Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

(2) Giáo dục Việt Nam: cố sửa hay trở về gốc?

Giáo dục Việt Nam: Nên trở về gốc?
Lai Tran Mai: Đọc bài (1) Giáo dục Việt Nam: cố sửa hay trở về gốc?, tôi viết bình luận nhưng hơi dài nên tách ra thành bài riêng dưới đây.
Tôi là người gốc Hà Nội, chẳng mấy khi có dịp vào Nam ở lâu. Đợt ở lâu nhất tại Sài Gòn là từ tháng 4 đến tháng 9/1984 để học lớp quản lý kinh tế dành cho cán bộ cao cấp, học tại Học viện hành chính quốc gia (đường 3/2, quận 3); toàn bộ chương trình do chuyên gia Liên Xô dạy. Trước đó tôi học phổ thông và đại học ngoài Bắc. Nói thế để thấy tôi không hiểu gì nhiều về xã hội miền Nam, đồng thời nhận thức, kiến thức kinh tế đều học theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung.

Được đào tạo dưới mái trường XHCN ngoài Bắc, chẳng biết gì về giáo dục ở miền Nam và xã hội miền Nam, nhưng khi đi học và sau này đi làm, có hai chuyện làm tôi vô cùng ấn tượng về xã hội miền Nam trước 1975.

Ấn tượng sâu sắc thứ nhất là sách giáo khoa miền Nam trước giải phóng rất tuyệt, đặc biệt là sách toán. Những bộ sách giáo khoa toán, lý, hóa, sử, địa đều là thứ tôi mê mẩn. Vớ được chúng thì đọc mê mệt. Đối với sách giáo khoa lịch sử và địa lý, có khi một ngày đọc xong một cuốn. Đọc xong thì đầu óc vẫn lâng lâng mấy ngày vì sung sướng. Ngoài ra tôi còn thích đọc sách tham khảo là hồi ký của các tướng lĩnh, nhà chính trị trên khắp thế giới. Những năm đầu đất nước mới thống nhất, ngoài Bắc chỉ in hồi ký của mấy đồng chí lãnh đạo và tướng tá nổi tiếng của Việt Nam, Liên Xô và Tàu. Nhờ "giải phóng miền Nam", tôi mới được đọc các hồi ký của Winston Churchill, Franklin D. Roosevelt, Charles de Gaulle... và hiểu thêm về chiến chiến tranh thế giới thứ hai dưới góc nhìn của phương Tây.
 

Tôi không bao giờ quên bộ sách toán tú tài cực hay của nhóm giáo sư Trường Thi. Chúng hoàn toàn khác với sách toán ngoài Bắc, nhưng hay đến mức các giáo sư, nhà quản lý giáo dục ngoài bỏ qua định kiến là sản phẩm của chế độ "ngụy", nhanh chóng tiếp nhận, biên tập lại, sử dụng và dùng các bài toán ở đó làm đề thi hết phổ thông trung học (cấp 3) và thi vào đại học ngay trong 1-2 năm đầu thống nhất đất nước. Vào Sài Gòn, tôi đã lùng kiếm được mấy bộ. Sau này tôi đã tặng lại cho một số cán bộ của Bộ Giáo dục để họ có thông tin biên soạn các tài liệu và nhất là để họ dùng làm tài liệu luyện thi đại học (dạy thêm để kiếm tiền).

Trước đó tôi có đọc bộ 3 tập sách giáo khoa toán phổ thông của Pháp cực hay nhưng giờ không nhớ tên. Tôi đồ rằng bộ sách toán tú tài của nhóm giáo sư Trường Thi cũng được viết theo phong cách của bộ sách giáo khoa toán phổ thông của Pháp.


Cuối phổ thông trung học và sau này lên đại học, tôi rất thích bộ sách giải tích hiện đại 4 tập của Phich-ten-gon và bộ sách bài tập giải tích hiện đại 2 tập của Đề Mi No Vích, bộ sách giải tích hàm 3 tập của Kantorovich (các tác giả này đều là người Nga). Đó là vì thời đó (1976-1980) sách toán cao cấp của phương Tây không có ở Việt Nam. Còn tôi không có điều kiện tiếp xúc với sách toán cao cấp của chế độ Sài Gòn cũ.

Ấn tượng sâu sắc thứ hai xảy ra trong giai đoạn mới đi làm (1983-1986). Nhân có cơ hội được đọc các văn bản kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của chế độ Sài Gòn cũ thực hiện từ 1959 đến 1975, tôi cảm thấy như lọt vào thế giới khác, mới lạ, văn minh và rõ ràng hơn rất nhiều, so với thế giới kinh tế kế hoạch hóa tập trung mà tôi đã học và đang thực hiện hàng ngày ở ngoài Bắc lúc đó. Càng đọc chúng càng thích thú, càng say mê vì có tính khoa học và thực tiễn cao, nhưng không được phép sao chụp và truyền bá rộng rãi vì 
lúc đó chúng đều là tài liệu mật, cấm phổ biến (đến tận trước đổi mới 1986, những cuốn Niên giám thống kê và một số sổ tay thống kê vẫn được coi là tài liệu mật, tối mật hay tuyệt mật).

Sau đổi mới bắt đầu từ tháng 12 năm 1986, các báo cáo ngoài Bắc được viết hay hơn, mang tính thị trường hơn, nhưng tôi nghĩ đến nay chúng vẫn không hay và chưa cụ thể bằng những báo cáo của chế độ Sài Gòn cũ. Có lẽ vì chế độ Sài Gòn viết hoàn toàn theo cơ chế kinh tế thị trường và trong bối cảnh một xã hội dân chủ lấy phát triển xã hội trên căn bản dân tộc, khoa học và nhân bản làm trọng tâm, thay vì chỉ nhăm nhăm tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá như chính phủ Hà Nội trong suốt nhiều thập kỷ qua. 


Giờ đọc bài "Giáo dục VN: cố sửa hay trở về gốc", tôi rất tâm đắc với Điều 11.1 Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa 1967: “Văn hóa giáo dục phải được đặt vào hàng quốc sách trên căn bản dân tộc, khoa học và nhân bản”. Đó cũng là nền văn hóa giáo dục hướng tới đào tạo những con người biết suy nghĩ độc lập và có khả năng cần thiết để có thể tham gia vào sinh họat xã hội với tư cách là một con người tự do và tự lập.

Nội dung "dân tộc, khoa học và nhân bản” trong giáo dục được tác giả Nguyễn Quang Duy viết trong bài, bạn đọc có thể tham khảo thêm.


Không những vậy, tôi rất mong ngay cả những chương trình, những kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng nên được chuẩn bị, viết theo tinh thần "dân tộc, khoa học và nhân bản”, nếu không bằng các nước công nghiệp phát triển thì ít ra cũng bằng chế độ Sài Gòn đã làm.

Những chương trình, những kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cả từng vùng miền, từng địa phương phải lấy lợi ích của dân tộc làm mục tiêu tối thượng, phải dựa trên các luận cứ khoa học và phải thực sự là của dân, do dân và vì dân.

Tôi hết sức tán thành những nội dung khác viết trong bài trên, ví dụ:

“Tiêu chuẩn giảng dạy mới cho từng lớp được đặt ra với mục đích tối hậu là đào tạo được một lớp trẻ có khả năng suy luận sắc bén, nắm vững được các khái niệm tổng quát, biết cách diễn đạt và giải thích quyết định hay lựa chọn của mình, vì đây là vốn liếng cần có để chuẩn bị cho đại học, hay trở thành một nhân viên giàu khả năng.”

“Sự thay đổi này đòi hỏi từ giờ sẽ không còn dạy học sinh những điều phải học thuộc lòng, học sinh sẽ không được chỉ hiểu qua loa một vấn đề, một bài học, mà phải hiểu một cách thấu đáo, và áp dụng những khái niệm mình đang học vào đời sống thực tiễn.”

“Phải dạy các học sinh cách biết nhận định, phân tích, tạo ra giả thuyết, và tự mình kiểm chứng những giả thuyết đó. Các em sẽ được đào tạo để suy nghĩ như một nhà toán học thay vì chỉ biết làm toán, để phát triển nhận thức nhạy bén nhằm phân tích những vấn đề mà sẽ phải đối diện trong thế kỷ 21.”

"Từ kết quả của nền giáo dục miền Nam và trong tình trạng khủng hoảng xã hội hiện nay, Việt Nam cần quay lại với triết lý giáo dục lấy dân tộc, khai phóng và nhân bản làm căn bản, để từng bước thoát khỏi khủng hoảng, đưa đất nước đi lên hòa nhập cùng văn minh nhân loại".

Rất mong các nhà giáo dục đang xây dựng chính sách cải cách giáo dục ở Việt Nam hiện nay làm gì cũng nghĩ trước tiên đến lợi ích lâu dài của đất nước, của dân tộc và của các thế hệ con cháu chúng ta; đừng vì tiền, vì sợ ai đó không hài lòng... mà đánh mất đạo đức tôn nghiêm của nghề giáo.

Tương tự, các nhà lãnh đạo, nhà kinh tế, nhà quản lý khi xây dựng những chương trình, những kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng phải xuất phát từ những căn bản này.

Mong lắm thay.

2 nhận xét:

  1. Mong lãnh đạo xứ mình có tí đầu óc tiếp thu như bác Lai. Đừng cho rằng cái gì của chế độ cũ cũng xấu mà càng ngày con cháu chúng ta học hành như con robot thì khổ lắm.

    Trả lờiXóa
  2. Dong y voi ban Nhut Le.

    Trả lờiXóa