Nước ngoài thắng thế mọi phân khúc
Quốc Hùng - (TBKTSG) - Các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đang đẩy mạnh chiếm lĩnh thị trường Việt Nam bằng cách một mặt liên tục mở rộng mạng lưới trên cả nước, một mặt tăng cường việc chuyển nhượng, mua bán và sáp nhập (M&A) các hệ thống phân phối của doanh nghiệp trong nước.
Siêu thị Emart của tập đoàn Shinsegae (Hàn Quốc) vừa
được khai trương ở Gò Vấp, TPHCM. Ảnh: QUỐC HÙNG
Chuyển động của nhà bán lẻ châu ÂuThương vụ tập đoàn Metro (Đức) bán toàn bộ 19 điểm kinh doanh Cash&Carry ở Việt Nam cho tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan với giá 655 triệu euro còn chưa hoàn tất thì mới đây, tập đoàn Casino (Pháp) - chủ hệ thống siêu thị Big C cho biết có dự định sẽ nhượng lại các hoạt động của Casino tại Việt Nam. Hãng tin Bloomberg dẫn nguồn từ các chuyên gia tài chính rằng, giá chuyển nhượng tài sản của Casino tại Việt Nam (chủ yếu là chuỗi siêu thị Big C) có thể khoảng 750 triệu euro. Với cái giá dự kiến này, giới phân tích nhận định chuỗi 32 siêu thị Big C trải rộng khắp các tỉnh thành trong cả nước khó có thể lọt vào tay doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu có phải thị trường bán lẻ trong nước không còn hấp dẫn nên hai tập đoàn bán lẻ lớn của châu Âu là Metro và Casino quyết định rút khỏi thị trường? Thực tế, việc thoái lui của cả hai tập đoàn này đều có tính toán, như Metro chủ yếu là để tối đa hóa lợi nhuận trong năm tài chính trong khi Casino là nhằm góp phần giảm nợ trong năm 2016 và để tập trung vào thị trường truyền thống.
Điều này cho thấy các nhà bán lẻ nước ngoài dù có rút khỏi thị trường Việt Nam thì những chuỗi kinh doanh này vẫn sẽ tiếp tục phát triển dưới tay người chủ nước ngoài khác, bởi theo nhận định của giới phân tích, thị trường phân phối trong nước hiện còn nhiều tiềm năng để phát triển. Chẳng hạn tập đoàn Metro dù bán hệ thống Cash&Carry nhưng sẽ không rời Việt Nam vì hãng đã đạt được thỏa thuận mua lại Classic Fine Foods Group (CFF), một nhà phân phối thực phẩm cao cấp có trụ sở ở Singapore và đang hoạt động tại nhiều thành phố khác gồm cả TPHCM.
Thị trường Việt Nam cũng đang chứng kiến sự tham gia của tập đoàn AuchanSuper (Pháp) với kế hoạch mở chuỗi siêu thị Simply Mart. Hiện AuchanSuper đã có ba siêu thị đầu tiên tại TPHCM và dự kiến sẽ phát triển thêm 15 siêu thị nữa vào năm tới, với vốn đầu tư khoảng 500 triệu đô la Mỹ vào thị trường Việt Nam. Thương hiệu bán lẻ Marks & Spencer (Anh) cũng đã vào Việt Nam thông qua Central Group (Thái Lan).
...và nhà bán lẻ châu Á
Tuy nhiên, thị trường phân phối Việt Nam hiện thu hút hàng loạt nhà bán lẻ châu Á lớn vào đầu tư, mua cổ phần hoặc M&A. Đơn cử như Emart của tập đoàn Shinsegae (Hàn Quốc) vừa mới khai trương siêu thị đầu tiên tại quận Gò Vấp, TPHCM, được xây trên khu đất rộng 3 héc ta, vốn đầu tư 60 triệu đô la Mỹ. Ngoài ra, Emart cũng đang chuẩn bị cho kế hoạch xây dựng trung tâm thứ hai đặt ở quận Tân Phú.
Nhà đầu tư Hàn Quốc đến trước cả Emart là Lotte Mart, đang phát triển hơn 10 siêu thị và trung tâm thương mại (TTTM) lớn ở TPHCM và nhiều tỉnh, thành khác. Nhà bán lẻ này cũng đã mua TTTM Diamond Plaza ngay khu trung tâm TPHCM từ đối tác đồng hương Posco.
Trong khi đó, nổi bật trong ba năm gần đây phải kể đến tập đoàn Aeon của Nhật Bản, với ba TTTM lớn tại TPHCM, Bình Dương và Hà Nội. Ngoài ra, nhà bán lẻ này còn mua cổ phần hai hệ thống siêu thị Citimart và Fivimart với tỷ lệ nắm giữ lần lượt là 49% và 30%. Ở thời điểm công bố việc mua lại này vào đầu năm nay, Fivimart có 20 siêu thị ở phía Bắc, trong khi Citimart có 27 siêu thị chủ yếu ở TPHCM.
Sắp tới, thị trường bán lẻ trong nước sẽ chứng kiến một “đại gia” bán lẻ đồng hương với Aeon là Takashimaya. Theo kế hoạch vào giữa năm 2016 Takashimaya sẽ mở TTTM đầu tiên rộng 15.000 mét vuông tại tòa nhà Saigon Centre ở TPHCM. Nhà bán lẻ có thâm niên hơn 180 năm hoạt động này đã có 20 trung tâm bán lẻ lớn ở Nhật và ba trung tâm ở Singapore, Thượng Hải và Đài Bắc.
Tuy nhiên những đối thủ ở khu vực Đông Nam Á được xem là nỗi lo lớn của các nhà bán lẻ trong nước hiện nay khi VivoCity (Singapore) mở TTTM đầu tiên ở TPHCM rộng 72.000 mét vuông vào giữa năm 2015, trung bình đón hơn 700.000 khách/tháng.
Một đối thủ đáng gờm khác cũng từ Singapore là Công ty NTUC FairPrice. Doanh nghiệp này đã hợp tác với Saigon Co.op để mở hai chuỗi siêu thị Co.opXtra (có mô hình gần với Big C) và Co.opXtra Plus (tương tự Cash&Carry). Hiện liên doanh này đã mở được hai điểm bán đầu tiên đều tại TPHCM.
Trong khi đó, Giant thuộc tập đoàn Dairy Farm, hoạt động dưới hình thức siêu thị và đại siêu thị ở Singapore, Malaysia, Indonesia và Brunei với hơn 5.000 cửa hàng bán lẻ đã mở điểm bán đầu tiên tại Crescent Mall, quận 7, TPHCM và đang tìm cơ hội để mở thêm nhiều siêu thị nữa.
Các nhà bán lẻ của các nước khác trong khu vực như Parkson (Malaysia), Robins thuộc tập đoàn Central Group (Thái Lan)... cũng đang tăng cường đầu tư và mở rộng chuỗi kinh doanh ở thị trường Việt Nam khi đã tạo dựng được những điểm kinh doanh lớn như Parkson có chín điểm ở TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng; trong khi Robins dù mới vào thị trường trong nước được hai năm nay cũng đã có hai điểm tại TPHCM và Hà Nội.
Độc chiếm cửa hàng tiện lợi
So với các mô hình bán lẻ khác, mô hình cửa hàng tiện lợi (mở cửa 24 giờ/ngày) đang phát triển rất nhanh. Mô hình kinh doanh này được đánh giá không chỉ đem đến nhiều lợi ích cho người tiêu dùng mà còn là cơ hội của các doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng theo một cách mới. Tuy nhiên, hiện nay mô hình này hầu như chỉ dành riêng cho các thương hiệu nước ngoài.
Giá trị thị trường của mô hình kinh doanh này được giới phân tích đánh giá đã vượt qua mốc 1 tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái và tính đến tháng 8 rồi có năm chuỗi chính, bao gồm: Shop & Go (thuộc một tập đoàn Malaysia với gần 130 cửa hàng; Circle K (Mỹ) với 110 cửa hàng và đang có kế hoạch đạt đến 500 cửa hàng trên toàn quốc vào cuối năm 2017. Trong khi đó, hệ thống cửa hàng FamilyMart, chỉ một năm sau khi bán hết 49% cổ phần trong liên doanh với tập đoàn Phú Thái, đến tháng 8 rồi đã gầy dựng được hơn 70 điểm bán.
Tương tự, sau năm năm không đạt mục tiêu mở 500 cửa hàng, hồi đầu năm nay, Công ty Ministop (Nhật) đã chia tay với G7 (thuộc tập đoàn Trung Nguyên), chuyển sang bắt tay với tập đoàn đồng hương Sojitz nhắm tới mục tiêu phát triển 800 cửa hàng. Sojitz cùng Ministop đã phát triển được khoảng 30 cửa hàng và lên kế hoạch mở rộng nhượng quyền thương hiệu vào năm tới. Trong khi đó B’s mart (do tập đoàn Phú Thái và đối tác Thái Lan quản lý) hiện đã phát triển được 75 cửa hàng tại TPHCM.
Một đối thủ đáng gờm khác trong mô hình kinh doanh này là 7-Eleven vào giữa năm nay đã công bố sẽ mở cửa hàng ở Việt Nam vào năm 2017. Mục tiêu của doanh nghiệp này là phát triển được 100 cửa hàng sau ba năm ở Việt Nam.
Với phân khúc cửa hàng tiện lợi, giới phân tích cho rằng cuộc “đánh chiếm” mới chỉ bắt đầu vì hiện cả thị trường có chưa tới 700 cửa hàng. Các nhà bán lẻ dự đoán thị trường Việt Nam trong vòng 10 năm tới có thể có tới 15.000 cửa hàng tiện lợi.
Chen chân vào siêu thị điện máy
Lâu nay, lĩnh vực cửa hàng điện máy và hàng công nghệ được cho là dành riêng cho doanh nghiệp trong nước, thế nhưng gần đây các nhà bán lẻ nước ngoài cũng bắt đầu chen chân vào. Ở mảng kinh doanh này, nhà bán lẻ nước ngoài chỉ đi theo con đường M&A hoặc mua cổ phần. Gây tiếng vang lớn là thương vụ Power Buy thuộc tập đoàn Central Group đã mua lại 49% cổ phần của Công ty cổ phần Thương mại Nguyễn Kim, thành viên của Nguyễn Kim Group vào đầu năm nay. Với thương vụ này, nhà bán lẻ điện máy lớn của Thái Lan được tham gia quản lý 21 trung tâm điện máy của Nguyễn Kim.
Sớm hơn Power Buy là nhà bán lẻ điện máy Nhật Bản Nojima - vào Việt Nam từ giữa năm 2013 bằng việc sở hữu 10% cổ phần của hệ thống điện máy lớn ở phía Bắc là Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh. Từ tháng 6-2015, Nojima đã nâng tỷ lệ nắm cổ phần tại Trần Anh lên 31%. Với sự tham gia vốn của Nojima, mới đây, siêu thị Trần Anh đã có cửa hàng đầu tiên được đầu tư theo mô hình kinh doanh và dịch vụ của Nhật, có gắn cả thương hiệu Nojima...
Trong bối cảnh các nhà bán lẻ hàng điện máy và công nghệ đang gặp khó khăn do sức mua giảm và bị cạnh tranh khốc liệt, giới quan sát cho rằng khả năng thời gian tới nhiều nhà bán lẻ trong nước buộc phải đóng cửa hoặc bán cho nhà đầu tư nước ngoài thông qua con đường M&A để lớn mạnh hơn.
http://www.thesaigontimes.vn/140484/Nuoc-ngoai-thang-the-moi-phan-khuc.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét