Châu Âu đừng mong “thoát khỏi tay” Nga
Bề ngoài, EU vẫn lớn tiếng tuyên bố sẽ cắt giảm lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga để “gây sức ép với Putin” trong vấn đề Ukraine. Nhưng thực tế thì ngược lại, sự lệ thuộc của EU vào Gazprom sẽ ngày càng lớn.
EU vẫn cảm nhận được sự nguy hiểm khi phải lệ thuộc
vào nguồn cung khí đốt từ Nga. (Ảnh minh họa)
Có một sự thật là EU vẫn cảm nhận được sự nguy hiểm khi phải lệ thuộc quá lớn vào nguồn cung khí đốt từ Nga từ trước khi vấn đề Crimea và Ukraine phát sinh. Bằng nhiều cách khác nhau, EU vẫn luôn cố gắng để giảm thiểu sự sự phụ thuộc này. Theo Pascale Jean - chuyên gia về khí đốt của PriceWaterhouseCooper, Pascale Jean nói Châu Âu đã giảm được một phần sự lệ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga, mặc dù công ty Gazprom vẫn là nhà cung cấp chính cho EU.
Cơ quan thống kê Eurostat của Liên minh Châu Âu cho biết, sự cố gắng đa dạng hóa nguồn nhập khẩu khí đốt của EU đã có hiệu quả: nhập khẩu khí đốt từ Nga đã giảm từ 45,1% xuống 31,9% trên tổng lượng khí đốt nhập khẩu trong vòng một thập kỷ qua (tính tới năm 2012).
Trong khi đó, tập đoàn dầu khí Nga Gazprom đã không giấu diếm ý đồ buộc EU phải tiếp tục lệ thuộc nhiều hơn nữa vào họ bằng việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt ở Đức và đang xây dựng đường ống thứ 2 ở phía nam EU.
Cùng với "đòn tấn công" của Gazprom, các nhà phân tích có lý do để khẳng định rằng trong tương lai, EU khó lòng cưỡng lại sức hấp dẫn của khí đốt Nga bởi một lý do khác nữa: Khả năng tự cung cấp khí đốt của EU hiện tại chỉ đảm bảo 1/3 lượng tiêu dùng của cả khối, và nguồn cung này sẽ giảm khoảng 20% vào năm 2020 và 30% vào năm 2030.
Chuyên gia năng lượng Tim Boersna và Viện Brookings tại Whashington, Mỹ cho rằng “Cho dù EU muốn hay không, thì dự báo trên cho thấy mức độ sử dụng khí đốt từ Nga sẽ tăng hơn nữa trong những năm tới”.
Sản lượng khí đốt Biển Bắc của Anh đã bắt đầu sụt giảm và dự đoán tình trạng sụt giảm tương tự xảy ra đối với Hà Lan, cũng như với các nguồn cung khác cho EU như Algeria. Boersna cho rằng thị trường khí đốt sẽ quyết định việc EU muốn hay không sẽ vẫn phải sử dụng khí đốt từ Nga để bù đắp cho lượng thiếu hụt từ các nguồn cung ứng kia.
Biếm họa thể hiện sự chi phối mạnh mẽ của Nga
đối với toàn bộ thị trường khí đốt châu Âu.
Có những nguyên nhân khách quan khác cũng ảnh hưởng khá mạnh đến thị trường khí đốt Châu Âu và những nỗ lực đa dạng nguồn cung của họ nhằm giảm sự lệ thuộc vào Nga. Ví dụ như thảm họa nhà máy điện nguyên tử Fukushima tại Nhật Bản.
Việc Nhật Bản đóng tất cả các lò phản ứng hạt nhân của mình đã làm nhu cầu khí đốt ở Châu Á tăng cao, nhất là nguồn khí đốt hóa lỏng (LNG). Điều này đã thu hút sự chú ý của các nhà sản xuất khí đốt ở Trung Đông, đặc biệt Qatar, lập tức “bỏ rơi” thị trường EU sang thị trường Châu Á bởi ở đó lượng cầu đang tăng trưởng nhanh và hấp dẫn hơn.
Trong khi vụ khủng bố nhà máy sản xuất khí đốt ở Algeria năm ngoái và tình trạng thường xuyên ngừng cung cấp trên hệ thống ống dẫn giữa Ý và Lybia đã làm suy giảm nguồn cung cho EU từ các nước Bắc Phi.
Viện Năng lượng Quốc tế nói trong báo cáo gần đây nhất về dự báo trung hạn cho thị trường năng lượng khí đốt “Sự thiếu hụt nghiêm trọng từ các nguồn cung ứng Bắc Phi và sự chậm xuất hiện nguồn khí đốt bù đắp từ Azerbajian đã làm giảm sự cạnh tranh giữa Nga với các nước xuất khẩu khí đốt lỏng khác”.
“Nga đã gặp may rất nhiều vì sự “khát” LNG ở châu Á đồng nghĩa với lượng lớn cung cấp LNG thêm sẽ được sử dụng ở Thái Bình Dương và chỉ còn một lượng nhỏ LNG có thể cung cấp cho EU”.
Việc xây dựng hệ thống đường ống dẫn “hàng lang phía Nam” quanh Nga là một sáng kiến của liên minh Châu Âu, và trong khi hệ thống đang được triển khai thì công ty Gazprom sẽ làm thất bại sáng kiến này của EU khi hệ thống đường ống dẫn “Dòng chảy phương Nam” của họ sẽ được khai thác trong năm tới.
Những hy vọng đa dạng nguồn cung ứng khí đốt đã làm EU ngày càng tăng việc chuyển hướng sang phía bên kia của Đại Tây Dương, nơi bùng nổ khí đá phiến đã biến Mỹ trở thành nước sản xuất số một thế giới về loại khí này.
Rất nhiều nước Châu Âu đã không cho phép khai thác và sản xuất khí đốt đá phiến vì lý do môi trường đối với các kỹ thuật xử lý chất thải từ quá trình khai thác, cũng như tính hiệu quả kinh tế của các khoản vay nhằm triển khai dự án khai thác khí đá phiến.
Nhưng khí đốt đá phiến của Mỹ vẫn chỉ là “cái bánh vẽ” xa vời bởi đến nay mới chỉ có một nhà máy đang được xây dựng còn 4 kế hoạch khác đang trong tình trạng… chờ cấp phép.
Will Pearson, nhà phân tích Á-Âu, nói: “LNG của Mỹ được thiết lập để trở thành nhà cung cấp khí đốt hàng đầu Thế giới trong thời điểm khủng hoảng khí đốt hiện nay và đặc biệt hữu ích cho các nước nhập khẩu LNG ở Châu Âu. Nhưng các nguồn cung cấp LNG đã phiến đầu tiên của Mỹ sẽ không thể cung cấp sớm trước năm 2016”.
Tuy nhiên, vẫn còn một bài toán mà cả EU và Mỹ đều chưa thể giải được về mặt hiệu quả kinh tế là khi vận chuyển đến châu Âu để sử dụng cho các máy phát điện thì giá than vẫn rẻ hơn so với khí đốt.
Liệu đến lúc đó, EU có còn đủ “dũng cảm” để móc hầu bao, nhập khẩu khí đốt giá cao của Mỹ và đoạn tuyệt nguồn cung đồi dào, giá rẻ của Nga không?
Không một chuyên gia nào dám chắc về phương án này hay nói cách khác, EU khó có thể thoát khỏi những cái vòi bạch tuộc của Gazprom.
Lương Minh
http://infonet.vn/chau-au-dung-mong-thoat-khoi-tay-nga-post124184.info
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét