Đại tá Hồ Thanh Tự, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị
“Hài cốt liệt sĩ tìm bằng phương pháp ngoại cảm cần được giám định ADN”
QĐND - Cuối tháng 7-2013, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã diễn ra vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam phối hợp với ông Nguyễn Thanh Thúy (cậu Thủy) thực hiện theo phương pháp ngoại cảm. Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 1-8-2013 đã có bài viết phản ánh sự kiện này. Vừa qua, chương trình Trở về từ ký ức Đài Truyền hình Việt Nam, đã đưa ra nhiều thông tin chi tiết, cho thấy vụ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên có những dấu hiệu nghi ngờ, khiến dư luận quan tâm đặc biệt. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với Đại tá Hồ Thanh Tự, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị xung quanh sự kiện này:
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí Chỉ huy trưởng, đồng chí đánh giá như thế nào về việc tìm kiếm mộ liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trong những năm vừa qua?
Đại tá Hồ Thanh Tự: Tôi tham gia công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tại tỉnh Quảng Trị và nước bạn Lào từ năm 1992. Từ đó đến nay, tôi đã chứng kiến hàng trăm trường hợp người thân liệt sĩ đi tìm bằng phương pháp ngoại cảm, ""áp vong"", được cho là đã tìm thấy ""chính xác"" hài cốt liệt sĩ. Tuy nhiên, kinh nghiệm của tôi từ nhiều năm qua cho thấy, việc đặt niềm tin tuyệt đối vào phương pháp này là điều không nên!
PV: Xin đồng chí nói rõ hơn về điều này?
Đại tá Hồ Thanh Tự: Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị thường được người nhà, đồng đội của liệt sĩ đề nghị giúp đỡ, hỗ trợ về lực lượng, phương tiện và giải quyết các thủ tục hành chính khi gia đình tự tổ chức tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ trên địa bàn, trong đó có nhiều lần tìm kiếm bằng phương pháp ngoại cảm. Những người được cho có năng lực ngoại cảm có khi trực tiếp đến hiện trường tìm kiếm, chỉ dẫn việc đào tìm, nhưng chủ yếu họ hướng dẫn qua điện thoại. Và hầu hết, những lần tìm kiếm theo phương pháp này đều ""có kết quả"". Tôi đã nhận thấy, có khi đó chỉ là một vài di vật như cúc áo, bi-đông, dép cao su, khóa thắt lưng bộ đội và đất màu đen; có khi, đó là những mẩu xương, đoạn xương. Trên những di vật như bi-đông, dép cao su v.v.. thường được khắc đầy đủ hoặc chữ tắt tên, đơn vị, quê quán của liệt sĩ cần tìm; có trường hợp là những lọ pê-ni-xi-lin chứa mảnh giấy ghi rõ họ tên và các thông tin của liệt sĩ. Năm 2006, tại địa bàn huyện Hướng Hóa, cơ quan quân sự, công an đã phát hiện một vụ lừa đảo giả hài cốt liệt sĩ do ông Đ.V.B thực hiện. Dưới vỏ bọc ""nhà ngoại cảm"", ông Đ.V.B nhận giúp các gia đình ở các tỉnh ngoài Bắc tìm hài cốt liệt sĩ tại Hướng Hóa, chỉ vị trí đào tìm rồi lén lút bỏ xuống hố đào các mảnh xương nhỏ, vụn và các lọ pê-ni-xi-lin có chứa mảnh giấy ghi đúng tên liệt sĩ cần tìm. Cơ quan chức năng lập biên bản, khám xét hành lý cá nhân ông Đ.V.B còn phát hiện thêm nhiều lọ pê-ni-xi-lin tương tự... Vụ việc này sau đó đã được thông tin cụ thể trên Báo Quân đội nhân dân.
Tôi muốn nói thêm một điều, căn cứ thông tin mà các gia đình cung cấp khi tổ chức tìm hài cốt liệt sĩ ở một vị trí cụ thể trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, nhưng chúng tôi tra soát hồ sơ và thực tế tìm kiếm thường có các trường hợp xảy ra:
- Đơn vị của liệt sĩ cần tìm không tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên địa bàn Quảng Trị; mà thời điểm hy sinh ở cách Quảng Trị hàng trăm đến hàng nghìn ki-lô-mét.
- Liệt sĩ cần tìm có chiến đấu và hy sinh tại Quảng Trị nhưng theo hồ sơ lưu trữ, vị trí an táng, chôn cất không phải ở vị trí hiện đang đào tìm.
- Thông tin về liệt sĩ cần tìm hoàn toàn không có trong hồ sơ lưu trữ.
- Thông tin về vị trí an táng, chôn cất liệt sĩ do những ""nhà ngoại cảm"" đưa ra hoàn toàn khác với thông tin mà các đồng đội và người dân từng trực tiếp chứng kiến hoặc tham gia an táng, chôn cất liệt sĩ cung cấp và khẳng định.
Tất cả những thông tin trên, bao giờ chúng tôi cũng cung cấp đầy đủ cho các gia đình để có nhận định đúng đắn khi tự tổ chức tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.
PV: Các gia đình liệt sĩ đã xử lý những thông tin đó như thế nào, thưa đồng chí?
Đại tá Hồ Thanh Tự: Hầu hết, các gia đình chỉ coi các thông tin đó mang tính chất ""tham khảo"". Hầu hết họ đều tin và tiếp tục đào tìm dưới sự chỉ dẫn của các ""nhà ngoại cảm"".
PV: Và khi các gia đình đã tìm được hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm, quan điểm của Bộ CHQS tỉnh và cơ quan chức năng như thế nào?
Đại tá Hồ Thanh Tự: Với tất cả các trường hợp, chúng tôi đều tư vấn cho gia đình là nên mời cơ quan chức năng tiến hành lấy mẫu sinh phẩm tiến hành giám định ADN để bảo đảm chính xác là hài cốt liệt sĩ cần tìm. Tuy nhiên, từ năm 1992 cho đến nay, tôi chưa được biết có gia đình nào đưa mẫu vật đi giám định ADN, cũng như chưa được biết kết quả giám định ADN là chính xác hài cốt liệt sĩ cần tìm. Thường là các gia đình đề nghị Bộ CHQS, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh xác nhận đúng hài cốt liệt sĩ và đề nghị đưa vào an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ tại Quảng Trị hoặc đưa về quê nhà an táng.
PV: Ngày 25-7-2013, Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị đã thực hiện giám sát việc tìm kiếm và quy tập 9 hài cốt liệt sĩ tại xã Gio Mai, huyện Gio Linh do Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với ông Nguyễn Thanh Thúy (cậu Thủy) tiến hành. Qua giám sát, Bộ CHQS tỉnh đã phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ tính xác thực. Xin đồng chí cho biết những thông tin mới nhất về sự việc này?
Đại tá Hồ Thanh Tự: Căn cứ biên bản được lập tại hiện trường và đề nghị của Bộ CHQS, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị và đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội, 9 bộ "hài cốt liệt sĩ"" đã được chuyển vào an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, đồng thời, Viện Pháp y Quân đội đã tiến hành lấy mẫu sinh phẩm tiến hành giám định ADN. Đến nay, Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị chưa được thông báo kết quả. Tại thời điểm quy tập, trước nhiều dấu hiệu bất thường tại hiện trường quy tập, giữa các bên có sự tranh luận và đã đi đến thống nhất quan điểm là chờ kết quả giám định ADN. Lúc đó, dư luận trong cán bộ, chiến sĩ LLVT và nhân dân địa phương đều cho rằng đây là một vụ có dấu hiệu lừa đảo giả hài cốt liệt sĩ nhưng chúng tôi cho rằng, dù chỉ còn một phần nghìn hy vọng đó là hài cốt liệt sĩ, thì vẫn nên hy vọng, và kết quả giám định ADN sẽ cho biết sự thật. Nhân đây, tôi cũng đề nghị Viện Pháp y Quân đội và cơ quan chức năng sớm công bố kết quả giám định ADN để làm cơ sở giải quyết những công việc tiếp theo, đồng thời cho người dân hiểu rõ bản chất vụ việc.
PV: Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị có đề nghị như thế nào về việc quản lý, hướng dẫn và giúp đỡ người dân tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn theo phương pháp ngoại cảm trong thời gian tới?
Đại tá Hồ Thanh Tự: Chúng tôi có hai đề nghị: Một là, tất cả các vụ việc tìm hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm phải có sự giám sát hoặc trực tiếp tham gia của lực lượng chức năng của bộ CHQS, ngành lao động-thương binh và xã hội; việc tìm kiếm phải được tổ chức chặt chẽ, khoa học bảo đảm loại trừ đến mức thấp nhất các yếu tố bất thường; chính quyền các địa phương vùng chiến trường xưa cần siết chặt quản lý địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý những hành động can thiệp vào địa hình, địa vật, bố trí giả các dấu hiệu hài cốt và di vật liệt sĩ. Hai là, các cấp, ngành chức năng cần ban hành quy định cụ thể hài cốt liệt sĩ tìm thấy được theo phương pháp ngoại cảm phải được giám định ADN cho kết quả đúng mới công nhận; những trường hợp không đúng thì lưu trữ dữ liệu lâu dài phục vụ công tác xác minh sau này. Ngoài ra, cần tổ chức tuyên truyền, giải thích rõ ràng để thân nhân các liệt sĩ hiểu rõ vấn đề, xác định đúng phương pháp, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng tiếp tục tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn trong nước và ở nước ngoài.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
TRẦN HOÀI (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét