"Khẩu mật phúc kiếm"
Trả lời một câu hỏi liên quan đến tình hình căng thẳng tại Biển Đông hiện nay, bà Phó Doanh, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trung Quốc tham dự diễn đàn Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 tại Xin-ga-po, nói: “Nhiều năm nay, Trung Quốc và các bên hữu quan kiên trì giải quyết tranh chấp bằng biện pháp thỏa hiệp hòa bình, trước khi giải quyết tranh chấp, nên tăng cường đối thoại, quản lý bất đồng, cùng duy trì ổn định và an ninh trên biển, đồng thời tích cực tìm kiếm con đường hợp tác cùng khai thác”.
Bà Phó Doanh, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại QH TQ
Trong cổ sử Trung Hoa, có chuyện Tể tướng Lý Lâm Phủ thời Đường Huyền Tông. Ông này có một biệt tài là khi tiếp xúc với mọi người thì luôn có một vẻ ngoài lộ vẻ hòa nhã dễ gần, miệng luôn nói những lời thiện ý, êm tai. Thế nhưng, trên thực tế thì đó là con người vô cùng gian hiểm, xảo quyệt, thường sử dụng những thủ đoạn để ám toán, mưu hại những ai mà ông ta thù ghét hoặc muốn tranh giành địa vị, lợi lộc.Chính nhờ cái “biệt tài” này mà Lý Lâm Phủ đã duy trì được địa vị tể tướng trong 19 năm.
Về sau, nhà sử học đời Tống của Trung Quốc là Tư Mã Quang, khi biên soạn bộ sử đồ sộ Tư trị thông giám, có đánh giá mẫu người Lý Lâm Phủ thuộc vào dạng “khẩu mật phúc kiếm”, dịch nghĩa là “miệng mật bụng kiếm”, nôm na là kiểu “miệng nam mô, bụng bồ dao găm”.
Trung Quốc ngang nhiên mang giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 vào hạ đặt trái phép trong vùng biển của Việt Nam, khi bị các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam xua đuổi thì khiêu khích, sử dụng vòi rồng tấn công, chủ động đâm va gây thiệt hại nhiều về người và của cho các tàu của Việt Nam. Thậm chí, tàu của Trung Quốc còn đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam.
Thế nhưng, trong các cuộc họp báo cũng như trên các diễn đàn trong nước và quốc tế, các đại diện của Trung Quốc, luôn lớn giọng tuyên bố về mong muốn giải quyết căng thẳng bằng các biện pháp hòa bình. Hơn thế nữa, như trong phát biểu của bà Phó Doanh ở Đối thoại Shangri-La 13, nếu tinh ý sẽ nhận thấy rằng, họ luôn gài một ý rất hiểm vào, ấy là “tranh chấp”, nhằm hy vọng gây nên ấn tượng với dư luận quốc tế rằng, vùng biển mà giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép nằm trong khu vực “đang tranh chấp”. Trong khi thực tế, đây là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Cái cung cách “khẩu mật phúc kiếm” này xưa như Trái đất rồi và không dễ che được mắt thiên hạ. Có chăng, nó chỉ làm cho nhà sử học Tư Mã Quang, nếu có sống lại, cũng phải vuốt râu cười: “Ha ha, ta đâu có ngờ một lời đánh giá của ta mà nghìn năm sau vẫn còn ứng nghiệm vào đám hậu bối!”.
GIANG MINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét