như nô lệ cho ngày Tết trong khi họ không dám nói “không” trước những mời mọc của bạn rượu. Nói với chúng tôi về việc này Trang Hạ chia sẻ:
“Cho đến bây giờ là thế kỷ thứ 21 rồi nhưng mà chúng ta vẫn ăn Tết truyền thống hoàn toàn theo cái quán tính của các năm trước đây lúc mà món ăn được nhấc lên hàng đầu và người ta coi Tết tức là ăn Tết chứ không phải chơi Tết hay là vui Tết. Thậm chí kể cả trước Tết chăng nữa thì dù là quà hay là mua sắm nó ám ảnh người ta không những là quán tính trong đời sống mà nó còn tồn tại khiến cho cái Tết trở thành gánh nặng cho hàng triệu phụ nữ tại Việt Nam, trong đó có cả thế hệ của Trang Hạ và bạn bè, là những người lớn lên trong các gia đình truyền thống.
Khi mình ra xã hội, ra nước ngoài thì sự gặp gỡ, đọc sách khiến mình thấy rằng đời sống hiện đại nó mâu thuẫn hoàn toàn với cái nhu cầu thật sự của một con người. Ví dụ như nhu cầu được nghỉ ngơi, nhu cầu được tôn trọng, nhu cầu được bình đẳng và chia sẻ thậm chí nhu cầu được thay đổi đời sống cho phù hợp với cuộc sống hiện đại. Ví dụ như quanh năm đã vất vả rồi nhưng đến Tết thì nỗi ám ảnh về ăn Tết và đời sống vật chất nó vẫn này nọ lên.”
Sự đảm đang của người phụ nữ
Những vật liệu cúng ông bà từ đêm giao thừa cho tới ngày mùng hai tiễn ông bà cũng phải chuẩn bị đầy đủ. Mỗi ngày ba bữa mời trà mời cơm ông bà là một thủ tục không thể thiếu trong nhiều gia đình Việt Nam. Thực hiện nghĩa vụ này chứng tỏ sự hiếu thảo của người con trong gia đình và hơn thế nói lên sự đảm đang của người phụ nữ.
Đảm đang là tiêu chí hàng đầu của một người vợ, nó đè nặng và siết chặt mọi suy nghĩ có tính cách vượt thoát ra khỏi cái định nghĩa quen thuộc nhưng không kém phần nghiệt ngã đối với phụ nữ Việt Nam. Ngày Tết, hai tiếng này lại một lần nữa buộc họ phải ngồi xuống bắt tay vào công việc bộn bề mà mỗi ngày họ không thể hoàn thành trước 12 giờ đêm để chuẩn bị cho ba ngày Tết.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu một chuyên gia về khảo cổ và văn hóa đô thị cho biết giải pháp mà bà cho là có thể vừa gìn giữ bản sắc truyền thống nhưng đồng thời có thể giảm gánh nặng trên vai người nội trợ trong ba ngày Tết:
Tôi cũng thấy trong nhiều gia đình thì họ có chia sẻ, phụ làm những việc lau dọn nhà cửa chẳng hạn. Đương nhiên chuyện bếp núc trong mấy ngày Tết, dọn dẹp các thứ thì chắc chắn những ngày đấy chỉ là vai trò của người phụ nữ thôi. -TS Nguyễn Thị Hậu |
Tôi nghĩ ngày Tết đối với người phụ nữ Việt Nam là thời gian sum họp gia đình, việc sum họp gia đình hay là tập hợp gia đình trong những ngày Tết ngày giỗ thì chắc chắn không thể thiếu được sinh hoạt như những bữa ăn, thế rồi ngày Tết còn là những tục lệ ông bà để lại như là cúng 30 rồi đón rước ông bà, đưa ông bà …. chưa kể mình còn phải tiếp khách trong những ngày mà cả năm có khi không gặp nhau và họ hàng đến thăm nhau. Cho nên những sinh hoạt ngày Tết thì chắc chắn phải khác các sinh hoạt ngày thường.
Nếu như ngày thường là thời gian công nghiệp mỗi gia đình họ đi làm việc tới bữa ăn thì cũng chỉ rất đơn giản, thậm chí ngày giỗ ở đô thị cũng rất đơn giản. Cho tới bây giờ ít nhất ở Việt Nam mình ngày Tết vẫn còn giữ được truyền thống là thời gian sum họp gia đình, quây quần quanh bữa ăn rồi có một số tục lệ vì vậy cho nên vào ngày Tết thì đương nhiên người nội trợ trong nhiều gia đình và những người đàn ông có thể chia sẻ được phần nào thì chia sẻ.
Tôi cũng thấy trong nhiều gia đình thì họ có chia sẻ, phụ làm những việc lau dọn nhà cửa chẳng hạn. Đương nhiên chuyện bếp núc trong mấy ngày Tết, dọn dẹp các thứ thì chắc chắn những ngày đấy chỉ là vai trò của người phụ nữ thôi.
Đấy là việc của mình vẫn làm hàng ngày, hai là những ngày đấy thường được xem cho vui nhà vui cửa. Thât ra nếu không ai giúp thì phụ nữ cũng ráng làm một chút cho nó xong cho nó vui. Ông bà mình cũng không muốn ngày Tết nó mất vui. Vì vậy nếu chỉ vào hiện tượng thí quả thật có những gia đình, đặc biệt là những gia đình còn giữ tập tục quá nặng nề thì vai trò của người phụ nữ quá mệt mỏi. Họ thực sự không có thời gian nghỉ ngơi. Nếu nhìn từ góc độ văn hóa truyền thống thì căn nguyên của vấn đề là ở đấy.”
Tết truyền thống dính chặt với sự đảm đang của người phụ nữ trong gia đình và chiếc phù điêu tuyệt đẹp ấy kéo nặng họ xuống, cõng trên lưng không biết bao nhiêu là trách nhiệm phải gánh vác. Là một nhà văn Trang Hạ có dịp thảo luận đề tài này với độc giả nữ của chị và ghi nhận được sự nhẫn nhịn của họ để được tiếng đảm đang, đến nỗi họ thường xuyên đón giao thừa trong phòng tắm thay vì bên chồng con, ông bà trong phòng khách:
“Đa số những người phụ nữ mà Trang Hạ trò chuyện, những người là độc giả của Trang Hạ họ đều chia sẻ ý nghĩ những gánh nặng bản thân của họ như bếp núc vào ngày Tết và nỗi hãi hùng khi ngân sách gia đình khiêm tốn nhưng phải mừng tuổi phong bao hết lượt từ bố mẹ, họ hàng, gia đình, trẻ con hàng xóm, trẻ con người thân. Rất nhiều người họ phải vay tiền ăn Tết. Một ngày có 16 tiếng họ thức thì hết 8 tiếng phải ở gần cái chạn rửa bát và nồi cơm điện.
Chuẩn bị cúng kiến, tiếp khách bạn bè, thậm chí thu dọn bãi chiến trường ăn uống. Có người phụ nữ họ nói là từ 10 năm nay từ khi họ lấy chồng họ đều đón giao thừa ở trong buồng tắm. Tôi tin rằng Tết cổ truyền hiện nay đang tiêu tốn quá nhiều sinh lực của xã hội này nhất là sinh lực của những người phụ nữ.”
Tết đúng là truyền thống tốt đẹp của dân tộc cần phải gìn giữ, tuy nhiên bất cứ truyền thống nào dính chặt tới đời sống thường nhật của con người trong thời đại mới cũng cần phải thay đổi hay cải cách cho thích nghi với nhịp độ nhanh đến chóng mặt. Truyền thống bất kể tâm trạng của xã hội sẽ có khả năng làm người ta nhanh chóng quay lưng với nó dù nó tốt đẹp tới mức nào đi nữa. Qua kinh nghiệm của một chuyên gia nghiên cứu về văn hóa, TS Nguyễn Thị Hậu chia sẻ:
“Với nhận xét của tôi thì các đô thị muốn chia sẻ hay muốn giảm tải thì đầu tiên là tập tục truyền thống cũng cần có sự cải biên đi. Ở nông thôn hay thành phố tôi thấy nhiều gia đình chỉ cúng chính hay là cúng buổi trưa hay chiều và cái buổi cúng đấy cũng có thể là bữa họ mời họ hàng bà con hay những người bạn thân đến. Vừa kết hợp làm mâm cúng ông bà vừa là dịp mời khách khứa đến ăn cơm khỏi phải bày vẽ ra quá nhiều để cho người phụ nữ cũng như những người khác trong gia đình đỡ mệt mỏi và có thời gian để trò chuyện hay đi chơi và thậm chí thời gian đấy có những sinh hoạt văn hóa văn nghệ khác.
Nếu như nhìn dưới góc độ tập tục truyền thống thì rõ ràng mình phải thừa nhận ngày Tết là cái ngày mà người phụ nữ lộ rõ vai trò của mình hơn. Từ việc gói bánh, mua sắm, cho tới tiếp khách dọn dẹp trong nhà. Nếu như nhìn ở góc độ xã hội hiện đại muốn giảm tải việc này thì đầu tiên trong gia đình phải đồng thuận giảm bớt những tập tục mà thật sự nếu mà để thì cũng tốt, nhưng rõ ràng nó không còn phù hợp lắm với nếp sống hiện đại cho nên cần phải giữ thế nào đấy để vẫn còn lưu truyền lại tập quán xưa rất tốt đẹp nhưng đồng thời nó cũng phải phù hợp với cuộc sống hiện đại cho gia đình đỡ mệt mỏi thì đương nhiên nó sẽ vui vẻ hơn trong những ngày đầu năm.”
Ngày Tết nhìn lại thành quả một năm nếu trong ấy có được sự thay đổi nhận thức của toàn xã hội thì thành quả ấy không có gì lớn hơn. Tết trong tinh thần đoàn viên, chia sẻ hạnh phúc bên người thân luôn có ý nghĩa hơn rất nhiều thay vì chạy theo sự hào nhoáng cho gia đình hay tiếng thơm “đảm đang” của người phụ nữ.
Truyền thống chỉ thực sự đáng ca ngợi khi nó làm cho đời sống tinh thần con người tốt hơn. Nếu vì chạy đua cho bằng người khác mà phải tranh thủ kiếm thêm tiền bằng bất cứ giá nào, kể cả phải đi vay nóng với phân lời cắt cổ thì nỗi ám ảnh sau Tết sẽ rút hết sinh lực của người dân có thu nhập thấp. Hình ảnh đó là có thật và nếu được nhân rộng lên do sự nhạy bén của đời sống công nghiệp thì những ngày nghỉ Tết kéo dài hơn tuần lễ của Việt Nam sẽ trở thành ác mộng cho nhiều gia đình, kể cả những gia đình có các bà nội trợ được tiếng là đảm đang nhất.
Mặc Lâm
phóng viên RFA
Theo RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét