Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

Nguyên lý ích kỉ của bọn tư bản

Bài này của bác Alan Phan nói chung là đúng, bọn tư bản bán hàng lịch sự hơn dân ta vì chúng đặt mục tiêu kiếm được tiền nhanh, nhiều nhất lên hàng đầu, lúc nào cũng chăm chăm như vậy. Từ đó chúng thiết kế các quy tắc bán hàng theo hướng làm khách hài lòng tối đa. Tuy nhiên, cũng phải nói đấy là tâm lý của những người chủ cửa hàng, siêu thị. Còn đối với nhân viên trực tiếp, rất nhiều kẻ bất lịch sự với khách hàng, sẵn sàng lừa bịp, nói dối khách hàng hoặc cãi nhau với khách hàng.
Đã nhiều lần tôi chứng kiến họ bảo khách hàng nếu không hài lòng với phục vụ ở đây thì đi chỗ khác mà mua. Các nhân viên khác đứng bên cũng đồng tình với nhân viên nói câu đó; họ còn cười đểu với khách hàng, nhất là khi khách hàng là người nghèo, người da đen, làm tôi rất phẫn nộ. Trường hợp trả lại áo như bác Alan đề cập trong bài, nhiều nhân viên bán hàng đưa ra lý do đã hết thời hạn được quyền trả lại (thực ra chưa hết thời hạn), hoặc áo hơi bị bụi bẩn (do đã để 1 tháng ở nhà), hoặc áo không còn nguyên đai nguyên kiện (bị tháo tem giá hàng chẳng hạn)... làm cho khách hàng nản, đành chấp nhận thua thiệt.
Ở Việt Nam, mua hàng ở một số cửa hàng tạp hóa tư nhân tôi hay bị lừa vì không biết giá và không biết mặc cả; mua về toàn bị người nhà chê đắt. Nhưng mua trong siêu thị, cửa hàng, cửa hiệu lớn hay kể cả trong chợ bình dân thì thấy họ bán rất nghiêm túc, nhân viên lịch sự, niềm nở với khách hàng. Do đó tôi nghĩ mỗi nơi có một quy tắc bán hàng riêng do điều kiện phát triển, do đặc điểm văn hóa...  nhưng ở đâu cũng có người tốt, người không tốt. Giá như ở ta cũng làm được như Tây là chỗ nào cũng có bảng giá công khai, kể cả ở chợ bình dân, thì sẽ tốt biết bao.
Nguyên lý ích kỉ của bọn tư bản
Alan Phan: Buổi sáng tôi đến môt cuộc hẹn hơi sớm nên ngồi trong lobby của khách sạn, nhấm nháp ly cappuccino, coi tin tức trên CBS Tivi. Một tin nhỏ chợt đánh thức suy nghĩ của tôi về hành xử của con người trong mọi hoàn cảnh.
Mẫu tin đó về phi trường Dallas-FtWorth tái cấu trúc lại khu vực kiểm soát an ninh để khách du lịch thoải mái vui vẻ hơn khi phải đi qua một nơi mà “họ ghét nhất” khi dùng máy bay.
Theo khảo sát, khách thường phải mất trung bình 24 phút để đứng xếp hàng, xét giấy tờ cá nhân, kiểm vé máy bay, qua các máy X-ray cho hành lý xách tay, cởi các bộ áo khoác ngoài, dây nịt, giầy dép… Nhân viên an ninh thì khó chịu, tọc mạch và quấy rầy…vì đây là nhiệm vụ của họ.

Giám đốc phi trường quyết định thay đổi tất cả, dù phương thức an ninh này gần như được áp dụng tại mọi phi trường khác của Mỹ. Ông gia tăng các điểm kiểm soát, thêm máy X-ray, cho đường truyền hành lý dài hơn, tạo nên các chỗ dưỡng chân khi khách bị xếp hàng lâu. Trên hết, ông tạo cho khu vực trở thành giống như lobby của khách sạn 5 sao; với màn hình TV chiếu các đoạn phim hài, có nhạc cổ điển nhấp nhô, và những bức tranh, chậu hoa tươi…như phòng trưng bầy triển lãm. Quan trọng nhất, thời gian qua trạm thâu ngắn còn trung bình 13 phút.

Khi phóng viên hỏi về động cơ cho những thay đổi, ông cười,” là vì business”. Sự thật rất đơn giản: phi trường sống nhờ doanh thu từ nhiều nguồn: các hãng máy bay thuê chỗ, các dịch vụ như taxi, bãi đậu xe, hãng thuê xe (car rentals), buýt nhỏ (shuttles)…Trên hết là các tiệm bán lẻ và các nhà hàng, quán ăn…tại các khu chờ. Ông nói phí cho vụ thay đổi có gia tăng phí điều hành chút đỉnh; nhưng ông lại thêm doanh thu từ tiền thuê chỗ (làm theo lối ăn chia). Lý do là vì khách du lịch có thêm 11 phút để mua sắm và khi họ thỏai mái thay vì bực bội, họ sắm sửa, ăn uống nhiều hơn.

Trái táo Newton rơi xuống đầu tôi: một khách hàng vui vẻ thỏa mãn là một khách hàng tốt. Bài học này các doanh nghiệp tư bản đã biết từ lâu và lối làm ăn của họ thể hiện nguyên lý này từ trong cốt lõi. Trừ vài doanh nhân tâm thần, một chủ tiệm nhỏ bé đến một chi nhánh của một tập đoàn đa quốc đều cố gắng làm thỏa mãn khách hàng về mọi mặt. Một người bạn mới từ Việt Nam qua đã tròn xoe đôi mắt ngạc nhiên khi tôi đem trả lại cho Nordstrom một chiếc jacket tôi mua hơn tháng trước. Nordstrom không hỏi một điều gì ngoài việc hoàn lại số tiền mặt trong vui vẻ. Khi chúng tôi đợi giấy biên nhận (khoảng 2 phút), một nhân viên khác ra mời chúng tôi ly cà phê.

Nếu tất cả các chánh trị gia, các quan chức cầm quyền trên thế giới hiểu được nguyên tắc ích kỷ này của bọn tư bản giẫy chết khi làm ăn mua bán… thì tôi chắc là cuộc đời của rất nhiều người, kể cả các quan chức, sẽ hạnh phúc hơn biết bao. Các ngài nên nhớ rằng khi coi người dân như khách hàng của mình và cố gắng làm họ vui vẻ, thỏa mãn và hạnh phúc thì họ sẽ là những công dân chí thú làm ăn, tiêu xài, đóng thuế …vì họ có quá nhiều thứ để mất khi không có một cửa hàng tốt như vậy.

Ngược lại, các ngài sẽ gây ra phiền não cho mọi người, kể cả sự lo âu thường trực cho mình và gia đình. Bỏ tiền OPM ra thuê bảo vệ công an… chỉ là một giải pháp tạm thời.

Alan Phan
(Blog Góc Nhìn Alan )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét