Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

Tướng cướp ‘ngã ngựa’ và sự trả giá cuối đời

Lưu bài này vì thích đoạn: "Được chia bao nhiêu vàng không đếm xuể, luôn là người trực tiếp cầm súng và sẵn sàng nổ súng nhưng trước khi bị bắt, ngày ngày Kiệt vẫn đi lấy rau về cho vợ bán để mưu sinh. Lớp vỏ bọc giản dị, hiền lành, lầm lì ít nói của gã đàn ông ấy đã đánh lừa những người xung quanh, thậm chí là cả những người thân, những đứa con trong gia đình". Đọc rồi liên tưởng đến việc các bác đang bắt sâu, hay chuyện Bộ trưởng Thăng nói về Dương Chí Dũng: Các báo cáo kiểm tra, các biên bản kiểm điểm... đều cho thấy cán bộ ta toàn trong sạch cả, nên vẫn bổ nhiệm, vẫn thăng chức, chỉ đến khi dư luận tố cáo mới "bất ngờ" phát hiện hóa ra là sâu.
Tướng cướp ‘ngã ngựa’ và sự trả giá cuối đời
- Từng gây ra tội ác kinh hoàng khắp nhiều tỉnh thành, ra tay cướp bóc, giết người một cách tàn bạo nhưng sau khi “ngã ngựa”, với họ chẳng còn gì ngoài cái chết cận kề và những tia hi vọng mong manh. 3 án tử hình được Tòa phúc thẩm tuyên vào đầu tháng 10/2013 là cái giá phải trả của băng cướp này.

Huỳnh Văn Tiếm trên chiếc xe lăn
Tướng cướp “ngã ngựa”
Khoảng tháng 6/2011, đã bước qua tuổi 50 nhưng sau thời gian ăn chơi trác táng, Tiếm lại rơi vào cảnh khát tiền nên quyết định trở lại “nghề” cướp vàng.

Tiếm ra lệnh cho đàn em Nguyễn Văn Nhãn đưa mình lên TP.HCM tìm Kiệt. Thời gian này, Kiệt đang bận đưa con đi thi đại học nên từ chối với lý do đang bận việc gia đình, khi nào xong mới tính. Thiếu Kiệt như thiếu một cánh tay đắc lực, Tiếm và Nhãn đành về lại Tây Ninh.


Hai tháng sau, Tiếm đưa cho Nhãn 17 triệu đồng đến cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) mua 2 khẩu súng ngắn nhưng Nhãn chỉ mua được một khẩu súng K54 cùng 3 viên đạn, số còn lại nướng hết vào những trò trụy lạc. Có súng trong tay, theo chỉ đạo của Tiếm, Nhãn lại lên TP.HCM đem khẩu súng giao cho Kiệt với lời hẹn “sẽ cướp tiệm vàng ở TP.HCM”.

Sau khi Kiệt đưa con đi thi đại học trở về, Tiếm lại xuống TP.HCM gặp Kiệt giao “nhiệm vụ” theo dõi xem tiệm vàng nào ở TP.HCM có thể cướp được. Cả tháng sau, Kiệt bí mật theo dõi 2 tiệm vàng ở quận 4 là tiệm Đ.H. và tiệm K.H. rồi dẫn Tiếm, Nhãn đến xem. Do thấy chủ tiệm vàng để vàng tại tiệm không đem về nên Kiệt quyết định không tham gia. Sau đó, Tiếm lại quay về Tây Ninh.

Ngày 8/10/2011, Tiếm “nóng ruột” nên lại lên TP.HCM gặp Kiệt. Lần gặp mặt này, Kiệt cho biết phải có ít nhất 2 khẩu súng y mới tham gia cướp tiệm vàng. Tiếm đề nghị Kiệt giao lại khẩu súng trước đó, khẩu súng còn lại Tiếm sẽ lo.

Hôm ấy, tại quán cà phê Thu Hồng trên đường Lê Văn Lương (quận 7, TP.HCM), khi Kiệt đang giao khẩu súng K54 và 3 viên đạn cho Tiếm và Nhãn thì bị Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an theo dõi, phát hiện, bắt quả tang, thu giữ khẩu súng. Tướng cướp “ngã ngựa”, sau hơn một thập kỷ hoạt động, băng cướp xuyên thế kỷ của Tiếm từ đây tan rã.

Tháng 5/2013, TAND TP.HCM tuyên phạt Huỳnh Văn Tiếm, Lê Anh Kiệt, Nguyễn Văn Nhãn cùng mức án tử hình về các tội “giết người” và “cướp tài sản”, hai bị cáo còn lại cũng lãnh án từ 15 năm đến tù chung thân.

Đền tội cuối đời

Xử phúc thẩm (ngày 8/10), 3 bị cáo đều đơn kháng cáo xin tha tội chết. Tử tù Huỳnh Văn Tiếm lần này đến tòa trên chiếc xe lăn vì sức khỏe suy kiệt. Tử tù Nguyễn Văn Nhãn gương mặt già nua hốc hác do căn bệnh HIV giai đoạn cuối dày vò. Riêng Lê Anh Kiệt, gương mặt lầm lì, góc cạnh.

Trình bày lý do kháng cáo, Tiếm hết kêu oan lại quay sang xin giảm nhẹ hình phạt, xin được tha tội chết để sống tiếp những năm tháng cuối đời. Bị cáo Nhãn khúm núm van xin: “thưa tòa, bị cáo không cố ý giết người, hiện bị cáo đã bị HIV giai đoạn cuối, hi vọng sống chẳng được là bao nhưng bị cáo vẫn xin tòa cho bị cáo một con đường sống”. Riêng Kiệt, bị cáo thẳng thắn thừa nhận hành vi phạm tội nhưng xin được giảm án để có cơ hội trở về với gia đình, người thân.

Về số tài sản đã cướp được, ai cũng nghĩ với số tài sản cướp lên tới cả ngàn lượng vàng ắt hẳn cuộc sống gia đình những tên cướp sẽ giàu sang. Thế nhưng, người thân của các bị cáo đến tòa đều trong hoàn cảnh khó khăn. Những đồng tiền kiếm được bằng tội ác nhanh chóng đổ vào để cung phụng những mối tình chớp nhoáng, những bữa tiệc tùng bù khú thâu đêm…những tệ nạn chết người.

Lê Anh Kiệt (áo kẻ ngang) có vỏ bọc là 
người hiền lành, hàng ngày giúp vợ bỏ mối rau

Được chia bao nhiêu vàng không đếm xuể, luôn là người trực tiếp cầm súng và sẵn sàng nổ súng nhưng trước khi bị bắt, ngày ngày Kiệt vẫn đi lấy rau về cho vợ bán để mưu sinh. Lớp vỏ bọc giản dị, hiền lành, lầm lì ít nói của gã đàn ông ấy đã đánh lừa những người xung quanh, thậm chí là cả những người thân, những đứa con trong gia đình. Với người thân của họ, việc bị dẫm đạp lên lòng tin, dẫm đạp lên tình yêu thương và giờ đây đón nhận một bản án tử hình là nỗi đau quá lớn.

Nhận định hành vi phạm tội của các bị cáo đặc biệt nghiêm trọng, các bị cáo phạm tội đến cùng, sát hại đồng loại không hề thương tiếc cho thấy bản chất vô cùng hung hãn, độc ác, tham lam, xem thường pháp luật, không còn khả năng cải tạo nên Tòa bác đơn kháng cáo, giữ nguyên mức án tử hình với cả ba bị cáo. Trong thời hạn 7 ngày tính từ ngày tuyên án, các bị cáo được làm đơn xin ân giảm tha tội chết đến chủ tịch nước.

Phiên tòa kết thúc, tra tay vào còng, Huỳnh Văn Tiếm đang ngồi trên chiếc xe lăn được đẩy đi. Đến bậc tam cấp, bốn cảnh sát khom người, chiếc xe được nhấc lên, từng bậc, từng bậc. Gương mặt Tiếm nhăn lại, dáng ngồi xiêu vẹo. Kiệt và Nhãn lầm lũi theo sau.

Từng gây ra tội ác kinh hoàng khắp nhiều tỉnh thành, ra tay cướp bóc, giết người một cách tàn bạo nhưng sau khi “ngã ngựa”, nhìn bộ dạng ấy, chẳng ai nghĩ Tiếm, Kiệt là những tướng cướp ngang dọc một thời, từng gây ra biết bao tội ác. Tiền muôn bạc vạn đã hết từ lâu, chỉ còn lại bản án tử hình với những tháng ngày sống trong sợ hãi và tiếc nuối.

M.Phượng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét