Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

NGỠ NGÀNG GẶP LẠI LÂM HÀ… SAU 36 NĂM

NGỠ NGÀNG GẶP LẠI LÂM HÀ… SAU 36 NĂM
Bút ký Nguyễn Thị Ngọc Hải - Lúc đó là phóng viên trẻ của Báo Phụ nữ Việt Nam, tôi không còn giữ bài viết về đất này đã đăng báo sau chuyến đi ấy. Nhưng còn giữ cuốn nhật ký riêng tư đã long hết gáy. “Chuyến đi công tác vào Khu kinh tế mới của Hà Nội tại Lâm Đồng từ 27-8 đến 6-9-1978”.
Trung tâm huyện Lâm Hà hôm nay. Ảnh: N.Minh
“4 giờ sáng tỉnh dậy chuẩn bị đồ đạc thì cu Nguyên bỗng kêu đau bụng. Sắp đi thì con ốm. Dự tính chồng chở vợ ra chỗ tập trung ở Bờ Hồ, (tưởng lén đi khi con ngủ) bây giờ nó thức dậy, đứa trẻ lên 4 sẽ ở nhà một mình trong đêm vắng sao đây? Cho con đi vệ sinh xong, đành nói thật: Con nằm đây nhé. Mẹ đi công tác, bố phải lai mẹ ra không có đúng giờ máy bay nó chạy mất.

Có lẽ nghe “nó chạy mất” nên con vội giục: Mẹ cứ đi đi, nhớ để đèn cho con. Mẹ đi công tác đi nhé. Mình thương con, đời phóng viên xa con luôn, nên lòng hay lo sợ. Nó ngoan đến nỗi nghĩ hay là điềm gở. Đi xa nhà, không hiểu sao mình cứ sợ ở nhà…con chết. Luôn có cảm giác sợ hãi ấy lúc chia tay…”

Tôi trích đoạn riêng tư ấy vào bài viết này để thấy sức nặng của thời gian đã 36 năm như thế nào. Cu Nguyên ấy nay đã là người cha của 2 con nhỏ, đã là một sếp của Công ty nước ngoài, là dịch giả của “My life” cuốn sách dày cộm về cuộc đời Tổng thống Bill Clinton. Và đến chuyến may mắn trở lại Lâm Hà trong đoàn nhà văn hôm nay, tôi đã thành bà nội.

Tiếp nhật ký ngày xưa:


“…Tây Nguyên hùng vỹ và bí ẩn hiện ra với những dòng thác sang lòa. Và sân bay Liên Khương phía Nam Dalat - nơi đã đón đoàn phái bộ của Chính phủ Cách mạng non trẻ vào đây để chuẩn bị Hiệp ước Sơ bộ năm 1949. Như mọi sân bay phía Nam, nhưng lộ vẻ Cao nguyên ở khí hậu, sự vắng vẻ và…dưới đế giày. Dù có ăn mặc đẹp thì đế giày vẫn giống nhau bám đầy đất đỏ. Những xứ đạo Cao nguyên thỉnh thoảng xuất hiện. Bên đường, từng tốp người dân tộc da sẫm màu, lưng đeo những chiếc cần xé to đến nỗi mỗi khi nghỉ, họ không thể tháo ra, mà đứng ngả người ngay tại chỗ, chống một khúc gỗ to đỡ lấy trọng lượng của cái sọt vẫn nằm nguyên trên lưng.

Các nhà báo đã đến được trung tâm của khu Kinh tế mới Hanoi. Người chỉ huy báo cáo tình hình. Họ khai hoang khá nhiều, nhưng dân chưa vào kịp, đất trở lại hoang hóa. Công việc chính là phải ổn định thành làng, có thể sống được, tự túc lương thực, làm kinh tế chăn nuôi và dâu tằm. Rồi từ đó đưa dân tiếp tục vào. Chỉ trong vòng hai năm đã làm được khối lượng lớn khai hoang, Nhưng, theo lời giới thiệu, thì khó khăn trăm bề. Dân đã yên tâm vào đây đâu. Mùa khô thiếu nước, bụi và cháy rừng, cháy đồng cỏ, bò không có nước uống. 70% lực lượng tiền trạm đòi về…

Nghe tình hình xong, có nhà báo nản. Thế này tìm đâu ra điển hình tích cực để viết? Ngày mai có nên đi xuống các Tổng đội nơi hẻo lánh và đầy khó khăn, hay là cứ bám ở trung tâm này chờ rút?...

Nhất là khi bóng đêm ập xuống thung lũng của Tổng đội hai Bà Trưng thì các đội viên tự vệ tập trung gấp đi làm nhiệm vụ, vì có 2 người ở Tổng đội Hoàn Kiếm bị Fulro phục kích bắn chết, 4 người đi chung nhóm chạy thoát….

Hôm nay, sau 36 năm, tôi dự trại sáng tác văn học của cuộc thi “Vì an ninh Tổ quốc, vì bình yên cuộc sống” đã được xuống huyện Lâm Hà đi thực tế. Chuyến đi tôi tưởng chẳng bao giờ có được nữa. Câu chuyện của cái huyện Lâm Hà “nào đó” sẽ là của những thế hệ nhà báo trẻ sau tôi.

Cái tên “Lâm Hà” được thành lập từ năm 1987, sáp nhập vùng kinh tế mới Lán Tranh, Nam Ban với 5 xã nữa của huyện Đức Trọng. Đâu rồi những Tổng đội ngày xưa tôi đã tới? Bây giờ ở đây họ đang phấn đấu đến 2015, GDP bình quân của họ là 2100 Đô la đầu người.Đất đai ngày xưa tôi nhìn tận mắt cảnh khai hoang, nay đã lên tới con số một huyện rộng tới 93.976.52 ha và dân đã lên tới 140 ngàn người.Ngồi nghe đại tá Kiều Văn Lân, nghe Chủ tịch, bí thư mới, cũ: Trần Thanh Phương, Phan Hữu Giảng, và quanh bàn là một “dàn” các đội trưởng nghiệp vụ giỏi giang của Công an Lâm Hà.

Làm sao tôi gặp lại lấy một người xưa? Chắc có gặp cũng không nhớ nổi. Cái thời xa ấy - mà theo báo cáo, Công an làm nòng cốt, thành lập lúc đó mới có 46 người? Bây giờ họ trẻ măng, có học, tới 90% trình độ đại học. Sỹ quan trẻ tên là Thái Anh tài giỏi luật lệ và phát hiện các thủ đoạn, giúp đỡ nông dân làm café không bị mắc các trò lừa đảo tinh vi trong thu mua nông sản thời kinh tế thị trường. Những người như Nguyễn Xuân Giang thế hệ 8x đã giữ trọng trách ở thị trấn… Đến chàng chiến sỹ lái xe chạy vù vù thông thạo ngõ ngách, tính tình vui vẻ- xe anh “chơi” nhạc đỏ rất có gu, bài “Trường ca Sông Lô” đưa chúng tôi về lại Lán Tranh.

Vì tranh thủ thời gian, các nhà văn chia nhiều tốp, các nhân vật điển hình có khá nhiều. Đoàn đi Nam Ban đông hơn, vì đó là trung tâm, nghe nói có thác đẹp, có nghề dệt và thành một thị trấn lớn. Chúng tôi xuống Lán Tranh, cũng chia ra: Nhà văn Võ Quang Sơn vào nhà gia đình anh chị Phùng văn Luyện, con cụ Phùng văn Thu, nay đang làm chủ một cơ sở sản xuất thu mua café xuất khẩu ở khu vực, làm ăn có hiệu quả kinh tế, được bà con tín nhiệm, còn chúng tôi, đi gặp một “người hùng” làm ăn giỏi cỡ đại gia mà ngày xưa có “Số má”. Nghe đã hấp dẫn dân viết lách.

Nhưng trước khi xuống đó, chúng tôi được dẫn vào nhà đại tá Phạm Minh Tư để nghe tình hình ở Tân An. Ông đã nghỉ hưu, đang bị bệnh nhưng cố ngồi tiếp các nhà văn. Vừa nghe mở đầu câu chuyện, (là một trong số người đầu tiên đi khai phá. Lúc đó ở Công an Hanoi, tháng 4-78 được phân công phụ trách trong này…) tôi đã giật mình. Người xưa đây rồi. Nhưng tất nhiên ông cũng chẳng nhớ ra tôi. Lúc đó ông còn là chàng trai ngoài 20. Câu chuyện của ông làm tôi nhớ lại những đoạn ghi chép trong nhật ký. Ông kể:

“Sân bay Liên Khương xuống thấy toàn rừng. Bảy anh em trong đoàn ngao ngán không muốn bước.Ở Nam Ban 3 tháng là … mù cả hai mắt vì bong thấu kính đáy mắt, trở ra Hà Nội điều trị 5 tháng. Khỏi thì lại quyết tâm vào vì trong đó còn các anh em đồng đội, hơn 1000 thanh niên Hà Nội đi tiền trạm trong này. Lúc đó còn Fulro, người đi làm phải có lực lượng công an và bảo vệ đi theo. Thời kỳ bao cấp đói khổ, mì độn cơm chứ không phải cơm độn mì.”

Tôi cố lục lọi trí nhớ nhớ khi ông kể, “hồi đó vừa làm Công an, vừa ở Ban chấp hành Đoàn toàn vùng. Mới là quản lý hành chính, chưa có chính quyền. Có hai anh chị tiền trạm đi đăng ký kết hôn phải lên tận Đức Trọng. Đi đường rừng nghỉ dưới gốc cây bị Fulro phục kích bắn chết.”

Đến đây tôi nhớ ra rồi. Nhật ký còn ghi đây: “..Đây là khu vực hoạt động của Fulro, đã có khuyến cáo không đi tắt đường ra chợ Thanh Bình, nhưng nhiều người cứ đi vì gần… Bọn mình biết, tình hình đã không sang sủa gì, nay thêm cái chết này càng rúng động. Đi tìm hoa rừng để cùng thân nhân họ làm tang lễ, mình thấy nhà cửa đồ đạc họ chẳng có gì. Có lẽ những người phải vào đi kinh tế mới thì thường ở quê nhà ngoài kia họ cũng nghèo sẵn rồi.”

Tôi hỏi ông Tư, hy vọng những gia đình của hai người bị bắn chết ấy nếu còn ai ở đây tôi sẽ ghé thăm để thấy tận mắt cuộc sống hôm nay. Nhưng ông Tư bảo, họ đã rời đi cả rồi.

Xin đại tá Phạm Minh Tư (thoạt đầu tưởng gọi “anh Tư”, như người Nam hay gọi theo thứ bậc) kể lại kỷ niệm sâu sắc nhất cuộc sống gần 40 năm vùng Kinh tế mới. Thật khó vì bao việc như dòng thác cuộc đời lao động xây dựng mảnh đất này, nay thành một huyện lớn, giàu có…

Anh Tư kể lại chuyện giải quyết tranh chấp đất đai: “dân hai bên bờ ruộng tay cầm cày cuốc dao búa xông vào đánh nhau. Lãnh đạo huyện giao cho Công an, quân sự và ban ngành xuống. Có người tính dung sức mạnh quân sự đàn áp vì thấy quá hỗn loạn mà lại không hiểu gì luật, giải thích khó. Tôi không chịu cách đó, phản ứng lại, người chỉ đạo. (Anh ký lệnh đi, À,, chống lệnh à. Không, nhưng tôi không thể đối xử với dân như vậy được…). Ở đây không có án lớn, nhưng cũng phen nguy hiểm tính mạng khi bắt tội phạm có vũ khí….

Rời nhà anh Tư, chúng tôi lại được anh chiến sỹ lái xe vui vẻ đưa vào một nông trại xanh um để gặp - anh Trần Văn Ngọ, người có một quá khứ phức tạp nay đã thành một người giỏi làm ăn, xây dựng gia đình hạnh phúc và tham gia tích cực công việc của địa phương.

Anh Ngọ trầm tĩnh, ít nói thành tựu gì. Cũng chẳng ngại kể sơ qua “lý do” của vét sẹo trên mặt,thời đi buôn bán gỗ lăn lộn kiếm sống hết Bình Dương Đồng Xoài, Tân Lập, lúc bị bắt, rồi được ông Hóa –trưởng Công an Huyện Lâm Hà can thiệp cho miếng đất làm nhà hiện nay đã phát triển thành trang trại, ngày mùa có lúc thuê tới 50 công nhân. Trồng café, nuôi cá và đang là hộ đầu tiên phát triển cây Măc ka nghe lạ tai nhưng là loại trái cây thực phâm cao cấp có giá tới 25 đô một ký hạt. Ít ai ngờ khu vườn xanh um vắng người qua lại này mà có những người Úc tìm về tận nơi tìm hiểu khả năng đầu tư…

Vậy là chàng trai con liệt sỹ, tuổi thơ vất vả, từng phải ngồi tù, nay thành một chủ trang trại dày dạn, sáng tạo trong việc làm giàu cho gia đình, cho quê mới, thành một nhân vật đẹp mà đất Lâm Hà này giới thiệu với khách.

Tạm biệt anh Ngọ, chúng tôi lấy vài quả Macka đem theo cho bạn bè biết một trái cây lạ và giá trị. Xe chạy qua đón nhà văn Võ quang Sơn chắc đang bận phỏng vấn nhà anh chị Phùng văn Luyện. Vậy mà bất ngờ, anh đang ngồi khề khà ở…quán café ven đường đợi xe chúng tôi. Sao nhanh thế? Không gặp được chủ nhà à ?Anh Sơn than thở: Gặp rồi, hỏi chuyện rồi. Nhưng …không có gì đặc biệt cả.Nhiều nhà xung quanh cũng vậy à…

Chúng tôi cười ầm. Trời ơi, phải viết đi, cái đó là đặc sắc. Vào tìm một điển hình, mà hóa ra …cả xóm họ hay họ giỏi như nhau. Cái giàu cái giỏi đã thành bình thường ở đất này. Viết thế đi… Chúng tôi thật vui, thật ồn ào trên chiếc xe lại vang “Trường ca sông Lô” theo gu của người chiến sỹ lái xe chơi nhạc đỏ.

Trời Dalat lạnh và lấm tấm mưa. Phố xá chả khác gì một đô thị nhỏ. Chỉ có chưa san sát cao tầng bịt bùng như nhiều thành phố thôi. Tôi không thể nào nhận ra dấu vết nơi hoang vu xưa kia, khi tôi hái những bong hoa rừng làm đám tang cho người đi thời kỳ mở đường khai hoang nghèo khổ mà gặp nạn.

Lâm Hà hoàn toàn có một cuộc đời khác rồi,. Con người vẫn là của nhiều vùng quê. Người dân tộc, người tại chỗ, người xứ Đoài, Nghệ Tĩnh, người Hanoi….Họ làm cho mảnh đất này đẹp hơn. Tôi chợt nhớ câu thơ của tác giả Lê Thanh Xuân, viết chính về Lâm Hà này “Hoang vu đã chết ngàn lần- Tinh khôi mới mẻ thành thân phố phường”. Sẽ làm ngạc nhiên ai đi xa trở về. Nói chi tôi đã xa nó 36 năm, một nửa đời người. Nhưng có lẽ hai câu này mới là đúng với tâm trạng vừa vui vừa thương nhớ của tôi: “Mới hay đất đã vàng mười - Mới hay người đã thành người khác xưa….”. 

Là nhà báo, tôi đã đi khắp nơi. Nhưng có lẽ sự xao xuyến nhớ nhung ngày khổ cũ mà chính tôi chứng kiến ấy, với một Lâm Hà giàu đẹp tương phản hôm nay khiến Lâm Hà đọng ở trong tôi còn lâu lắm…

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI
Tác giả gửi ngày 7-10-14
http://www.viet-studies.info/NTNgocHai_GapLaiNganHa.htm

1. Giới thiệu
Huyện Lâm Hà có ranh giới phía Bắc giáp huyện Đam Rông, phía Đông giáp thành phố Đà Lạt, phía Đông Nam giáp huyện Đức Trọng, phía Tây giáp huyện Di Linh, đều là các huyện thị của tỉnh Lâm Đồng. Toàn bộ ranh giới với huyện Di Linh là sông Da Dâng (tức sông Đồng Nai), chảy theo hướng Đông Nam-Tây Bắc. Tuy là một huyện mới nhưng cư dân bản địa có quá trình hình thành và phát triển lâu đời. Phần lớn đất đai của huyện Lâm Hà được tách ra từ huyện Đức Trọng, sáp nhập thêm 3 xã thuộc vùng tây bắc của huyện Lạc Dương. Vì vậy, tuy trung tâm huyện lỵ chỉ cách thành phố Đà Lạt 50km, nhưng huyện Lâm Hà có đến 1/2 diện tích thuộc vùng sâu, vùng xa, có nhiều khó khăn cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Sự ra đời của huyện Lâm Hà gắn liền với kết quả của sự nghiệp xây dựng các vùng kinh tế mới Hà Nội trên đất Lâm Đồng và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa của đồng bào dân tộc.

2. Vị trí địa lý

Diện tích tự nhiên Lâm Hà là 97.852,49 ha (978,52 km²).
Huyện Lâm Hà phía tây và bắc giáp tỉnh Đắc Lắc; đông giáp huyện Lạc Dương, thành phố Đà Lạt và huyện Đức Trọng; tây giáp huyện Di Linh.
Địa hình huyện Lâm Hà có dạng cao nguyên mấp mô, gợn sóng, bị chia cắt bởi nhiều sông suối, hồ đầm. Độ cao trung bình 1.000m so với mặt biển, cao nhất là dãy Hòn Nga có 4 ngọn cao trên 1.900m, trong đó đỉnh Hòn Nga cao 1.998m. Từ dãy Hòn Nga, địa hình thấp dần về 2 phía đông nam và tây bắc, thấp nhất là thôn Phi Có (xã Rô Men) có độ cao 497m.

Dân số 133.679 nhân khẩu, vào thời điểm điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh Lâm Đồng tháng 11 năm 2004, gồm các dân tộc thiểu số như: Kơ Ho, Cill, Mạ, Tày, Nùng, và phần lớn người Kinh là dân gốc Hà Nội và Hà Tây vào xây dựng vùng kinh tế mới sau khi thống nhất đất nước.
Nguồn nước tự nhiên rất phong phú do nhiều sông suối và trên 1.000ha hồ, đầm quanh năm có nước.
Sông Đa Dâng và sông Đa Nhim là 2 nhánh đầu nguồn của sông Đồng Nai đều chảy qua địa phận Lâm Hà. Các dòng suối Cam Ly, Đa Mê, Đa Sê Đăng, Đạ KNàng đều theo hướng bắc nam đổ vào sông Đa Dâng ở phía nam của huyện. Phía tây có sông Đạ Ra Măng, phía bắc có sông Krông Knô là ranh giới tự nhiên giữa Lâm Hà với huyện Dak Nông và huyện Lak của tỉnh Đắc Lắc. Cả hai sông này đều chảy sang Căm-pu-chia và đổ vào sông Mê Công. Lâm Hà có một số hồ và đầm như: hồ Ka Ni, Đạ Sa, Đạ Tông, Ri Hin, Bãi Công; các đầm Voi, đầm Đĩa,...
Nguồn nước dồi dào, địa hình dốc và có nhiều vùng bị chia cắt mạnh tạo cho huyện Lâm Hà có nhiều tiềm năng phát triển thuỷ điện. Nhiều thác nước đẹp và hùng vĩ là những cảnh quan du lịch rất hấp dẫn như: thác Voi ở Nam Ban, thác Liên Chi Nha ở Tân Thanh, thác Nếp ở Phúc Thọ, thác Bảy Tầng ở Phi Liêng v.v…

Đập thuỷ nông Đạ Đờng bảo đảm nước tưới cho 1.800ha lúa 2 vụ và hàng ngàn hecta vườn cây công nghiệp khác. Đập Cam Ly Thượng có thể bảo đảm nước tưới cho vùng cây công nghiệp của thị trấn Nam Ban và 3 xã trong khu vực này. Hệ thống mặt nước được phân bố đều khắp bảo đảm giữ ẩm, tăng mạch nước ngầm, điều hòa hệ sinh thái, giúp cho rừng và tập đoàn cây trồng khá phong phú của huyện Lâm Hà phát triển thuận lợi.
Nhiều diện tích ao hồ nuôi cá đạt hiệu quả kinh tế cao.

3. Lịch sử

Ngày 28 tháng 10 năm 1987, Hội đồng Bộ trưởng (tức là chính phủ) nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra quyết định thành lập huyện mới Lâm Hà, trên cơ sở sát nhập vùng kinh tế mới của Hà Nội ở Nam Ban, Lán Tranh thuộc huyện Đức Trọng với 5 xã khác của huyện Đức Trọng. Trước đó, từ năm 1976, Chính phủ Việt Nam đã tổ chức cho cán bộ và nhân dân ở các huyện ngoại thành Hà Nội và một số huyện của tỉnh Hà Tây ngày nay, vào xây dựng vùng kinh tế mới ở Nam Ban và Lán Tranh.

Sau nhiều lần điều chỉnh địa giới tỉnh Lâm Đồng của chính phủ, như lần điều chỉnh tháng 12 năm 2001: thành lập xã Nam Hà thuộc huyện Lâm Hà trên cơ sở tách từ thị trấn Nam Ban, và lần gần đây nhất là tháng 11 năm 2004: tách huyện mới Đam Rông từ huyện Lâm Hà và huyện Lạc Dương, Lâm Hà trở nên có vị trí địa lý và địa giới hành chính như hiện nay. Các tên Lâm Hà là ghép lại từ hai cái tên Lâm Đồng và Hà Nội, mà những người dân mới vào khai phá đất mới đặt cho nó để gắn kết hai vùng quê hương mới và cũ của họ.

4. Các xã trong huyện

Huyện Lâm Hà có 16 đơn vị hành chính trực thuộc gồm các xã: Tân Văn, Đạ Đờn, Phú Sơn, Phi Tô, Tân Hà, Liên Hà, Phúc Thọ, Hoài Đức, Đan Phượng, Tân Thanh, Nam Hà, Gia Lâm, Đông Thanh, Mê Linh và hai thị trấn: Đinh Văn, Nam Ban.


Rừng của huyện Lâm Hà chiếm 57,34% diện tích tự nhiên với 90.977,21ha. Độ che phủ của rừng còn lớn, trữ lượng gỗ đạt 7 triệu mét khối và 85 triệu cây tre nứa. Ngoài các loại gỗ thông dụng còn có nhiều loại gỗ quý hiếm như cẩm lai, trắc, gõ, sao, xá xị. Đặc biệt trong rừng còn có nhiều loại dược liệu tự nhiên và có khả năng trồng với diện tích lớn như: sâm Bố Chính, sâm cau, sâm chân rết, tam thất, sa nhân, đỗ trọng, canh ki na, quế v.v… Những điều kiện thuận lợi này cho phép thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án về lâm nghiệp, thực hiện khoanh nuôi, tu bổ, cải tạo và trồng rừng đạt hiệu quả. Từ năm 1991, bình quân mỗi năm, huyện Lâm Hà trồng thêm được 400ha rừng trên những khu vực đất trống, đồi trọc, đã thực hiện giao được 19.000ha (chiếm 25% diện tích rừng hiện có) cho đồng bào các dân tộc tại chỗ quản lý, chăm sóc, bảo vệ.
Từ những ngày đầu thành lập đến nay, kinh tế huyện Lâm Hà liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, xu thế ngày càng ổn định và vững chắc. Tuy mức tăng trưởng cao, nhưng dân số cũng tăng nhanh. Đến năm 1999 đã lên tới 124.540 người, gấp 2 lần so với khi thành lập huyện.

Là vùng đất mới khai hoang, tầng dầy canh tác lớn, độ phì cao, điều kiện khí hậu thuận lợi, sản xuất nông nghiệp thực sự là thế mạnh, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện. Hướng vào việc khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, khí hậu, giải phóng sức sản xuất, huy động mọi nguồn vốn, phát triển kinh tế nhiều thành phần, sản xuất nông nghiệp đã có bước phát triển toàn diện cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Diện tích canh tác năm 1987 mới đạt 10.050ha, đến năm 1997 đã lên 27.700ha, tăng gấp 2,39 lần. Tổng sản lượng lương thực qui thóc đạt 37.170 tấn, tăng 2,38 lần so với năm 1987, bình quân lương thực đạt 340 kg/người/năm, đạt mức cao so với các huyện ở vùng núi.
Lâm Hà có một số đặc sản nổi tiếng như: gạo thơm Tân Văn, nếp Tân Hà, chè Lán Tranh, chuối La Ba, cà phê Phú Sơn, rượu Cát Quế v.v…
Cây công nghiệp dài ngày phát triển nhanh, đã hình thành các vùng chuyên canh với sản lượng hàng hoá ngày càng lớn, tạo vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Diện tích cây công nghiệp năm 1987 mới có 2.240ha, đến năm 1999 đã lên 24.778ha, chủ yếu là cà phê, dâu tằm và chè.

Thực hiện đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái, toàn huyện đã trồng được trên 600ha quế và 150ha cây ăn quả có giá trị cao như nhãn lồng, vải thiều, sầu riêng, hàng chục hecta dược liệu theo mô hình nông lâm kết hợp.
Về công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, các hoạt động chủ yếu là: sản xuất vật liệu xây dựng, mộc gia dụng, sửa chữa cơ khí, xay xát chế biến nông sản,… Sản xuất đã tăng về quy mô và tốc độ. Năm 1991, toàn huyện có 170 cơ sở với 483 lao động; đến năm 1997 có 520 cơ sở sản xuất với 1.268 lao động.

6. Cơ sở hạ tầng

Về xây dựng cơ bản, với sự hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của nhân dân, đã đầu tư trên 40 tỷ đồng cho các công trình hạ thế điện, giao thông, thuỷ lợi, xây dựng trường học, bệnh viện, trạm xá, trụ sở làm việc,… Bộ mặt của thị trấn và các vùng nông thôn đã có sự thay đổi nhanh chóng.

Hệ thống lưới điện quốc gia đã về đến 7/17 xã, thị trấn trong huyện. Ngoài ra còn có 1.200 hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa lắp đặt được máy thuỷ điện nhỏ phục vụ thắp sáng và xay xát.
Sự phát triển và đi lên nhanh chóng của huyện Lâm Hà là kết quả của việc thực hiện thắng lợi chủ trương xây dựng các vùng kinh tế mới kết hợp với cuộc vận động định canh định cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc.

Huyện Lâm Hà có trục đường chiến lược chính là quốc lộ 27 nối với quốc lộ 20 ở ngã ba Liên Khương, chạy đến thành phố Buôn Ma Thuột, đoạn qua địa phận Lâm Hà dài 77 km. Đây là tuyến đường quan trọng nối với các xã vùng sâu, vùng xa ở phía bắc, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng này.

Tỉnh lộ 725 nối Lâm Hà với thành phố Đà Lạt có 29km đi qua địa phận Lâm Hà, được chia làm 2 đoạn: nối với quốc lộ 27 ở NThôn Hạ đi Tà Nung và nối với quốc lộ 27 ở Đinh Văn đi Tân Hà. Đây là tuyến đường nối liền trung tâm huyện với 2 vùng kinh tế quan trọng của huyện là Nam Ban và Lán Tranh.
Toàn huyện đã xây dựng được mạng lưới giao thông với tổng chiều dài 778km bảo đảm ô tô chạy đến được tất cả các xã.
Thông tin liên hệ:

Ủy ban Nhân dân huyện Lâm Hà
Chủ tịch: Trần Văn Tự
Phó Chủ tịch: Định Tấn Bái
Phó Chủ tịch: Nguyễn Đức Tài
Phòng Hành chính. Điện thoại: 063.3850329; Fax: 3850347

http://w3.lamdong.gov.vn/vi-VN/chinhquyen/bo-may-to-chuc/huyen-tp-tx/Pages/huyen-lam-ha.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét