Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

Quan tài độc của già làng, đại gia không mua nổi

Quan tài độc của già làng, đại gia không mua nổi
- Chiếc quan tài bằng gỗ nguyên khối, hai đầu chạm trổ đầu voi và đầu trâu, bên hông chạm nổi hai con rồng... Vì độc đáo, cầu kỳ nên mất cả năm trời, già làng Y Kông (Tống Cói, xã Ba, Đông Giang, Quảng Nam) mới đóng xong.
Chiếc quan tài “độc” và “lạ” của ông Y Kông 
đặt ngay trong phòng khách của nhà ông
Lão già làng Y Kông không giàu có, nhưng đời sống tinh thần của ông lại thuộc vào dạng “giàu có” nhất miền sơn cước này.
Chính ông là bảo tàng sống về văn hóa Cơ Tu, người đã sưu tầm và chế tác các loại nhạc cụ truyền thống bị mai một qua thời gian. Ông cũng làm sống lại một phần của nền văn hóa Cơ Tu rực rỡ nơi miền rừng Trường Sơn.

Trải qua nhiều chức vụ lãnh đạo ở huyện Hiên (cũ) nay là huyện Đông Giang, Quảng Nam, lão già làng Y Kông về hưu năm 2002 sau hơn 50 năm đi theo cách mạng.

Trở về làng, lão già làng Y Kông tập trung thời gian sưu tầm, phục chế các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Cơ Tu từng bị mai một do chiến tranh.

Giờ bước sang tuổi 85, ông vẫn rất minh mẫn mặc dù không được khỏe.

Khi thấy mình tuổi cao sức yếu, ông bắt đầu chuẩn bị cho mình cỗ quan tài riêng. Để đóng nó, ông bỏ nhiều tháng trời lên rừng Mà Cooi tìm cây gỗ dổi to nhất. Khi tìm được cây “ưng cái bụng rồi”, ông về làng làm đơn xin chặt cây để chuẩn bị đóng.


Tự tay ông bắt đầu đóng quan tài cho mình. Hơn 1 năm một mình đục đẽo, chạm trổ chiếc quan tài này mới xong.
Ông kể: “Làm đơn gửi các cơ quan chức năng, từ xã đến huyện, nhưng chẳng ai dám ký cho mình chặt cây. Vì từ xưa đến nay, chưa ai làm đơn như vậy. Nhưng mấy cán bộ ở xã và huyện biết cái bụng mình nên họ đồng ý”.

Cây gỗ có đường kính 1,5m và chiều dài 3m, nặng hơn 6 tấn, không thể nào khiêng nổi. Từ nhà vào rừng lại mất hơn 1 ngày đi bộ. Ông phải nhờ đám trai tráng trong làng lên chặt giúp, dùng trâu kéo. Riêng hành trình đưa cây về nhà đã mất hơn 2 tháng trời.

Để đóng được chiếc quan tài bằng gỗ dổi nguyên khối này, lão già làng Y Kông bảo rằng không dễ chút nào. Mọi hoa tiết trang trí phải phác thảo trong đầu rồi già làngY Kông mới tiến hành đục đẽo, chạm trổ.

Lão già làng Y Kông kể về những họa tiết và chạm trổ trên quan tài của mình.

Hai đầu quan tài chạm đầu voi và đầu trâu. Bên hông chiếc quan tài là hình chạm nổi hai con rồng, mà như lời ông bảo, rồng có sức mạnh để bảo vệ.

Cả chiếc quan tài bằng gỗ nguyên khối. Nắp quan tài là một phần của khối gỗ được cưa dọc thân khối gỗ. Còn phần quan tài được đục rỗng ruột là nơi ông sẽ nằm xuống.

Ông giải thích, phía trước mình chạm trâu vì đây là con thú to nhất ở đồng bằng. Phía sau quan tài chạm voi, bởi voi là con thú to nhất trên rừng - hai con vật này tượng trưng cho sức mạnh, sự to lớn. Quan tài có hình chiếc thuyền vì đời người như con thuyền trôi mãi không bao giờ dừng lại, khi chết thuyền sẽ đưa linh hồn đi sang miền thế giới khác.

Chiếc quan tài trở thành tài sản vô giá, có tiền tỷ cũng không mua được. Ngay cả lãnh đạo UBND huyện Đông Giang cũng đã đề nghị ông chuyển chiếc quan tài “độc” cho huyện lưu giữ, nhưng ông lắc đầu từ chối.

Hôm tôi đến thăm, ông đưa vào nhà cho xem chiếc quan tài. Nó được đặt ngay ngắn trong phòng khách. Ông bảo, riêng cái nắp quan tài phải 4 thanh niên khỏe nhất làng mới nhấc nổi. Còn cả quan tài, nếu muốn nhấc lên cần đến 30 thanh niên khỏe mạnh.

Lão già làng Y Kông cho hay từ ngày đóng xong chiếc quan tài và sưu tầm nhiều nhạc cụ dân tộc Cơ Tu, căn nhà nhỏ của ông đã đón gần 200 đoàn khách từ 40 nước đến tham quan.


Rất nhiều khách nước ngoài đã đến tận nhà ông để được xem chiếc quan tài kỳ lạ và được nghe ông đàn bằng nhạc cụ dân tộc của người Cơ Tu.

Hồi còn khỏe, mỗi ngày ông đón từ 3-4 đoàn khách đi theo nhóm vài ba người, có nhóm 5-7 người. Họ đến đòi ở lại, đòi ông hát và đờn cho họ nghe, rồi nằng nặc đòi xem chiếc quan tài của ông.

“Mấy ông khách nước ngoài ai cũng muốn xem quan tài và đòi nghe kể chuyện đóng nó ra sao, đến mức lãnh đạo huyện đề nghị tui chuyển cái quan tài cho huyện giữ. Khi mô chết, huyện sẽ lo liệu mua cho cỗ quan tài to, đẹp hơn. Nhưng tui lắc đầu từ chối... ”, ông kể.

Vũ Trung

1 nhận xét: